Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Chính trị Việt Nam trong năm khủng hoảng đã có những chuyện gì?
Bài viết này được đăng trong số báo Tết năm 2022 của Luật Khoa tạp chí, phát hành ngày 31/1/2022. Tải miễn phí tại đây.
Trong một năm đại dịch, mọi sự kiện lớn nhỏ ở Việt Nam có vẻ như đều không thoát khỏi chủ đề này.
Tuy nhiên, bên cạnh những vấn đề về dịch bệnh, năm 2021 tiếp tục chứng kiến những sự kiện bình mới rượu cũ, minh họa sinh động cho những tư duy quản lý lỗi thời mà nếu không được thay đổi, sẽ tiếp tục kéo lùi đất nước so với thế giới văn minh.
Những lò thiêu quá tải tại TP. Hồ Chí Minh có lẽ sẽ còn ám ảnh những người Việt Nam sống sót qua đại dịch COVID-19 năm 2021. [1]
Ở thời điểm chúng tôi đăng tải bài viết này, con số người chết vì COVID-19 tại Việt Nam đã vượt quá 30 nghìn người. [2] Phần lớn trong số này xảy ra trong đợt dịch thứ tư, bùng phát từ cuối tháng 5/2021. Điều này đồng nghĩa với việc trong nửa cuối năm 2021, mỗi tháng có tầm 5.000 người thiệt mạng.
Tính riêng tháng Bảy – Tám tại TP. Hồ Chí Minh, con số người chết trung bình mỗi ngày là hơn 240 người, tức là trung bình mỗi giờ trôi qua có 10 người chết. [3] Trong thời gian này, COVID-19 trở thành một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam, cao hơn tai nạn giao thông. Để so sánh, số người chết vì tai nạn giao thông hàng năm tại Việt Nam là xấp xỉ 7.000 người. Ngay cả khi được xem là thảm họa quốc gia như vào năm 2006, con số người chết cũng chỉ ở mức 14.000 người trong cả năm, tức là chỉ bằng phân nửa số người chúng ta đã mất đi trong nửa năm qua. [4] Và con số thống kê đó có khả năng là thấp hơn con số thực tế.
Rõ ràng, COVID-19 là một thảm họa trên toàn cầu; virus corona chủng mới là thách thức đối với hệ thống y tế của mọi quốc gia trên toàn thế giới. Ở Việt Nam, số người chết và tỷ lệ tử vong trên số ca nhiễm đều ở mức cao trên thế giới – đây không chỉ là chỉ dấu về năng lực y tế mà còn là thước đo năng lực quản trị quốc gia trong khủng hoảng. [5] Nhiều sai lầm trong chính sách chống dịch, đặc biệt là chính sách phân bổ vaccine, đã trực tiếp hoặc gián tiếp gây nên những cái chết đáng lẽ có thể ngăn ngừa được (preventable death). [6]
Điều còn đáng lo hơn là 30 nghìn người chết chưa chắc đã giúp chúng ta học được bài học gì. Ngày 19/11/2021, một lễ tưởng niệm quy mô toàn quốc với nhiều cầu truyền hình đã được tổ chức để tưởng nhớ những người đã khuất. Thông điệp từ các đại diện chính quyền xuất hiện hôm ấy đều là: đảng và nhà nước đã vào cuộc quyết liệt, đặt tính mạng người dân lên trên hết, nhưng vì đại dịch quá tàn khốc nên thảm cảnh xảy ra. [7]
Con số người chết vẫn đang tăng lên trong khi các cơ quan chức năng miệt mài ca bài tự hào. Thái độ ấy sẽ ngăn cản chúng ta nhìn rõ được vấn đề, và sẽ còn dẫn đến nhiều thảm cảnh khác trong tương lai.
Vaccine được xem là mũi nhọn chính để chống lại dịch COVID-19, và tình hình năm 2021 cho thấy Việt Nam đã không làm tốt trong mũi nhọn này. Nhìn ở cả ba khâu – lên kế hoạch tài chính, tiếp cận nguồn bán, và phân bổ – ta đều thấy có vấn đề.
