Đảo Tri Tôn - căn cứ viễn thám của Trung Quốc ở Hoàng Sa
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:Đảo Tri Tôn - căn cứ viễn thám của Trung Quốc ở
Chiến dịch đổi thẻ căn cước hấp tấp trong thời gian qua đẩy mọi rắc rối về phía người dân.
Tám tháng qua, bạn có lẽ đã chuyển từ trạng thái háo hức đi làm thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip sang tâm trạng chờ đợi, mong ngóng rồi khó chịu, bực bội vì không biết đến bao giờ mới nhận được thẻ.
Bạn cũng có thể là những người đang rất lo lắng vì chứng minh nhân dân (CMND), thẻ căn cước cũ đã quá hạn hoặc đã mất nhưng đến nay vẫn chưa nhận được thẻ căn cước mới.
Nhiều thủ tục hành chính, giao dịch dân sự hiện nay cần CCCD hoặc CMND. Bao lâu nữa thì Bộ Công an mới trả hết thẻ cho người dân, nhất là đối với những người làm mất thẻ hoặc thẻ hết hạn?
Gần đây, cơ quan công an lại có động thái mới: cấp số định danh cá nhân cho những người chưa có CCCD 12 số. Nhiều người bất ngờ khi cảnh sát khu vực mang giấy thông báo số định danh in kèm mã QR đến phát tận nhà, yêu cầu họ giữ kỹ và trình ra khi làm các thủ tục cần tới thẻ căn cước.
Theo cơ quan công an, gần như toàn bộ người dân trên cả nước đều đã có số định danh cá nhân và có thể đề nghị cấp khi cần thiết. Tuy nhiên, một số độc giả phản ánh dưới các bài báo của Tuổi Trẻ, Thanh Niên rằng việc lấy số định danh cá nhân không hề dễ dàng. [1] [2]
Dự án CCCD gắn chip và hệ thống định danh cá nhân được quảng cáo sẽ mang lại sự thuận tiện chưa từng có cho người dân giờ đây đã trở thành sự bất tiện chưa từng thấy.
Tám tháng qua, người dân nói chung đã hết sức hỗ trợ chính quyền xây dựng hệ thống CCCD và định danh cá nhân. Đổi lại, Bộ Công an đang gây ra nhiều phiền phức không đáng có cho người dân. Ba vấn đề sau cần được Bộ Công an sớm giải quyết.
Ngày 13/11/2021, Trung tướng Tô Văn Huệ, Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội - cơ quan quản lý CCCD, đã trả lời về việc chậm trả thẻ CCCD trên báo Dân Trí. Tuy nhiên, ông Huệ không nói rõ đến bao giờ có thể cấp tất cả các thẻ căn cước. [3]
Có ba lý do được đưa ra để giải thích cho việc chậm trễ: dịch COVID-19 ảnh hưởng nguồn cung vật liệu, khối lượng công việc lớn, hồ sơ thông tin sai lệch. Tuy nhiên, đó đều là những rủi ro có thể lường trước được. Thay vì lường trước những rủi ro và có kế hoạch theo các giai đoạn phù hợp, Bộ Công an đã thúc giục toàn dân làm thẻ căn cước vào cùng một khoảng thời gian, khiến vấn đề càng trầm trọng hơn.
Cần phải nói rõ, việc cấp thẻ CCCD không phải là công việc nội bộ của Bộ Công an. Chiếc thẻ này liên quan đến công việc, đời sống của hàng chục triệu người dân. Bộ Công an cần đưa ra một lịch trình chính xác về việc trả thẻ căn cước, hoặc ít nhất là một hệ thống mà người dân có thể tự tra cứu được tình trạng của chiếc thẻ căn cước của mình - tương tự hệ thống tra cứu đơn hàng của các công ty chuyển phát.
Với những người dân chưa được cấp thẻ căn cước, đặc biệt các trường hợp mất thẻ hoặc thẻ đã hết hạn, các cơ quan nhà nước cần tạo điều kiện để họ thực hiện các thủ tục hành chính dễ dàng hơn.
Hiện nay, việc cấp thẻ căn cước, số định danh cho công dân phần lớn vẫn phải được tiến hành tại địa phương đăng ký thường trú hoặc nơi sinh của người đó. Trong khi đó, tình trạng cư trú của người dân hiện nay rất đa dạng. Có người không sinh sống tại địa chỉ đăng ký sổ hộ khẩu, có người lập gia đình nhưng chưa làm được sổ hộ khẩu do không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, có người thuê nhà nhưng chủ nhà không hỗ trợ đăng ký tạm trú dài hạn.
Điều này khiến nhiều người vất vả vì phải đi lại giữa các tỉnh, thành. Thứ nhất, việc đi lại cản trở công việc, tốn kém nhiều chi phí. Thứ hai, trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát ở khắp các tỉnh, thành, việc người dân đi lại để làm giấy tờ vừa bất tiện vừa nguy hiểm.
Trong bài viết “Làm sao để có số định danh cá nhân” đăng trên báo Thanh Niên ngày 15/11, đại diện cơ quan công an khẳng định người dân có thể lấy số định danh cá nhân tại công an các xã, phường nơi cư trú một cách đơn giản. Trên thực tế, việc này gây nhiều khó khăn. Nhiều độc giả đã bình luận phản ánh các bất cập ngay bên dưới bài báo. [4]
Một độc giả cho biết mình sinh tại Hà Tĩnh, đăng ký sổ hộ khẩu tại tỉnh Bình Dương, và đang cư trú ở TP. Hồ Chí Minh. Người này phản ánh rằng khi liên hệ công an nơi cư trú để làm thẻ CCCD thì được hướng dẫn phải về Hà Tĩnh để yêu cầu cấp số định danh cá nhân.
