‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Danh sách dài những sự kiện bị bôi tẩy có thêm cái tên Đồng Tâm.
Hòn đá rơi xuống hồ, mặt nước sẽ gợn sóng. Hòn đá càng to, sóng càng lan xa. Đó là hiện tượng tự nhiên mà một đứa trẻ cũng biết.
Những sự kiện xã hội cũng vận hành theo quy luật tương tự. Sự kiện càng chấn động, dư âm của nó càng kéo dài.
Cuộc tấn công Đồng Tâm vào những ngày đầu năm 2020 là một sự kiện chấn động như vậy.
Theo lẽ thường, nó sẽ còn được nhắc đến rất nhiều lần, đặc biệt trong những dịp kỷ niệm.
Nhưng đó là lẽ thường, một thứ xa xỉ trong xã hội Việt Nam đương đại.
Vào những ngày đánh dấu tròn hai năm sự kiện Đồng Tâm, người dân không tài nào tìm thấy bất kỳ thông tin gì về nó trên hàng trăm tờ báo nhà nước.
Một sự kiện “khủng bố”, như cách chính quyền gọi tên, bỗng dưng mất tích một cách khó hiểu. [1]
Một vụ án có tới 29 người dân bị truy tố, trong đó hai người bị kết án tử hình, bỗng nhiên không còn được báo đài trong nước nhắc tới. [2]
“Ba chiến sĩ công an hi sinh trong khi làm nhiệm vụ” với những chiếc huân chương chiến công hạng nhất được ký tặng siêu tốc, chỉ một ngày sau khi cuộc tấn công diễn ra, giờ đây cũng biến mất khỏi ký ức của dư luận. [3]
Những người ủng hộ nhiệt thành câu chuyện được biến tấu nhiều lần của chính quyền liệu có bao giờ tự hỏi vì sao một sự kiện rúng động như vậy lại nhanh chóng rơi vào quên lãng? [4]
Vì sao chính quyền đến giờ này vẫn ra điều kiện, buộc gia đình ông Lê Đình Kình phải chấp nhận ông chết ngoài cánh đồng Sênh thay cho sự thật là ông bị bắn chết tại nhà? [5]
Vì sao người anh hùng bắn chết “kẻ khủng bố”/ ông già tật nguyền gần 90 tuổi Lê Đình Kình đến nay vẫn không dám xuất đầu lộ diện trước công chúng để kể về chiến công hiển hách của mình?
Vì sao khi các phiên tòa xét xử đã kết thúc từ lâu, số tiền phúng điếu hơn nửa tỷ đồng của người dân gửi cho gia đình ông Kình vẫn bị ngân hàng Vietcombank phong tỏa mà không có bất kỳ lời giải thích nào? [6] Nếu đó là tiền của “khủng bố” như Bộ Công an tuyên bố lúc đầu, vì sao họ không dám công khai đường hoàng xử lý theo luật? [7]
Quá nhiều câu hỏi vì sao đều dẫn về một câu trả lời: chính quyền đã nói dối.
Phiên bản lịch sử (đã bị chỉnh sửa nhiều lần) mà họ dựng nên về Đồng Tâm là một phiên bản dối trá.
Nếu ví cuộc đời như chiếc thuyền, sự thật là dòng nước, thì mỗi lời nói dối giống như việc tự đục thủng thuyền. Càng nói dối, thuyền càng nhiều lỗ thủng, và người trên thuyền càng phải ra sức bịt các lỗ thủng đó.
Chính quyền lựa chọn cách im lặng để không phải tiếp tục bỏ công sức ra bịt thêm những lỗ thủng/ lời dối trá mới.
Bằng cách đó, họ hy vọng dư luận sẽ nhanh chóng quên đi. Và sau này khi có nhớ lại, dư âm sẽ chỉ còn là những phiên bản lịch sử đã bị cải biên của họ.
“Sự thật” được xuất bản theo những cách thức như thế.
Đó hoàn toàn không phải là điều mới mẻ gì.
