Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Tuy vậy, họ vẫn không nói khi nào sẽ cho đăng ký hoạt động.
Nếu bạn là tín đồ của một tôn giáo mới tại Việt Nam và quá chán ngán với sự tuyên truyền về tính độc hại của tôn giáo mới thì một tài liệu đăng tải gần đây của Ban Tôn giáo Chính phủ có thể đem lại một chút hy vọng.
Ban Tôn giáo Chính phủ đã công nhận những mặt tốt của phong trào tôn giáo mới tại Việt Nam trong một tài liệu đăng tải vào tháng 11/2021. [1]
Đây là tài liệu dành cho các cán bộ trong công tác thông tin, tuyên truyền về chính sách của nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo cũng như quan điểm “đấu tranh” đối với phong trào tôn giáo mới.
Liệu việc công nhận những mặt tích cực của các tôn giáo mới có cho thấy chính quyền đã thay đổi quan điểm về phong trào tôn giáo mới đang ngày càng đa dạng và phổ biến?
Nhiều năm qua, các tín đồ tôn giáo mới đã chịu sự chỉ trích nặng nề của báo chí và sự cản trở của chính quyền địa phương, bất kể họ sinh hoạt tại nhà riêng, quán cà phê hay khách sạn.
Tài liệu đăng tải gần đây của Ban Tôn giáo Chính phủ có lẽ là nhận định chính thức đầu tiên của cơ quan này về những mặt tích cực của phong trào tôn giáo mới (được gọi là “hiện tượng tôn giáo mới” trong tài liệu).
Năm mặt tích cực chính được liệt kê là: [2]
Thứ nhất, các tôn giáo mới đáp ứng nhu cầu tinh thần và rèn luyện sức khỏe của người dân, đặc biệt là người nghèo, nhóm yếu thế. Tài liệu ghi nhận một số tôn giáo sinh hoạt dưới hình thức thiền nhằm nâng cao sức khỏe và chữa bệnh bằng các bài thuốc đơn giản, giảm chi phí và tạo thêm hy vọng cho người nghèo.
Thứ nhì, giáo lý, nội dung giảng dạy của một số tôn giáo mới có tính phê phán, phản biện xã hội “ở một chừng mực nào đó”. Các nội dung được ghi nhận là: phê phán nạn tham nhũng, lãng phí, quan liêu, phê bình thói hư tật xấu của các chức sắc tôn giáo lớn, v.v.
Thứ ba, một số tôn giáo mới đề cao các anh hùng có công với đất nước, khuyên người dân “bài trừ mê tín dị đoan, sửa đổi tập tục tang ma, bỏ những tật xấu trong cuộc sống.” Những yếu tố này được xem là giúp đảm bảo các mối quan hệ tốt đẹp trong gia đình và cộng đồng.
Thứ tư, một số tôn giáo mới tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội như “đóng góp quỹ xóa đói giảm nghèo, xây dựng nhà tình nghĩa, hỗ trợ đồng bào bị lũ lụt, tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.”
Thứ năm, phong trào tôn giáo mới tạo ra sự cạnh tranh, khiến các tôn giáo truyền thống phải điều chỉnh hoạt động, đáp ứng đời sống tâm linh của các tín đồ và nhân dân tốt hơn.
Có thể thấy, cách đánh giá ở trên dù đã có phần công bằng hơn, nhưng vẫn cho thấy chính quyền áp đặt ý chí chủ quan của mình để đánh giá hoạt động tôn giáo như thế nào là xấu và như thế nào mới là tốt.
Cũng cần lưu ý rằng các nhận định này không trùng khớp với cách đối xử của chính quyền địa phương với một số tôn giáo mới trong thời gian qua. Dù có những mặt tích cực được kể trên, một số tôn giáo mới vẫn bị trấn áp nặng nề.
Đơn cử, tôn giáo mới góp phần sửa đổi hủ tục tang ma (điểm tích cực thứ ba) có thể kể đến đầu tiên là đạo Dương Văn Mình, phổ biến ở một số tỉnh miền núi phía Bắc. Tuy nhiên, đạo Dương Văn Mình lâu nay bị chính quyền một số địa phương cho là tà đạo, phá hoại văn hóa truyền thống của người H’mong. [3]
Câu lạc bộ Tình Người tại Hà Nội cũng nổi tiếng với các hoạt động từ thiện. Tuy nhiên, chính quyền không tán đồng các quan điểm tâm linh của câu lạc bộ và cho rằng nhóm này tuyên truyền mê tín dị đoan. [4]
Trong tài liệu này, Ban Tôn giáo Chính phủ đã khẳng định: “Tất cả các hiện tượng tôn giáo mới ở Việt Nam hiện nay đều chưa được Nhà nước cho phép hoạt động”.
