Vụ Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ: Liệu bạn có quyền lấy nhà làm chùa?

Một nhu cầu thực tế nhưng vấp phải nhiều rào cản vô lý.

Vụ Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ: Liệu bạn có quyền lấy nhà làm chùa?
Bên trái: Ông Lê Tùng Vân, người đứng đầu cơ sở Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ. Ảnh: SOHA. Bên phải: Ông Nguyễn Tiến Trọng, Phó trưởng ban Tôn giáo. Ảnh: VnExpress. Ảnh nền: Dân Việt. Minh họa: Luật Khoa.

Vào đầu tháng 11/2021, Tịnh thất Bồng Lai với tên gọi mới Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ tiếp tục xuất hiện trên mặt báo khi Ban Tôn giáo Chính phủ cho rằng đây là cơ sở thờ tự bất hợp pháp. [1]

Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng góp mặt trong vụ việc này với lời khẳng định thiền am này bất hợp pháp, yêu cầu chính quyền tỉnh Long An xử lý. [2]

Bỏ qua các cáo buộc về trục lợi từ thiện vẫn còn đang được chính quyền làm rõ, việc chính quyền khẳng định thiền am này không hợp pháp làm dấy lên một câu hỏi: liệu bạn có thể lấy ngôi nhà của mình làm chùa?

Câu trả lời là vừa có vừa không.

Lấy nhà làm chùa là nhu cầu thực tế

Năm 2012, Sư cô Thích nữ Giới Trung đã gửi thư xin Ban Trị sự Phật giáo và Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định cho phép chuyển đổi ngôi nhà được thừa kế của mình thành một ngôi chùa. [3]

Năm 2019, Ủy ban Nhân dân thị trấn Sịa, tỉnh Thừa Thiên – Huế chỉ đạo cán bộ phải ngăn ngừa người dân lấy nhà làm chùa khi chưa được chính quyền cho phép. [4]

Trong vụ việc của Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ, chính quyền đang tìm cách chứng minh đây là cơ sở tôn giáo chưa được chính quyền cấp phép hoạt động. [5]

Tuy nhiên, các thành viên của thiền am vẫn có cách né cáo buộc trên của chính quyền. Các thành viên cho rằng thiền am này không phải là cơ sở tôn giáo mà chỉ là nhà riêng để tu tại gia. [6]

Trên thực tế, việc lấy nhà làm chùa hoặc địa điểm tụ họp hoạt động tôn giáo là nhu cầu thực tế của người dân. Rất nhiều nhà riêng đã trở thành các cơ sở sinh hoạt tôn giáo. Tuy nhiên, những quy định quản lý về tôn giáo hiện nay khiến người dân dù muốn cũng không thể công khai cơ sở của mình cho công chúng tự do đến sinh hoạt.

Những quy định nào cản trở bạn lấy nhà làm chùa?

Nếu bạn muốn lấy ngôi nhà của mình làm chùa một cách chính thức, những quy định quản lý về tôn giáo của chính quyền có thể làm bạn nản chí.

Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo quy định “cơ sở tôn giáo gồm chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, trụ sở của tổ chức tôn giáo, cơ sở hợp pháp khác của tổ chức tôn giáo”. Những cơ sở này đều phải được chính quyền địa phương cho phép thành lập. Nếu như bạn muốn lấy nhà làm chùa thì còn cần thêm sự đồng ý của tổ chức Phật giáo được công nhận như Giáo hội Phật giáo Việt Nam. [7]

Các nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung (như các điểm nhóm theo đạo Tin Lành) cũng phải đăng ký với chính quyền cấp xã để hoạt động công khai.

Hơn nữa, nhà nước quản lý rất chặt chẽ về đất đai tôn giáo. Đất tôn giáo phải được nhà nước giao và cấp phép sử dụng đất. Nếu bạn muốn biến nhà của mình thành chùa, bạn có thể phải giao đất cho nhà nước trước, rồi nhà nước cấp lại đất cho bạn dưới danh nghĩa là đất tôn giáo. [8]

Ngoài các quy định về đất đai, việc xây dựng chùa hay các cơ sở tôn giáo phải được sự cho phép của ban tôn giáo trực thuộc sở nội vụ các tỉnh, thành. Cơ quan này sẽ đánh giá về sự cần thiết và quy mô của công trình tôn giáo mà bạn muốn xây dựng (xem Khoản 4, Điều 95, Luật Xây dựng năm 2014 sửa đổi năm 2020). [9][10]

Vào tháng 1/2019, trụ trì chùa Sơn Linh, một ngôi chùa tự phát tại huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, cho biết chính quyền đã cưỡng chế ngôi chùa này sau nhiều lần yêu cầu ông tháo dỡ cơ sở. Vị trụ trì cho biết chính quyền đề nghị ông nên gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. [11]

Trụ trì chùa Sơn Linh Thích Đồng Quang bên ngôi chùa bị chính quyền cưỡng chế vào ngày 11/1/2019. Thời điểm đó, ông đang chữa bệnh tại TP. Đà Nẵng. Ảnh: Việt Nam Thời Báo.
Trụ trì chùa Sơn Linh Thích Đồng Quang bên ngôi chùa bị chính quyền cưỡng chế vào ngày 11/1/2019. Thời điểm đó, ông đang chữa bệnh tại TP. Đà Nẵng. Ảnh: Việt Nam Thời Báo.