Đây là công thức xuất hiện trong mọi sự kiện xung đột lớn nhỏ của chính quyền với người dân. Những vụ cưỡng chế đất đai như tại Dương Nội, Thủ Thiêm hay Vườn Rau Lộc Hưng; các phiên tòa bỏ túi xét xử những người bất đồng chính kiến; những chiến dịch thanh trừng kiểu Cải cách Ruộng đất trước kia; và thông tin về các cuộc chiến tranh trong những thập niên qua – tất cả đều bị nhào nặn dưới bàn tay của chính quyền với mong muốn tạo ra một thế hệ mất trí (nhớ). [8]
Đồng Tâm không chỉ là một cái tên thêm vào danh sách dài dằng dặc những sự kiện lịch sử bị bôi tẩy.
Đồng Tâm, cùng với mỗi một sự kiện đó, là một chiếc kính chiếu yêu.
Để mỗi khi nhắc đến nó, yêu quái đều phải hiện hình.
Còn với những ai nhìn vào câu chuyện của người dân Đồng Tâm mà chỉ thấy hình ảnh quái vật, họ nên xem kỹ lại. [9]
Thứ họ đang thấy là gương mặt mộc trần trụi của chính mình.
Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.
Chú thích:
1. V. (2020, January 20). “Quốc tế hóa” vụ việc Đồng Tâm – một âm mưu gian trá, vô lương tâm. https://www.qdnd.vn. Retrieved 2022, from https://web.archive.org/web/20220109215435/https://www.qdnd.vn/phong-chong-dien-bien-hoa-binh/quoc-te-hoa-vu-viec-dong-tam-mot-am-muu-gian-tra-vo-luong-tam-608274
2. Yên Khắc Chính. (2021, March 8). Tổng hợp các thông tin cần biết về vụ án Đồng Tâm. Luật Khoa Tạp Chí. Retrieved 2022, from https://www.luatkhoa.org/2021/03/tong-hop-cac-thong-tin-can-biet-ve-vu-an-dong-tam
3. Báo Tuổi Trẻ. (2020, January 11). Truy tặng Huân chương Chiến công hạng nhất cho 3 chiến sĩ hi sinh tại Đồng Tâm. TUOI TRE ONLINE. Retrieved 2022, from https://web.archive.org/web/20200111080401/https://tuoitre.vn/truy-tang-huan-chuong-chien-cong-hang-nhat-cho-3-chien-si-hi-sinh-tai-dong-tam-20200111131749048.htm
4. Team, L. K. (2020, September 25). “Báo cáo Đồng Tâm”: Bạch hóa và lưu trữ. Luật Khoa Tạp Chí. Retrieved 2022, from https://www.luatkhoa.org/2020/09/bao-cao-dong-tam-bach-hoa-va-luu-tru
5. May. (2022, January 8). Đồng Tâm sau hai năm: Công an vẫn chưa cấp giấy chứng tử cho ông Lê Đình Kình. Luật Khoa Tạp Chí. Retrieved 2022, from https://www.luatkhoa.org/2022/01/dong-tam-sau-hai-nam-cong-an-van-chua-cap-giay-chung-tu-cho-ong-le-dinh-kinh
6. Xem [5]
7. Báo Pháp Luật. (2020a, January 17). Tài khoản “phúng điếu” ông Kình bị phong tỏa? PLO. Retrieved 2022, from https://web.archive.org/web/20200117154633/https://plo.vn/thoi-su/tai-khoan-phung-dieu-ong-kinh-bi-phong-toa-884449.html
8. Y Chan. (2021, March 14). Gạc Ma: Lời nhắc nhở về chứng mất trí (nhớ) tập thể. Luật Khoa Tạp Chí. Retrieved 2022, from https://www.luatkhoa.org/2021/03/gac-ma-loi-nhac-nho-ve-chung-mat-tri-nho-tap-the
9. May. (2022a, January 8). Ba người phụ nữ Đồng Tâm và 730 ngày phải sống. Luật Khoa Tạp Chí. Retrieved 2022, from https://www.luatkhoa.org/2022/01/ba-nguoi-phu-nu-dong-tam-va-730-ngay-phai-song