Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1:
Lãnh đạo không cần phải ăn cơm muối vừng, nhưng xa hoa không kiểm soát sẽ dẫn đến tai họa.
Sau vụ việc một lãnh đạo công an Việt Nam ghé thăm nhà hàng xa xỉ lừng danh tại London với giá trị mỗi bữa ăn có thể lên đến hàng tỉ đồng (tương ứng 40.000 đến 50.000 USD), nhiều ý kiến trái chiều xuất hiện. [1]
Một số đương nhiên lên án. Họ chỉ ra rằng thu nhập trung bình của người Việt Nam chỉ ở mức vài trăm Mỹ kim một tháng, cùng với đó là sự khốn cùng về an sinh của hàng triệu người lao động Việt Nam sau dịch COVID-19 và hàng loạt các vấn đề khác. Điều này cho thấy sự xa xỉ của bữa tiệc, nhẹ thì là thiếu nhạy cảm chính trị, nặng thì là ăn trên ngồi trốc đời sống của người dân.
Tuy nhiên, cũng có một nhóm không nhỏ khác cho rằng “lãnh đạo đất nước thì phải ăn cơm muối vừng à?”, “lần sau đi công tác nước ngoài phải mang hũ mắm theo ăn cho bọn bây vừa lòng à?”, v.v. Cách tư duy này xuất hiện dày đặc với các bình luận nhan nhản trên hầu hết các trang báo chí đưa tin tức về vụ việc. Theo họ, đã là lãnh đạo quốc gia thì ăn uống sang trọng, chi tiêu trăm triệu là chuyện thường.
Vậy các lãnh đạo đất nước ăn những bữa sang trọng trị giá hàng nghìn USD có phải là chuyện bình thường? Và có vấn đề pháp lý gì đằng sau hiện tượng này hay không?
Lấy chuyện Mỹ trước để loại bỏ một số tranh cãi không cần thiết, người viết thừa nhận rằng đời sống của các chính trị gia Hoa Kỳ cũng chẳng phải bần hàn, thanh bạch gì cho cam.
Trong quyển sách ấn tượng có tên gọi “White-Collar Government: The Hidden Role of Class in Economic Policymaking” của giáo sư Nicholas Carnes (Khoa Khoa học Chính trị và Chính sách công của Đại học Duke), Carnes chỉ ra một sự thật không mấy dễ chịu là chỉ có 13 trên tổng số 783 nghị viên của Nghị viện Hoa Kỳ từ năm 1999 đến 2008 có xuất thân từ gia đình “cổ cồn xanh” (blue-collar, ý chỉ người lao động). [2]
Hiển nhiên, vị giáo sư không phủ nhận năng lực hay học vấn của những nghị viên còn lại. Tuy nhiên, ông chỉ ra rằng các vị trí và chức danh chính trị ngày càng được xây dựng và củng cố từ các kết nối chằng chéo của giới thượng lưu, từ những gia đình giàu-hơn-trung-lưu, những trường đại học tư nhân trứ danh, những môi trường làm việc tinh hoa và những cộng đồng tôn giáo độc quyền, v.v. hơn là từ chính kết nối với cử tri và công chúng.
Khi các chính trị gia tiền nhiệm trở nên quá giàu có, những bữa tiệc thịnh soạn, những buổi gây quỹ xa hoa dài vô tận mới là nơi nuôi dưỡng và định hình các mối quan hệ chính trị mới, các ngôi sao chính trường mới, chứ không phải là những thử thách và khó khăn mà đại đa số quần chúng phải đối mặt ở đời thường. Chính trị từ đó trở thành sân chơi thuần túy của giới tinh hoa.
Cho đến nay, có hơn một nửa nghị viên của Nghị viện đã là triệu phú Mỹ kim, 200 nghị viên khác đã lên đến tầng lớp “chục triệu phú”. [3] Mức lương 174.000 Mỹ kim một năm thật ra cũng đã bảo đảm cho họ nằm trong nhóm 6% thu nhập cao nhất Hoa Kỳ. Một số dân biểu, như ông Darrell Issa, có tổng giá trị tài sản đến hơn 350 triệu Mỹ kim.
