Toàn cảnh pháp lý về quyền vật nuôi trong đại dịch COVID-19: Tài sản hay bạn đồng hành?

Các tiêu chuẩn quốc tế khi hành xử với vật nuôi và sự tùy tiện của chính quyền Việt Nam.

Toàn cảnh pháp lý về quyền vật nuôi trong đại dịch COVID-19: Tài sản hay bạn đồng hành?
Ảnh minh họa: Dreamstime.

Chính quyền của hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đã từng vấp phải chỉ trích từ dư luận trong cách đối xử của họ với vật nuôi, thú cưng (pet) nói riêng và động vật nói chung, giữa bối cảnh đại dịch COVID-19.

Mọi việc bắt đầu với cách làm của chính quyền Trung Quốc từ thời điểm dịch mới bùng phát. [1] Dù lúc đó không có bất kỳ thông tin khoa học gì về khả năng truyền nhiễm dịch bệnh từ vật nuôi sang người, chính quyền địa phương đã ban hành các bản lưu ý, thông báo về việc quản thúc thú cưng, tạo ra bầu không khí lo lắng nơi đây.

Nhiều vật nuôi bị bỏ rơi hay lạc chủ đã bị chính quyền bắt giữ, giết và tiêu hủy ngay lập tức. Cách ứng xử cùng hệ thống thông tin không rõ ràng đẩy nhiều chủ thú nuôi rơi vào hoảng loạn và tự tay giết người bạn bốn chân của mình. Câu chuyện mèo, chó bị vứt ra ngoài cửa sổ của các tòa nhà cao tầng nằm trong những mẩu chuyện đau lòng được chú ý nhất tại Trung Quốc trong khoảng thời gian dịch bùng phát.

Mới gần đây, việc ba con mèo bị chính quyền Trung Quốc cưỡng chế và giết hại cũng bị công chúng nước này phản đối kịch liệt. [2] Theo đó, chủ của ba con mèo dương tính với COVID-19 và phải đi điều trị. Cô đã chuẩn bị sẵn nước uống, lương thực cho ba con mèo cách ly trong căn hộ của mình. Tuy nhiên, sau khi các nhân viên xã hội đến dọn dẹp vệ sinh căn hộ, họ xét nghiệm và phát hiện cả ba con mèo đều dương tính với COVID-19, từ đó dẫn đến quyết định gây tranh cãi của chính quyền địa phương.

Nhưng không chỉ Trung Quốc mới rơi vào khủng hoảng nhân đạo đối với vật nuôi.

Một viên cảnh sát ở Vũ Hán bắt được một con chó hồi tháng 2/2020. Ông ta trao nó cho một tổ chức cứu trợ động vật. Ảnh: Furry Angels Haven.

Từ Đan Mạch đến Hoa Kỳ, các trang trại chồn nâu (mink - loài chồn có bộ lông quý sử dụng trong những trang phục đắt tiền) bị phát hiện có nguồn nhiễm COVID-19, với khả năng truyền bệnh sang người. [3] Dự định ban đầu của chính quyền Đan Mạch là giết toàn bộ 15 triệu con chồn nâu đang được nuôi tại quốc gia này không thể thực hiện được do vấp phải sự phản đối dữ dội của các nhóm bảo vệ quyền động vật. [4] Tuy nhiên, một số lượng lớn chồn nâu, có thể đến hàng triệu con, cũng đã bị tiêu hủy tính đến thời điểm này.

Tại Úc, vừa mới đây, chính quyền địa phương ra quyết định giết 15 con chó đang được nuôi tập trung tại một trung tâm thuộc bang New South Wales. [5] Chính quyền bang này biện minh rằng người có trách nhiệm chăm sóc và tìm chỗ ở mới cho những con chó này không thể tiếp tục công việc vì phải đi cách ly. Họ cũng ghi nhận thêm rằng một số con trở nên hung hăng do bị nuôi nhốt quá lâu mà không có người chăm sóc. Đáng ngại hơn, những con chó này bị bắn chết bằng súng. [6]

Giết thú cưng trong đại dịch COVID-19 dưới góc độ pháp lý: Được cho phép, nhưng...

Cho đến nay, hầu hết các thảo luận pháp lý trên thế giới đều đồng thuận rằng việc giết thú cưng để phục vụ mục tiêu phòng dịch không trái với các nguyên tắc pháp luật cơ bản của quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.

Ví dụ, các chuyên gia pháp luật Canada nhận định giết thú cưng vì bất kỳ lý do gì cũng không vi phạm quy định của pháp luật nước này. [7] Lý do chủ yếu là bởi vì nguyên tắc pháp lý khẳng định thú cưng là tài sản (chattel) thuộc sở hữu của người nuôi. Người sở hữu, vì vậy, có toàn quyền định đoạt đối với tài sản của mình, kể cả quyền từ bỏ và tiêu hủy.

