Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Ba chữ I khiến cho chính sách hỗ trợ người dân trong đại dịch thất bại.
Khi nhắc đến làn sóng người lao động nhập cư tháo chạy khỏi các thành phố ở khu vực Đông Nam Bộ những ngày qua, người ta thường xuyên nhắc đến việc “giải bài toán” thiếu hụt lao động của các nhà máy. [1] Đành rằng các rủi ro cho kinh tế vĩ mô là quan trọng, sẽ là hết sức thiếu sót nếu như chúng ta không nhắc đến những nguyên nhân khiến cho hàng trăm nghìn người bất chấp nguy hiểm để rời khỏi nơi giờ đây đã không còn là đất lành.
Hơn 100 nghìn người đã di tản chỉ trong vài ngày. [2] Nhiều người nói rằng mình “quá sợ rồi” và sẽ không quay lại nữa. [3] Họ bế theo con nhỏ, gom góp mọi thứ còn lại, vượt đèo Hải Vân trong mưa gió. [4] Họ chấp nhận đi bộ hàng trăm cây số. [5] Có nhiều người gặp tai nạn trên đường và chết trước khi về được nhà. [6]
Tình cảnh đó là minh chứng không thể rõ ràng hơn rằng chính sách hỗ trợ người lao động nhập cư thời gian qua đã thất bại. Bốn tháng mất việc, họ không đủ tiền trang trải cuộc sống, cũng chẳng còn niềm tin vào chính quyền. Trong khi nhà nước triển khai nhiều gói hỗ trợ và luôn khẳng định thông điệp hỗ trợ kịp thời, đảm bảo người dân đủ ăn, không ai thiếu đói v.v, sự thất bại này có thể được lý giải ra sao?
Trong cuốn sách “Poor Economics” (bản tiếng Việt có tựa đề “Hiểu nghèo thoát nghèo”), hai kinh tế gia Abhijit V. Banerjee và Esther Duflo sau nhiều năm nghiên cứu về cách cải thiện cuộc sống của người nghèo đã đúc rút ra những yếu tố khiến cho một chính sách hỗ trợ thất bại. [7]
Họ gọi đó là ba chữ I. Trong bản dịch tiếng Việt, dịch giả đã chuyển thành ba chữ T. Đó là:
Ideology – Tư tưởng cao vời
Ignorance – Thiếu hiểu biết
Inertia – Thói trì trệ
Nói một cách ngắn gọn, nếu chính sách được một cán bộ nào đó vẽ ra trên giấy, dựa trên một lý tưởng cao đẹp nhưng thiếu hiểu biết về tình hình thực tế, được thực thi thông qua một hệ thống quan liêu trì trệ, chính sách này sẽ đi đến thất bại.
Hai tác giả đưa ra một ví dụ về nỗ lực cải cách giáo dục tại Ấn Độ. Với quan điểm kêu gọi cha mẹ cùng tham gia, chương trình cải cách yêu cầu mỗi làng phải thành lập một ủy ban giáo dục để giúp điều hành trường học, cải thiện chất lượng giảng dạy và báo cáo khi có vấn đề. Ủy ban này có quyền đệ đơn xin quỹ để tăng cường giáo viên, cũng có thẩm quyền trong việc tuyển chọn hoặc sa thải giáo viên.
Trao quyền cho người dân là một lý tưởng tốt đẹp (ideology). Nhưng khi nhóm nghiên cứu của hai tác giả tiến hành khảo sát sau 5 năm thực hiện chương trình thì có 92% phụ huynh chưa từng nghe đến ủy ban này. Khi phỏng vấn những người trong danh sách thành viên, cứ bốn người thì có một không biết họ là thành viên. Những người làm chính sách không biết nhu cầu thực sự của người dân và cách mà làng xã vận hành (ignorance). Chương trình không được ai quan tâm đến trong nhiều năm, chỉ còn tồn tại trên giấy vì một cán bộ mẫn cán nào đó vẫn thường xuyên điền thông tin vào các bảng biểu (inertia).
Chính sách an sinh xã hội của Việt Nam trong đại dịch có bóng dáng của cả ba chữ I chết người này. Thứ nhất, rõ ràng chuyện không bỏ ai lại phía sau là một tư tưởng tốt đẹp (ideology), chuyện này không cần phải bàn thêm. Tuy nhiên, cách thiết kế các gói cứu trợ và đối tượng nhận hỗ trợ bộc lộ sự thiếu hiểu biết của người làm chính sách về đời sống người dân (ignorance).
