‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Hãy đọc để giữ cho mình một ngọn lửa nhỏ, dù lúc này nó có thể phải ẩn giấu đi.
Hồi tuần trước, Trịnh Bá Phương, một trong những người lên tiếng mạnh mẽ nhất cho người dân Đồng Tâm bị đưa ra xét xử. Anh nhận án 10 năm tù. [1] Bằng chứng buộc tội anh, ngoài những video clip trên Facebook còn có cả cuốn sách “Cẩm nang nuôi tù” của Phạm Đoan Trang. Theo kết quả giám định, cuốn sách này có nội dung “xuyên tạc, phỉ báng chính quyền”, “tuyên truyền thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân”.
Tác giả của cuốn sách, Phạm Đoan Trang, cũng bị kết án 9 năm tù vì một tội danh tương tự. [2]
Ở Việt Nam trong thế kỷ 21, chúng ta đang nhìn thấy những người chỉ vì viết sách, hay thậm chí là vì đọc sách mà phải vào tù. Điều đáng sợ hơn là luật pháp hiện tại đang cho phép chính quyền làm việc này, và vì thế họ có cái quyền tuyên xưng rằng hành xử của mình là “hợp pháp”.
Nhưng câu hỏi mà chúng ta cần đặt ra là: Thứ pháp luật đó có công lý không?
Pháp luật không phải là một thứ được tạo ra để ta kính thờ - chúng ta không phải thần dân, chính quyền không phải vua chúa. Vì thế, chỉ trích, hay thậm chí phỉ báng chính quyền không thể là một tội được. Nếu như ai đó thấy chối tai ngay cả với lập luận đơn giản này của tôi, họ chính xác là những công dân lý tưởng để sống trong một chế độ độc tài. Họ có thể dừng việc đọc bài này tại đây.
Còn nếu như bạn đang đọc tiếp, có lẽ bạn thừa hiểu rằng việc chính quyền bỏ tù những người chỉ trích ôn hòa như Phương, như Trang chỉ thuần túy là nhổ đi cái gai trong mắt. Và dù con số những người bị bỏ tù ấy có lên đến hàng trăm người thì cũng không có nghĩa rằng chuyện này là bình thường, rằng ở Việt Nam thì phải theo luật Việt Nam thôi.
Một lần nữa, chúng ta không phải là những thần dân chỉ biết vâng lệnh, mà là những công dân với đầy đủ quyền, bao gồm quyền phản kháng.
Ở Việt Nam bây giờ, khi chính quyền bỏ tù những người viết, thì đọc sách chính xác là một cách thức để phản kháng. Đó cũng là một cách an toàn hơn cho chúng ta vào cái thời kỳ tối tăm này, khi việc lên tiếng trên mạng cũng hàm chứa đầy rủi ro. Đừng lo lắng vì bạn thấy e sợ - ai mà chẳng sợ bị bắt bớ, phải vào tù - nhưng bạn cũng đừng ngừng đọc sách. Hãy đọc để giữ cho mình một ngọn lửa nhỏ, dù lúc này nó có thể phải ẩn giấu đi.
Nếu chưa từng đọc, bạn hãy thử đọc sách của Đoan Trang.
Hãy thử đọc “Cẩm nang nuôi tù” của Phạm Đoan Trang, xem nó “phỉ báng”, “xuyên tạc” đến độ nào. Cuốn sách này, trái với cái tên của nó, có những chỉ dẫn hữu ích cho mọi người sống ở Việt Nam, bao gồm một nhân viên tổ chức phi chính phủ hay một người tự nhận mình là “cừu trắng” lớn lên dưới mái trường xã hội chủ nghĩa. [3] [4]
Link tải sách "Cẩm nang nuôi tù"
Hãy thử đọc “Chính trị bình dân”, cuốn cẩm nang giản dị mà Đoan Trang viết cho mọi người, bằng một thứ ngôn ngữ đầy kiên nhẫn, với sự hiểu biết rằng người thường chẳng ai muốn dính tới chính chị chính em làm gì, nhưng vì nó quá quan trọng, nên “mong bạn hãy cố gắng lên”. [5] Tác giả Vi Yên từng nhận xét rất đúng rằng “Chính trị bình dân” là “một trong những tài liệu hiếm hoi bàn về chính trị Việt Nam một cách nghiêm chỉnh kể từ năm 1975 trở lại đây”. [6] Nhưng nếu nói riêng về sách viết cho độc giả bình dân, đây có lẽ là cuốn duy nhất.