Về việc lên kế hoạch, sau cả một năm 2020 chống dịch, dự toán ngân sách cho năm 2021 vẫn không hề có một khoản riêng dành cho việc mua vaccine. Để rồi đến tháng Năm, khi nhận ra không có đủ tiền ngân sách, chính quyền đưa ra một sáng kiến là thành lập Quỹ Vaccine và kêu gọi người dân đóng góp, nói nôm na là lại đi xin tiền người dân. [8] Nhưng ngay cả khi có đủ tiền, việc giải ngân cũng khó. Việt Nam đã chậm chân trong việc đàm phán với các nhà sản xuất trước đó, dẫn đến tình trạng vaccine cung cấp nhỏ giọt ngay trong thời điểm dịch bùng phát căng thẳng nhất.
Thứ Việt Nam làm giỏi nhất trong chuyện vaccine lại là… đi xin, hay gọi bằng cái tên sang trọng hơn là “ngoại giao vaccine”. Tính đến tháng 10/2021, Việt Nam đã được viện trợ hơn 50 triệu liều vaccine các loại, chiếm khoảng ⅓ tổng lượng vaccine đã về đến Việt Nam. [9][10] Chuyện này về căn bản không có gì xấu, nhưng nếu như đưa việc này vào chiến lược từ đầu thay vì tính chuyện mua – và mua không được – câu chuyện có thể đã khác.
Việc phân bổ vaccine lại cho thấy hàng loạt vấn đề bất công. Khi vaccine khan hiếm, nó quý hơn bất kỳ điều gì, và đó là lúc mà thể chế của Việt Nam cho thấy những gương mặt xấu xí nhất. Những vụ việc tiêm vaccine nhờ ông ngoại, ông anh, chú em, [11] rồi tình trạng các công ty tập đoàn (điển hình là Vingroup) có vaccine để tiêm cho những nhân viên trẻ khỏe của mình trước cả những người nguy cơ cao cho thấy thể chế này ưu tiên người giàu, kẻ mạnh ra sao và tình cảnh của dân thường trong đại dịch bấp bênh đến thế nào. [12]
“Pfizer là của vua quan – Moderna là của trung gian nịnh thần – Astra là của thương nhân – Sinovac là của nhân dân anh hùng” – bia miệng của nhân dân Việt Nam có lẽ sẽ còn khắc sâu và lâu câu nói cay đắng ấy.
Trong thời gian bùng phát dịch, cơ quan điều tra đã khởi tố hàng loạt vụ án liên quan đến việc làm lây lan dịch bệnh. Nhiều vụ việc đã được điều tra, truy tố và xét xử trong thời gian “siêu tốc”, có vụ chỉ mất năm ngày đã được đưa ra tòa. Việc xét xử cũng diễn ra theo thủ tục rút gọn. [13]
Trong số những người liên đới, có nhiều tiểu thương chỉ vì đi chợ mà thành tội; có người chỉ vì tổ chức đám tang cho người thân mà bị điều tra; có bác sĩ bị khởi tố vì không sàng lọc kỹ bệnh nhân khi khám bệnh; có người đã bị bắt tạm giam chỉ vì chạy từ Sài Gòn về Vũng Tàu lánh dịch, dù đã chủ động xét nghiệm và tự giác khai báo; có trường hợp người dân đã bị kết án tù vì bị cho là vi phạm quy định cách ly. Độc giả có thể đọc thêm về các vụ việc này trong Hồ sơ COVID-19 do LIV thực hiện. [14]
Hình sự hóa việc làm lây lan COVID-19 là một xu hướng bị phản đối trên thế giới. [15] Ở Việt Nam, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, chính sách mơ hồ và liên tục thay đổi, người dân lại thiếu thông tin, nhiều quyết định điều tra/ khởi tố ẩn chứa bất công đối với những người yếu thế nhất.
Việc chính quyền sốt ruột kết tội người dân như vậy cho thấy nhu cầu tìm nơi đổ lỗi cho thành tích chống dịch tệ hại trong năm qua. Bằng cách đó, chính quyền biến người dân thành những vật tế thần.
Vào tháng 6/2020, tự hào trước thành tích chống dịch của Việt Nam, thủ tướng khi đó là ông Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu “nếu cột điện ở Mỹ biết đi thì sẽ về Việt Nam”. [16] Câu nói cao hứng này của ông Phúc không được báo chí trong nước đăng tải.
