‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Việt Nam đã từng bỏ qua nguyên tắc chủ quyền để bảo vệ nhân quyền.
Một ngày đầu năm 2018, tôi nhận kết quả chính thức cho luận văn Thạc sĩ Công pháp Quốc tế của mình tại Vương quốc Anh, và có buổi hẹn trà chiều với giáo sư hướng dẫn.
Chủ đề buổi nói chuyện dàn trải từ tình duyên, dự định, nghiên cứu khoa học cho đến những vấn đề pháp luật hàn lâm ít ai quan tâm. Bỗng nhiên, vị giáo sư hỏi tôi rằng Việt Nam tầm thời gian này có tưởng niệm hay duyệt binh gì liên quan đến chiến trường Campuchia hay không?
Tôi có hơi giật mình, vì trong 26 năm tuổi đời, tôi chỉ được nghe loáng thoáng cái tên Chiến tranh Biên giới Tây Nam, về thanh niên xung phong, và rằng Việt Nam đánh Khmer Đỏ. Trong sách sử Việt Nam, báo chí cũng như các diễn ngôn chính trị trong nước, tầm ảnh hưởng của cuộc chiến này gần như không được nhắc đến.
Tôi trả lời với những thông tin ít ỏi mình biết, và vị giáo sư tiếc nuối:
“Thật à? Thế thì buồn nhỉ, đó là một trong những lần hiếm hoi hành vi ‘can thiệp nhân đạo’ (humanitarian intervention) đơn phương thực sự giải quyết khủng hoảng nhân đạo tại một quốc gia”.
Dù đã nghiên cứu rất nhiều về pháp luật quốc tế, tôi chưa từng nghĩ ngoài những tranh cãi về Chiến tranh Việt Nam, các học giả nước ngoài lại quan tâm nhiều như thế đến vai trò chủ động của Việt Nam trong Chiến tranh Biên giới Tây Nam như một chiến dịch quân sự quốc tế hiện đại.
Bài viết này hy vọng cung cấp cho độc giả nhiều thông tin và góc nhìn hơn về một trong những lần hiếm hoi Việt Nam đi ngược lại với diễn ngôn “chủ quyền” nhằm bảo vệ “nhân quyền”.
Chiến tranh Biên giới Tây Nam thường được giới nghiên cứu quốc tế biết đến với các tên gọi như “Vietnamese - Cambodian War” (Chiến tranh Việt Nam - Campuchia), “Vietnam’s armed intervention in Cambodia” (Cuộc can thiệp quân sự của Việt Nam tại Campuchia), hay thậm chí là “Vietnam’s invasion and occupation of Cambodia” (Cuộc xâm lược và chiếm đóng Campuchia của Việt Nam), v.v.
Cho đến nay, các học giả quốc tế và các nhà sử học đã có thể hoàn toàn đồng thuận về việc ai là bên gây hấn trước trong cuộc chiến: lực lượng Khmer Đỏ (Khmer Rouge - với nhân vật Pol Pot đứng đầu). [1]
Khmer Đỏ là tên gọi ngắn của Đảng Cộng sản Kampuchea (Communist Party of Kampuchea), một người anh em “bằng mặt không bằng lòng” với Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trên thực tế, một lực lượng rất lớn cán bộ, khí tài và quân đội của Khmer Đỏ là do Việt Nam hỗ trợ và đào tạo. Hai đảng phái cũng đủ thân thiện để hợp tác với nhau. Trong khi Việt Nam được sử dụng phần lãnh thổ rừng thuộc Campuchia trong một thời gian dài để chuyển quân và khí tài cho chiến trường miền Nam Việt Nam, sự trợ giúp của Việt Nam cũng giúp Pol Pot gầy dựng và dần vượt trội so với quân đội của chính phủ Lon Nol do Hoa Kỳ hỗ trợ.
Tuy nhiên, việc giới lãnh đạo Việt Nam có xu hướng thân Liên Xô hơn Trung Quốc luôn là rào cản khiến hai đảng cộng sản chưa bao giờ có tình huynh đệ keo sơn. Quan trọng hơn, giới lãnh đạo Khmer Đỏ luôn cho rằng Việt Nam có tham vọng lớn đối với vùng lãnh thổ của họ.
Trong giai đoạn cả hai cùng nằm dưới mô hình nhà nước đô hộ của Pháp, nhiều tranh chấp lãnh thổ giữa Việt Nam và Campuchia đều được giải quyết với kết quả có lợi cho Việt Nam.
Vùng đồng bằng sông Cửu Long, cho đến ngày nay, vẫn được nhiều diễn ngôn chính trị từ Campuchia cho là thuộc chủ quyền đương nhiên của quốc gia này.
