‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Không có hiệu lực thi hành, nhưng giá trị pháp lý là không thể bàn cãi.
Nhóm Công tác về Giam giữ Tùy tiện của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vừa có quan điểm chính thức về vụ bắt giữ nhà báo Phạm Đoan Trang. [1] Để nắm được nội dung của văn bản này, bạn có thể đọc bài tổng hợp của Luật Khoa tại đây. [2]
Riêng với bài viết này, chúng ta cùng tìm hiểu chi tiết Nhóm Công tác về Giam giữ Tùy tiện (Working Group on Arbitrary Detention - WGAD, hay “Nhóm” trong bài viết này).
Nhóm này là ai? Các quan điểm của họ có thẩm quyền cũng như giá trị đến đâu? Trả lời được các câu hỏi trên sẽ giúp chúng ta có cái nhìn chính xác về trách nhiệm của chính phủ Việt Nam đối với quan điểm chính thức của Nhóm này.
Nhóm Công tác về Giam giữ Tùy tiện là một nhóm chuyên gia độc lập (independent experts) gồm năm thành viên.
Lần lượt hoạt động dưới thẩm quyền của Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (từ năm 1991), và sau đó là Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (từ năm 2006), WGAD có nhiệm kỳ ba năm với trách nhiệm điều tra và đưa ra khuyến nghị với các cáo buộc giam giữ tùy tiện (arbitrary) hoặc không phù hợp (inconsistent) của các quốc gia, dựa trên các văn bản nhân quyền quốc tế, bao gồm Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ quát (UDHR) và những văn bản chi tiết khác mà quốc gia đó là thành viên. [3]
Những quy định pháp lý này tạo cho Nhóm một không gian tương đối rộng để họ có thể tự định hình phạm vi, quy trình và phương thức hoạt động của mình.
Vì lý do này, một số chuyên gia cho rằng WGAD là một cơ quan bán tư pháp (quasi-judicial) của Hội đồng Nhân quyền. Cách tiếp cận này được luật sư nhân quyền nổi tiếng Jared Genser ghi nhận khá rõ trong quyển “The UN Working Group on Arbitrary Detention Commentary and Guide to Practice”. [4] Với 45/45 “vụ việc” Genser đại diện và “giành chiến thắng”, không có gì lạ khi ông xem đây là những vụ kiện chính hiệu. Tuy nhiên, cần nhớ là trong câu chữ của các nghị quyết thành lập, Nhóm Công tác vẫn mang tính chất của một cơ quan hành chính thường trực hơn là một cơ quan tài phán quốc tế.
Một điểm khác cần chú ý là nền tảng thẩm quyền của Nhóm trong bộ máy quản trị Hội đồng Nhân quyền không phải là vĩnh viễn. Thẩm quyền của WGAD sẽ được Hội đồng Nhân quyền xem xét và gia hạn mỗi ba năm. Điều này càng khẳng định tính liên tục và nền tảng thẩm quyền pháp lý của WGAD trong từng nhiệm kỳ làm việc.
Báo cáo hoạt động của WGAD cho biết trong năm 2020, thông qua thủ tục điều tra thông thường của mình, Nhóm Công tác đã đưa ra 92 quan điểm (opinion) về việc bắt giữ và tạm giam 221 cá nhân tại 47 quốc gia. [5]
Nhóm cũng đưa ra 55 kháng nghị khẩn cấp (urgent appeal) cho 27 chính phủ, đồng thời với 150 lá thư buộc tội (letters of allegation) và các lá thư khác liên quan đến trường hợp của ít nhất 651 cá nhân.
Họ cũng thực hiện các chuyến điều tra thực địa hàng năm để đánh giá tình hình nhân quyền tại một số quốc gia chọn lọc. Năm 2019, Nhóm đã đến điều tra thực địa tại Hy Lạp và Qatar.
Những thông tin nói trên nhằm chứng minh rằng WGAD là một tổ chức có tính chính danh trước các thành viên của Liên Hiệp Quốc và Hội đồng Nhân quyền, bao gồm Việt Nam.
Về tính khách quan, có thể thấy Nhóm Công tác chỉ có duy nhất một thành viên là đến từ quốc gia phát triển (Australia), còn lại đều đến từ các quốc gia đang phát triển và trung lập (gồm Latvia, Malaysia, Ecuador và Zambia). [6]
Việc hình thành một nhóm công tác để giám sát và đưa ra quan điểm về các vụ vi phạm nhân quyền cụ thể không phải là chuyện đơn giản. Vì vậy, hiểu rõ lịch sử hình thành của Nhóm Công tác về Giam giữ Tùy tiện có ý nghĩa quan trọng trong việc hiểu đúng bản chất và tầm ảnh hưởng của họ.