Một năm sau, khi dịch bệnh bùng phát và chính quyền loay hoay áp đặt những chính sách chống dịch cực đoan, đẩy hết khó khăn về phía người dân, hàng triệu cột điện biết đi đã tìm cách tháo chạy khỏi các thành phố lớn ở phía Nam để tìm đường về quê.
Thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vào tháng 11/2021 cho biết có khoảng 1,3 triệu lao động đã di tản khỏi TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh trọng điểm ở miền Nam. [17]
Con số khổng lồ này có lẽ sẽ cao hơn nhiều nếu người dân không bị chính quyền tìm mọi cách ngăn cản đường về của họ. [18] Không ít lần những người lao động nghèo gói ghém hết gia tài đèo trên chiếc xe máy để về quê nhưng đều gặp các rào chắn và lực lượng quân đội, công an dày đặc chặn lại. [19] Họ được khuyên nhủ ở lại tuân thủ chính sách nhà nước, bất chấp việc chính quyền gần như bỏ mặc người dân, khiến vô số người tuyệt vọng phải kêu cứu. [20]
Chỉ đến khi sự bất mãn lên đến cùng cực, đụng độ bạo lực xảy ra giữa người dân và lực lượng an ninh, các rào chắn bị người dân đập bỏ để vượt qua, chính quyền mới xuống thang. [21] Đầu tháng 10/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính ra công điện khẳng định “việc người dân di chuyển về quê là nhu cầu chính đáng”, đồng thời yêu cầu các tỉnh tổ chức đưa đón người dân. [22] Đó là động thái quay ngược 180 độ so với công điện hỏa tốc vào ngày 30/9/2021, khi thủ tướng yêu cầu TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và Long An phải kiểm soát nghiêm ngặt người ra vào, chịu trách nhiệm nếu để người dân tự phát ra khỏi địa phương. [23]
Có thể nói cuộc tháo chạy của hàng triệu người lao động khỏi các tỉnh, thành phía Nam là một cuộc “bỏ phiếu bằng chân”, vừa thể hiện niềm tin (không tồn tại) của họ đối với chính quyền, vừa cho thấy hiệu quả ngược của các chính sách chống dịch cực đoan.
Trong khi chưa ai thấy cây cột điện nào ở Mỹ tự mò về Việt Nam, hàng triệu cây cột điện đã tự bứng khỏi mớ dây nhợ trói buộc để không phải trở thành những người tử vì đạo cho thành tích chống dịch của chính quyền.
Tại một đất nước mà quyền lợi động vật lâu nay vẫn chưa được xem trọng, sự kiện đàn chó của một gia đình ở Cà Mau bị tiêu hủy vì lý do “chống dịch” đã gây nên một làn sóng phẫn nộ hiếm thấy.
Mọi chuyện bắt nguồn từ hình ảnh được ghi lại và lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội vào ngày 7/10/2021 về cảnh hai vợ chồng ông Phạm Minh Hùng chở theo đàn chó 15 con của mình trên xe máy đi từ Long An về Cà Mau để tránh dịch. [24] Câu chuyện gây xúc động khi người ta được biết ông Hùng làm công việc thợ hồ, thu nhập thấp nhưng mỗi ngày vẫn dành ra một nửa số tiền kiếm được để mua thức ăn cho đàn chó mà ông “thương chúng như con”. Cùng đi với ông về quê còn có gia đình người em với ba con chó và một con mèo.
Khi cảm xúc trân trọng của cộng đồng mạng chưa kịp lắng lại, tin tức về việc đàn chó và mèo bị tiêu hủy lúc vừa về đến Cà Mau khiến tất cả bàng hoàng. [25]
Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, nơi xảy ra vụ việc, đã trả lời báo chí rằng đàn chó và mèo của gia đình ông Hùng bị xác định dương tính với “virus gì đó”. [26] Chính quyền địa phương xác nhận đã tiêu hủy chúng vì “áp lực về công tác phòng chống dịch và từ bà con nhân dân”.