Trên thực tế, người dân vẫn có cách lách qua những hàng rào vừa kể trên.

Theo tác giả Minh Thạnh trong một bài viết trên Phật tử Việt Nam, tín đồ Phật giáo trong nhiều năm qua đã lấy ngôi nhà của mình làm các cơ sở tôn giáo dưới tên gọi là “am”, “thất”, “a lan nhã”, “đường”, “cốc”, “viên”,v.v. để hoạt động tôn giáo một cách kín đáo. [12]

Cách đặt tên trên có thể giúp họ vừa tránh khỏi sự kiểm soát của nhà nước và Giáo hội Phật giáo Việt Nam, vừa duy trì quyền sở hữu cá nhân đối với cơ sở tôn giáo của mình.

Cũng theo Minh Thạnh, Phật giáo miền Nam trước năm 1975 rất khuyến khích việc lấy nhà làm các niệm phật đường, trực thuộc giáo hội hoặc không thì cũng đều được cả. Các niệm phật đường này qua một thời gian đã phát triển lên thành chùa. [13]

Tuy nhiên, sau năm 1975, nhà nước đã lập ra các quy định phức tạp để kiềm chế việc phát triển chùa chiền cũng như các cơ sở tôn giáo khác.

Đối với Phật giáo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tiếp tay cho chính quyền để hạn chế các ngôi chùa tự phát, như khẳng định chắc nịch của cơ quan trung ương giáo hội rằng Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ là bất hợp pháp, cần bị xử lý.

Kiểm soát việc người dân lấy nhà làm chùa: Độc quyền tôn giáo và cản trở quyền tự do tôn giáo

Việc kiểm soát người dân lấy nhà làm chùa được xem là các biện pháp để đảm bảo an ninh trật tự, ổn định hoạt động tôn giáo, tránh các hiện tượng như “chùa giả” nhằm trục lợi, lừa đảo người dân. Tuy nhiên, nếu so sánh hoạt động tôn giáo với các hoạt động dân sự khác, bạn sẽ thấy những quy định về việc mở cơ sở tôn giáo là rất bất hợp lý.

Bạn có thể lấy ngôi nhà của mình làm văn phòng công ty, tụ tập nhiều người đến làm việc. Bạn cũng có thể thoải mái mời gọi mọi người đến nhà trong các đám giỗ, đám ma, đám cưới, sinh hoạt hội nhóm, v.v. Vậy vì sao chính quyền lại tìm cách khống chế khi bạn muốn lấy nhà làm chùa hay nơi sinh hoạt tôn giáo công khai?

So với các hoạt động dân sự khác, chính quyền hiện đang phân biệt đối xử một cách nghiêm trọng đối với tôn giáo. Một tổ chức như công ty cũng có thể gây ra những vụ việc như lừa đảo, mất an ninh trật tự (như gây gổ, đánh nhau) nhưng nó vẫn được thành lập mà không bị ai ngăn chặn hay áp lên một thủ tục cấp phép phức tạp ngay từ ban đầu.

một số quốc gia, nơi quyền tự do tôn giáo được tôn trọng, bạn có thể tổ chức hoạt động tôn giáo tại nhà mà không cần phải đăng ký với chính quyền. Việc đăng ký thông thường chỉ để giúp bạn được miễn thuế thu nhập, hoặc hoạt động từ thiện một cách dễ dàng hơn như khấu trừ thuế đối với người đóng góp từ thiện. [14]

Trong vụ việc Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ, Phó Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ đã trao đổi với Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và nhận được khẳng định rằng thiền am này bất hợp pháp. [15]

Tuy nhiên, việc yêu cầu cơ sở tôn giáo của bạn phải được một giáo hội công nhận thì mới được hoạt động là không hợp lý. Mối quan hệ này chỉ đơn giản là tư cách thành viên giữa tổ chức tôn giáo của bạn với một tổ chức tôn giáo lớn hơn. Bạn có thể nhờ thanh thế của tổ chức tôn giáo lớn hơn tạo dựng uy tín cho mình, hoặc bạn có thể được hỗ trợ tài chính nhưng nó không nên là điều kiện quyết định bạn có được tự thành lập cơ sở của riêng mình hay không. Tương tự như việc bạn có thể mở một công ty riêng mà không cần phải là thành viên của bất kỳ công ty nào khác, vậy vì sao bạn không thể mở một ngôi chùa riêng của mình?

Đối với Phật giáo, “chùa”, “giáo lý”, “kinh sách”, “nghi lễ” hoàn toàn không phải là một sáng tạo riêng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Trước khi giáo hội này thành lập, đã có biết bao ngôi chùa được thành lập, biết bao nhà sư đã hành đạo.

