Luật Khoa 360: ‘Tinh gọn bộ máy’ - thông điệp mới từ cuộc họp bất thường của Trung ương Đảng
💡Luật Khoa 360 là dạng bài toàn cảnh về một sự kiện, cung cấp thông tin đa chiều, không kiểm
Có những lời xúc phạm được luật pháp Hoa Kỳ cho là đương nhiên gây hại, không cần chứng minh.
Trước “hiện tượng Phương Hằng” ồn ào suốt thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng hành vi ăn nói hàm hồ, vu khống, xâm phạm đến danh dự nhân phẩm người khác thì phải bị xử lý hình sự, tức bắt bỏ tù.
Nhưng vì sao “phải vào tù” thì ít người bàn tới.
Tôi cho rằng chữ “phải” này chỉ đúng trong thế giới quan mà pháp luật hình sự Việt Nam đang xây dựng, nơi các thảo luận và chỉ trích nhắm đến chính quyền luôn chực chờ bị biến thành tội phạm. Còn nó có “phải” hay không trong các môi trường pháp luật cấp tiến hơn thì là câu chuyện đáng được xem xét. Về vấn đề này, bạn có thể tham khảo bài viết “Xu hướng bãi bỏ tội vu khống trên thế giới” mà Luật Khoa đã giới thiệu gần đây. [1]
Để phân biệt biểu đạt có tính vu khống (quy định tại Điều 156 của Bộ luật Hình sự 2015) và biểu đạt xúc phạm danh dự nhân phẩm (Điều 155 và Điều 331), chúng ta có thể dựa vào cấu thành “biết rõ sai sự thật”. [2]
Một người có thể bị khởi tố theo Điều 156 nếu người này bịa đặt ra những điều mà họ “biết rõ là sai sự thật” nhằm xúc phạm nhân phẩm, danh dự và gây thiệt hại cho người khác, hoặc nghiêm trọng hơn là trực tiếp tố cáo người khác ra chính quyền, cho rằng người này vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, tại Điều 331, chỉ cần bạn có bất kỳ hành vi gì được cho là “lợi dụng” các quyền tự do dân chủ và xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lợi ích của người khác thì chính quyền đã có khả năng khởi tố - bắt giam bạn. Khả năng tương tự được áp dụng tại Điều 155 về “tội làm nhục người khác”. Như vậy, chiếu theo hai điều luật này, bất kể điều bạn nói có đúng sự thật hay không, hay môi trường mà bạn đưa ra biểu đạt đó là gì, bạn luôn có nguy cơ bị bắt bỏ tù vì các phát ngôn của mình.
Như vậy, chưa tính đến góc độ so sánh pháp luật, hình sự hóa vu khống với Điều 156 có vẻ hợp tai hơn hình sự hóa xúc phạm danh dự nhân phẩm ở Điều 331, chủ yếu vì khả năng đoán định và xác định lỗi hành vi của Điều 156 chắc chắn hơn Điều 331 rất nhiều.
Tuy nhiên, trong cả hai trường hợp, cách tiếp cận hình sự hóa không phải là lựa chọn của nhiều hệ thống pháp luật trên thế giới.
Giới lập pháp nước ngoài có thể phân loại vu khống hay xúc phạm ra nhiều trường hợp (tương tự như Việt Nam phân loại ra Điều 156, Điều 155 và Điều 331), nhưng không phải để phân chia mức độ nặng nhẹ nhằm bỏ tù. Thay vào đó, các công cụ pháp luật định ra các tầng trách nhiệm khác nhau, tạo điều kiện cho tất cả các bên tự bảo vệ mình qua con đường dân sự.
“Defamation per se” (tạm dịch là “xúc phạm đương nhiên”) trong pháp luật Hoa Kỳ là một công cụ như vậy.
Công cụ này, còn được gọi bằng các tên “per se defamatory” hay “defamation actionable per se”, quy định các hành vi trực tiếp vu khống người khác vi phạm pháp luật.
