‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Ngày càng có nhiều quốc gia xem vu khống là vấn đề dân sự.
Sau khi tôi viết bài phản đối hình sự hóa các phát ngôn của bà Nguyễn Phương Hằng, nhiều độc giả không đồng ý và cho rằng phạm tội vu khống thì phải bị truy tố và xét xử theo luật. [1]
Bỏ qua chuyện bà Hằng có thực sự vu khống hay không thì các bạn nói đúng. Bộ luật Hình sự Việt Nam có tội vu khống tại Điều 156, với hình phạt có thể lên tới bảy năm tù. [2] Không cần mài đũng quần bốn năm ở trường luật mới biết điều này. Nhưng đó không phải điều tôi muốn nói tới trong bài viết của mình.
Điều tôi muốn nói là tính hợp lý của tội danh vu khống. Hay nói cách khác, tôi không cho rằng Bộ luật Hình sự nên có tội danh này mà pháp luật nên để hành vi vu khống cho các cơ chế dân sự giải quyết. Hiểu nôm na là chính quyền không nên truy tố người dân vì hành vi vu khống, mà nên để cho nạn nhân khởi kiện người vu khống ra tòa dân sự. Khởi kiện (dân sự) khác với tố giác tội phạm (hình sự), và không tồn tại khái niệm “kiện ra công an” trong luật. Tôi đã làm rõ điều này trong một bài viết khác. [3]
Tội vu khống (slander với ngôn ngữ nói, libel với ngôn ngữ viết, gọi chung là defamation, thường được dịch là phỉ báng) có lẽ là một trong những điều luật cổ xưa nhất của loài người. Nó từng có ở mọi nơi. Lý lẽ biện minh cho các điều luật này là nó giúp bảo vệ danh dự, uy tín của con người trước hành vi tấn công có chủ ý của người khác. Dĩ nhiên, nó được dùng để bảo vệ quan chức nhiều hơn là thường dân.
Nhưng xã hội hiện đại khác với các xã hội xưa kia một phần ở chỗ nó đang dần phi hình sự hóa hành vi vu khống để bảo vệ tự do ngôn luận.
Phi hình sự hóa có thể được hiểu theo hai nghĩa: [4]
Một, thu hẹp phạm vi áp dụng và hạ thấp mức hình phạt theo hướng không áp dụng hình phạt tù. Các nước như Pháp, Albania, Bulgaria, Croatia, Serbia, Nga đang thuộc nhóm này.
Hai, bãi bỏ tội vu khống trong luật hình sự, coi vu khống thuần túy là một vấn đề dân sự. Các nước như Mỹ, Anh, Ireland, Norway, Estonia thuộc nhóm này.
Lấy Mỹ làm ví dụ (quanh đi quẩn lại thì Mỹ vẫn là tượng đài của luật học trong lĩnh vực ngôn luận).
Thời Mỹ còn là thuộc địa của Anh thì phỉ báng Hoàng gia, chính quyền và nhà thờ sẽ bị khép tội hình sự: tội phỉ báng. Trong thời kỳ sơ khai của nước Mỹ độc lập, phỉ báng vẫn là tội hình sự và không được coi là tự do ngôn luận. Bạn nêu quan điểm chủ quan của cá nhân và nói những lời đúng sự thật đi chăng nữa mà gây tổn hại cho uy tín của người khác thì vẫn bị truy tố hình sự. [5]
Vị tổng thống lập quốc John Adams và phe của ông trong Quốc hội từng thông qua Luật Chống Nổi loạn năm 1789, trong đó hình sự hóa các phát ngôn chống chính quyền, bao gồm cả phát ngôn sai sự thật một cách chủ ý nhằm hạ uy tín - hay là vu khống. Nhưng đạo luật này không “thọ” được lâu, bị bãi bỏ năm 1801 dưới thời Tổng thống Thomas Jefferson, những ai bị kết án đều được xá tội, còn những ai bị phạt tiền thì được bồi hoàn. [6] Ngày nay, đạo luật này bị coi là vi hiến. Ở cấp liên bang, Mỹ không còn coi phỉ báng hay vu khống là tội hình sự nữa.
