Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Hơn 7 năm trước, trong một lớp học giới thiệu báo chí cho các sinh viên đa ngành, một nhà báo thâm niên nói với chúng tôi rằng với công nghệ hiện nay, ai cũng có thể trở thành một nhà báo. Bạn chụp một bức ảnh, điền thêm thông tin rồi đăng lên mạng xã hội là có thể thu hút được công chúng.
Hai năm sau, tôi bước chân vào nghề báo nhưng lại rẽ vào lối đi mà ngay cả tôi cũng không ngờ tới - làm báo độc lập. Nghề báo đã không dễ dàng như lời nhà báo trên.
Thời học sinh, tôi đã đọc các xấp báo mà ba tôi mang về nhà hàng ngày. Báo chí lúc đấy đã mở cho tôi một thế giới khác, các vụ án về tội phạm của báo Công an TP. Hồ Chí Minh, Công an Nhân dân, và nhất là tạp chí Kiến thức Ngày nay đã cho tôi biết thế giới rộng lớn và đa dạng như thế nào. Tuy nhiên, các tờ báo đó không đề cập đến các tù nhân lương tâm, nhà báo độc lập, hay bất cứ nhà hoạt động xã hội nào.
Làm báo độc lập là một khái niệm mới nổi trong hơn một thập niên qua ở Việt Nam, song hành với sự ra đời của blog và mạng xã hội. Tuy nhiên, cả thời sinh viên, tôi không hề biết có một nghề nghiệp giống như vậy tồn tại. Khi đó, tôi nghĩ đơn giản rằng nhà báo là phải làm việc cho các tờ báo thuộc các cơ quan của nhà nước để cung cấp tin tức cho người dân, nếu ai cũng có thể làm nhà báo thì xã hội sẽ rối loạn.
Trong năm qua, nhiều nhà báo độc lập đã bị đặt tay vào chiếc còng số 8 để nhận những bản án tù giam dài đằng đẵng. Đối với cộng đồng quốc tế, họ là những nhà báo chân chính; đối với nhà nước Việt Nam, họ là những người phá hoại đất nước. Làm báo độc lập rốt cuộc là làm gì? Bạn thực sự có nên tham gia vào nghề nghiệp đầy bất trắc này?
Chúng ta có mắt để chứng kiến những sự thật của xã hội, có đầu óc để suy nghĩ và lựa chọn quan điểm của mình. Đây là điều mà không ai có thể ngăn cản bạn, trong đó có việc lựa chọn nghề nghiệp của chính mình.
Khi còn là sinh viên, một lần đặt chân đến một ngôi làng nghèo khổ đã khiến tôi phải chọn lại nghề nghiệp của mình. Tôi chưa bao giờ chứng kiến một ngôi làng nghèo khổ như vậy. Bây giờ, nhắm mắt lại tôi vẫn thấy đất đai ở nơi kéo dài hàng cây số khô khốc, không trồng được bất kỳ thứ gì, trẻ em bị suy dinh dưỡng và nhiều em ở nhà một mình do ba mẹ phải đi xa tìm việc. Trong các ngôi nhà tạm bợ ở đó, có một căn nhà lá rách nát là nơi ở của một gia đình bốn người, và phòng khách là nơi chứa tài sản giá trị nhất của họ - hai con bò. Lúc đó, tôi đã biết có sự bất bình đẳng quá lớn trong xã hội mà báo chí đã không hề đề cập đến.
Là một người bình thường, bạn khó lòng quay lưng với sự bất công như vậy. Chúng sẽ đeo bám bạn, thôi thúc bạn làm một điều gì đấy. Những số phận người, những ngôi làng như vậy nếu không được nói đến thì mãi mãi sẽ không có gì cải thiện.
Phạm Đoan Trang từng làm việc cho một số tờ báo chính thống tại Việt Nam và rẽ sang con đường làm báo, viết sách độc lập. Phạm Chí Dũng, một cán bộ Ban An ninh Nội chính của Thành ủy TP. Hồ Chí Minh có 20 năm tuổi đảng cũng đã trở thành một nhà báo độc lập. Nguyễn Hữu Vinh (Blogger Anh Ba Sàm), một thiếu tá an ninh cao cấp, con trai của nguyên bộ trưởng Bộ Lao Động, cũng đã trở thành một nhà báo độc lập.