Tại Việt Nam, tìm hiểu tổng thu nhập và mức thu nhập trung bình của các chính trị gia (dù chỉ ở cấp huyện, tỉnh) không dễ dàng như ở Mỹ. Thậm chí, có người còn xem nó là thông tin nhạy cảm, mật.
Song nhìn vào sở hữu đất đai, phong cách sống, chi phí du học cho con cái của một bộ phận đáng kể các quan chức (vốn chỉ riêng nó đã có thể lên tới hàng tỷ đồng mỗi năm), có thể thấy quá trình phân cực hóa về tư hữu tài sản giữa nhóm chính trị gia và các nhóm dân cư nghèo khó thật ra không khác mấy tại Hoa Kỳ.
Xét thêm tính chất chuyên chính vô sản không thể thiếu của nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, đây không phải là một bước phát triển đáng khen ngợi hay nên được biện minh. Xu thế này sẽ dần khiến cho giới chính trị gia trở nên vô minh, và tệ hơn là vô cảm, trước tình cảnh đói nghèo và cận nghèo của hàng chục triệu người.
Không có những động thái cứng rắn trước thói quen chi xài xa xỉ của các chính trị gia đồng nghĩa với việc chúng ta “dâng mỡ trước miệng mèo”.
Mỡ ở đây là sự chính trực và sự cống hiến của giới chính trị gia.
Và mèo ở đây là các nhóm vận động hành lang và lợi ích của giới nghiệp đoàn.
Nhắc đến vận động hành lang không có ý nói đó là chuyện đương nhiên xấu xa. Vận động các vấn đề về nhân quyền, về môi trường, về quyền lợi lao động đã, vẫn và sẽ luôn là một kênh tiếp xúc lập pháp cần có ở mọi quốc gia.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là vận động hành lang lúc nào cũng… thuần khiết và trong sạch.
Trong bài viết tạo tiếng vang lớn trên tờ Vox (Mỹ) vào năm 2018 có tựa đề “I was a lobbyist for more than 6 years. I quit. My conscience couldn’t take it anymore”, một nhà vận động hành lang kỳ cựu có tên Jimmy Williams cho chúng ta thấy một vài góc khuất phía sau chính trường sôi động của Hoa Kỳ. [4]
Williams kể rằng cuộc sống của một nhà vận động hành lang cứ sướng như một ông hoàng, và thật ra thì những chính trị gia được các nhà vận động hành lang săn đón cũng vậy.
“Những tài khoản chi không giới hạn, những đêm thả ga ở những khu trung tâm, những chai rượu đắt tiền, những bữa ăn thịnh soạn với các dân biểu hay nghị sĩ – đó là cuộc sống mà tôi từng có”, Williams kể.
Chi tiết hơn, ông kể rằng mình có thể dùng bữa sáng với một số nghị viên và tham gia vào buổi thảo luận lập pháp với chính các nghị viên này ngay sau đó với một chủ đề có lợi cho khách hàng của ông – nội dung mà họ đã thảo luận trước đó với trứng chiên và thịt xông khói. Số tiền ông hay ủy ban hành động chính trị của mình trả cho một buổi gặp mặt như vậy là 2.500 Mỹ kim.
Hay trong các buổi vận động gây quỹ, ông cũng thay mặt khách hàng của mình chi 2.500 Mỹ kim mỗi lần (dưới hình thức là các khoản đóng góp vận động chính trị) để có thể được nói chuyện riêng với các nhân vật quyền lực về vấn đề lập pháp mà họ quan tâm.
Một vòng xoáy luẩn quẩn của “tiền trao tay” và “phiếu thuận” trong các phiên họp lập pháp.
Không hẳn là hành vi “hối lộ” thật sự với các khoản chi nóng tay nóng mặt, việc đài thọ cho lối sống xa hoa của các chính trị gia cũng là một cách để các nhà vận động hành lang tìm đường gây ảnh hưởng lên chính sách công.
Điều này được CNN cảnh báo trong một bài viết khác từ năm 2014. [5]
Theo đó, họ cho rằng dù đã có quy định pháp luật cấm giới vận động hành lang chu cấp cho các kỳ du lịch, nghỉ dưỡng, ăn uống của các chính trị gia, đã xuất hiện hiện tượng né tránh quy định này.
