Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Cơn phẫn nộ có tính hai mặt, và đôi khi, mặt trái của nó sẽ vô cùng thảm khốc.
Phẫn nộ trước cái ác có tốt không?
Nhiều khả năng bạn sẽ thắc mắc, ủa cái đấy mà cũng phải hỏi à. Người có lương tâm thì phải phẫn nộ chứ. Phải phẫn nộ để bọn ác biết sợ chứ. Phải chửi mốc mả đứa nào gây ra tội ác đi chứ. Phải bắn bỏ thằng nào con nào gây tội tày đình đi chứ. Công lý phải được thực thi!
Nghe có vẻ… xuôi tai?
Nó cũng tùy.
Bạn nghĩ Hồ Duy Hải có thấy xuôi tai không? [1]
Tôi nghĩ là không.
Để cho bài viết này thêm sức nặng, tôi xin điểm thêm vài cái tên đã từng bị lên án, chửi rủa, nhục mạ, rồi bị kết án từ chung thân tới tử hình vì tội giết người:
Hàn Đức Long [2]
Huỳnh Văn Nén [3]
Ba người họ sau này đều được giải oan. Và mặc dù được giải oan, họ đã bị tra tấn, tù đày, cuộc đời đã đổi trắng thay đen.
Có một câu chuyện dân gian thế này, có khi bạn cũng từng nghe qua, tôi xin sao chép lại trên mạng để hầu chuyện.
Cảnh sát ba nước Hoa Kỳ, Trung Quốc và Việt Nam cùng thi phá án hình sự.
Ban tổ chức thả một con thỏ vào rừng và yêu cầu cảnh sát ba nước truy tìm con thỏ. Sau một ngày, kết quả điều tra của ba nước như sau:
1. Cảnh sát Hoa kỳ: đã dùng tiền mua chuộc muôn thú cùng cây cỏ trong rừng để lấy thông tin về con thỏ. Sau một thời gian không tìm được con thỏ, họ tuyên bố con thỏ không có trong rừng.
2. Cảnh sát Trung Quốc: đã đốt cả khu rừng và sau đó tuyên bố con thỏ không tồn tại.
3. Cảnh sát Việt Nam: đi ngay vào rừng, một lúc sau, dẫn một chú gấu đi ra khỏi rừng. Chú gấu vừa đi vừa khóc và nói: "Thôi được rồi, tôi là thỏ đây, đừng đánh nữa".
Tôi không có ý nói các nước khác họ không bắt oan, xử oan. Ở bên Mỹ, một luật sư tên là Bryan Stevenson đã giải oan được cho nhiều người bị kết án tử hình oan. [5] Tra tấn, bức cung, chạy đua thành tích phá án không phải là đặc sản riêng có ở Việt Nam.
Nhưng trong khi chờ cải thiện hệ thống tư pháp để hạn chế oan sai, việc tất cả chúng ta đều có thể làm được ngay lập tức là phẫn nộ một cách có suy xét.
Lương tâm chúng ta có quyền gào thét và đau đớn trước cái ác, và điều đó rất chính đáng. Nhưng cũng ngay lúc đó, sự phẫn nộ sẽ lấy đi của chúng ta phần nào (hay tất cả) những suy xét lý tính. Nếu ta không chủ động bình tĩnh lại để suy xét thì rất có khả năng cơn phẫn nộ sẽ dẫn ta đi sai lối.
Chúng ta sẽ rất nóng lòng phán xét về một con người khi còn chưa kịp nhớ được tên người đó, để rồi sau này nếu có biết mình sai thì chúng ta cũng ít khi nhận sai vì đã trót mạnh miệng lên án đạo đức và kết án người đó rồi.
Hoặc là ngay cả khi phán xét của ta là đúng, rằng kẻ thủ ác chính là người này người kia, thì cơn phẫn nộ cũng có thể khiến chúng ta không còn chú ý đủ nhiều tới quy trình điều tra, truy tố, xét xử nữa.
Điều đó tạo điều kiện cho các cơ quan tư pháp tra tấn, bức cung, dùng nhục hình, xét xử thiếu khách quan, đưa ra bản án quá nặng cho người này hoặc quá nhẹ cho người kia, và thậm chí còn bỏ lọt những kẻ đồng phạm (nhất là khi kẻ đồng phạm là quan chức hoặc người có thế lực), cốt sao xử cho nhanh để lập thành tích phá án và làm hài lòng công luận.
Vậy là, từ chỗ phẫn nộ trước cái ác, chính ta trở thành cái ác.
Những vụ án oan như Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng, Lê Văn Mạnh, Hàn Đức Long, Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn không phải là sản phẩm riêng của hệ thống tư pháp.
Chúng ta cũng "kết án oan" - tức là phán xét sai - cho người khác mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng mà hoặc là không nhận ra, hoặc là nếu có nhận ra thì cũng… ỉm đi. Một góc nào đó trong con người chúng ta không khác gì những vị điều tra viên tra tấn, ép cung Hàn Đức Long, và cũng không khác gì những vị quan tòa đã tuyên án tử hình Hồ Duy Hải.
Lắm lúc tôi nghĩ, tượng đài cần được xây nhất ở nước ta là tượng đài Hàn Đức Long hay Hồ Duy Hải.
Để nhắc chúng ta - trong đó có cả tôi - về những nỗi oan khiên tày trời mà chính mỗi người trong chúng ta có một phần trách nhiệm.
Tôi không có ý nói chúng ta không được phẫn nộ, hay phẫn nộ là sai trái. Quyền phẫn nộ hay phán xét cũng là của mỗi người. Tôi chỉ muốn nói rằng cơn phẫn nộ của ta có tính hai mặt, và đôi khi, mặt trái của nó sẽ vô cùng thảm khốc.
Suy cho cùng, chính vào cái lúc chúng ta chắc mẩm công lý đã được thực thi, ta có xu hướng ngừng đặt câu hỏi, ngừng chất vấn. Ngay cả khi bản án là đúng người, đúng tội, đúng quy trình tố tụng chuẩn, thì một trăm câu hỏi tiếp tục cần phải được đặt ra với quá trình thi hành án.
Công lý luôn đòi hỏi chúng ta không ngừng đặt câu hỏi và không ngừng chất vấn.
Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.
Đọc thêm:
Áp lực dư luận, công lý và án oan
Chú thích
1. Trần Long Vi. (2018, September 23). 9 điều cần biết về tử tù Hồ Duy Hải. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2017/12/9-dieu-can-biet-ve-tu-tu-ho-duy-hai
2. Ngô Ngọc Trai. (2017, January 10). LS Ngô Ngọc Trai: Hồi ký vụ án Hàn Đức Long – Kỳ 1. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2017/01/ls-ngo-ngoc-trai-hoi-ky-vu-an-han-duc-long-ky-1
3. Phan Thương. (2018, September 14). Hung thủ giết người vụ án oan của ông Huỳnh Văn Nén bị tù chung thân. Báo Thanh Niên. https://thanhnien.vn/hung-thu-giet-nguoi-vu-an-oan-cua-ong-huynh-van-nen-bi-tu-chung-than-post788852.html
4. Báo Tuổi Trẻ. (2017, January 19). Điều tra viên, kiểm sát viên nói không biết ông Chấn oan thế nào. TUOI TRE ONLINE. https://tuoitre.vn/dieu-tra-vien-kiem-sat-vien-noi-khong-biet-ong-chan-oan-the-nao-1254805.htm
5. Trương Tự Minh. (2017, May 7). Mỹ: Tử tù 28 năm được giải oan. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2015/04/my-tu-tu-28-nam-duoc-giai-oan