Một độc giả khác chia sẻ chị không lấy được số định danh của con mình để đăng ký tiêm chủng. Khi về phường cũ nơi đăng ký thường trú, chị được công an phường báo là chỉ có mỗi mình chị có số định danh cá nhân, nếu muốn lấy số định danh cho con thì phải làm lại sổ hộ khẩu ở nơi đang cư trú.
Một số người dân khi làm thẻ CCCD thì được công an xã, phường nơi đăng ký thường trú hoặc nơi sinh hỗ trợ xác nhận với công an nơi đang cư trú. Tuy nhiên, không phải ai cũng được hỗ trợ tận tình và nhanh chóng.
Tình trạng cư trú đa dạng của người dân là vấn đề mà Bộ Công an đương nhiên nắm rõ. Tuy nhiên, Bộ Công an đã kêu gọi toàn dân đồng loạt đăng ký làm thẻ căn cước mới trong khi không thiết lập một quy trình phù hợp.
Việc Bộ Công an gấp gáp thu hồi sổ hộ khẩu giấy từ ngày 1/7/2021 của người dân khi họ thay đổi thông tin cư trú đã gây ra bất tiện không đáng có cho nhiều hộ gia đình.
Theo phản ánh của người dân trên báo Tuổi Trẻ, nhiều người lo lắng vì chỉ có bản thân thay đổi thông tin về nơi cư trú nhưng khi sổ hộ khẩu bị thu hồi, cả gia đình bị ảnh hưởng. Nhiều dịch vụ như đăng ký sử dụng điện, nước, công chứng, các thủ tục liên quan đến tài sản, mua bán nhà đất, v.v vẫn cần phải có sổ hộ khẩu để xác nhận về nơi cư trú. [5]
Sự phiền toái này là do các đơn vị, cơ quan chưa được kết nối với cơ sở dữ liệu về cư trú của Bộ Công an. Mặt khác, các thủ tục hành chính liên quan vẫn chưa được điều chỉnh sang việc sử dụng số định danh cá nhân để xác nhận nơi cư trú thay cho sổ hộ khẩu.
Luật Cư trú năm 2020 được thông qua vào ngày 13/11/2020 và có hiệu lực chỉ sau bảy tháng vào ngày 1/7/2021. [6] Tuy nhiên, đến tháng 11/2021, Chính phủ mới ra quyết định về việc kết nối Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về Dân cư với các cơ sở dữ liệu khác để giải quyết các thủ tục hành chính. [7]
Ai là người chịu trách nhiệm cho những rắc rối, phiền toái mà người dân gặp phải suốt nhiều tháng qua về việc thu hồi sổ hộ khẩu? Rõ ràng, đây cũng là vấn đề mà Bộ Công an có thể lường trước được để không đẩy khó khăn về phía người dân như hiện nay.
Tóm lại, cuộc chuyển đổi công nghệ vồ vập của Chính phủ đối với việc quản lý dân cư đang gây ra nhiều bất tiện cho người dân. Không thể không đặt nghi vấn về năng lực của Chính phủ đối với cuộc chuyển đổi lịch sử này, đặc biệt là Bộ Công an, cơ quan thực thi dự án. Cách làm việc hấp tấp của Bộ Công an trong thời gian qua đã gây thêm chuyện cho người dân hơn là tạo ra sự thuận tiện như đã hứa.
Chú thích
1. Tuổi Trẻ. (2021, November 26). Số định danh cá nhân dùng làm gì, thủ tục cấp thông báo số định danh ra sao? https://tuoitre.vn/so-dinh-danh-ca-nhan-dung-lam-gi-thu-tuc-cap-thong-bao-so-dinh-danh-ra-sao-20211125190447919.htm
2. Thanh Niên. (2021, November 15). Làm sao để có số định danh cá nhân? https://thanhnien.vn/lam-sao-de-co-so-dinh-danh-ca-nhan-post1401365.html
3. Dân Trí. (2021, November 13). Vì sao thẻ căn cước công dân gắn chip nhiều tháng chưa đến tay người dân? https://dantri.com.vn/xa-hoi/vi-sao-the-can-cuoc-cong-dan-gan-chip-nhieu-thang-chua-den-tay-nguoi-dan-20211113100551325.htm
4. Xem [2]
5. Tuổi Trẻ. (2021, November 12). Công an thu sổ hộ khẩu; điện, nước, công chứng. . . vẫn đòi vì chưa kết nối dữ liệu dân cư. Wayback Machine. https://web.archive.org/web/20211129032320/https://tuoitre.vn/cong-an-thu-so-ho-khau-dien-nuoc-cong-chung-van-doi-vi-chua-ket-noi-du-lieu-dan-cu-20211111210508803.htm
6. Quốc hội. (2020, November 13). Luật Cư trú. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Quyen-dan-su/Luat-68-2020-QH14-cu-tru-435315.aspx
7. Chính phủ. (2021, November 15). Quyết định số 1911/QĐ-TTg về việc thực hiện kết nối, chia sẻ giữa Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về Dân cư các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Cong-nghe-thong-tin/Quyet-dinh-1911-QD-TTg-2021-ket-noi-Co-so-du-lieu-ve-dan-cu-voi-cac-co-so-du-lieu-quoc-gia-494509.aspx