Dư luận phẫn nộ cho rằng đây là quyết định vừa thiếu khoa học, vừa không có căn cứ pháp lý, và là hành động vô nhân đạo. Sự việc cũng được báo chí nước ngoài đưa tin. [27]
Trước phản ứng mạnh mẽ của công luận, chính quyền địa phương thừa nhận những người thực thi nhiệm vụ “có hơi nóng vội” và hứa sẽ điều chỉnh. [28]
Có thể nói sự phẫn nộ của dư luận không chỉ thuần túy nằm ở việc đàn chó mèo bị tiêu hủy. Nó là giọt nước tràn ly từ sự bất mãn với cách thức chính quyền ứng phó với dịch bệnh, qua những chính sách cứng nhắc, quy định cực đoan và các quyết định độc đoán thiếu tôn trọng người dân.
Cái chết oan ức của đàn chó mèo mà gia đình ông Hùng xem như con, đã minh họa rõ ràng tính vô nhân đạo trong cách hành xử của nhiều quan chức chính quyền với danh nghĩa chống dịch.
Hiếm có năm nào lại có nhiều nhà báo hầu tòa như năm 2021.
Ngay đầu tháng Một, ba thành viên nòng cốt của Hội Nhà báo Độc lập – Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn – đã nhận những bản án dài dằng dặc từ 11-15 năm tù. [29] Không lâu sau, bốn thành viên của Báo Sạch cũng nối gót Trương Châu Hữu Danh trong danh sách bị khởi tố – và sau cùng cả năm người đều bị tuyên án tù giam. [30] Đến tháng cuối năm, nhà báo Phạm Đoan Trang của Luật Khoa tạp chí và The Vietnamese Magazine cũng lãnh án chín năm tù. [31]
Nhưng không chỉ vậy. Nhà báo nổi tiếng Mai Phan Lợi của làng báo lề phải – người từng là trưởng văn phòng Hà Nội của báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh – cũng bị bắt giam với cáo buộc trốn thuế trong một vụ án có nhiều dấu hiệu của động cơ chính trị. [32]
Như vậy, dù là nhà báo đấu tranh chính trị hay nhà báo của chính quyền hoặc nhà báo nằm đâu đó ở giữa cũng đều rơi vào vòng lao lý trong năm nay. Bức tranh báo chí Việt Nam vốn đã xám xịt nay lại càng xám xịt hơn. Nếu không có những nước đàn áp báo chí khốc liệt như Bắc Hàn hay Trung Quốc thì Việt Nam hẳn không còn giữ được vị trí 175/180 trên bảng xếp hạng tự do báo chí toàn cầu của Phóng viên Không biên giới. [33]
Báo chí vốn bản chất là không gian tự do và sáng tạo, nơi nhà báo tìm cách thỏa mãn nhu cầu thông tin của độc giả. Nhưng chỉ cần một nhà báo bị “trảm” sau khi sáng tạo thì toàn bộ phần còn lại của làng báo lập tức “tắt đèn”. Người ta gọi đó là hiệu ứng gây cóng (chilling effect). Và với hàng loạt nhà báo bị bỏ tù năm nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã truyền đi một thông điệp rất rõ ràng: chúng tôi không khác gì thực dân phong kiến, đừng đùa với chúng tôi.
Nếu tìm kiếm trên Google theo từ khóa “tin tưởng vào sự lãnh đạo của đảng” (bỏ vào ngoặc kép), ta sẽ thấy 103.000 kết quả. Trong năm qua, hệ thống báo đảng đã chạy hết công suất để tạo ra ấn tượng trên truyền thông về sự ủng hộ gần như tuyệt đối của người dân vào vai trò lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Chỉ có điều, quan sát cái cách Đảng Cộng sản đối xử với các ứng cử viên độc lập trong năm nay, ta dễ thấy dường như đảng này không tin vào những diễn ngôn tuyên truyền của chính mình. Bởi, nếu tự tin vào sự ủng hộ của người dân đến vậy, họ sẽ không đàn áp mạnh tay các ứng cử viên độc lập.