Năm 1991, Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc gặp mặt từ tháng 1 đến tháng 3/1991. Đây được xem là kỳ làm việc hiệu quả nhất và thành công nhất của Ủy ban Nhân quyền trong suốt lịch sử đầy tranh cãi của nó. [7]
Theo người viết, có hai yếu tố chính dẫn đến hiện tượng này.
Một là sự lạc quan của thế giới hậu Soviet.
Dù Soviet xấu tốt như thế nào đi chăng nữa, Chiến tranh Lạnh và các cuộc chạy đua vũ trang - tranh giành ảnh hưởng giữa hai siêu cường Hoa Kỳ và Liên Xô luôn tạo ra bầu không khí căng thẳng trong mọi hoàn cảnh và thảo luận chính trị. Sự chấm dứt của khối Xã hội Chủ nghĩa Đông Âu tạo ra một không gian tươi mới hơn, nhẹ nhàng hơn và cởi mở hơn cho các thảo luận về nhân quyền.
Hai là sau Chiến tranh Vùng Vịnh (mà trong đó Hoa Kỳ và đồng minh ngăn chặn hành vi xâm lược của Iraq đối với Kuwait), Hoa Kỳ và các giá trị phương Tây trỗi dậy như là hiện thân của “công lý quốc tế” và không còn bất kỳ thế lực nào có thể thay thế.
Hiểu bối cảnh đó, chúng ta có thể lý giải vì sao các cơ chế nhân quyền lại hoạt động tích cực hơn và được trao nhiều quyền hơn trong giai đoạn này. Ngoài việc trao thẩm quyền cho hai Báo cáo viên Đặc biệt liên quan đến Iraq và các vùng Kuwait do Iraq chiếm giữ trong một thời gian ngắn để điều tra các vi phạm nhân quyền, việc thành lập nhóm công tác gồm năm thành viên độc lập để điều tra các vấn đề liên quan đến bắt giữ và giam giữ tùy tiện cũng ở trong nghị trình.
Vào thời điểm đó, đã tồn tại một số cơ chế bảo vệ nhân quyền, nhưng còn nhiều hạn chế.
Các cơ chế bảo vệ nhân quyền “theo chuyên đề” (thematic mechanism) luôn được các tổ chức nhân quyền và người bảo vệ nhân quyền kiến nghị và đề xuất từ trước đó. [8]
Hệ thống Báo cáo viên Đặc biệt (Special Rapporteur) về nhân quyền rất quan trọng và đều có những chuyên gia về một vấn đề hay một khu vực nhất định. Tuy vậy, Báo cáo viên Đặc biệt chỉ có một mình và lập luận của họ rất dễ bị tấn công vì tính chủ quan của một cá nhân.
Các cơ chế nhân quyền mang tính tập thể, như các kỳ Kiểm tra Nhân quyền Định kỳ Phổ quát (UPR), lại thường nhằm ghi nhận, thu thập dữ liệu tổng quan. UPR có thể tạo ra một hệ thống đầy đủ có tính khái quát, tính đại diện rất cao về các vấn đề nhân quyền của một quốc gia. Tuy vậy, với các yếu tố chính trị của mình, UPR khó có thể bảo vệ từng cá nhân trước các vi phạm nhân quyền trong từng vụ việc.
Vì các lý do trên, các quốc gia thành viên của Ủy ban Nhân quyền đã cân nhắc việc thành lập một nhóm công tác với số chuyên gia đông đảo hơn, có chuyên môn và khả năng xem xét các báo cáo vi phạm và điều tra các vi phạm đó hiệu quả hơn.
Các quốc gia đã tranh luận về nhiều vấn đề.
Ví dụ như có nên giới hạn khái niệm “arbitrary detention” đối với những người bị giam mà không được xét xử, hay bao gồm cả những người bị bắt và xét xử dựa trên hệ thống tư pháp quốc gia?
Hay các tranh cãi liên quan đến thuật ngữ “tùy tiện”, và thế nào được xem là “tùy tiện”. Có một số đề xuất từ các quốc gia đang phát triển yêu cầu sử dụng từ “sai trái” (wrongful), nhưng nhiều nước và các chuyên gia khác cho rằng sử dụng từ này sẽ tạo điều kiện cho các quốc gia vi phạm vịn vào hệ thống pháp luật của mình để cho rằng bắt giữ như vậy là không “sai trái”.
