Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Trong thang đo văn minh của thế giới, Việt Nam ở thứ hạng nào?
Ngày 10/10 hôm qua cùng lúc đánh dấu hai sự kiện vận động quan trọng của cộng đồng quốc tế.
Một là Ngày Sức khỏe Tinh thần Thế giới (World Mental Health Day), và hai là Ngày Thế giới Chống lại Án tử hình (World Day Against the Death Penalty). [1] [2]
Ngày Sức khỏe Tinh thần Thế giới xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1992, do Liên đoàn Sức khỏe Tinh thần Thế giới (World Federation for Mental Health) tổ chức.
Mục đích ban đầu của sự kiện là quảng bá tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe tinh thần, đồng thời giáo dục ý thức cộng đồng về các vấn đề có liên quan. Nó nhanh chóng thu hút sự chú ý và tham gia của nhiều tổ chức trên thế giới. Đến nay, đây đã trở thành một hoạt động thường niên ở nhiều nước.
Tại Việt Nam, trong các năm qua, ý thức về sự cần thiết của việc chăm sóc sức khỏe tinh thần đã tăng lên. Tuy nhiên, các thông tin và kiến thức về lĩnh vực này vẫn còn rất hạn chế. Trong bối cảnh dịch bệnh, chính sách chống dịch của chính quyền cũng không xem sức khỏe tinh thần của người dân là một ưu tiên cần coi trọng.
Nhu cầu chăm sóc sức khỏe tinh thần vì vậy có thể xem là một thứ xa xỉ đối với số đông người Việt Nam hiện nay.
Nếu chăm sóc sức khỏe tinh thần là một khái niệm xa xỉ, thì vận động đấu tranh cho quyền sống của những người bị tuyên án tử là một chuyện xa lạ với hầu hết người Việt Nam.
Trong khi lác đác mỗi năm vẫn có vài bài viết giới thiệu về Ngày Sức khỏe Tinh thần Thế giới, người đọc hầu như không thể tìm thấy thông tin gì trên các tờ báo trong nước về Ngày Thế giới Chống lại Án tử hình.
Ngày Thế giới Chống lại Án tử hình là sự kiện vận động của Liên đoàn Thế giới Chống lại Án tử hình (World Coalition Against the Death Penalty), một liên minh của hơn 160 tổ chức phi chính phủ, các hiệp hội luật sư và các chính quyền địa phương của nhiều nước. [3]
Ngày này được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2003, và ngày càng nhận được nhiều sự ủng hộ, theo xu hướng chung của các quốc gia trên thế giới tiến tới bãi bỏ hoàn toàn án tử hình. Năm 2007, Liên minh Châu Âu cũng đã ghi nhận ngày 10/10 đồng thời là Ngày Châu Âu Chống lại Án tử hình.
Những thông tin về sự kiện này nói riêng và các cuộc vận động chống lại án tử hình nói chung hầu như không được báo chí trong nước đề cập.
Đó không phải là điều ngạc nhiên, khi Việt Nam cho đến nay nằm trong số ít các quốc gia vẫn còn duy trì án tử hình. [4] Đáng nói hơn, cách đây không lâu, thông tin chi tiết về việc thi hành án tử hình vẫn còn được quan chức Việt Nam tuyên bố trước Liên Hiệp Quốc là “bí mật quốc gia”, không thể tiết lộ công khai. [5] Ngoài Việt Nam, Trung Quốc cũng là nước xem các số liệu về án tử hình là bí mật quốc gia, không cho công bố. [6]
Câu chuyện về án tử hình là một vấn đề gây tranh cãi ở nhiều nơi trên thế giới. Một trong những lý do phổ biến nhất để nhiều người vận động chống lại nó là nhằm tránh oan sai. Với những nước như Việt Nam, vấn đề oan sai lại càng nghiêm trọng.
Những vụ tử tù kêu oan nổi tiếng như Hàn Đức Long (may mắn được trả tự do) hay Hồ Duy Hải (bị giam cầm đến nay đã 14 năm) là những minh chứng cho thấy bất kỳ ai cũng có thể trở thành nạn nhân chết oan dưới con dao công lý bị bẻ cong ở các thể chế độc tài. [7] [8]
Nhiều năm qua, trong khi nhiều nơi trên thế giới tổ chức các sự kiện cho ngày 10/10, hoặc cổ súy cho việc chăm sóc sức khỏe tinh thần, hoặc vận động bãi bỏ án tử, hoặc cả hai, thì ở Việt Nam đây là một ngày không có ý nghĩa gì đặc biệt.
Điều này có thể sẽ thay đổi trong tương lai, nhưng vì một lý do không ai ngờ tới.
Hôm qua, 10/10/2021, dư luận trong nước rúng động với thông tin chính quyền Cà Mau tiêu hủy 15 con chó và một con mèo của một gia đình chạy nạn từ Long An về. [9]
Các thông tin cho đến nay đều cho thấy đây là quyết định tùy tiện và vô nhân đạo, không dựa trên bất kỳ cơ sở khoa học nào. Trước áp lực của dư luận, người đứng đầu chính quyền địa phương thừa nhận đây là cách hành xử “có hơi nóng vội”.
Đã có ý kiến cho rằng nên nhân sự kiện đau lòng này, dành ra ngày 10/10 hàng năm là ngày bảo vệ quyền động vật ở Việt Nam.
Người viết có thiển ý khác. Nếu có thể, hãy dành ra ngày 10/10 là Ngày Tự vấn.
Trong ngày đó, khi cả thế giới tiến hành các hoạt động để cổ vũ cho quyền được sống và nâng cao chất lượng sống, thì các quan chức chính quyền lại thực hiện một quyết định tương phản hoàn toàn với các giá trị văn minh mà thế giới theo đuổi.