Khẳng định trên cũng có thể được hiểu rằng quy trình đăng ký sinh hoạt tôn giáo theo Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016 không dành cho các tôn giáo mới. Dù vậy, nhà nước cũng không có điều luật nào quy định các tôn giáo mới không được đăng ký hoạt động tôn giáo.
Nếu không đăng ký được, các nhóm tôn giáo mới không thể có cơ sở thờ tự công khai. Họ thường sinh hoạt tại nhà riêng hoặc thay đổi địa điểm liên tục để tránh sự trấn áp. Tuy nhiên, tài liệu của Ban Tôn giáo Chính phủ lại sử dụng chính điều này để giải thích cho sự “bất hợp pháp” của họ.
Cụ thể, tài liệu chỉ trích các tín đồ theo tôn giáo mới sinh hoạt “không cần cơ sở thờ tự”, thường tụ tập tại nhà riêng, bìa rừng, bờ sông, hoạt động lén lút, v.v.
Vào tháng 6/2021, Thứ trưởng Bộ Nội vụ kiêm Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Chiến Thắng đã nói rằng Việt Nam sẽ đón tất cả các tôn giáo, bao gồm các đạo lạ. Đến nay, đây vẫn chỉ là một lời nói. [5]
Trong tài liệu này, Ban Tôn giáo Chính phủ đề ra cách phân loại tôn giáo mới theo tính chất hoạt động. Đây được cho là cơ sở để xác định “các giải pháp cụ thể” đối với các tôn giáo mới. [6]
Theo tính chất hoạt động, tôn giáo mới được chia làm ba loại: (1) “có màu sắc chính trị tiêu cực, nguy hiểm, ảnh hưởng xấu đến nhân phẩm con người, bản sắc dân tộc”, (2) “tác động cả hai mặt tích cực và tiêu cực đến đời sống xã hội” và (3) “đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật, hoạt động không vi phạm pháp luật.”
Dù nêu ra cách phân loại nhưng Ban Tôn giáo Chính phủ không nêu cụ thể tôn giáo mới nào được xếp theo loại nào. Đồng thời, tài liệu này cũng không nói rõ loại “hiện tượng tôn giáo mới có mặt tích cực” sẽ được đối xử như thế nào, có được nhà nước cho phép hoạt động hay không.
Ban Tôn giáo Chính phủ lại có quan điểm rất rõ đối với loại “hiện tượng tôn giáo mới” có màu sắc chính trị và tác động tiêu cực đến xã hội.
Các tôn giáo bị xếp vào nhóm này, bao gồm: các tôn giáo mới liên hệ các mặt trái của xã hội với các vấn đề chính trị; xuyên tạc lịch sử, nói xấu chế độ; chống đối và bất hợp tác với chính quyền; tuyên truyền mê tín dị đoan; xâm phạm nhân phẩm và sức khỏe con người, lợi dụng tín đồ về tiền bạc, vật chất; bài xích các tôn giáo truyền thống, làm gia tăng nguy cơ xung đột tôn giáo, v.v.
Theo cơ quan này, chính quyền các địa phương cần kiên quyết đấu tranh với những tôn giáo mới bị cho là “phản văn hóa, có màu sắc chính trị”, “không để những thế lực xấu lợi dụng hiện tượng tôn giáo mới thành những hoạt động chính trị, đối lập với chính quyền”. [7]
Cách xác định các tôn giáo có màu sắc chính trị và tác động tiêu cực như trên vẫn mang đậm tính chủ quan. Một số tôn giáo mới đã bị chính quyền địa phương báo cáo sai lệch về tính chất hoạt động, dẫn đến việc dễ dàng bị dán nhãn là chống chính quyền.
Vào tháng 3/2020, ba người dân tộc Ba-na theo đạo Hà Mòn bị Công an tỉnh Gia Lai bắt giữ sau gần tám năm lẩn trốn trong rừng. Ban đầu, chính quyền cho rằng đây là ba thành viên cốt cán chỉ đạo những người khác chống chính quyền trong nhiều năm. [8] Tuy nhiên, sau ba tháng bị tạm giam, cả ba người được thả về nhà. Lý do họ trốn trong rừng là vì quá sợ bị công an truy bắt vì họ theo đạo Hà Mòn, chứ không có bất kỳ hoạt động chống chính quyền nào. [9]
Đạo Dương Văn Mình trong nhiều năm cũng bị chính quyền phá bỏ các nhà tang lễ, các tín đồ bị bỏ tù. Hành động trấn áp quá đáng đối với đạo Dương Văn Mình đã khiến nhiều người H’mong theo đạo này mất niềm tin vào chính quyền. Họ cho rằng mình chỉ thay đổi thủ tục ma chay, cải đạo sang Tin Lành chứ không làm gì chống chính quyền mà phải bị đối xử như vậy. [10]
Báo chí nhà nước luôn ác cảm đối với các tôn giáo mới, ngay cả khi thực tế cho thấy các tôn giáo mới hoạt động trong trật tự, không làm ảnh hưởng đến cộng đồng.