Chính quyền hỗ trợ các thành viên Cao Đài Tòa thánh Tây Ninh (được chính quyền công nhận) đến giành quyền kiểm soát Thánh thất Phú Lâm, một thánh thất độc lập tại TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, vào ngày 18/6/2020. Việc giành quyền này vấp phải sự phản đối của các thành viên nơi đây. Ảnh: Facebook Công Danhboy/ RFA.
Chính quyền hỗ trợ các thành viên Cao Đài Tòa thánh Tây Ninh (được chính quyền công nhận) đến giành quyền kiểm soát Thánh thất Phú Lâm, một thánh thất độc lập tại TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, vào ngày 18/6/2020. Việc giành quyền này vấp phải sự phản đối của các thành viên nơi đây. Ảnh: Facebook Công Danhboy/ RFA.

Không chỉ riêng với Phật giáo, chính quyền vẫn áp dụng điều kiện cho bất cứ ai muốn mở cơ sở hoạt động tôn giáo là phải được tổ chức tôn giáo lớn hơn (giáo hội, hội thánh, v.v.) công nhận là thành viên, tổ chức trực thuộc. Đây là một lớp kiểm soát nữa của chính quyền đối với quyền tự do tôn giáo. Đồng thời, nó tạo ra thói quen độc quyền về hoạt động tôn giáo cho các tổ chức như Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Nhưng sự phát triển tự nhiên của các tôn giáo vẫn không bị vùi dập, bất chấp quy định của chính quyền có nghiêm ngặt đến đâu. Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất dù không được chính quyền công nhận vẫn tồn tại song song với Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần Túy vẫn hoạt động cùng với giáo hội duy nhất được chính quyền công nhận – Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo. Các thánh thất Cao Đài vẫn tồn tại dù chính quyền có buộc họ phải gia nhập các hội thánh khác. Các thành viên của các tôn giáo mới vẫn duy trì hoạt động một cách kín đáo, tránh khỏi sự truy đuổi của chính quyền.


Chú thích:

1.  VnExpress. (2021, November 5). Tịnh Thất Bồng Lai có dấu hiệu “lợi dụng tôn giáo” để trục lợi. https://vnexpress.net/tinh-that-bong-lai-co-dau-hieu-loi-dung-ton-giao-de-truc-loi-4382038.html

2.  Tuổi Trẻ. (2021, November 5). Tịnh Thất Bồng Lai là cơ sở thờ tự bất hợp pháp. https://tuoitre.vn/tinh-that-bong-lai-la-co-so-tho-tu-bat-hop-phap-2021110517531304.htm

3.  Giác Ngộ. (2012, February 16). Mong muốn “cải gia vi tự.” https://giacngo.vn/mong-muon-cai-gia-vi-tu-post16916.html

4.  UBND Thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. (2019, September 11). Tăng cường công tác QLNN về các hoạt động liên quan tôn giáo. https://web.archive.org/web/20211110031202/https://sia.thuathienhue.gov.vn/DichVu/ThongTin/CapNhat/prints.aspx?tinid=1509

5.  Tuổi Trẻ. (2021b, November 7). Nhiều trẻ sống tại “Tịnh thất Bồng Lai” cùng mẹ ruột nhưng không được biết thân nhân. https://tuoitre.vn/nhieu-tre-song-tai-tinh-that-bong-lai-cung-me-ruot-nhung-khong-duoc-biet-than-nhan-20211107152754972.htm

6.  Xem [5]

7.  Quốc hội. (2016, November 18). Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo. Thư Viện Pháp Luật. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/van-hoa-xa-hoi/luat-tin-nguong-ton-giao-2016-322934.aspx?v=d

8.  Luật Khoa. (2021, June 7). 4 vấn đề đất đai gây bất công cho các tổ chức tôn giáo. https://www.luatkhoa.org/2021/06/4-van-de-dat-dai-gay-bat-cong-cho-cac-to-chuc-ton-giao

9.  Quốc hội. (2014, June 18). Luật Xây dựng. Thư Viện Pháp Luật. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Xay-dung-Do-thi/Luat-Xay-dung-2014-238644.aspx

10.  Quốc hội. (2020, June 17). Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Xay-dung-Do-thi/Luat-Xay-dung-sua-doi-2020-so-62-2020-QH14-418229.aspx

11.  RFA. (2019, January 30). Chính quyền đập phá chùa, bắt sư thầy nhập Giáo hội Phật giáo của nhà nước. https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/buddhist-says-he-only-worships-buddha-not-communists-01302019095157.html

12.  Phật tử Việt Nam. (2010, November 20). “Cải gia thành tự”: cách lập chùa nên khôi phục, khuyến khích? https://www.phattuvietnam.net/cai-gia-thanh-tu-cach-lap-chua-nen-khoi-phuc-khuyen-khich

13.  Xem [12]

14.  Luật Khoa. (2021b, July 26). Tiền công đức: Cách nào để nhà chùa đấu lại với nhà nước? https://www.luatkhoa.org/2021/07/tien-cong-duc-cach-nao-de-nha-chua-dau-lai-voi-nha-nuoc

15.  Xem [2]

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.