‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Đặt nặng việc khai báo, nhưng lại xem nhẹ việc bảo vệ dữ liệu của người dân.
Thử tưởng tượng trường hợp sau xảy ra với bạn: Bạn nhận được cuộc gọi từ một người lạ. Người này biết đầy đủ họ tên, năm sinh, địa chỉ nhà của bạn, biết bạn từng đến những nơi nào. Thậm chí, người đó còn biết rõ gương mặt của bạn trông như thế nào.
Bạn tự hỏi bằng cách nào mà người này biết được những thông tin của bạn một cách chính xác như vậy? Đó đơn giản là những dữ liệu khai báo y tế của bạn với chính quyền trong trường hợp bị rò rỉ.
Cho đến tháng 10/2021, chính quyền TP. Đà Nẵng đã yêu cầu người dân khi ra vào thành phố tải ảnh chụp gương mặt của mình lên một ứng dụng khai báo y tế riêng của thành phố để nhận dạng. [1]
Vào ngày 11/11/2021, người dân khi vào sân xem trận bóng đá Việt Nam - Nhật Bản được yêu cầu khai báo y tế bằng căn cước công dân gắn chip hoặc ứng dụng VNEID. [2]
Việc khai báo y tế với mục đích phòng, chống dịch COVID-19 sẽ ngày càng phổ biến. Nghị quyết 128/NĐ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ đã quy định cá nhân phải thực hiện khai báo y tế bằng ứng dụng công nghệ thông tin ở cả bốn cấp độ dịch COVID-19. [3]
Trong tương lai, bạn ra khỏi nhà vào lúc mấy giờ, đi taxi biển số nào, đến nhà ai, uống cà phê ở đâu, gặp gỡ ai, v.v rất có thể sẽ được chính quyền thu thập với lý do phòng, chống dịch COVID-19.
Bạn có thể nói rằng mình không có lý do gì để giấu giếm những thông tin như vậy. Tuy nhiên, nếu dữ liệu của bạn rơi vào tay những người muốn trục lợi thì sẽ như thế nào? Hơn nữa, khả năng bạn thu hồi dữ liệu bị tiết lộ của mình là gần như bằng không. Nó sẽ đến tay không biết bao nhiêu người nữa.
Bạn khai báo y tế để hỗ trợ kiểm soát dịch bệnh tốt hơn, nhưng chính quyền lại đang hành xử tùy tiện với dữ liệu của bạn. Điều này thể hiện qua bốn vấn đề sau.
Giữa tháng 9/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các tỉnh, thành cần thống nhất dùng chung một ứng dụng khai báo y tế. [4] Đến cuối tháng 10, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết sẽ sử dụng thống nhất ứng dụng PC-COVID để toàn dân khai báo y tế từ ngày 1/11. [5]
Dù Thủ tướng đã yêu cầu như vậy và ứng dụng PC-COVID cũng đã ra đời, TP. HCM đến đầu tháng 11/2021 vẫn sử dụng ứng dụng Y tế HCM (https://kbytcq.tphcm.gov.vn/), [6] TP. Đà Nẵng sử dụng ứng dụng Danang Smart City (https://khaibaoyte.danang.gov.vn/), [7] TP. Hà Nội yêu cầu khi vào sân xem bóng đá cần khai báo thông qua ứng dụng VNEID hoặc thẻ căn cước công dân gắn chip. [8]
Quá nhiều ứng dụng khai báo y tế đã dẫn đến việc thu thập dữ liệu một cách vô nguyên tắc.
Ứng dụng khai báo y tế của TP. Đà Nẵng yêu cầu người sử dụng tải lên rất nhiều thông tin cá nhân mà các ứng dụng khác không yêu cầu như hình ảnh cá nhân, những nơi đã đi qua trong 14 ngày gần nhất, biển số xe, hàng hóa trên xe, địa chỉ email, [9] số điện thoại nơi đến, giấy tờ chứng minh thường trú, tạm trú (đối với người ngoại tỉnh). [10] Sẽ như thế nào nếu những dữ liệu chi tiết này bị tiết lộ?
Một điều đáng nói hơn là các ứng dụng này có điều khoản sử dụng sơ sài hoặc không có.