Đơn cử, gói hỗ trợ 62.000 tỷ vào năm ngoái chỉ giải ngân được khoảng 22%, một phần lý do được cho là không thể xác minh được người dân nào là “thực sự khó khăn”. [8] Trong khi đại dịch bùng phát ảnh hưởng đến tất cả mọi người, các thủ tục xác minh phức tạp tạo rào cản cho những người lao động tự do ít giấy tờ chứng minh nhất.
Sự thiếu hiểu biết còn thể hiện trong thời gian người dân TP. HCM bị buộc phải ở trong nhà, không thể ra ngoài kể cả để mua lương thực. Các gói cứu trợ được quân đội mang đến trong lúc này phần lớn chỉ có gạo, mì gói, dầu ăn và gia vị. [9] Người ta có thể ăn uống như thế để sống trong một vài tuần, nhưng một gia đình có con nhỏ sẽ sống ra sao trong vòng 3-4 tháng trời với những thứ không có dinh dưỡng ấy? Thêm nữa, với mức hỗ trợ mà chính quyền đưa ra, ngay cả khi may mắn nhận được tiền hỗ trợ đầy đủ trong cả ba đợt, họ sẽ được khoảng 4 triệu. Số tiền này may ra chỉ đủ để trả tiền nhà trọ, không đảm bảo được miếng ăn, nói chi đến việc ăn uống sao cho đủ dinh dưỡng.
Chữ I thứ ba là Inertia – Thói trì trệ. Bộ máy hành chính trì trệ, quan liêu của Việt Nam không phải là chuyện gì mới mẻ. Trong những tình huống cấp bách như đại dịch, nó khiến cho nỗi thống khổ của người dân càng bị khoét sâu. Không thể đếm hết những lời phàn nàn của người dân về chuyện đã đăng ký với tổ trưởng, với phường rồi nhưng mãi chẳng thấy tiền hỗ trợ đâu. [10] “Lên tivi mà nhận” đã trở thành một câu tục ngữ của người dân trong đại dịch này.
Hai tác giả của “Poor Economics” cũng nhấn mạnh đến nguyên nhân dẫn đến tình trạng trì trệ, tắc trách, thậm chí là tham ô của công chức nhà nước, đặc biệt là ở những nước nghèo. Đó là họ “không được trả lương xứng đáng với công sức bỏ ra, không được quản lý chặt chẽ, cũng không có gì nhiều để mất nếu như chẳng may bị sa thải”.
Công chức điển hình trong trường hợp cứu trợ người dân tại TP. Hồ Chí Minh không ai khác hơn là các tổ trưởng tổ dân phố. Họ là người chịu trách nhiệm chính trong khâu logistic của việc phân phát tiền và hàng cứu trợ. Họ là người lo phát giấy hẹn tiêm vaccine cho người dân. Trong giai đoạn diễn ra chính sách đi chợ hộ, cũng chính họ là người phải nhận đơn hàng từ người dân để chuyển cho tổ chuyên trách. Vấn đề là phần lớn các tổ trưởng đều đã ở tuổi về hưu, không rành công nghệ nên mọi thứ đều phải viết tay, nhiều người còn mắc bệnh nền. Họ phải gánh khối lượng công việc lớn, lại kèm theo rủi ro nhiễm bệnh, trong khi mức hỗ trợ cho họ chỉ là vài trăm nghìn đồng/ tháng. Trăm dâu đổ đầu tổ trưởng, nhiều người bị áp lực muốn xin nghỉ việc mà không được vì không có ai thay thế. [11] Dễ hiểu vì sao có những nơi tổ trưởng chỉ làm việc cầm chừng, được nhà nào hay nhà đó. Trong một cơ chế như vậy, những người dân ở trọ thiếu thông tin, ít quan hệ với tổ trưởng chắc chắn sẽ là người thiệt thòi.
Tôi đã tận mắt chứng kiến những cuộc ẩu đả xảy ra ngay trước nhà tổ trưởng nơi mình sống vì người dân cho rằng ông này thiên vị, cũng đã nói chuyện với những người thuê trọ ở Sài Gòn vài năm nay mà không biết tổ trưởng tổ mình là ai, hay trụ sở khu phố nằm ở chỗ nào. Người dân nghèo ở đâu thì cũng như nhau, họ thiếu thông tin về hệ thống chính quyền. Và khi chính sách hỗ trợ họ được áp xuống bằng những niềm tin vô căn cứ rằng các cán bộ được trả lương thấp sẽ làm tròn trách nhiệm, kết quả nhìn thấy được là hàng chục nghìn lời kêu cứu ở khắp nơi trên mạng, hàng trăm nghìn người tháo chạy, hàng triệu người sẽ chẳng còn niềm tin vào những lời hứa trên tivi.
