Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Ai cũng có thể bị tiêm nhiễm tính cách độc đoán. Đó là nền tảng của chế độ độc tài.
Độc tài (authoritarian) thường được xem là đặc tính của một chính quyền hay một chính đảng. Ít ra là trong phạm vi chính trường Việt Nam, chúng ta thường nhắc đến độc tài như là một tính từ đương nhiên để nói về một thứ rất to tát, rất trừu tượng.
Nhưng nếu dùng một từ khác tương đương để diễn tả - độc đoán - đặc tính này lại trở nên cụ thể và gần gũi hơn nhiều. Với cách hiểu đó, các nhà khoa học xã hội không xem khái niệm độc tài/ độc đoán chỉ là để nói về cấu trúc nhà nước hay phương thức phân bổ quyền lực. Độc đoán có thể là một tính cách, bản chất, lối tư duy của một người (thường gọi chung là “authoritarian personality”). Chính tính cách này tạo không gian và nền tảng cho các nhà nước độc tài phát triển. [1]
Trong cuộc bầu cử vô tiền khoáng hậu vào năm 2016 khi ông Donald Trump giành chiến thắng trước bà Hillary Clinton, nhiều nhà khoa học đã cố gắng chứng minh tính cách độc đoán của một bộ phận dân cư Hoa Kỳ là lý do dẫn đến việc Trump thắng cử. [2]
Số khác lại cáo buộc những nhóm dân cư ủng hộ các giá trị truyền thống, ủng hộ “kỷ cương, phép nước” là những người có sẵn tính cách độc đoán và dễ bị tác động nhất. [3]
Một số cây bút phản biện, nhắc nhở rằng sẽ thật sai lầm khi cho rằng chỉ có các nhóm dân cư thủ cựu thì mới có tính độc đoán. [4]
Bỏ qua sự phức tạp, lộn xộn và dễ gây tranh cãi của chính trị Hoa Kỳ, “tính cách độc đoán” đã là một chủ đề nghiên cứu từ trước đó khá lâu của các nhà xã hội học. Quyển sách “The Authoritarian Dynamic” của giáo sư tâm lý chính trị học Karen Stenner (từng giảng dạy tại Đại học Princeton) là một điểm bắt đầu khá tốt để hiểu về tính cách độc đoán. [5]
***
“The Authoritarian Dynamic” được xuất bản vào năm 2005 với 10 chương sách. Thông qua các chương này, độc giả được giới thiệu khá đầy đủ về những đặc tính cơ bản của tính cách độc đoán: từ vấn đề về tư duy như “chỉ có một con đường đúng”, “chỉ có một tập thể đúng”, cho đến các kỹ thuật và số liệu liên quan, rồi vai trò của sự sợ hãi trong việc hình thành tính cách độc đoán cũng như mối tương quan giữa chủ nghĩa độc đoán (authoritarianism) và chủ nghĩa thủ cựu (conservatism).
Phần giới thiệu của quyển sách đặc biệt ấn tượng. Nó chuẩn bị đầy đủ tâm thế cho bạn đọc trước khi tiếp thu nội dung sách.
Karen Stenner nhắc người đọc rằng sẽ có những người không bao giờ sống thoải mái trong một nền dân chủ cấp tiến hiện đại (modern liberal democracy).
Đó là những người không thể đối xử một cách tử tế với bất kỳ ai mà họ cho rằng không phải phe của họ; những người cho rằng chỉ có những ai “nghĩ đúng” mới được quyền nêu ý kiến của mình trong môi trường chính trị; những người cho rằng bất kỳ lựa chọn đạo đức nào của một cá nhân cũng là vấn đề chung của toàn thể xã hội - và hiển nhiên là phải có sự can thiệp của nhà nước, v.v.
Đó là những cá nhân mà quyển sách muốn tìm hiểu. Vì sao họ lại như thế? Và hệ quả dành cho tất cả chúng ta là gì?
***
Theo Stenner, tính cách độc đoán là khuynh hướng tâm tính cơ bản liên quan đến cách nhìn của một người về điểm cân bằng phù hợp giữa uy quyền (authority), sự đồng nhất (uniformity) của một xã hội với các yếu tố đối nghịch như tự chủ cá nhân (individual autonomy) và đa dạng xã hội (diversity). Theo đó, những người có tính cách độc đoán sẽ thường xem trọng uy quyền và sự đồng nhất xã hội hơn là sự tự chủ hay đa dạng.
Stenner cũng nhấn mạnh rằng tính cách độc đoán không nhất thiết chỉ áp dụng cho “lề phải” hay “lề trái”. Một người được cho là có tính cách này khi họ có xu hướng tư duy chính trị cương quyết, cho rằng họ cần bảo vệ hay thiết lập một trật tự chung, thống nhất và tương đồng (oneness and sameness) để có thể định danh, vinh danh và dành đặc quyền cho những người giống như họ - bất kể họ nhận mình thuộc “lề” nào.
Thú vị hơn, độc đoán theo Stenner không phải là hệ quả từ trên xuống của xung đột tư tưởng chính trị (politics of ideas). Nó là một biểu hiện cảm tính của những cảm xúc nguyên sơ (primitive passions), được xây dựng dựa trên biến tấu chính trị của nỗi sợ hãi (politics of fear).
***
Đáng tiếc là những thông tin tổng hợp trên (chủ yếu nằm ở chương I và chương II) là những phần dễ đọc nhất của quyển sách. Các chương sau đó khá nặng về số liệu và kỹ thuật.