Nó là một tổ hợp các hành vi biểu đạt đương nhiên gây hại bao gồm: [3]
(1) Cáo buộc một người có hành vi vi phạm pháp luật;
(2) Cáo buộc một người có hành vi đi ngược lại đạo đức nghề nghiệp, vị trí của họ;
(3) Cáo buộc một người (thường là phụ nữ) ngoại tình/ dâm ô;
(4) Cáo buộc một người đang bị chứng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Đối với bốn trường hợp này, bên nguyên đơn được miễn trừ nghĩa vụ chứng minh thiệt hại (tức thiệt hại chung được giả định là đã có). Thêm vào đó, nguyên đơn cũng không cần thiết phải chứng minh là người đưa ra phát ngôn có “chủ đích ác ý” (actual malice).
Như vậy, miễn là bên nguyên đơn chứng minh được một phát ngôn nhất định là sai sự thật, họ chắc chắn giành phần thắng và được bồi hoàn thiệt hại.
Có thể xem cách công cụ này được áp dụng qua một án lệ thú vị mang tên Longbehn v. Schoenrock, được Tòa Phúc thẩm bang Minnesota xét xử vào năm 2010. [4]
Theo đó, vào năm 2001, cảnh sát viên Patrick Longbehn (lúc đó 34 tuổi) bắt đầu sống chung với bạn gái của mình (lúc đó 18 tuổi). Longbehn bị một người có tên Schoenrock dán nhãn là “Pat the Pedophile” (Pat - Kẻ ấu dâm).
Việc dán nhãn này dẫn đến phản ứng tiêu cực của người dân trong khu vực, và Longbehn bị sa thải khỏi phòng cảnh sát địa phương vài tháng sau đó. Longbehn khởi kiện Schoenrock và hai người khác có liên quan. Sau nhiều cấp kiện tụng, Longbehn cuối cùng giành chiến thắng, được bồi thường thiệt hại lên đến hàng trăm nghìn Mỹ kim.
Theo lập luận của Tòa phúc thẩm bang Minnesota, việc dán nhãn một người là kẻ ấu dâm đồng nghĩa với việc cáo buộc họ đang có hành vi tình dục vi phạm quy định của pháp luật, và Longbehn không cần phải chứng minh thiệt hại thực tế hay chủ đích ác ý của Schoenrock - hai yếu tố khó chứng minh nhất trong các vụ án về vu khống hay phỉ báng. Vì bạn gái của Longbehn đã 18 tuổi, đạt tuổi thành niên, phát ngôn của Schoenrock được xem là sai sự thật, và đương nhiên gây hại.
Như vậy, công cụ “defamation per se” hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ của mình: không để nhà nước can thiệp vào các thảo luận và tranh chấp ngôn từ dân sự, nhưng chắc chắn rằng các tầng, nhóm xúc phạm/ vu khống/ bôi nhọ khác nhau sẽ trao cho nguyên đơn (lẫn bị đơn) những công cụ hiệu quả khác nhau để bảo vệ quyền lợi của mình.
Cũng cần lưu ý là pháp luật Hoa Kỳ vẫn nhất quyết không nương tay đối với những người được xem là người của công chúng (public figure) như quan chức, ca sĩ, diễn viên, người nổi tiếng, v.v. Trong các vụ kiện xúc phạm danh dự, trách nhiệm chứng minh nặng nề vẫn được đặt lên vai họ. Và hiển nhiên pháp luật hình sự không thể được áp dụng trong các trường hợp đó.
Chi tiết về cách áp dụng của quy định này có thể được tham khảo trong chuỗi bài viết về tự do ngôn luận đã được đăng tải trên Luật Khoa. [5]
Chú thích
1. Trịnh Hữu Long. (2021, November 18). Xu hướng bãi bỏ tội vu khống trên thế giới. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2021/11/xu-huong-bai-bo-toi-vu-khong-tren-the-gioi/
2. Bộ luật Hình sự 2015. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Trach-nhiem-hinh-su/Bo-luat-hinh-su-2015-296661.aspx
3. libel per se. (2021). LII / Legal Information Institute. https://www.law.cornell.edu/wex/libel_per_se
4. Patrick Longbehn, Appellant, v. Robin Schoenrock, Respondent. https://casetext.com/case/longbehn-v-schoenrock
5. Võ Văn Quản. (2020b, August 18). Luật pháp và ngôn luận – Kỳ 1: Trường hợp xúc phạm, phỉ báng, và bôi nhọ. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2020/08/luat-phap-va-ngon-luan-ky-1-truong-hop-xuc-pham-phi-bang-va-boi-nho/