Ít nhất bốn ứng cử viên đã bị bắt trước cuộc bầu cử Quốc hội tháng Năm: Trần Quốc Khánh, Lê Trọng Hùng, Lê Văn Dũng và Lê Chí Thành. [34] Đến tháng 11, ông Trần Quốc Khánh đã bị kết án hơn sáu năm tù về tội tuyên truyền chống nhà nước. [35]
Chỉ có chín ứng cử viên tự ứng cử vượt qua được ba vòng hiệp thương để có mặt trong danh sách chính thức, và chỉ có bốn trong số đó trúng cử. [36] Trong số 14/499 đại biểu trúng cử là người ngoài đảng, 10 người là do được giới thiệu chứ không phải tự ứng cử. [37] Đặc biệt, ứng cử viên tự ứng cử Lương Thế Huy – một nhà hoạt động xã hội – hứng chịu một đợt tấn công bôi nhọ có tổ chức trên mạng, đồng thời hầu hết bài vở viết về ông cũng bị gỡ ra khỏi các báo mạng Việt Nam ngay trước ngày bầu cử. [38]
Các nghiên cứu chính trị học trên thế giới đều xếp Việt Nam vào nhóm các quốc gia độc tài chuyên chế (authoritarianism) hay đóng cửa về chính trị (politically closed society). Nhìn vào cách Đảng Cộng sản thao túng toàn diện cuộc bầu cử năm nay, người ta không thể có đánh giá nào tốt hơn cho thể chế này.
Từ cuối tháng 2/2020, Bộ Công an bắt đầu chiến dịch cấp thẻ căn cước gắn chip để định danh công dân cho cuộc chuyển đổi số lịch sử của Chính phủ.
Bước đi đầu tiên này đã không suôn sẻ như lời quảng cáo. Trong năm qua, Bộ Công an đã mang lại nhiều rắc rối hơn là sự thuận tiện như đã hứa. [39] Nhiều người dân kêu trời vì chờ đợi mòn mỏi mà vẫn chưa nhận được chiếc thẻ căn cước mới. Bên cạnh đó, sổ hộ khẩu bị thu hồi để nhường chỗ cho hệ thống định danh quá mới mẻ – có người đã được định danh có người vẫn chưa.
Nhưng hơn hết, thẻ căn cước gắn chip và hệ thống định danh được cho là hiện đại của Bộ Công an hiện nay chỉ là một tấm áo mới che chắn cho cách kiểm soát đã quá lỗi thời và đầy ám ảnh đối với người dân: quản lý bằng địa chỉ thường trú (tức là vẫn quản lý bằng chế độ hộ khẩu).
Theo các chính sách hiện nay, dù bạn có thẻ căn cước và được định danh, bạn vẫn phải thực hiện phần lớn các thủ tục hành chính tại địa chỉ đăng ký thường trú trong khi việc cư trú của người dân là vô cùng đa dạng. Nếu Chính phủ thực sự nghĩ đến sự thuận tiện cho người dân thì xóa bỏ chế độ hộ khẩu là điều cần phải thay đổi đầu tiên, hơn là việc phát hành chiếc thẻ căn cước gắn chip và hệ thống định danh tiêu tốn hơn 9 nghìn tỷ đồng. [40]
Mặt khác, so với thế giới, hệ thống định danh tập trung hiện tại của Bộ Công an đã lỗi thời về mặt công nghệ và tiêu chuẩn bảo vệ quyền riêng tư. Quyền riêng tư là vấn đề hàng đầu trong cuộc chuyển đổi này. Tuy nhiên, Bộ Công an trong thời gian qua đã tập trung vào thành tích khi thu thập, định danh công nhân, liên kết các cơ sở dữ liệu của hơn 90 triệu dân mà vẫn chưa ban hành được Nghị định về Bảo vệ Dữ liệu Cá nhân.
Trái ngược với tuyên bố gần đây của Thủ tướng Phạm Minh Chính – lấy người dân làm trung tâm và động lực trong chuyển đổi số – việc tham vấn, cung cấp thông tin cho người dân về quá trình chuyển đổi số rất hạn chế. [41] Thay vào đó, người dân bị chính quyền quay chóng mặt từ việc làm thẻ căn cước, lấy số định danh, khai báo y tế đến các phiền phức khi bị thu hồi sổ hộ khẩu. Các rắc rối trong năm qua cho thấy nếu chính quyền tiếp tục tự tiện định đoạt về cuộc chuyển đổi số này thì người dân sẽ nhận thêm càng nhiều rủi ro.
Những ngày cuối năm 2021, cái tên Việt Á bỗng nhiên trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý của dư luận. [42]
Ngày 18/12/2021, ông Phan Quốc Việt, tổng giám đốc của công ty này bị bắt để điều tra về những sai phạm về đấu thầu bộ xét nghiệm dùng để chống dịch COVID-19.