Ví dụ như vào tháng 11/2021, báo Hòa Bình cho rằng địa phương này có các tôn giáo mới hoạt động như Pháp Luân Công, Pháp môn Diệu Âm. Tờ báo này cho biết: “Nhìn chung, các hiện tượng tín ngưỡng, tôn giáo mới không có các hoạt động công khai, chưa có biểu hiện gây mất trật tự, an ninh xã hội, tập trung đông người, song tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp.” [11]
Tài liệu của Ban Tôn giáo Chính phủ cũng cho biết báo chí nhà nước vẫn là một trong những công cụ đấu tranh đối với “các hiện tượng tôn giáo mới cực đoan, tà đạo trái phép”.
Tóm lại, dù thừa nhận những mặt tích cực của phong trào tôn giáo mới tại Việt Nam, chính quyền vẫn sẽ giám sát chặt chẽ tất cả hoạt động tôn giáo mới, ngăn chặn triệt để các tôn giáo mới bị cho là có màu sắc chính trị, cực đoan.
Chú thích:
1. Ban Tôn giáo Chính phủ. (2021, November). Tài liệu bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ thông tin, tuyên truyền chính sách pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và công tác tín ngưỡng, tôn giáo. http://cms.btgcp.gov.vn/upload/documents/03_11_2021/tai-lieu-boi-duong-de-an-2021-11-03-16-41-27.pdf
2. Xem [1], trang 245, 246.
3. Luật Khoa. (2021c, October 14). Ai đang nói dối bạn về đạo Dương Văn Mình: Bộ đội hay công an? https://www.luatkhoa.org/2021/10/ai-dang-noi-doi-ban-ve-dao-duong-van-minh-bo-doi-hay-cong-an/
4. Luật Khoa. (2021b, April 15). Tôn giáo tháng 3/2021: Lại có thêm người Thượng bị kiểm điểm vì sinh hoạt tôn giáo ở Phú Yên. https://www.luatkhoa.org/2021/04/ton-giao-thang-3-2021-lai-co-them-nguoi-thuong-bi-kiem-diem-vi-sinh-hoat-ton-giao-o-phu-yen/#4-m%E1%BB%99t-c%C3%A2u-l%E1%BA%A1c-b%E1%BB%99-%E1%BB%9F-h%C3%A0-n%E1%BB%99i-b%E1%BB%8B-cho-l%C3%A0-tuy%C3%AAn-truy%E1%BB%81n-m%C3%AA-t%C3%ADn-d%E1%BB%8B-%C4%91oan
5. Ban Tôn giáo Chính phủ. (2021, June 3). Hội nghị trực tuyến về cơ chế quản lý, sử dụng đất tôn giáo, tín ngưỡng. http://btgcp.gov.vn/tin-hoat-dong-cua-ban-ton-giao-chinh-phu/hoi-nghi-truc-tuyen-ve-co-che-quan-ly-su-dung-dat-ton-giao-tin-nguong-postjpR9lP4l.html
6. Xem [1], trang 240.
7. Xem [1], trang 247, 248, 250.
8. Luật Khoa. (2020c, July 3). Bản tin Tôn giáo tháng 3/2020: Triệt hại FULRO và tự do tôn giáo. https://www.luatkhoa.org/2020/07/ban-tin-ton-giao-thang-3-2020-triet-hai-fulro-va-tu-do-ton-giao/
9. Luật Khoa. (2020d, July 15). Tôn giáo tháng 6: Tín đồ về từ rừng, tranh chấp đất đai, VN phản đối báo cáo của Mỹ. . .. https://www.luatkhoa.org/2020/07/ton-giao-thang-6-tin-do-ve-tu-rung-tranh-chap-dat-dai-vn-phan-doi-bao-cao-cua-my/
10. Xem [3]
11. Báo Hòa Bình. (2021, November 22). Tháo gỡ vướng mắc trong công tác quản lý tôn giáo. http://baohoabinh.com.vn/274/159770/Thao-go-vuong-mac-tr111ng-cong-tac-quan-ly-ton-giao.htm