Nhưng ở cấp tiểu bang thì khác. Hầu hết các bang đều coi vu khống là tội hình sự. Và ở nửa đầu thế kỷ 20, Tối cao Pháp viện vẫn cho phép các đạo luật này tồn tại. Điểm khác biệt là nhiều bang bắt đầu thu hẹp phạm vi của tội này lại: chỉ những ai cố ý phát ngôn sai sự thật nhằm hạ uy tín người khác thì mới bị truy tố, tức trùng với tội vu khống ở Việt Nam hiện nay.
Tuy vậy, kể từ nửa sau thế kỷ 20 tới nay, nhiều đạo luật hình sự hóa hành vi vu khống đã bị bãi bỏ hoặc bị tuyên vi hiến ở 38 tiểu bang và vùng lãnh thổ của Mỹ.
Liên đoàn Tự do Dân sự Hoa Kỳ (ACLU), tổ chức trợ giúp pháp lý lớn nhất nước này, có công bố bản đồ 24 tiểu bang còn duy trì các đạo luật hình sự hóa hành vi vu khống và tuyên bố quan điểm rõ ràng của họ là đây là những đạo luật vi hiến. Họ cho rằng “tự do ngôn luận không cho ai quyền tuyệt đối trong việc vu khống người khác, nhưng các vụ kiện dân sự hoàn toàn đủ khả năng giải quyết những thiệt hại do vu khống gây ra. Tội danh vu khống không nên tồn tại trong một nền dân chủ”. [7]
Anh quốc, nền luật học và nền dân chủ rực rỡ của nhân loại, duy trì tội vu khống cho tới năm 2009. Nhưng cần lưu ý là tội này không còn được áp dụng trên thực tế trong nhiều năm trước khi chính thức bị bãi bỏ. [8]
Một nghiên cứu của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) năm 2017 cho thấy 15/57 quốc gia thành viên của họ đã bãi bỏ tội vu khống, cộng với Hoa Kỳ không có tội vu khống ở cấp liên bang. [9] Phần lớn các quốc gia thành viên của Ủy hội Châu Âu (Council of Europe, 47 thành viên) đã hoặc là bãi bỏ tội vu khống, hoặc không còn áp dụng, hoặc bãi bỏ hình phạt tù đối với tội vu khống. Một số quốc gia châu Phi và châu Á như Liberia, Keny, Zimbabwe, Lesotho, Maldives, Sri Lanka cũng đã bãi bỏ tội danh này. [10]
Nghiên cứu của OSCE ghi nhận xu hướng bãi bỏ nhưng cũng ghi nhận tại một số quốc gia, tội vu khống lại tiếp tục được củng cố.
Có tới 42/57 quốc gia thành viên của OSCE vẫn duy trì tội vu khống/phỉ báng, bao gồm cả các nền dân chủ hàng đầu thế giới như Đức, Pháp, Đan Mạch, mặc dù mức độ áp dụng trên thực tế là khác nhau. Phần lớn các quốc gia trên thế giới cũng vẫn duy trì tội vu khống.
Phe ủng hộ giữ tội vu khống ở các nước đều lập luận theo hướng nếu chính quyền không can thiệp bằng các biện pháp hình sự hay hành chính mà để cho các cơ chế dân sự giải quyết thì người giàu sẽ tha hồ vu khống người nghèo vì họ có đủ tiền để trả phí kiện tụng lẫn bồi thường thiệt hại.
Các luồng quan điểm vẫn đối nhau chan chát, nhưng nếu nhìn theo chiều dài lịch sử vài trăm năm qua, không thể phủ nhận xu hướng phi hình sự hóa hành vi vu khống.
Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (UN Human Rights Committee) nói rõ vào năm 2011 rằng tất cả các quốc gia thành viên “nên cân nhắc phi hình sự hóa hành vi vu khống, trong trường hợp áp dụng tội vu khống thì chỉ nên áp dụng trong những trường hợp nghiêm trọng nhất, và hình phạt tù không bao giờ là hình phạt thích hợp”. [11]
Cơ quan Tự do Truyền thông của OSCE luôn khuyến khích các thành viên của mình bãi bỏ tội vu khống. Họ tuyên bố vào năm 2002 như sau: “Tội vu khống không phải là hạn chế phù hợp đối với tự do ngôn luận; tất cả các luật hình sự hóa hành vi vu khống đều nên bị bãi bỏ và khi cần thiết, bị thay thế bằng những đạo luật dân sự phù hợp”.