Trước đó không lâu, vào tháng 3/2021, Việt Á vẫn còn đại diện cho niềm tự hào dân tộc, được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba vì thành tích nghiên cứu, chế tạo và ứng dụng bộ xét nghiệm “made in Vietnam” đầu tiên được công bố vào tháng 3/2020.
Sau khi ông Việt bị bắt, các thông tin được báo chí liên tiếp phanh phui khiến nhiều người ngỡ ngàng. “Nhà xưởng” của công ty này có quy mô quá nhỏ và thô sơ để có thể sản xuất ra hàng triệu bộ xét nghiệm. “Trụ sở” của Việt Á lại chỉ là một biển hiệu đặt nhờ suốt 10 năm qua tại một ngôi nhà ở TP. Hồ Chí Minh. Nguồn vốn nghìn tỷ như công bố của công ty thì không rõ ràng khi những người sáng lập chỉ nắm một phần nhỏ.
Nó khiến công luận đặt ra nghi vấn về nguồn gốc thật sự và chất lượng của các bộ xét nghiệm, đồng thời là câu hỏi về những bàn tay phía sau đã giúp nâng đỡ công ty vô danh này.
Theo thông tin của cơ quan điều tra, doanh thu bán bộ xét nghiệm của Việt Á là gần 4.000 tỷ đồng. Ngoài ra, từ tháng 1/2020 đến nay, công ty này còn trúng hơn 200 gói thầu cung cấp các sản phẩm y tế ở nhiều bệnh viện và tổ chức lớn.
Danh tiếng của Việt Á gắn liền với Bộ Khoa học và Công nghệ, đơn vị quảng bá bộ xét nghiệm và Bộ Y tế, đơn vị đưa sản phẩm này vào đầu bảng danh sách giới thiệu cho các địa phương. Ngoài ra, không thể không kể đến Học viện Quân y, nơi được cho là phối hợp cùng Việt Á trong quá trình nghiên cứu chế tạo ra bộ xét nghiệm.
Sau khi báo chí chỉ ra thông tin sản phẩm này được Tổ chức Y tế Thế giới chấp thuận là tin giả, trang web của Bộ Khoa học và Công nghệ đã âm thầm gỡ tin và thừa nhận sai sót. Bộ Y tế thì cho rằng mình đã làm đúng quy định. [43] Trong khi đó, ông Hồ Anh Sơn, thuộc Học viện Quân y, người đóng vai trò chủ nhiệm đề tài nghiên cứu chế tạo ra bộ xét nghiệm, khẳng định sai phạm của Việt Á không liên quan đến nghiên cứu của ông. [44]
Ngày 22/12/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính lên tiếng yêu cầu mở rộng điều tra vụ án. [45] Nhưng không cần mở rộng người ta cũng biết Việt Á chỉ là phần nổi của tảng băng, hay con dê tế thần. Không mấy ai nghi ngờ chuyện Việt Á đi đêm với quan chức trung ương lẫn địa phương để kiếm lời, nhưng cơn thịnh nộ giáng xuống đầu Việt Á thực ra một lần nữa khỏa lấp đi những lỗ hổng thể chế khổng lồ đã tạo điều kiện cho những công ty như vậy làm ăn.
Chừng nào chưa gọi tên chính xác địa chỉ chịu trách nhiệm là thể chế chính trị của nước ta thì chừng đó không những sẽ còn nhiều Việt Á, mà có thể nhiều doanh nghiệp sẽ bị trừng phạt thiếu công bằng, bị mang ra tế thay cho những kẻ phải chịu trách nhiệm lớn nhất.
Điều hết sức tréo ngoe trong một năm vừa diễn ra bầu cử lẫn đại dịch là sự vắng mặt của các đại biểu dân cử. Ai cũng biết họ ở đó, nhưng ai cũng biết là họ không ở đó. Vất vả lắm người ta mới nhớ nổi vài cái tên, vài gương mặt mờ nhạt. Phần còn lại chỉ là những bóng ma không tên, không dung hình.
Không ai tìm thấy họ khi hữu sự, hay nói cho chính xác ra là cũng không mấy ai cần tìm đến họ.
Phần này, nói vậy là đủ. Và cũng là để khép lại một năm vừa “sáng suốt”, vừa “toang”.