Trong quy định của Việt Nam, Điều 12 của Nghị định 117/2020 về việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế ghi nhận rằng có thể phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng đối với hành vi “đưa ra khỏi vùng có dịch thuộc nhóm A những hàng hóa khác có khả năng lây truyền bệnh dịch”, và trao cho cơ quan chức năng thẩm quyền “quyết định buộc tiêu hủy động vật, thực vật và vật khác là trung gian truyền bệnh”. [8]

Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh rằng theo tiêu chuẩn quốc tế, việc tiêu hủy không được gây ra đau đớn cho vật nuôi.

Được ghi nhận với tên gọi “an tử nhân đạo” (humane euthanasia), hệ thống pháp luật ở nhiều quốc gia quy định rằng việc giết hại vật nuôi phải đảm bảo không gây ra những nỗi thống khổ không cần thiết cho chúng. Những hành vi như giết hại vật nuôi trước mặt những vật nuôi khác, giết hại vật nuôi bằng các biện pháp không gây ra cái chết nhanh chóng, ngay lập tức, v.v có thể cấu thành hành vi tàn độc với động vật nói chung (animal cruelty).

Đàn chó của ông Phạm Minh Hùng trên đường về Cà Mau hôm 8/10. Ảnh: VnExpress.

Vào năm 2019, Đạo luật Phòng chống Tra tấn và Tàn độc đối với Động vật (Preventing Animal Cruelty and Torture ACT - PACT) được chính phủ Hoa Kỳ thông qua. Theo đó, việc lan truyền các video ghi lại hành vi chà đạp, đốt, nhận chìm trong nước, xiên, làm ngạt thở hay các hành vi khác gây tổn thương cơ thể cho động vật với chủ đích thương mại sẽ bị xem là vi phạm pháp luật hình sự với án tù tối đa là bảy năm. Trước đó, việc ghi hình các trận đấu của động vật cho mục đích thương mại cũng đã bị nghiêm cấm. [9]

Nhìn chung, pháp luật các quốc gia, dù cho phép việc giết hại thú cưng, đều đặt ra câu hỏi liệu hành vi đó có tàn độc, hay gây ra đau đớn kéo dài cho vật nuôi hay không. Trong trường hợp của Trung Quốc, nơi nhiều nhóm nhân viên công quyền địa phương cầm gậy đập đến chết từng con chó hoang (bạn đọc cân nhắc trước khi xem), [10] chúng ta nhận ra rõ ràng giới hạn “giết” mà pháp luật nhiều quốc gia đặt ra là để làm gì. Trong trường hợp 15 con chó bị bắn chết tại Úc, chính quyền tiểu bang đã vào cuộc để xem xét liệu quyết định của địa phương có phù hợp với quy định phúc lợi động vật hiện hành hay không. [11]

Không chỉ vậy, từ góc độ khoa học, chúng ta đã xác định được rằng chó đương nhiên là loài động vật “trung gian truyền bệnh” hay chưa?

Quy định của Nghị định 117/2020 cho thấy việc tiêu hủy chỉ bắt buộc diễn ra nếu xác định được một cách chắc chắn loài động vật đó là trung gian truyền bệnh. Khả năng này, tuy vậy, đều không được WHO, CDC Hoa Kỳ hay Canada công nhận. [12] [13] [14]

Nhìn chung, dù được xem là tài sản, vật nuôi nói chung và thú cưng nói riêng chưa bao giờ được xếp vào nhóm đồ vật đơn thuần, bởi nhiều quy định đính kèm về cách đối xử với chúng.

***

Với vụ việc 15 con chó của hai vợ chồng đi về Cà Mau, thông tin cho thấy cả 15 con đều đã trải qua một số xét nghiệm và không con nào dương tính với COVID-19. Chỉ có một con bị cho là mắc virus, nhưng không được xác định rõ là loại virus gây bệnh gì. [15]

Chưa cần xem xét đến việc những con chó bị giết hại bằng cách nào, việc tiêu hủy tất cả bất chấp chúng có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 là một quyết định thô thiển, lười biếng về mặt quản lý và trốn tránh về mặt trách nhiệm.

Thực tế hiện nay cho thấy các nhà làm luật Việt Nam đã có những quan tâm nhất định tới quyền động vật, với Nghị định 14/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 1 đến 3 triệu đồng đối với hành vi đánh đập, hành hạ vật nuôi. [16] Nhưng các công cụ khác để kiểm soát quyền lực của cơ quan có thẩm quyền trong việc giết hại vật nuôi vô tội vạ dưới danh nghĩa “chống dịch” thì chưa có hoặc rất kém hiệu quả trên thực tế.