Ứng dụng của TP. Hồ Chí Minh hoàn toàn không có điều khoản sử dụng dành cho người dùng. [11] Ứng dụng của TP. Đà Nẵng chỉ cam kết về sử dụng dữ liệu một cách ngắn gọn là “dữ liệu bạn cung cấp hoàn toàn bảo mật và chỉ phục vụ cho việc phòng chống dịch”. [12] Ứng dụng VNEID và PC-COVID có điều khoản sử dụng rõ ràng hơn một chút nhưng vẫn rất sơ sài. [13] [14] Cụ thể, hai ứng dụng này không có các thông tin về thẩm quyền truy cập dữ liệu, giải quyết khiếu nại, và thời gian lưu trữ dữ liệu.
Chính quyền luôn nhắc nhở người dân về việc cần khai báo chính xác thông tin, nếu không có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trong khi đó, chính quyền lại đang thu thập, quản lý dữ liệu của bạn một cách vô nguyên tắc.
Thông tin khai báo y tế là những dữ liệu chi tiết về nhân thân và có tính chất riêng tư. Tuy nhiên, chính quyền vẫn chưa làm rõ với người dân về việc ai là người được phép truy cập những dữ liệu này.
Ứng dụng VNEID được cho là sẽ đối chiếu, cập nhật thông tin khai báo y tế của bạn vào Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về Dân cư do Bộ Công an quản lý. [15] Hiện nay, cơ sở dữ liệu này đã được mở rộng thẩm quyền truy cập cho rất nhiều bên khác nhau, ngay cả công an xã cũng có thể truy cập. [16]
Nếu không quy định và không công khai về thẩm quyền truy cập dữ liệu khai báo y tế, trong trường hợp xảy ra rò rỉ dữ liệu, không thể xác định được ai là người chịu trách nhiệm.
Chính quyền cần phải rõ ràng với người dân về việc này. Cụ thể, bạn cần được biết những bên nào được cấp quyền truy cập, mức độ truy cập ra sao, trách nhiệm của người được cấp quyền như thế nào.
Theo Điểm b, Khoản 2, Điều 21, Luật Công nghệ Thông tin năm 2006, tổ chức, cá nhân phải “sử dụng đúng mục đích thông tin cá nhân thu thập được và chỉ lưu trữ những thông tin đó trong một khoảng thời gian nhất định theo quy định của pháp luật hoặc theo thoả thuận giữa hai bên”. [17]
Tuy nhiên, các ứng dụng khai báo y tế phổ biến hiện nay không đưa ra thời hạn lưu trữ đối với dữ liệu khai báo y tế của bạn.
Bên cạnh đó, dữ liệu khai báo y tế của người dân trong năm trước, hay nhiều tháng trước đã không còn phù hợp với mục tiêu phòng, chống dịch COVID-19 hiện tại. Những dữ liệu này đã được xóa bỏ hay đang được lưu trữ ở đâu? Người dân hoàn toàn không được thông báo.
Chúng ta sử dụng một số điện thoại, một số định danh cá nhân, một địa chỉ nhà trong nhiều năm, thậm chí là cả đời. Những thông tin này đều là bắt buộc khi khai báo y tế. Có thể dữ liệu của bạn không bị tiết lộ trong năm nay hoặc năm sau, nhưng không có gì là đảm bảo trong tương lai nếu chính quyền không quy định thời gian lưu trữ, cách thức xử lý những dữ liệu không còn phù hợp với mục đích thu thập ban đầu.
Ba vấn đề trên cho thấy chính quyền rất coi trọng việc thu thập dữ liệu khai báo y tế nhưng lại coi nhẹ trách nhiệm bảo vệ, quản lý dữ liệu của người dân.
Hơn một năm đã trôi qua từ khi chính quyền bắt đầu yêu cầu người dân khai báo y tế, nhưng đến nay vẫn chưa thấy hoạt động tham vấn người dân về việc thu thập, quản lý loại dữ liệu này.
Hiện nay, các địa phương, các bộ đã lập ra nhiều ứng dụng với thông tin thu thập khác nhau, không giới hạn dữ liệu thu thập. Việc này vừa gây phiền hà khi đi lại, vừa ảnh hưởng đến quyền riêng tư của người dân, ví dụ như ứng dụng của TP. Đà Nẵng đã nêu ở trên.
Người dân là bên được lợi từ việc khai báo y tế (biết rủi ro nhiễm bệnh do tiếp xúc của mình như thế nào) nhưng cũng là bên chịu thiệt hại đầu tiên nếu dữ liệu đó bị tiết lộ.
