Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Khi các nhà tài phiệt đổ tiền ra để “giúp đời”.
Giải thưởng Khoa học VinFuture chuẩn bị được trình làng (từ ngày 18 đến ngày 21/1) với những lời có cánh từ giới khoa học quốc tế. [1] Cùng lúc, ông Phạm Nhật Vượng xuất hiện trở lại trước báo giới sau nhiều năm vắng bóng để nói về tham vọng “để lại gì đó cho đời” thông qua các chương trình được tài trợ bởi nguồn tư bản khổng lồ. [2]
Giới nghiên cứu có một thuật ngữ riêng để chỉ việc các nhà tài phiệt như ông chủ Vingroup đang làm: đổ tiền ra với danh nghĩa giải quyết các vấn đề xã hội. Đó là “thiện nguyện tài phiệt” (plutocratic philanthropy).
Liệu hiện tượng này đã chính thức hình thành ở Việt Nam chưa? Đó có phải là chỉ dấu của một nền chính trị tài phiệt không xa?
Nhà tài phiệt, giới tài phiệt có từ tiếng Anh tương đương là “plutocrat”. Từ đó chúng ta có “plutocracy”, dịch là chế độ tài phiệt. Đây không phải là thuật ngữ xa lạ trên cửa miệng người Việt Nam.
Tuy nhiên, vẫn chưa có một cách hiểu thống nhất của thuật ngữ này từ hướng tiếp cận chính trị học.
“Plutocracy” là từ có gốc Hy Lạp, kết hợp giữa “sự giàu có” ( πλοῦτος, ploutos, wealth) và “quyền lực” (κράτος, kratos, power). Sự kết hợp đơn giản ngữ nghĩa của hai từ này gợi mở cho chúng ta một mô hình nhà nước nơi mà tầng lớp thượng lưu (sở hữu nhiều tiền của, tư liệu sản xuất) kiểm soát và chi phối quyền lực trong xã hội.
Nhưng người giàu can thiệp đến đâu vào các hệ thống thiết chế nhà nước thì mới bị xem là một nền chính trị tài phiệt? Và nền chính trị bị lũng đoạn đến đâu mới bị gọi là chế độ tài phiệt – “plutocracy”?
Đây là vấn đề còn tranh cãi và vẫn đang được nhiều người nghiên cứu.
Một số cho rằng sự tham gia hay can dự trực tiếp một cách thường xuyên của các nhà tư bản là minh chứng rõ ràng của chế độ tài phiệt.
Trên cơ sở này, việc Trump ứng cử và đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ; hay việc những tỷ phú Mỹ kim như Michael Bloomberg hay Tom Steyer tích cực tham gia tranh cử (dù thất bại) cho thấy một phần tính chất của một nền chính trị tài phiệt. [3]
Tuy nhiên, bản chất của nền chính trị tài phiệt được cho là có thể ẩn mình và bám rễ sâu rộng hơn thế.
Ví dụ, trong chương “Economic Inequality and Political Representation” của quyển sách “Unequal Democracy” (tạm dịch: Nền dân chủ không công bình), [4] giáo sư Larry Bartels khảo sát các ưu tiên chính sách của ba nhóm thu nhập tại Hoa Kỳ: thấp, trung bình và cao. Kế đó, ông cân đối những ưu tiên và mong muốn chính sách của ba nhóm thu nhập này với xu hướng bỏ phiếu của các đại diện dân cử của Nghị viện Hoa Kỳ trong thập niên 1990 và 2010.
Kết quả mà Bartels nhận được là xu hướng bỏ phiếu (tức việc hình thành chính sách từ phía cơ quan lập pháp) tiệm cận với ưu tiên của nhóm thu nhập nhiều hơn cả.