Về mặt luận lý và kỹ thuật lập pháp, quy định xử phạt hành chính đối với hành vi đánh đập, hành hạ vật nuôi nhưng lại cho phép toàn quyền giết hại thú nuôi đã được xác định không nhiễm COVID-19, và cho rằng việc đó đúng quy trình, thể hiện sự tùy tiện đã thành thói quen của hệ thống pháp luật Việt Nam.


Chú thích

1.  Shanghai, C. C. (2020, March 2). “They Are Overwhelmed.” China’s Animal Shelters Can’t Cope With the Number of Pets Abandoned Due to COVID-19. Time. https://time.com/5793363/china-coronavirus-covid19-abandoned-pets-wuhan/

2.  Rai, A. (2021, September 30). Experts slam Chinese authorities for killing Covid-positive pet cats. The Independent. https://www.independent.co.uk/asia/china/china-pet-cats-killed-covid-b1929763.html

3.  Samuel, S. (2020, November 13). Minks are transmitting Covid-19 to humans. Should the animals be killed? Vox. https://www.vox.com/future-perfect/21561066/covid-19-mink-mutation-denmark-cull

4.  CBS News. (2020, November 5). Denmark to kill 15 million mink amid “very serious” concern over links to human COVID cases. https://www.cbsnews.com/news/coronavirus-mink-denmark-to-cull-15-million-animals-concern-mutated-covid-infections-in-humans/

5.  Zhuang, Y. (2021, August 24). Local Government in Australia Kills Dogs Over Covid Fears. The New York Times. https://www.nytimes.com/2021/08/23/world/australia/covid-lockdown-dogs-killed.html

6.  Thompson, A. (2021, August 22). Rescue dogs shot dead by NSW council due to COVID-19 restrictions. The Sydney Morning Herald. https://www.smh.com.au/national/nsw/rescue-dogs-shot-dead-by-nsw-council-due-to-covid-19-restrictions-20210821-p58ksh.html

7.  Morrow, A. (2011, February 2). If dogs didn't suffer, cull was legal, experts say. The Globe and Mail. https://www.theglobeandmail.com/news/british-columbia/if-dogs-didnt-suffer-cull-was-legal-experts-say/article4263725/

8.  Nghị định 117/2020/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Thư Ký Luật. https://thukyluat.vn/vb/nghi-dinh-117-2020-nd-cp-xu-phat-vi-pham-hanh-chinh-trong-linh-vuc-y-te-6134f.html

9.  Knowles, H., & Mettler, K. (2019, November 26). Trump signs a sweeping federal ban on animal cruelty. Washington Post. https://www.washingtonpost.com/science/2019/11/25/most-animal-cruelty-isnt-federal-crime-that-changes-monday-when-bipartisan-bill-becomes-law/

10.  Thomson, B. (2020, February 24). Chinese officials continue to beat dogs to death in the name of fighting coronavirus. Mail Online. https://www.dailymail.co.uk/news/article-8024787/Chinese-officials-continue-beat-dogs-death-fighting-coronavirus.html

11.  Zhuang, Y. (2021b, August 24). Local Government in Australia Kills Dogs Over Covid Fears. The New York Times. https://www.nytimes.com/2021/08/23/world/australia/covid-lockdown-dogs-killed.html

12.  Can Pets Spread the COVID-19 Virus? (2020, April 16). Hartz. https://www.hartz.com/en-ca/can-pets-spread-the-covid-19-virus/

13.  COVID-19 and Your Health. (2020, February 11). Centers for Disease Control and Prevention. https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/daily-life-coping/animals.html

14.  Public Health Agency of Canada. (2021). Animals and COVID-19 - Canada.ca. Canada Government. https://www.canada.ca/en/public-health/services/diseases/2019-novel-coronavirus-infection/prevention-risks/animals-covid-19.html

15.  Ng T. V. D. N. L. (2021, October 10). Chủ nhân 15 con chó bị tiêu hủy ở Cà Mau: Tôi quá mệt mỏi! - Tin tức. Tin tức 24h. https://www.24h.com.vn/tin-tuc-trong-ngay/chu-nhan-15-con-cho-bi-tieu-huy-o-ca-mau-toi-qua-met-moi-c46a1296456.html

16.  Nghị định 14/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi. Thư Ký Luật. https://thukyluat.vn/vb/nghi-dinh-14-2021-nd-cp-quy-dinh-xu-phat-vi-pham-hanh-chinh-ve-chan-nuoi-71d9a.html

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.