Link tải sách "Chính trị bình dân"
Bạn hãy thử đọc “Phản kháng phi bạo lực”, cuốn sách Đoan Trang biên soạn dành cho những người muốn tạo ra thay đổi trong xã hội mà không muốn dùng tới bạo lực. Câu thần chú dành cho họ là “làm tốt từng việc nhỏ”. Việc nhỏ đầu tiên có thể là đọc cuốn sách nhỏ này.
Link tải sách "Phản kháng phi bạo lực"
Một nghiên cứu vào năm 2019 của một nhà khoa học chính trị tại Đại học Harvard đã chứng minh rằng nếu một phong trào phản kháng thu hút được sự tham gia của 3,5% dân số, rất có khả năng phong trào ấy sẽ tạo ra thay đổi chính trị thực sự. [7] Nghiên cứu ấy chứng minh điều mà chúng ta vẫn thường nghe nhiều (nhưng không tin bao nhiêu): một nhóm thiểu số trong xã hội có thể thay đổi thế giới.
Việt Nam có 100 triệu người. Con số cần đạt tới là 3,5 triệu. Con số này có nhiều không? Nó ngang với số lượt like fanpage của VnExpress, và nhỏ hơn rất nhiều so với lượng theo dõi của fanpage Hoài Linh hay Trấn Thành.
Một mình Đoan Trang hay một nhà hoạt động nào đó chẳng thể khiến Việt Nam trở thành một quốc gia tự do, nhưng nếu như những kiến thức trong sách của họ đến được với 3,5 triệu người, chuyện có thể sẽ khác.
Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.
Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.
Chú thích
1. Bùi Nguyên Sa. (2021, December 15). Xét xử Trịnh Bá Phương và Nguyễn Thị Tâm: Tòa tuyên án trong khi thân nhân bị công an tạm giữ. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2021/12/xet-xu-trinh-ba-phuong-va-nguyen-thi-tam-toa-tuyen-an-trong-khi-than-nhan-bi-cong-an-tam-giu/
2. Luật Khoa Tạp Chí. (2021, December 14). Tường thuật trực tiếp: Đoan Trang lĩnh 9 năm tù giam. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2021/12/live-phien-toa-so-tham-vu-an-pham-doan-trang/
3. Hạ Anh. (2021, March 9). “Cẩm nang nuôi tù”: Quyển sách cho tôi nhiều thứ hơn mong đợi. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2021/03/cam-nang-nuoi-tu-quyen-sach-cho-toi-nhieu-thu-hon-mong-doi/
4. Bùi Nguyên Sa. (2021a, May 25). Khi một chú cừu trắng (như tôi) cũng phải đọc Cẩm nang nuôi tù. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2021/05/khi-mot-chu-cuu-trang-nhu-toi-cung-phai-doc-cam-nang-nuoi-tu/
5. Bùi Nguyên Sa. (2021b, August 31). Chính trị ảnh hưởng đến tất cả chúng ta, những người bình dân ạ. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2021/08/chinh-tri-anh-huong-den-tat-ca-chung-ta-nhung-nguoi-binh-dan-a/
6. Vi Yên. (2021, December 17). 5 lý do bạn nên đọc “Chính trị bình dân” của Phạm Đoan Trang. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2017/10/5-ly-do-ban-nen-doc-chinh-tri-binh-dan-cua-pham-doan-trang/
7. Robson, D. (2019, May 14). The “3.5% rule”: How a small minority can change the world. BBC Future. https://www.bbc.com/future/article/20190513-it-only-takes-35-of-people-to-change-the-world