Cả ba người tôi vừa nhắc đến đều là những người được xã hội công nhận là tài giỏi, dễ dàng vươn tới một cuộc sống an nhàn nhưng họ đã chọn con đường ít ai dám dấn thân - làm báo độc lập. Họ cũng giống như bất cứ ai trong chúng ta, biết phân tích rủi ro, lợi ích cho chính mình nhưng cuối cùng họ vẫn chọn con đường đầy bất trắc như vậy. Họ hẳn có gì đó thôi thúc, có gì đó thật sự cần làm, có gì đó thật sự cần nói với bạn.
Bạn hãy thử hình dung mình đang sống trong một thị trấn, tất cả quán ăn, siêu thị, chợ búa đều do một công ty sở hữu, họ sẽ quyết định bạn ăn gì, chất lượng thực phẩm ra sao, bạn phải trả bao nhiêu tiền và bạn không hề có quyền mặc cả, hoặc ăn hoặc nhịn. Khi chuyện ăn uống này bị chèn ép quá sức chịu đựng, một số người chịu hết nổi sẽ tự mở quán ăn, tự buôn bán thực phẩm để cạnh tranh lại, và họ sẽ bị công ty kia tìm mọi cách phá hoại để giữ vị thế độc quyền của mình.
Hình dung trên là mô tả chính xác về tình cảnh báo chí Việt Nam, nơi có hàng trăm tờ báo hoạt động nhưng hoàn toàn bị nhà nước điều khiển. Thông tin mà bạn nhận được hàng ngày đều đã qua sự kiểm duyệt của chính quyền và sự tự kiểm duyệt của các tờ báo. Các tờ báo độc lập không được phép hoạt động tự do, bất cứ ai dám đưa tin độc lập đều trở thành kẻ thù của chính quyền.
Nhiều người đặt câu hỏi liệu báo chí độc lập có mang lại sự rối loạn? Thật sự câu hỏi nên đặt ra là ai sẽ được lợi nhiều nhất và ai sẽ mất đi lợi ích nhiều nhất nếu báo chí được hoạt động độc lập?
Đại sứ Anh tại Việt Nam Gareth Ward và Đại sứ Canada tại Việt Nam Deborah Paul gần đây đã nhắc chúng ta về sự cần thiết của báo chí: “Hôm nay, vào ngày Nhân quyền quốc tế (10/12), chúng tôi cảm ơn tất cả các nhà báo trên khắp thế giới, những người đã phản ánh những bất công, cho chúng ta sự thật để chúng ta được tự do suy nghĩ và phản biện về thế giới xung quanh […]”. Và điều này chỉ xảy ra khi một nền báo chí có những nhà báo độc lập. [1]
Nghề báo độc lập có thể sẽ đi kèm với nhiều điều mà các bạn trẻ không mong muốn. Bạn không cần đến văn phòng làm việc, vì chẳng có văn phòng nào được phép hoạt động tại Việt Nam. Do đó, bạn cần sự sáng tạo và khả năng sắp xếp công việc. Bạn sẽ tự thiết kế lịch làm việc của mình. Bạn có thể phải làm việc một mình, tự mình tìm chủ đề, tự mình quyết định cách viết, tự mình chuẩn bị một chuyến phỏng vấn.
Một nhà báo nước ngoài nếu gặp rắc rối với chính quyền thì kịch bản tệ nhất là họ sẽ bị trục xuất về nước. Nhưng nếu bạn là nhà báo độc lập, bạn sẽ đối diện với rủi ro là những bản án tù. Do đó, bạn phải thật sự cẩn trọng.
Làm báo độc lập không có nghĩa là bạn có thể viết gì cũng được. Bạn có tiêu chuẩn về nghề nghiệp, bạn cũng chịu sự đánh giá của công chúng, bạn cũng có thể có biên tập viên để kiểm chứng nội dung nếu bạn làm việc trong một tổ chức.