Xuất phát từ tranh chấp lịch sử lâu đời, ngay từ năm 1973, các lực lượng quân sự Khmer Đỏ đã bắt đầu các vụ tấn công và cướp bóc đơn lẻ, giết hại nhiều thường dân Việt Nam tại các vùng biên giới. Cho đến khi lực lượng này chính thức chiếm được và tiếp quản toàn bộ Phnom Penh vào năm 1975, các cuộc tấn công trở nên thường xuyên, nghiêm trọng hơn, và tàn ác hơn.
Đỉnh điểm của các xung đột biên giới phải kể đến cuộc thảm sát Ba Chúc, xảy ra vào tháng 4/1978, với hơn 3.000 thường dân Việt Nam bị giết hại. [2] Đây là lý do chính yếu đẩy Việt Nam đến quyết định tấn công quân sự lực lượng Khmer Đỏ trên đất Campuchia.
Bên trong Campuchia, tình hình còn tồi tệ hơn cho người dân của quốc gia này. Người gốc Việt, người Hoa, người theo đạo Hồi, người theo Công Giáo, người đã từng làm việc cho chính quyền cũ, và giai cấp trung lưu đều bị xem là kẻ thù của nhân dân. Theo ước tính, Khmer Đỏ đã sát hại ít nhất 2 triệu người bằng những biện pháp tàn nhẫn nhất. [3]
Trước tình hình đó, lực lượng quân sự tương đối thiện chiến của Việt Nam (vốn chỉ mới ngừng động đến binh đao được ba năm) bắt đầu chiến dịch tiến quân vào Campuchia từ cuối tháng 12/1978. Họ nhanh chóng đẩy lùi quân Khmer Đỏ, giành quyền kiểm soát Phnom Penh vào ngày 7/1/1979.
Một nhóm chính trị gốc Campuchia bao gồm những người tị nạn tránh thảm sát đã trốn sang Việt Nam trước đó (trong đó có đương kim Thủ tướng Campuchia Hun Sen) được hỗ trợ thành lập cái gọi là “United Front for the Salvation of Kampuchea” (UFSK - Mặt trận Giải cứu Campuchia). Đây là mặt trận tiếp quản hệ thống hành chính Campuchia khi Việt Nam đóng quân ở đây cho đến năm 1989.
Cái giá mà người dân Việt Nam phải trả là không hề rẻ, chỉ cần xét về mặt con người.
Theo thừa nhận chính thức từ phía Quân đội Nhân dân Việt Nam, có hơn 55.000 thanh niên Việt Nam bỏ mạng trong các cuộc xung đột với Khmer Đỏ, dù đây là con số đã được nói giảm nói tránh rất nhiều. [4] Để hiểu tính nghiêm trọng của những mất mát nói trên, có thể nhớ lại rằng với mười năm tham gia chiến tranh Việt Nam, người Mỹ cũng chỉ mất mát ở mức 58.000 nhân mạng.
Con số này cũng vượt xa thiệt hại của Việt Nam trong chiến tranh biên giới với Trung Quốc năm 1979 (Sino - Vietnamese War). [5] Và đó là chưa kể đến mạng sống của thường dân Việt Nam ở các vùng biên giới hay các thế hệ người gốc Việt sinh sống tại Campuchia.
Nói cách khác, chiến tranh Campuchia của Việt Nam chính là một phiên bản khác tương tự chiến tranh Việt Nam của Hoa Kỳ.
Ngoài ra, cũng không thể không nhắc đến những di chứng tâm lý và sức khỏe tinh thần của một lượng lớn cựu quân nhân trở về từ chiến trường Tây Nam. [6] Tuy nhiên cho đến nay, tâm tư cũng như trải nghiệm đau thương của các cựu quân nhân này vẫn vô hình trên các phương tiện thông tin đại chúng và vắng bóng trong các diễn ngôn chính trị tại Việt Nam.
Hai phiên tòa đã được tổ chức để xét xử tội ác của nhóm lãnh đạo Khmer Đỏ, nhưng cả hai đều có sự can thiệp đậm nét của yếu tố chính trị.
Phiên tòa đầu tiên được tổ chức tại cái gọi là Tòa án Cách mạng Nhân dân Campuchia vào năm 1979 (People's Revolutionary Tribunal). Tòa án này được hỗ trợ thành lập nhờ vào lực lượng quân sự Việt Nam và một lượng lớn cán bộ tư pháp có nguồn gốc là những thành viên Khmer Đỏ đào tẩu sang Việt Nam trước đó.
Đối với nhiều người Campuchia, đây chỉ là màn trình diễn chính trị của Hà Nội nhằm đổ hết mọi lỗi lầm lên đầu hai lãnh đạo Khmer Đỏ là Pol Pot và Ieng Sary. [7]
Còn các câu hỏi về sự tàn bạo và sự phổ biến của tội ác Khmer Đỏ thật sự đến mức nào, hay trách nhiệm của hàng loạt người giữ các chức danh lãnh đạo cao cấp và một bộ phận thuộc hệ thống cán bộ của Khmer Đỏ (vẫn tiếp tục là đồng minh của Đảng Cộng sản Việt Nam sau đó) thì không được giải đáp. Phiên tòa tuyên án tử hình vắng mặt đối với Pol Pot, Ieng Sary, lúc này đang nương náu ở Thái Lan.