Việc trao đổi dữ liệu giữa hai bên dù trong bất kỳ lĩnh vực nào đều phải dựa trên sự tin tưởng. Sự tin tưởng này chỉ có thể được xây dựng khi có sự đối thoại, minh bạch, với đầy đủ thông tin nhằm đáp ứng các kỳ vọng của hai bên.
Việc khai báo y tế có thể sẽ dừng lại trong 2-3 năm nữa khi dịch COVID-19 kết thúc. Tuy nhiên, việc thu thập dữ liệu chắc chắn sẽ còn tiếp tục trong tương lai. Đòi hỏi chính quyền có trách nhiệm hơn khi quản lý dữ liệu y tế chính là cách bạn thể hiện sự quan tâm đối với dữ liệu cá nhân của chính mình.
Chú thích
1. Ủy ban Nhân dân Thành phố Đà Nẵng. (2021). Tờ khai y tế - TP. Đà Nẵng. https://khaibaoyte.danang.gov.vn/
2. Người Lao Động. (2021, November 1). CLIP: Kiểm soát chặt khán giả vào sân Mỹ Đình xem trận Việt Nam - Nhật Bản. https://nld.com.vn/the-thao/clip-kiem-soat-chat-khan-gia-vao-san-my-dinh-xem-tran-viet-nam-nhat-ban-2021111112533419.htm
3. Chính phủ. (2021, October 11). Nghị quyết 128/NĐ-CP về quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.” https://thuvienphapluat.vn/van-ban/The-thao-Y-te/Nghi-quyet-128-NQ-CP-2021-Quy-dinh-tam-thoi-thich-ung-an-toan-linh-hoat-dich-COVID19-490931.aspx
4. Thanh Niên. (2021, September 29). App chống dịch thống nhất sắp ra mắt. https://thanhnien.vn/app-chong-dich-thong-nhat-sap-ra-mat-post1116437.html
5. Tin Tức. (2021, October 29). Đầu tháng 11 sẽ thống nhất sử dụng PC-Covid là ứng dụng quét mã QR duy nhất. https://baotintuc.vn/y-te/dau-thang-11-se-thong-nhat-su-dung-pccovid-la-ung-dung-quet-ma-qr-duy-nhat-20211029133651436.htm
6. Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh. (2021). Khai báo y tế điện tử - TP. Hồ Chí Minh. https://kbytcq.tphcm.gov.vn/#tokhai_yte/model
7. Xem [1]
8. Xem [2]
9. Xem [1]
10. Ủy ban Nhân dân Thành phố Đà Nẵng. (2021). Tờ khai y tế cho trường hợp người đăng ký vào thành phố. https://khaibaoyte.danang.gov.vn/dang-ky-ve-tp?p_p_id%3Ddangkyvethanhphoportlet_WAR_sdtsmartappportlet%26p_p_lifecycle%3D0%26p_p_state%3Dnormal%26p_p_mode%3Dview%26_dangkyvethanhphoportlet_WAR_sdtsmartappportlet_action%3D&sa=D&source=docs&ust=1636780476753000&usg=AOvVaw2pftA81J3dlEoslnay-QDb
11. Xem [6]
12. Xem [1]
13. Trung tâm nghiên cứu - Ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân. (2021, September 1). Chính sách quyền riêng tư ứng dụng VNEID. http://rarcenter.vn/tin-tuc/chinh-sach-quyen-rieng-tu-ung-dung-vneid-588017
14. Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia. (2021). Điều khoản sử dụng và chính sách bảo mật. https://pccovid.gov.vn/dieu-khoan-su-dung
15. Luật Khoa. (2021, September 21). Ứng dụng VNEID mới ra lò: 4 điều đáng chú ý về tham vọng kiểm soát toàn dân bằng công nghệ. https://www.luatkhoa.org/2021/09/ung-dung-vneid-moi-ra-lo-4-dieu-dang-chu-y-ve-tham-vong-kiem-soat-toan-dan-bang-cong-nghe/
16. Luật Khoa. (2021, June 5). Chính phủ âm thầm sửa nghị định về dữ liệu công dân: Đây là những gì bạn cần biết. https://www.luatkhoa.org/2021/06/chinh-phu-am-tham-sua-nghi-dinh-ve-du-lieu-cong-dan-day-la-nhung-gi-ban-can-biet/
17. Quốc hội. (2006, June 29). Luật Công nghệ Thông tin năm 2006. http://www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=1&mode=detail&document_id=29137