Bạn sẽ khó có cơ hội phỏng vấn đầy đủ các bên liên quan do hầu hết các cơ quan nhà nước không muốn trả lời các tờ báo độc lập. Họ đơn giản cúp máy hoặc lờ đi email của bạn. Nhiều cá nhân dù rất muốn nhưng lo ngại bị chính quyền trả thù nên cũng có thể từ chối trả lời bạn.
Danh tiếng có thể đến với bạn rất nhanh nhưng cũng có thể ra đi rất sớm. Các thành viên của Báo Sạch từng được biết bao nhiêu người hâm mộ nhưng khi họ bị bắt cũng đã có không ít người châm biếm, coi họ là những kẻ ngu ngốc, tự làm hại bản thân.
Quan trọng hơn hết, bạn cần xây dựng cho mình một sự can đảm hơn mức bình thường. Đây là phần khó khăn nhất đối với một nhà báo độc lập. Bạn có thể phải đối diện với rủi ro bất ngờ, không lường trước được, bạn cần phải sẵn sàng cho bất cứ tình huống nguy hiểm nào và chuẩn bị tinh thần cho cả những người thân của bạn.
Trong 5 năm qua, tôi đã bồi đắp sự can đảm của mình như thế nào? Hẳn đó là nhờ một phần lớn từ các độc giả - những người đón nhận những bài viết, những người luôn đòi hỏi về chất lượng báo chí phải cao hơn và độc lập hơn, những người luôn lên tiếng khi có một nhà báo độc lập bị chính quyền trả thù.
Làm báo độc lập cũng giống như bất kỳ nghề nghiệp nào khác, mỗi người tự tìm kiếm cho mình những thứ mà họ cho là đáng giá.
Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là bạn sẽ không phải chịu sự kiểm duyệt của chính quyền. Bạn làm báo bằng chính khả năng tư duy, sáng tạo của mình. Bạn không có ai khác phải phục vụ ngoài chính độc giả của mình. Đó là điều đáng giá nhất đối với một nhà báo.
Tôi có một số người bạn làm báo chính thống. Trong số đó, có những người luôn tìm cách viết hay hơn, sâu sắc hơn, tiến xa hơn trong những chủ đề mà họ kỳ vọng sẽ trở thành chuyên gia nhưng đều bị bức tường kiểm duyệt ngăn chặn. Báo chí chất lượng cao trước hết phải là nền báo chí độc lập.
Khi làm báo độc lập, bạn cũng có cơ hội tự xây dựng tổ chức báo chí của mình hoặc gắn bó với một tổ chức nào đó. Điều này sẽ không xảy ra đối với các tờ báo chính thống, chính quyền gần như giữ mọi thẩm quyền trong việc bố trí nhân sự lãnh đạo ở hầu hết các tờ báo. Vì vậy, nếu bạn có chuyển sang làm cho tờ báo chính thống khác thì cũng không có gì thay đổi đáng kể.
Làm báo độc lập, bạn cũng sẽ được công chúng đón nhận nếu những bài báo, quan điểm của bạn có giá trị với công chúng. Một nhà báo độc lập có thể dễ dàng được cộng đồng quốc tế chú ý hơn, bạn có thể có nhiều cơ hội học tập để nâng cao nghề nghiệp cũng như kỹ năng bảo vệ chính mình.
Sau cùng, tôi muốn nói với bạn rằng hầu hết các đất nước khi chuyển đổi dân chủ - tiến tới một thể chế minh bạch, bình đẳng hơn - đều có rất nhiều nhà báo đã chịu cảnh tù đày, thậm chí là hy sinh cả tính mạng của mình để cơi nới cho sự độc lập của báo chí, đem lại quyền tự quyết cho người dân. Đó đương nhiên là một giai đoạn đau khổ nhưng hoàn toàn bình thường và đúng đắn. Đó là con đường duy nhất dẫn đến tự do.
Bài viết là chia sẻ của một phóng viên của Luật Khoa tạp chí.
Chú thích
1. BBC News Tiếng Việt. (2021, December 11). Đại sứ Anh và Canada nói về tự do báo chí. https://www.bbc.com/vietnamese/world-59620971