Vì các yếu tố chính trị, ngoại giao nhạy cảm vào thời điểm đó, phiên tòa cũng không xem xét những khoản bồi hoàn xứng đáng cho hàng chục ngàn người Việt Nam đã bỏ mạng, đặc biệt trong bối cảnh Tòa án Cách mạng Nhân dân Campuchia lúc ấy là do chính quyền Việt Nam hậu thuẫn.
Phiên tòa thứ hai do “Extraordinary Chambers in the Courts of Cambodia” (ECCC), tạm dịch là Tòa Xét xử Đặc biệt của Campuchia tổ chức. Đây là phiên tòa quốc tế đầu tiên và có lẽ cũng là cuối cùng xét xử tội ác của Khmer Đỏ.
Tuy nhiên, phiên tòa này tiếp tục bị yếu tố chính trị ảnh hưởng, lần này là sự thao túng của Trung Quốc đằng sau. Câu chuyện của hàng chục ngàn nạn nhân là thường dân Việt Nam lại tiếp tục không được kể, công lý cho họ bị từ chối.[8]
Phiên tòa được ECCC tổ chức một cách tồi tệ. Cụ thể, dù Việt Nam có vai trò then chốt trong việc giải quyết khủng hoảng nhân đạo do Khmer Đỏ gây ra, và người Việt Nam là nhóm nạn nhân trực tiếp chủ yếu của Khmer Đỏ, ECCC đã không thuê bất kỳ một thông dịch viên tiếng Việt nào trong quá trình điều tra, chuẩn bị cho phiên tòa và khi phiên tòa diễn ra.
***
Sẽ còn rất nhiều điều cần được nói thêm về chính trị, pháp luật và lịch sử của cuộc chiến biên giới Tây Nam năm 1978.
Đặc biệt trong giai đoạn 10 năm Việt Nam đóng quân trên quốc gia láng giềng, một điều có thể ghi nhận được là người dân Campuchia từ hồ hởi chào đón dần chuyển sang nhìn quân đội Việt Nam như những kẻ chiếm đóng. Song cân nhắc các xung đột thế giới trong Chiến tranh Lạnh, sự lớn mạnh của lực lượng tàn dư Khmer Đỏ và các yếu tố chính trị khu vực liên quan, khó có cái nhìn chính xác về quyết định chiếm đóng này mà không cân nhắc nó trong một bài viết riêng biệt.
Dù sao, ở một mức độ nào đó, người Việt Nam có thể tự hào rằng Việt Nam không chỉ là một quốc gia ôm khư khư tư duy “chủ quyền” và để mặc cho mọi tội ác chống lại nhân quyền xảy ra.
Nhưng nếu chúng ta đã từng là một cộng đồng ngược gió bảo vệ quyền con người như thế, cớ sao lại đối xử với nhau như những năm qua?
Chú thích
1. Tom Ruys, Olivier Corten, Alexandra Hofer, The Use of Force in International Law: A Case-Based Approach, Oxford Scholarly Authorities on International Law (2018), 242
2. The New York Times. (2004, January 7). Opinion | MEANWHILE : When the Khmer Rouge came to kill in Vietnam. The New York Times. https://www.nytimes.com/2004/01/07/opinion/meanwhile-when-the-khmer-rouge-came-to-kill-in-vietnam.html
3. Cambodia. (2021). College of Liberal Arts. https://cla.umn.edu/chgs/holocaust-genocide-education/resource-guides/cambodia
4. The Washington Post. (1988). Hanoi Cuts War Role in Cambodia. https://www.washingtonpost.com/archive/politics/1988/07/01/hanoi-cuts-war-role-in-cambodia/af4aac62-00d7-4831-8d5f-6f6ec35845e9/
5. The Diplomat. (2017, February 24). The Bitter Legacy of the 1979 China-Vietnam War. https://thediplomat.com/2017/02/the-bitter-legacy-of-the-1979-china-vietnam-war/
6. Doyle, K. (2014, September 14). Vietnam’s forgotten Cambodian war. BBC News. https://www.bbc.com/news/world-asia-29106034
7. McDermid, C., & McDermid, C. (2007). Looking back at the 1979 People’s Revolutionary Tribunal. Phnom Penh Post. https://www.phnompenhpost.com/national/looking-back-1979-peoples-revolutionary-tribunal
8. The Diplomat. (2018, November 15). The Khmer Rouge Trials: The Good, the Bad, and the Ugly. https://thediplomat.com/2018/11/the-khmer-rouge-trials-the-good-the-bad-and-the-ugly/