Việc giết hại các con chó và mèo, những vật nuôi được nhiều người xem như người thân trong gia đình, chắc chắn gây ra những tổn hại tinh thần nghiêm trọng đến gia đình chủ nuôi. Nó khiến cả những người xa lạ, thậm chí những ai trước nay không ưa chó mèo, cũng phải thấy sốc.
Và trong câu chuyện này, dù đây là sự sống của những con vật bị tước đoạt, nhưng nó đại diện cho một bức tranh chung về sự sống bị xem thường, bị rẻ rúng của những con người trong hoàn cảnh không may mắn, đặc biệt trong khủng hoảng.
Dưới chính sách phong tỏa cực đoan, họ bị nhốt chặt một chỗ, cạn kiệt mọi nguồn lực, lâm vào cảnh khốn cùng, chất lượng cuộc sống ở mức tối thiểu cũng không còn được đảm bảo. Cảnh hàng chục nghìn người lao động nghèo cùng nhau tháo chạy khỏi các “nhà tù thành phố” để được về quê là một minh chứng không thể chối cãi của thảm họa chống dịch. [10]
Điểm sáng duy nhất từ các cuộc tháo chạy đau lòng này là lòng nhân ái ngập tràn khắp nơi, khi những người xa lạ sẵn sàng giúp đỡ nhau, và những người nghèo khổ đến cùng cực vẫn không bỏ rơi những con chó, con mèo của mình.
Cách hành xử của nhiều cán bộ chính quyền dập tắt hoàn toàn nhân tính đó.
Nơi không tiếp nhận người dân về quê, [11] nơi bắt buộc những người nghèo khổ này phải trả các chi phí xét nghiệm, cách ly, [12] và nơi thì sẵn sàng giết bỏ những con vật vô tội mà họ xem như người thân của mình.
Đó tất nhiên không chỉ là vấn đề của chính quyền địa phương.
Chính sách “chống dịch như chống giặc” cùng các quy định mơ hồ, kèm theo đó là thái độ vô trách nhiệm, đổ hết tội lỗi cho các địa phương là phong cách lãnh đạo nhất quán của chính quyền trung ương trong suốt khủng hoảng. [13]
Nếu cái chết tức tưởi của những con vật hiền lành, lương thiện đủ làm lay động nhiều người, ngày 10/10 nên được ghi dấu lại như một ngày kỷ niệm riêng của người Việt Nam.
Đó là ngày mà mỗi người Việt Nam có thể tự hỏi, trong nấc thang văn minh của thế giới, đất nước này còn đang kẹt ở bậc nào, và ai đang níu chân chúng ta ở dưới những bậc thang đó.
Chú thích
1. World Federation for Mental Health. (2020, April 6). World Mental Health Day History. https://wfmh.global/world-mental-health-day/
2. 19th World Day Against the Death Penalty. (2021, September 10). WCADP. https://worldcoalition.org/campagne/19th-world-day-against-the-death-penalty/
3. Presentation & History. (2021, September 10). WCADP. https://worldcoalition.org/who-we-are/presentation-history/
4. Al Jazeera. (2021, April 21). China, Middle East dominate 2020 list of top executioners: Report. Death Penalty News | Al Jazeera. https://www.aljazeera.com/news/2021/4/21/executions-death-penalties-continued-in-2020-amid-covid-report
5. Linh, T. H. (2019, February 18). Bộ Tư Pháp: Số liệu án tử hình là bí mật quốc gia. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2019/01/bo-tu-phap-so-lieu-an-tu-hinh-la-bi-mat-quoc-gia/
6. Amnesty International. (2021, October 11). Death penalty in 2019: Facts and figures. https://www.amnesty.org/en/latest/news/2020/04/death-penalty-in-2019-facts-and-figures/
7. Trai, N. N. (2017, January 10). LS Ngô Ngọc Trai: Hồi ký vụ án Hàn Đức Long – Kỳ 1. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2017/01/ls-ngo-ngoc-trai-hoi-ky-vu-an-han-duc-long-ky-1/
8. Long Vi, T. (2018, September 23). 9 điều cần biết về tử tù Hồ Duy Hải. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2017/12/9-dieu-can-biet-ve-tu-tu-ho-duy-hai/
9. VnExpress. (2021, October 10). Tiêu huỷ 15 con chó do “áp lực chống dịch.” vnexpress.net. https://web.archive.org/web/20211010145019/https://vnexpress.net/tieu-huy-15-con-cho-do-ap-luc-chong-dich-4369888.html
10. R. (2021, October 5). COVID-19: vì sao người lao động ngoại tỉnh tháo chạy khỏi TPHCM? Radio Free Asia. https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/covid-19-why-do-people-flee-hcmc-10052021132044.html
11. Dương, H. (2021, October 2). An Giang không tiếp nhận thêm công dân về quê tự phát. PLO. https://web.archive.org/web/20211002082347/https://plo.vn/thoi-su/an-giang-khong-tiep-nhan-them-cong-dan-ve-que-tu-phat-1019116.html
12. Bình B. L. L. (2021, October 6). Người về quê Tiền Giang chịu tất cả chi phí cách ly, xét nghiệm Covid-19. Báo Thanh Niên. https://web.archive.org/web/20211009073804/https://thanhnien.vn/nguoi-ve-que-tien-giang-chiu-tat-ca-chi-phi-cach-ly-xet-nghiem-covid-19-post1387475.html
13. Chính, Y. K. (2021, September 8). Phải chờ bao lâu nữa mới có “Dân hỏi – Thủ tướng trả lời”? Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2021/09/phai-cho-bao-lau-nua-moi-co-dan-hoi-thu-tuong-tra-loi/