Trung Quốc, Cuba và Ấn Độ cũng đề xuất rằng không nên dùng mọi văn bản quy phạm nhân quyền quốc tế và các nghị quyết của Đại Hội đồng để đánh giá tiêu chuẩn “tùy tiện”, vì như vậy là tạo phạm vi thẩm quyền quá rộng cho Nhóm Công tác. Đề xuất của họ được công nhận, và khái niệm “tùy tiện” chỉ giới hạn trong Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ quát cùng các văn bản pháp lý về nhân quyền mà quốc gia được xem xét đã tham gia. Song bấy nhiêu cũng là quá đủ để đánh giá khả năng vi phạm của một quốc gia.
Nhìn chung, sự tham gia đa dạng của các quốc gia, phát triển lẫn đang phát triển, Đông và Tây, cùng sự ủng hộ mạnh mẽ của Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền lúc bấy giờ là Enrique Bernales Ballesteros - một người từ Peru, quốc gia chủ chốt của Mỹ - Latin trong Phong trào Không Liên Kết (Non-Aligned Movement) - cho thấy WGAD không đơn thuần chỉ là sản phẩm của phương Tây.
Sau quá trình “điều tra” và xem xét luận điểm của hai phía (bao gồm cả chính phủ và bên đại diện cho nạn nhân), báo cáo từ các chuyên gia khác và các tổ chức nhân quyền trong nước, WGAD sẽ đưa ra quan điểm của mình về việc bắt giữ. [9]
Vì không phải là một cơ chế tài phán chính thức, quan điểm của WGAD không có hiệu lực thi hành đối với quốc gia bị cáo buộc. Điều này đồng nghĩa rằng quốc gia vi phạm không nhất thiết phải có bất kỳ động thái gì để thay đổi hành vi, tuân thủ hay thực thi nội dung của quan điểm.
Tuy nhiên, giá trị pháp lý của quan điểm này là không thể bàn cãi. Quan điểm mà WGAD đưa ra có thẩm quyền tương đồng với văn bản pháp lý về nhân quyền mà nó dựa vào, mà điển hình là Công ước Liên Hiệp Quốc về quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR). Nếu WGAD cho rằng một quốc gia đã vi phạm ICCPR ở một tình huống cụ thể, quan điểm chính thức của WGAD là văn bản có tính thẩm quyền để được các cơ chế tài phán quốc tế khác trích dẫn, như Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) hay Tòa án Nhân quyền Châu Âu (ECtHR).
Đây cũng được xem là bằng chứng có tính pháp lý để ghi nhận vi phạm nhân quyền của một quốc gia hay thống nhất cách hiểu của một văn bản quy phạm quốc tế về quyền con người.
Chú thích
1. Working Groups on Arbitrary Detention, Opinion 40/2021 (Viet Nam) A/HRC/WGAD/2021/40. https://www.ohchr.org/EN/Issues/Detention/Pages/Opinions91stSession.aspx?fbclid=IwAR3bgDSQEKtiDSx6HOQYRnV5TQAXLtynLHUgfVn5xPyy_yLo3PVEuyLm8AU
2. Yên Khắc Chính. (2021, October 28). Nhóm làm việc của Liên Hiệp Quốc: Cần trả tự do ngay lập tức cho Phạm Đoan Trang. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2021/10/nhom-lam-viec-cua-lien-hiep-quoc-can-tra-tu-do-ngay-lap-tuc-cho-pham-doan-trang/
3. Resolution 1991/42 (Arbitrary Detention), Commission on Human Rights, E.CN.4/1991/91, Mar. 5, 1991. https://www2.ohchr.org/english/issues/detention/docs/E-CN4-1992-20.pdf
4. Genser, J. (2019). The UN Working Group on Arbitrary Detention: Commentary and Guide to Practice. Cambridge: Cambridge University Press. Cuốn sách này được phát hành miễn phí tại link: https://www.perseus-strategies.com/the-un-working-group-on-arbitrary-detention/
5. OHCHR | Working Group on Arbitrary Detention. OHCHR. https://www.ohchr.org/EN/Issues/Detention/Pages/WGADIndex.aspx
6. OHCHR | Members of the Working Group on Arbitrary Detention. (2021). OHCHR. https://www.ohchr.org/EN/Issues/Detention/Pages/Members.aspx
7. Brody, R. (1991). The United Nations Creates a Working Group on Arbitrary Detention. American Journal of International Law, 85(4), 709-715. https://doi.org/10.2307/2203278
8. Kamminga, M. T. (2009, May 21). The Thematic Procedures of the UN Commission on Human Rights | Netherlands International Law Review. Cambridge Core. https://doi.org/10.1017/S0165070X00010342
9. UNHCR, Beyond Detention: A Global Strategy to support governments to end the detention of asylum seeker and refugees, 2014-2019, 2016. https://www.unhcr.org/protection/detention/57b579d84/unhcr-global-strategy-beyond-detention-baseline-report.html