Thông điệp này cũng được các tổ chức nhân quyền lớn trên thế giới như Human Rights Watch hay Article 19 cổ xúy. [12] [13]
Ở các nước lân bang với Việt Nam như Đài Loan và Philippines, nơi vẫn duy trì tội vu khống, các học giả và giới đấu tranh nhân quyền cũng đang vận động bãi bỏ tội danh này và thay vào đó bằng luật dân sự về vu khống. [14] [15] Trong một phán quyết vào tháng 1/2021, Tối cao Pháp viện Philippines cho rằng, “khởi kiện dân sự về hành vi vu khống phù hợp hơn với các giá trị dân chủ của chúng ta vì nó không đe dọa quyền tự do ngôn luận hiến định, và tránh hiệu ứng tê cóng đối với những chỉ trích nhắm vào quan chức chính quyền.” [16]
Trở lại vụ Nguyễn Phương Hằng, việc nhiều người ủng hộ bỏ tù bà ấy vì tội vu khống cũng dễ hiểu bởi thứ nhất Việt Nam có tội vu khống, và thứ hai, quan trọng hơn, là văn hóa pháp lý nước ta vẫn coi vu khống là tội - bất kể luật có quy định hay không. Đụng chuyện gì chúng ta cũng viện ngay đến công an và nhà tù để giải quyết, chứ ít ai nghĩ tới các cơ chế dân sự.
Lựa chọn theo đuổi các xu hướng pháp luật cấp tiến hay ủng hộ giữ nguyên những điều luật lạc hậu là của bạn.
Chú thích
1. Trịnh Hữu Long. (2021b, November 17). Ứng xử với Phương Hằng – phép thử tính cách độc đoán cho mỗi người. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2021/11/ung-xu-voi-phuong-hang-phep-thu-tinh-cach-doc-doan-cho-moi-nguoi
2. Bộ luật Hình sự, https://thuvienphapluat.vn/van-ban/bo-may-hanh-chinh/van-ban-hop-nhat-01-vbhn-vpqh-2017-bo-luat-hinh-su-363655.aspx
3. Trịnh Hữu Long. (2021a, May 6). “Kiện ra công an” và kiện ra tòa. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2021/05/kien-ra-cong-an-va-kien-ra-toa
4. Defamation and Insult Laws in the OSCE Region: A Comparative Study. (2017, March). Organization for Security and Cooperation in Europe International Press Institute (IPI). https://www.osce.org/files/f/documents/b/8/303181.pdf
5. Libel and Slander. The First Amendment Encyclopedia. https://www.mtsu.edu/first-amendment/article/997/libel-and-slander
6. Criminal Libel. The First Amendment Encyclopedia. https://www.mtsu.edu/first-amendment/article/941/criminal-libel
7. American Civil Liberties Union. Map of States With Criminal Laws Against Defamation. https://www.aclu.org/issues/free-speech/map-states-criminal-laws-against-defamation
8. Heawood, J. (2016, August 11). Let’s cheer the demise of criminal libel. The Guardian. https://www.theguardian.com/commentisfree/libertycentral/2009/oct/27/criminal-libel-free-speech
9. Xem [4]
10. Abbotsbury, L. N. O., & Clooney, A. (2021, October 13). [ANALYSIS] It is time for Philippines to decriminalize libel. Rappler. https://www.rappler.com/voices/thought-leaders/analysis-time-for-philippines-to-decriminalize-libel
11. Xem [4]
12. Indonesia: Repeal Arcane Laws That Criminalize Criticism. (2020, October 28). Human Rights Watch. https://www.hrw.org/news/2010/05/03/indonesia-repeal-arcane-laws-criminalize-criticism
13. MEMORANDUM On Croatian Criminal Libel Provisions. (2003, July). ARTICLE 19. https://www.refworld.org/pdfid/4756cfa20.pdf
14. 台北時報. (2020b, March 3). EDITORIAL: Libel should be a civil matter. Taipei Times. http://www.taipeitimes.com/News/editorials/archives/2018/01/14/2003685725
15. Xem [10]
16. Raffy T. Tulfo Vs. People of the Philippines and Atty. Carlos T. So/Allen A. Macasaet and Nicolas V. Quijano, Jr. Vs. Carlos T. So and People of the Philippines, https://sc.judiciary.gov.ph/19553