Chính sách thất bại là vì những lý do như thế. Nếu từ chối nhìn nhận những nguyên nhân này, tiếp tục huyễn hoặc rằng chính quyền làm tốt rồi, chẳng ai thiếu đói cả, thì cái giá phải trả sẽ còn lớn hơn nhiều so với chuyện các khu công nghiệp thiếu nhân công. [12]
Bài viết nằm trong chuyên mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần.
Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây. Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.
Chú thích:
1. Hà M. (2021b, October 1). Người dân ồ ạt về quê, TP.HCM giải bài toán thiếu lao động thế nào? ZingNews.vn. https://zingnews.vn/nguoi-dan-o-at-ve-que-tphcm-giai-bai-toan-thieu-lao-dong-the-nao-post1267831.html
2. VnExpress. (2021, October 18). Cuộc di cư hồi sức của hàng vạn lao động. vnexpress.net. https://vnexpress.net/cuoc-di-cu-hoi-suc-cua-hang-van-lao-dong-4370953.html
3. RFA Tiếng Việt. (2021, October 6). Công nhân về quê nói “quá sợ” và không có ý định quay lại làm việc #shorts. YouTube. https://www.youtube.com/watch?v=TJycULboOZc&feature=youtu.be
4. Hồ Giáp. (2021, October 6). Bữa ăn vội trên đỉnh đèo Hải Vân của đoàn người chạy xe máy về quê. Vietnamnet. https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/bua-an-voi-tren-dinh-deo-hai-van-cua-doan-nguoi-chay-xe-may-ve-que-780831.html
5. Người dân miền Tây rời TP.HCM, đi bộ hàng trăm cây số để về quê. (2021, October 4). VOV.VN. https://vov.vn/xa-hoi/tin-24h/nguoi-dan-mien-tay-roi-tphcm-di-bo-hang-tram-cay-so-de-ve-que-895563.vov
6. Thanh Đức. (2021, October 4). Hai mẹ con tử nạn khi từ Bình Dương về quê. ZingNews.vn. https://zingnews.vn/hai-me-con-tu-nan-khi-tu-binh-duong-ve-que-post1268503.html
7. Poor Economics: A Radical Rethinking of the Way to Fight Global Poverty: Banerjee, Abhijit V., Duflo, Esther: 9781610390934: Amazon.com: Books. (2012). Amazon. Retrieved 2021, from https://www.amazon.com/Poor-Economics-Radical-Rethinking-Poverty/dp/1610390938
8. VnExpress. (2021, July 1). Vì sao gói an sinh 62.000 tỷ giải ngân thấp? vnexpress.net. https://vnexpress.net/vi-sao-goi-an-sinh-62-000-ty-giai-ngan-thap-4302408.html
9. M.K. (2021, August 25). Các đơn vị quân đội tích cực hỗ trợ quận Gò Vấp phòng, chống dịch. Thành Ủy TPHCM. https://thanhuytphcm.vn/tin-tuc/cac-don-vi-quan-doi-tich-cuc-ho-tro-quan-go-vap-phong-chong-dich-1491883157
10. Nguyên, C. (2021, August 20). Người dân thiếu đói bị làm khó khi xin hỗ trợ của Nhà nước. Radio Free Asia. https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/hungry-people-struggling-to-find-help-from-government-08192021185957.html
11. Phan Anh(2021, September 17). Nhiều tổ trưởng dân phố xin nghỉ việc, dán bảng xin nghỉ việc trước nhà. https://nld.com.vn. https://nld.com.vn/thoi-su/nhieu-to-truong-dan-pho-xin-nghi-viec-dan-bang-xin-nghi-viec-truoc-nha-20210917163230198.htm
12. Quân M. (2021, October 18). Giám đốc Sở LĐTBXH TPHCM: Chưa có ai thiếu ăn, khốn khổ vì dịch. Tin tức mới nhất 24h - Đọc Báo Lao Động online - Laodong.vn. http://web.archive.org/web/20211019015329/https:/laodong.vn/xa-hoi/giam-doc-so-ldtbxh-tphcm-chua-co-ai-thieu-an-khon-kho-vi-dich-965030.ldo