Cụ thể, thay vì nhận đài thọ trực tiếp từ giới vận động, các chính trị gia nay sẽ tổ chức các buổi tiệc, kỳ nghỉ dưỡng tại nhiều địa điểm sang trọng với các lý do như “giới thiệu về địa phương” hay “tổ chức vận động tranh cử”.
Những nhóm lợi ích muốn tham gia và nói chuyện trực tiếp với các chính trị gia này đương nhiên sẽ phải trả một khoản phí khoảng vài ngàn USD với danh nghĩa là đóng góp chính trị. Các chi phí về ăn uống, đi lại, nghỉ ngơi hiển nhiên họ cũng tự chịu. Họ thừa nhận rằng, nói chuyện với các nghị viên tại một resort đắt tiền đầy thư thái vào chiều cuối tuần bao giờ cũng dễ hơn là bàn công việc với họ ngay tại Washington D.C.
Tại Việt Nam, nếu bạn không nhận ra, vận động hành lang (mà chưa nói đến hối lộ hay tham nhũng thật sự) đã trở nên phổ biến ngay từ những năm 2000. Tiền bạc đổ vào quá trình vận động chính sách kiểu Việt Nam khó mà thống kê, nhưng tôi tin chắc là mức độ xa xỉ của nó cũng đủ khiến chúng ta choáng váng.
Cho rằng thói xa xỉ và sự phung phí của các quan chức trong các hoạt động thường nhật như ăn uống là bình thường, là chấp nhận được – đó là quan điểm không có ích lợi gì cho tương lai tư duy lập pháp tại Việt Nam.
Đưa ra những thông tin trên để thấy sự nguy hiểm của thói xa hoa trong đời sống chính trị Hoa Kỳ và gợi mở về tình hình Việt Nam.
Song trước khi phán xét hệ thống của anh chàng khổng lồ Bắc Mỹ, cũng nên nhớ rằng Hoa Kỳ có một hệ thống pháp luật về vận động, tranh cử, và giới hạn chi tiết ngặt nghèo sẵn có.
Người Mỹ hiểu nền kinh tế của họ lớn đến thế nào, và họ có nhiều tiền ra sao. Chính vì vậy mà các quy định về đạo đức và chi tiêu của từng cá nhân chính trị gia là vô cùng chi tiết. Luật Khoa đã từng có bài viết “Luật đạo đức trong chính quyền Mỹ: Chi tiết đến từng hạng mục”, đó có thể là một điểm tham khảo tốt để chúng ta hiểu sự cẩn trọng của các nhà lập pháp Hoa Kỳ. [6]
Bạn có nhận thấy vì sao các khoản chi mà phần trước nhắc đến chỉ là vài nghìn Mỹ kim?
Bạn có nhận thấy vì sao các chính trị gia nước ngoài dù có thể ăn ngon mặc đẹp nhưng luôn né tránh các địa điểm quá hoang phí, phô trương?
Bởi vì hệ thống pháp luật quốc gia lẫn công chúng luôn theo sát họ.
Các khoản tiền “lót tay”, những buổi ăn uống thịnh soạn kể trên là khoản chi không nhỏ. Vài ngàn Mỹ kim đôi khi là một tháng làm việc của một bộ phận người lao động tại quốc gia này. Tuy nhiên, chúng vẫn là các khoản thu được công nhận và được các chính trị gia kê khai đầy đủ cho những cơ quan tiểu bang và liên bang quản lý về đạo đức chính trị và tài chính tranh cử.
Ví dụ, chỉ cần lên trang web của Ủy ban Bầu cử Liên bang Hoa Kỳ (Federal Election Commission), chúng ta biết rằng mỗi cá nhân chỉ có thể đóng góp tài chính cho từng chính trị gia cho hoạt động tranh cử cấp liên bang với giới hạn là 2.900 USD/kỳ bầu cử. [7]
Họ có thể đóng góp nhiều hơn cho các Ủy ban Hành động Chính trị (Political Action Committee – PACs: 5.000 USD/năm), hoặc cho các cơ quan đảng quốc gia và các quỹ hành động độc lập – Super PACs (có thể lên đến hàng chục ngàn Mỹ kim mỗi năm). Tuy nhiên, những khoản tiền này cũng không được tiếp nhận và sử dụng cho mục tiêu cá nhân. Thay vào đó, chúng được chi để tổ chức đại hội, xây dựng trụ sở đảng hay các vấn đề khác đáng tiêu tốn hơn nhưng chính đáng hơn.
