Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Những thuật ngữ cơ bản trong pháp luật về bảo vệ trẻ em.
Hệ thống pháp luật bảo vệ trẻ em là một trong những nhóm quy định pháp lý cơ bản nhất mà mọi quốc gia hiện đại đều xem xét ghi nhận. Luật bảo vệ trẻ em có tính quy chuẩn rất cao nhờ vào hệ thống pháp luật quốc tế và quá trình học hỏi, cấy ghép và so sánh pháp luật giữa các quốc gia.
Bài viết cung cấp một số thuật ngữ tiếng Anh pháp lý liên quan đến quyền trẻ em để bạn đọc tham khảo.
“Child” (số ít) hay “children” (số nhiều) là từ thường được sử dụng nhất để mô tả trẻ em như là chủ thể cần được bảo vệ trong ngành luật. Theo thông lệ, một thành viên của cộng đồng sẽ được xem là trẻ em miễn là người đó dưới 18 tuổi (under eighteen). Tuy nhiên, tùy theo cách xem xét của từng quốc gia, văn hóa và sự phát triển sinh lý trung bình, độ tuổi này có thể nhỏ hơn. Tại Việt Nam, trẻ em được ghi nhận là những người dưới 16 tuổi.
Ngoài ra, để phân biệt mức độ trưởng thành và chín chắn về mặt nhận thức, nhiều quốc gia còn có các mức tuổi và thuật ngữ riêng để định danh các chủ thể cần được bảo vệ.
“Adolescence” là một thuật ngữ xuất hiện với tần suất lớn, tương ứng với khái niệm “vị thành niên” trong pháp luật Việt Nam. “Adolescence” dùng để chỉ các cá thể đang nằm giữa giai đoạn là trẻ con (childhood) và trưởng thành (adulthood), trải dài từ 12 đến 16 tuổi, tùy vào pháp luật của mỗi quốc gia. Trong giai đoạn này, nhu cầu bảo vệ và khả năng chịu trách nhiệm pháp lý của trẻ em cũng sẽ được cân nhắc dựa trên các khác biệt.
“Juvenile” cũng là một tính từ rất phổ biến, sử dụng nhiều nhất trong tư pháp hình sự liên quan đến trẻ em, trẻ vị thành niên (juvenile justice system). Đây là hệ thống tư pháp hình sự với tiêu chuẩn tố tụng, thẩm quyền của cơ quan điều tra, hệ thống giáo dục và mục tiêu trừng phạt rất khác so với tư pháp hình sự thông thường.
Cuối cùng, ngoài bố mẹ của trẻ em (parents), thuật ngữ người giám hộ pháp lý (legal guardian/ custodian) cũng rất thường hay xuất hiện trong các thảo luận hay văn bản pháp luật liên quan.
Các công cụ bảo vệ trẻ em (child protection mechanism) được pháp luật trong nước lẫn quốc tế xây dựng nhằm hai mục tiêu chính. Một là bảo vệ trẻ khỏi mọi xâm hại nói chung (child abuse), và hai là bảo đảm sự phát triển bình thường, công bằng của mọi trẻ em (normal child’s development). Ngoài ra, còn có một số tội phạm nghiêm trọng nhắm tới trẻ em, thường được gọi là nhóm “bóc lột trẻ em” (child exploitation).
Trước tiên, đối với nhóm “child abuse”, các nhà lập pháp bao hàm các hành vi như xâm hại tâm lý hay sức khỏe trẻ em (psychological and physical abuse). Việc bỏ bê và không chăm sóc trẻ theo đúng tiêu chuẩn thông thường (neglect), lạm dụng tình dụng (sexual abuse), cũng như ngược đãi tình cảm (emotional maltreatment), v.v đều là những hành vi xâm phạm trẻ em nghiêm trọng có khả năng bị truy tố hình sự.
Nhóm các vấn đề liên quan đến sự phát triển bình thường của trẻ em (normal child’s development) thường mang tính chất vĩ mô và yêu cầu các nỗ lực hệ thống nhiều hơn.
Ví dụ, việc trẻ em phải lớn lên và bị ảnh hưởng trong hoàn cảnh xung đột vũ trang (being affected by armed conflict-related activities), trẻ phải làm việc trong môi trường độc hại (working under conditions hazardous to life), hay sinh sống trong môi trường nghèo đói cùng cực (living under conditions of extreme poverty), v.v. đều được xem là những yếu tố mà pháp luật quốc tế cần can thiệp và cải thiện.
Nếu xét đến các vấn đề xã hội nhẹ nhàng hơn, những ấn phẩm đại chúng có tính chất tục tĩu, khiếm nhã hay không phù hợp với trẻ em (obscene publications and indecent shows) được mang đến với công chúng mà không kiểm soát độ tuổi cũng là một vấn đề chính sách gây ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ.
Cuối cùng là nhóm hành vi nghiêm trọng nhất: bóc lột trẻ em (child exploitation).
Nhóm hành vi này bao gồm các tội phạm bị lên án ở tất cả mọi quốc gia, từ mại dâm trẻ em (child prostitution) cho đến buôn trẻ em (child trafficking).