Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1:
Các tổ chức tôn giáo nhỏ rất dễ bị chính quyền bắt nạt.
Trong lúc bạn đọc bài viết này, nhiều thành viên Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng đang bị công an điều tra về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người. Trong số những người bị triệu tập, có cả trẻ em. [1]
Cụ thể, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh đã khởi tố vụ án hình sự với cáo buộc hội thánh này “không chấp hành quy định về phòng chống dịch bệnh COVID-19 dẫn đến lây lan dịch bệnh cho nhiều người”. [2]
Nếu bị khép vào tội danh trên, các thành viên của hội thánh có thể phải đối diện với khung hình phạt tối đa từ 10 đến 12 năm tù, theo Điều 240, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017. [3]
Trong hai năm qua, chính quyền Việt Nam đã khởi tố rất nhiều trường hợp liên quan đến việc làm lây lan dịch bệnh. Mục đích của việc này là để cảnh cáo, chấn chỉnh ý thức của người dân về việc phòng, chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, vụ việc của Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng là một trường hợp rất khác.
Vào cuối tháng 5/2021, Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng đã nổi tiếng chỉ sau một đêm, khi chính quyền công bố các ca nhiễm COVID-19 ở tổ chức này.
Trước đó, không ai biết đến hội thánh nhỏ bé với một trụ sở sinh hoạt tôn giáo cho khoảng 60 người, thuộc dạng tổ chức tôn giáo nhỏ, chỉ được phép sinh hoạt tôn giáo tập trung. Đây cũng là lý do đầu tiên bạn nên quan tâm đến vụ việc này.
Không giống như nhiều nước khác, chính quyền Việt Nam phân chia các tổ chức tôn giáo theo quy mô hoạt động từ hẹp đến rộng, bao gồm: sinh hoạt tôn giáo tập trung, tổ chức được cấp chứng nhận hoạt động tôn giáo và tổ chức được công nhận là tổ chức tôn giáo với quy mô cả nước như Giáo hội Phật giáo Việt Nam. [4]
Các tổ chức tôn giáo nhỏ như hội thánh này thường xuyên chịu sự chèn ép và là nhóm dễ bị tổn thương nhất trong các tổ chức tôn giáo. Họ có rất ít thành viên, không có tiếng nói trước các cáo buộc của chính quyền và báo chí nhà nước. Hay nói ngắn gọn, họ rất dễ bị bắt nạt.
Phải mất đến bốn ngày sau khi chính quyền công bố chuỗi lây nhiễm tại Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng, một tờ báo mới đăng bài phỏng vấn một trong hai người quản nhiệm của hội thánh về việc lây nhiễm COVID-19. Đây cũng là bài báo duy nhất đưa chi tiết phản hồi từ hội thánh về các cáo buộc của chính quyền. [5]
Các hội thánh nhỏ rất khó thoát khỏi những cáo buộc của chính quyền. Nếu phản kháng thì họ có thể bị buộc thêm các tội khác, còn nếu im lặng thì có nghĩa là họ đồng ý với cáo buộc.
Ví dụ như vào năm 2013, những người H'mong theo giáo phái Dương Văn Mình bị công an địa phương trấn áp đến nỗi họ phải xuống Hà Nội kêu cứu. Thay vì đưa tin về việc kêu cứu của họ, báo An ninh Thủ đô cho là họ lôi kéo người dân chống chính sách nhà nước. [6]
Những tổ chức tôn giáo nhỏ như hội thánh thường không được công chúng chú ý. Không ai biết họ là ai và cũng không ai quan tâm nếu có chuyện gì nghiêm trọng xảy ra đối với họ.
Trong nhiều năm qua, những người Thượng theo đạo Tin Lành ở Tây Nguyên đã phải trốn chạy sang Thái Lan vì họ không chịu sinh hoạt tôn giáo theo sự sắp xếp của chính quyền. Nhiều người Thượng nói rằng đã họ bị tra tấn, xét xử bất công, bị công an đe dọa, săn lùng, v.v. [7]
Khi công an công bố thông tin khởi tố vụ án liên quan đến Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình và Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Chiến Thắng đã giải thích với công luận rằng việc khởi tố không nhằm vào một tôn giáo. Tuy nhiên, dù nhìn từ góc độ nào, việc này cũng đang nhắm vào một tổ chức tôn giáo nhỏ và đã không được báo chí nhà nước đưa tin một cách công bằng. [8]
Trước cáo buộc nặng nề của chính quyền, sự quan tâm của bạn có thể giúp cân bằng lại những yếu tố bất lợi đối với một tổ chức tôn giáo nhỏ như Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng.
Khoảng hai năm qua, các vụ khởi tố về lây lan dịch bệnh không còn dừng lại ở việc chấn chỉnh ý thức của người dân mà đã trở thành một nỗi sợ hãi cho bất kỳ tổ chức, hội nhóm nào có thành viên không may bị nhiễm bệnh.
Theo trả lời phỏng vấn của báo Dân Việt, bà Nguyễn Xuân Loan, quản nhiệm Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng, cho biết hội thánh đã sinh hoạt tôn giáo theo đúng số lượng người mà chính quyền quy định để phòng, chống dịch COVID-19. [9]
Một ngày sau khi công bố chuỗi lây nhiễm tại hội thánh, ông Nguyễn Duy Tân, Trưởng ban Ban Tôn giáo TP. HCM cũng khẳng định hội thánh tuân thủ quy định giãn cách trong sinh hoạt tôn giáo của thành phố. [10]
Tuy vậy, truyền thông và các cơ quan của chính quyền TP. HCM đã khiến công chúng bỏ qua những lời xác nhận này, tiếp tục khởi tố vụ án với quan điểm là hội thánh sinh hoạt tôn giáo trong lúc dịch bệnh phức tạp dẫn đến lây lan cho cộng đồng.