Như vậy, chế độ tài phiệt không nhất thiết phải là người giàu làm lãnh đạo nhà nước, quốc gia. Việc người giàu sử dụng các nguồn lực kinh tế để chi phối các kênh truyền thông, tài trợ cho các tổ chức nghiên cứu chính sách, hỗ trợ các nhóm hoạt động theo lựa chọn của họ, từ đó thúc đẩy các diễn ngôn và ưu tiên chính trị của họ – tất cả đều là những hành vi có thể tạo nền tảng cho một nền chính trị tài phiệt.
Ngoài ra, cũng không thể nói về chính trị tài phiệt mà không nhắc đến hệ thống chaebol mang đậm phong cách Hàn Quốc. Trong hệ thống này, vai trò của các đại tư bản khuynh đảo gần như toàn bộ hệ thống tài chính, hạ tầng, nền tảng xuất nhập khẩu, các mối quan hệ lao động, tư liệu sản xuất trong nền kinh tế. Như vậy, dù công cuộc dân chủ hoá và hệ thống dân chủ Hàn Quốc có thể nói là không tồi, sự lệ thuộc của nền kinh tế Hàn Quốc vào sức mạnh của các nhóm tài phiệt cũng để lại nhiều vấn đề về nền tảng kiến trúc xã hội trong tương lai.
Với cách định nghĩa ở trên, câu hỏi đặt ra là liệu nền chính trị tài phiệt đã có tồn tại ở Việt Nam hay không?
Câu trả lời, theo quan điểm của người viết, là cả không và có.
Không, bởi vì tính chất các thành phần kinh tế Việt Nam vẫn còn lệ thuộc rất nhiều vào “hồng ân” của nhà nước.
Trong bài viết về tư bản thân hữu lần trước, chúng ta đã khẳng định hầu hết các nhà đại tư bản, doanh nghiệp Việt Nam gần như không thể thoát khỏi vòng kim cô của chính quyền nếu muốn đạt đến một mức độ tích luỹ tư bản nhất định. [5]
Điều này rất khác với lịch sử và sự hình thành của nền chính trị tài phiệt, nơi tự do và bình đẳng kinh tế dẫn đến sự tích luỹ của cải và sự hình thành tự nhiên của một nhóm các nhà tư bản. Sau đó, nhóm này quay trở lại tìm cách can thiệp vào hệ thống chính trị và tìm cách thao túng các cơ quan nhà nước.
Tuy nhiên, câu trả lời cũng có thể là có.
Như chúng ta đã nói ở phần định nghĩa, nền chính trị tài phiệt không đơn thuần là việc giới nhà giàu bơm tiền trực tiếp để lũng đoạn chính trị quốc gia. Việc họ tài trợ, chi tiền cho rất nhiều các hoạt động kinh tế – chính trị – xã hội khác cũng có thể dẫn đến nền tảng tư duy và văn hoá cho chính trị tài phiệt.
Thứ này được các nhà khoa học chính trị xã hội gọi là “plutocratic philanthropy”, tạm dịch là “thiện nguyện tài phiệt”. [6]
Hoạt động dưới danh nghĩa giải quyết các vấn đề xã hội, các tổ chức này do những hội đồng uỷ thác tư nhân riêng biệt quản trị. Họ nhận những ưu đãi thuế nhất định, tồn tại gần như vĩnh viễn, nhưng không chịu bất kỳ ràng buộc dân chủ nào.
Sẽ có người cho rằng tiền của người ta, người ta đã mang ra giúp xã hội thì còn ý kiến gì. Tuy nhiên, việc đẩy tiền ra ngoài xã hội với danh nghĩa tốt không đồng nghĩa rằng mục tiêu hay kết quả của hành động đó sẽ là tốt. Chưa kể đến việc ai sẽ giải quyết hệ quả xã hội và chính trị nếu có của các chương trình thiện nguyện đó.