Trong khi đó, từng tiểu bang cũng có quy định riêng cho các chính trị gia địa phương của mình với thông tin có thể tìm thấy trên National Conference for State Legislature. [8] Theo đó, Alabama cho các chính trị gia địa phương vận động không giới hạn từ cá nhân ủng hộ, nhưng cũng có bang làm chặt đến mức chỉ cho phép đóng góp 200 Mỹ kim một năm cho một nghị viên lập pháp của tiểu bang như Colorado.
Sự minh bạch thông tin này giúp cho công chúng Mỹ luôn biết được chính trị gia nào đang có bao nhiêu tiền, ai đóng góp và ủng hộ chính trị cho ai.
Người Mỹ biết dân biểu Darrell Issa có tổng giá trị tài sản đến hơn 350 triệu Mỹ kim, nhưng họ cũng biết ông có được số tiền này vì công ty sản xuất hệ thống báo động xe hơi của ông ăn nên làm ra.
Điều này, dù ít hay nhiều, tạo cảm giác chủ động và đưa ra các công cụ cần thiết giúp công chúng có thể giám sát những người mà mình bầu chọn.
Nói về Việt Nam, chúng ta không thể cho rằng việc các chính trị gia tham gia vào những cuộc vui trăm triệu là bình thường khi hệ thống pháp luật nội địa vẫn chưa có quy định đầy đủ, có thể thực thi và có thể mở rộng vai trò giám sát của báo chí và công chúng liên quan đến các khoản tiền đóng góp và chi tiêu của lãnh đạo địa phương lẫn trung ương.
***
Đúng, các lãnh đạo chính trị không nhất thiết phải ăn uống kham khổ, hay nói như nhiều bạn là ăn mắm, ăn cơm muối vừng thì mới là yêu nước thương dân.
Nhưng ngược lại, ủng hộ và tạo điều kiện cho các quan chức tham gia các buổi tiệc tùng xa xỉ bao giờ cũng là công thức dẫn đến tai họa.
Chú thích:
1. Việt, V. T. (2021, November 9). Facebook bỏ chặn từ khoá tìm kiếm vụ Bộ trưởng Tô Lâm ăn bò dát vàng. VOA. https://www.voatiengviet.com/a/facebook-bo-chan-hashtag-saltbae-tim-kiem-bo-truong-to-lam-an-bo-dat-vang/6305981.html
2. Carnes, N. (2013). White-Collar Government: The Hidden Role of Class in Economic Policy Making (Chicago Studies in American Politics) (Illustrated ed.). University of Chicago Press.
3. Gordon, N. J. (2021, August 3). How Did Members of Congress Get So Wealthy? The Atlantic. https://www.theatlantic.com/politics/archive/2014/09/how-did-members-of-congress-get-so-wealthy/379848
4. Williams, J. (2018, January 5). I was a lobbyist for more than 6 years. I quit. My conscience couldn’t take it anymore. Vox. https://www.vox.com/first-person/2017/6/29/15886936/political-lobbying-lobbyist-big-money-politics
5. Fitzpatrick, B. C. D. G. A. D. I. (2014, October 30). Politicians live it up and have the lobbyists pay – CNNPolitics. CNN. https://edition.cnn.com/2014/10/29/politics/politicians-play-lobbyists-pay/index.html
6. Phượng, H. K. (2017, May 7). Luật đạo đức trong chính quyền Mỹ: Chi tiết đến từng hạng mục. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2014/11/luat-dao-duc-trong-chinh-quyen-my-chi-tiet-den-tung-hang-muc
7. Contribution limits. (2021). FEC.Gov. https://www.fec.gov/help-candidates-and-committees/candidate-taking-receipts/contribution-limits
8. State Limits on Contributions to Candidates. (2021). National Conference for State Legislature. https://www.ncsl.org/research/elections-and-campaigns/state-limits-on-contributions-to-candidates.aspx