Stenner áp dụng một số kỹ thuật nghiên cứu dữ liệu như Cultural Revolution Experiment (CRE), Multi-Investigator Study (MIS), Durham Community Study (DCS) cùng với một loạt các nguồn dữ liệu sẵn có như National Election Studies (NES), World Values Surveys (WVS), hay General Social Surveys (GSS). Nhìn chung, đây không phải là một quyển sách mà bất cứ độc giả nào cũng có thể cầm lên đọc từ đầu đến cuối mà không cần bỏ sách xuống mỗi mười trang để... chửi vài câu.
Tuy nhiên, giá trị nội dung mà cuốn sách mang lại là không nhỏ.
Ví dụ, ngay từ năm 2005, Stenner đã tìm ra cách lý giải vì sao một lượng lớn những người ủng hộ Trump đột nhiên xuất hiện nhiều vô kể vào năm 2016 - những người mà trước đó các chính trị gia nghĩ rằng không tồn tại.
Theo bà, có sự khác biệt giữa khuynh hướng độc đoán (authoritarian predisposition) và tính cách độc đoán (authoritarian personality). Số lượng người có khuynh hướng độc đoán thường không có sẵn các biểu hiện của tính cách độc đoán hay các kỳ vọng độc đoán ở chính quyền. Tuy nhiên, khi bị đặt vào các môi trường nhất định, với những chất xúc tác nhất định, tính cách độc đoán sẽ hình thành.
Ví dụ, trong một nghiên cứu, bà đặt ra hai lựa chọn về mục tiêu nuôi dạy con cho phụ huynh: “một đứa trẻ cần biết vâng lời cha mẹ” hay “một đứa trẻ cần nhận thức trách nhiệm cho các hành vi của mình”. Stenner cho rằng những câu hỏi này sẽ chỉ xác định được khuynh hướng độc đoán và giá trị nào là quan trọng đối với một cá nhân, chứ chưa xác định được họ sẽ có những hành vi hay thái độ ủng hộ hoạt động chính trị độc đoán.
Vì vậy, theo Stenner, cần cẩn trọng và đánh giá tính cách độc đoán ở nhiều tầng giai đoạn, nhiều hình thức và nhiều trạng thái khác nhau. Tính cách độc đoán không chỉ giới hạn ở một trạng thái, một hệ quy chiếu hay một xã hội nhất định.
Ngoài ra, vị giáo sư cũng cảnh báo tính cách độc đoán hoàn toàn có thể được xây dựng và củng cố bên trong cá nhân một cách hệ thống.
Theo đó, tính cách độc đoán, ngoài tiền tố là khuynh hướng độc đoán, sẽ chịu ảnh hưởng từ các vấn đề khác như hạn chế về nhận thức (cognitive limitations), môi trường và trình độ học vấn (environment and net of education), kinh nghiệm (experience) và sự tận tâm (conscientiousness). Từ cơ sở này, Stenner dẫn đến kết luận rằng ai cũng có thể bị tiêm nhiễm tính cách độc đoán/ toàn trị.
Hệ tính cách này, dù không biểu hiện trong đời sống thường nhật, hoàn toàn có thể bộc lộ trong những thời điểm xuất hiện các thảo luận chính trị cụ thể hay những phong trào chính trị mang đến nhiều thay đổi.
***
Dù đại đa số các nghiên cứu của Stenner là dựa trên hệ thống chính trị Hoa Kỳ hoặc châu Âu, kết quả nghiên cứu của bà cho phép chúng ta đối chiếu, so sánh và hiểu về nền tảng chính trị Việt Nam.
Chỉ cần lướt qua các trang mạng xã hội của các nhà hoạt động, những người có quan điểm khác, quan điểm trái chiều, bạn sẽ thấy vô vàn những bình luận yêu cầu công an vào cuộc, yêu cầu những người này bị bỏ tù, yêu cầu họ phải bị trừng trị. Đó là biểu hiện cơ bản của những cá nhân thiếu khả năng khoan dung và chấp nhận sự khác biệt - những dấu hiệu của tính cách độc đoán.
Đáng lo ngại hơn, như Stenner mô tả, tính cách độc đoán này hoàn toàn có thể được truyền dạy và thấm nhuần qua môi trường xã hội. Nếu tính cách này trở nên phổ biến trong cộng đồng, tương lai của các cải tổ chính trị tại Việt Nam là không hề đơn giản.
Bài viết nằm trong chuyên mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.
Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.
Chú thích
1. Vi Yên. (2019, May 7). Nhân cách độc tài nuôi dưỡng chế độ độc tài như thế nào. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2018/05/nhan-cach-doc-tai-nuoi-duong-che-do-doc-tai-nhu-the-nao/
2. Taub, A. (2016, March 1). The rise of American authoritarianism. Vox. https://www.vox.com/2016/3/1/11127424/trump-authoritarianism
3. MacWilliams, M. C. (2020, September 24). Trump Is an Authoritarian. So Are Millions of Americans. POLITICO. https://www.politico.com/news/magazine/2020/09/23/trump-america-authoritarianism-420681
4. Satel, S. (2021, October 19). How Experts Overlooked Left-Wing Authoritarianism. The Atlantic. https://www.theatlantic.com/ideas/archive/2021/09/psychological-dimensions-left-wing-authoritarianism/620185/
5. Stenner, K. (2005). The Authoritarian Dynamic (Cambridge Studies in Public Opinion and Political Psychology). Cambridge: Cambridge University Press. doi:10.1017/CBO9780511614712