Lấy ví dụ một nghiên cứu về giống cây trồng năng suất cao của một tổ chức thiện nguyện cung cấp vốn chuyển đổi và giống miễn phí cho người nông dân. Chương trình này sau cùng thất bại vì một số lý do (như thị trường không ưa thích giống mới bằng các giống cũ), vì vậy, những người nông dân tham gia chương trình không thể thu lợi nhuận như kỳ vọng, dẫn đến các hệ quả tài chính – kinh tế đối với gia đình họ.
Các tổ chức thiện nguyện, với nguồn lực khổng lồ nhưng không có gì để mất, sẽ nhảy ngay sang một dự án khác. Nhưng những người dân thì không có cơ hội ấy. Việc quay lại với cuộc sống trước đó cũng không phải dễ dàng. Ai sẽ chịu trách nhiệm về chuyện này?
Đây chỉ là một ví dụ cực đoan cho tác hại và trách nhiệm của các dự án thiện nguyện do giới siêu giàu kiểm soát.
Còn lại, như rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, hàng tỷ Mỹ kim đổ vào các chương trình thiện nguyện tư nhân một cách có ý đồ sẽ có thể định hình các thảo luận chính trị, thao túng giới học thuật – các nhà nghiên cứu, và thậm chí định hình chính sách. [7]
Tương tự như câu chuyện Mark Zuckerberg tặng 100 triệu Mỹ kim cho hệ thống trường Newark vào năm 2010, [8] hay sự can thiệp dài hạn của các tỷ phú như Eli Broad, Bill và Melinda Gates; các khoản chi khổng lồ dưới tính chất quỹ thiện nguyện của Vingroup chắc chắn đang mở cánh cửa vào con đường thiện nguyện tài phiệt tại Việt Nam.
Chú thích
1. Tuổi Trẻ Online. (2022, January 13). Nhiều nhà khoa học lớn sẽ tham gia Tuần lễ trao giải VinFuture. TUOI TRE ONLINE. https://tuoitre.vn/nhieu-nha-khoa-hoc-lon-se-tham-gia-tuan-le-trao-giai-vinfuture-20220113164215269.htm
2. VnExpress. (2022, January 17). Tỷ phú Phạm Nhật Vượng: ‘Làm việc khó mới thú vị.’ Vnexpress.net. https://vnexpress.net/ty-phu-pham-nhat-vuong-lam-viec-kho-moi-thu-vi-4417105.html
3. Pierson, P. (2017). American hybrid: Donald trump and the strange merger of populism and plutocracy: American hybrid. The British Journal of Sociology, 68, S105-S119. https://doi.org/10.1111/1468-4446.12323 / Xem thêm tại The Diplomat. (2020, September 28). Can America Escape Plutocracy? https://thediplomat.com/2020/09/can-america-escape-plutocracy/ / và Kenworthy, L. (2022). Economic inequality and plutocracy. Contemporary Sociology (Washington), 51(1), 6-15. https://doi.org/10.1177/00943061211062959
4. Bartels, L. M. (2008). Unequal democracy: The political economy of the new gilded age. New York: Russell Sage Foundation.
5. Vincente Nguyen. (2022, January 12). Tư bản thân hữu và mối liên hệ với thể chế của Việt Nam. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2022/01/tu-ban-than-huu-va-moi-lien-he-voi-the-che-cua-viet-nam/
6. Barkan, J. (2016, April 28). Plutocrats at Work: How Big Philanthropy Undermines Democracy. Dissent Magazine. https://www.dissentmagazine.org/article/plutocrats-at-work-how-big-philanthropy-undermines-democracy
7. Saunders-Hastings, E. (2018). Plutocratic Philanthropy. The Journal of Politics, 80(1), 149–161. doi:10.1086/694103
8. Mark Zuckerberg once made a $100 million investment in a major US city to help fix its schools — now the mayor says the effort “parachuted” in and failed. (2018, May 13). Business Insider Nederland. https://www.businessinsider.nl/mark-zuckerberg-schools-education-newark-mayor-ras-baraka-cory-booker-2018-5?international=true&r=US