Ngay sau khi khởi tố vụ án làm lây lan dịch bệnh tại Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng, Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Tấn Bỉnh tuyên bố sẽ tầm soát 145 “điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung”. [11] Ban Tôn giáo Chính phủ ra thông báo người đứng đầu tổ chức tôn giáo sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu “không chấp hành các quy định phòng chống dịch bệnh COVID-19 làm phát sinh dịch bệnh tại cơ sở tôn giáo, lây nhiễm trong chức sắc, tín đồ các tôn giáo và trong cộng đồng”. [12]
Động thái trên của chính quyền không chỉ làm các tổ chức tôn giáo khác tự dè chừng các hoạt động tôn giáo của mình mà còn tác động tiêu cực đến các tổ chức, hội nhóm khác. Nó không dừng lại ở việc sinh hoạt tôn giáo mà còn mở rộng ra cho bất kỳ cuộc hội họp, gặp gỡ nào - vốn là một hoạt động thiết yếu của xã hội.
Đáng nói hơn, chính quyền đã không thừa nhận rằng trước khi chuỗi lây nhiễm tại Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng được phát hiện vào cuối tháng 5/2021, thành phố Hồ Chí Minh với hơn 13 triệu người đã có vô số các hoạt động, sự kiện tập trung đông người như dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, hay ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp 23/5. [13] Các sự kiện có thể góp phần làm lây lan dịch bệnh này đều không được chính quyền đề cập hay nhận trách nhiệm.
Việc chấp hành các quy định phòng, chống dịch COVID-19 là trách nhiệm của người dân và các tổ chức. Tuy nhiên, chính quyền cần phải thực sự rõ ràng với những quy định phòng chống dịch của mình và công bằng khi quy trách nhiệm cho những ai làm lây lan dịch bệnh.
Đại dịch COVID-19 là thách thức lớn đối với bất kỳ quốc gia nào. Cách một chính quyền ứng xử lúc này sẽ phơi bày năng lực của họ: tôn trọng hay xem thường ý kiến của người dân? Dám nhận trách nhiệm hay chỉ chăm chăm đi tìm nơi đổ lỗi để làm sạch bảng thành tích của mình?
Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho chúng tôi tại đây.
Chú thích
1. Cao Nguyên (2021b, October 18). Công an triệu tập trẻ em để điều tra vụ Hội thánh Truyền giáo Phục hưng. Radio Free Asia. https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/police-summons-children-to-ask-about-vn-revival-church-10162021090201.html
2. Công an Nhân dân. (2021, May 30). Khởi tố vụ án hình sự tại Hội thánh truyền giáo Phục Hưng. https://cand.com.vn/Ban-tin-113/Khoi-to-vu-an-hinh-su-ve-hoat-dong-cua-Hoi-Tin-Lanh-truyen-giao-Phuc-Hung-gay-lay-lan-dich-benh-i607378/
3. Quốc hội. (2015, November 27). Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi năm 2017. Thư Viện Pháp Luật. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Trach-nhiem-hinh-su/Bo-luat-hinh-su-2015-296661.aspx
4. Quốc hội. (2016, November 18). Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Luat-tin-nguong-ton-giao-2016-322934.aspx?tab=2
5. Dân Việt. (2021, May 31). Đại diện Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng lên tiếng: “Từ đáy lòng, chúng tôi thành thật xin lỗi!". https://web.archive.org/web/20210603055546/https://danviet.vn/dai-dien-hoi-thanh-truyen-giao-phuc-hung-len-tieng-tu-day-long-chung-toi-thanh-that-xin-loi-2021053116583805.htm
6. Luật Khoa. (2021, October 14). Ai đang nói dối bạn về đạo Dương Văn Mình: Bộ đội hay công an? https://www.luatkhoa.org/2021/10/ai-dang-noi-doi-ban-ve-dao-duong-van-minh-bo-doi-hay-cong-an/
7. Luật Khoa. (2019, September 1). Khi Tây Nguyên không còn là nhà. https://www.luatkhoa.org/2019/09/khi-tay-nguyen-khong-con-la-nha/
8. Luật Khoa. (2021a, June 3). Toàn cảnh truyền thông về Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng. https://www.luatkhoa.org/2021/06/toan-canh-truyen-thong-ve-hoi-thanh-truyen-giao-phuc-hung/
9. Xem [5]
10. Tuổi Trẻ. (2021d, May 27). “Hội thánh truyền giáo Phục Hưng” liên quan chuỗi COVID-19 mới hoạt động ra sao? https://web.archive.org/web/20210601084141/https://tuoitre.vn/hoi-thanh-truyen-giao-phuc-hung-lien-quan-chuoi-covid-19-moi-hoat-dong-ra-sao-20210527120529383.htm
11. Thanh Niên. (2021, June 2). TP.HCM lấy mẫu xét nghiệm tầm soát Covid-19 với 145 điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo. https://thanhnien.vn/tphcm-lay-mau-xet-nghiem-tam-soat-covid-19-voi-145-diem-nhom-sinh-hoat-ton-giao-post1074119.html
12. Ban Tôn giáo Chính phủ. (2021, June 4). Tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở tôn giáo trong tình hình mới. http://btgcp.gov.vn/tin-hoat-dong-cua-ban-ton-giao-chinh-phu/tang-cuong-thuc-hien-cac-bien-phap-phong-chong-dich-covid-19-tai-cac-co-so-ton-giao-trong-tinh-hinh-moi-postaqjovZmE.html
13. Zing News. (2019, September 17). 13 triệu dân ở TP.HCM, bao nhiêu người có nhà? https://zingnews.vn/13-trieu-dan-o-tphcm-bao-nhieu-nguoi-co-nha-post990951.html