Tuần tin: Vương Đình Huệ, Võ Văn Thưởng ‘hạ cánh’ chưa an toàn
Các sự kiện nổi bật: * Kỷ luật ông Vương Đình Huệ; tạm hoãn xử lý ông Võ Văn Thưởng * Việt
Tự do ngôn luận liệu có phải chỉ là lớp son trang sức?
Độ khoảng hơn chục năm nay, một bộ phận cư dân mạng nước ta hay lưu truyền câu nói này để minh họa cho quyền tự do ngôn luận: Tôi có thể không đồng ý với anh, nhưng tôi sẽ bảo vệ đến chết quyền được nói của anh.
Cũng không nhất thiết phải quan tâm câu đó là của Voltaire hay Evelyn Beatrice Hall, vấn đề tôi muốn nói ở đây là: cái câu đó nói dễ hơn làm.
Người ta thường viện câu đó ra để bảo vệ bản thân và đồng đội khi bị người khác - chủ yếu là chính quyền - bịt miệng, chứ ít ai viện câu đó ra để bảo vệ người khác, nhất là khi đó là người mình không ưa.
Hiện tượng Nguyễn Phương Hằng là phép thử tuyệt vời cho mỗi cá nhân để xem chúng ta nhất quán đến đâu trong vấn đề tự do ngôn luận.
Bà Hằng có cá tính rất mạnh, một loại cá tính chia đôi thiên hạ. Ai thích bà thì bà nói gì cũng hay, ai đã ghét thì ghét từ cái dấu chấm, dấu phẩy trở đi.
Và khi Cục Phát thanh, Truyền hình, Thông tin điện tử phát ra thông điệp cần “xử lý” bà Hằng, không ít người lập tức vỗ tay. [1] Họ bảo bà này xúc phạm và vu khống nhiều người rồi, rằng bà này không những tấn công cá nhân mà còn tấn công cả ngành nghề của họ, tấn công cả một nền báo chí của họ.
Luồng dư luận đó chính xác là điều các quan thầy kiểm duyệt cần: những khán giả vỗ tay trong một phiên đấu tố. Là một phiên đấu tố, bởi thứ đang chờ bà Hằng không phải là một phiên tòa dân sự, nơi hai bên tranh cãi nhau một cách bình đẳng để luận đúng sai; mà là một phiên tòa hình sự - nơi bà Hằng sẽ hoàn toàn lép vế trước sức mạnh cưỡng chế của công an và bộ máy tư pháp.
Thứ tiếp theo mà các quan thầy kiểm duyệt cần là gì? Là những khán giả reo hò khi cái kẻ bị cho là “lộng ngôn” kia bị dẫn ra pháp trường.
Và thứ sau cùng họ cần là gì? Là những khán giả tiếp tục vỗ tay và reo hò khi họ mang một trong chính những khán giả đó ra đấu tố và hành hình. Rồi lại một khán giả nữa. Và rồi lại một khán giả nữa. Cứ như vậy cho đến khi khán giả cuối cùng còn sót lại, mặt xanh như đít nhái.
Các khán giả vỗ tay và hò reo tán thưởng, tưởng rằng họ đang làm việc đúng nên làm, rằng nhờ vậy họ sẽ được yên thân. Nhưng những thanh âm đó của họ, trớ trêu thay, lại át đi tiếng nồi nước đang dần sôi lên và một ngày nào đó sẽ luộc chín họ.
Tôi đã theo dõi đủ nhiều để biết rằng với rất nhiều người, tự do ngôn luận chỉ có nghĩa là tự do cho bản thân mình, hoặc cùng lắm là cho phe mình mà thôi, chứ nó không phải là thứ tự do cho cả những người khác mình, những người nói những lời trái tai mình.
Điều này đúng với cả nhiều người tự nhận là đấu tranh dân chủ, và cả những người trích dẫn cái câu nói kinh điển trên kia.
Niềm hân hoan khi có một kẻ mạnh vung đao chém bay đầu một kẻ ta không ưa, quả là khó cưỡng.
Tự do ngôn luận không phải quyền tuyệt đối, nó có giới hạn, và bạn có thể đọc kỹ bài “Hai chiều tự do: Tự do ngôn luận và Tự do xúc phạm” để hiểu rõ chuyện này. [2] Nhưng chừng nào chúng ta còn sung sướng hưởng thụ cái cảnh công an bịt mồm những người khó ưa như bà Hằng, chừng đó dân chủ vẫn chỉ là lớp son trang sức trên mồm miệng chúng ta.
Đọc thêm:
Tự do ngôn luận – Kỳ 1: Đừng mơ tuyệt đối và đừng sợ vô đối
Vinfast “méc công an” và 3 nguyên nhân của một thứ văn hóa pháp lý rùng rợn
Khi nhà báo méc công an
Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.
Chú thích
1. An An (2021, November 16). Đề nghị xác minh dấu hiệu vi phạm pháp luật của bà Nguyễn Phương Hằng. Báo Thanh Niên. https://thanhnien.vn/de-nghi-xac-minh-dau-hieu-vi-pham-phap-luat-cua-ba-nguyen-phuong-hang-post1401826.html
2. Võ Văn Quản (2020, August 13). Hai chiều tự do: Tự do ngôn luận và Tự do xúc phạm. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2020/08/hai-chieu-tu-do-tu-do-ngon-luan-va-tu-do-xuc-pham/