Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Một nghiên cứu phơi bày nhiều góc khuất của giới tinh hoa chính trị Việt Nam.
Tháng 12/2020, một tuyển tập nghiên cứu đặc biệt về Việt Nam được IDE cho ra mắt, mang tên: “Con đường dẫn đến sự thịnh vượng ở Việt Nam: Bất bình đẳng về cơ cấu và sự chuyển tiếp trong việc phân bổ cơ hội” (Special Issue: Pathways to Prosperity in Vietnam: Structural and Transitional Inequality in the Distribution of Opportunity). [1]
IDE (Institute of Developing Economies) – Viện Nghiên cứu các nền kinh tế đang phát triển – là nơi chuyên nghiên cứu về các vấn đề kinh tế, chính trị và xã hội ảnh hưởng đến các nước và khu vực đang phát triển. Viện này trực thuộc Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản.
Ấn phẩm đặc biệt này có một nghiên cứu rất đáng chú ý về giới tinh hoa chính trị tại Việt Nam của tác giả Futaba Ishizuka – một học giả xuất sắc đã có nhiều công trình nghiên cứu về Việt Nam. Nghiên cứu mang tên “Giới tinh hoa chính trị Việt Nam đương đại: Nguồn gốc và sự phát triển của tầng lớp thống trị” (Political Elite in Contemporary Vietnam: The Origin and Evolution of the Dominant Stratum).
Chuyên mục Đọc sách cùng Đoan Trang tuần này trân trọng giới thiệu cùng độc giả nghiên cứu đặc sắc trên.
Tác giả Futaba Ishizuka liên hệ tình hình Việt Nam với khái niệm “nomenklatura”, vốn được dùng để nói về giai cấp thống trị của Liên Xô. Theo nghĩa đen, nó có nghĩa là “một bản danh sách những cái tên”. Đặt trong bối cảnh chính trị của Liên Xô lúc bấy giờ, nó có nghĩa là danh sách các vị trí chủ chốt và những người được bổ nhiệm vào các vị trí đó. [2]
Có ba đặc điểm chính của cơ chế nomenklatura thời Liên Xô.
Thứ nhất, các nomenklatura nắm giữ quyền lực nhà nước tuyệt đối dưới chế độ độc đảng toàn trị.
Thứ hai, quyền lực chính trị sinh ra quyền lực kinh tế. Tất cả các phương tiện sản xuất chủ chốt đều nằm dưới sự kiểm soát của nomenklatura, do đó tạo ra một đế chế siêu độc quyền không nhà tư bản nào sánh bằng. Họ được miễn trừ trách nhiệm pháp lý và chính trị cho hành vi tham nhũng, miễn là hành vi đó phục vụ lợi ích cho tầng lớp của mình.
Thứ ba, mô hình nomenklatura tạo ra một hệ thống nhân sự theo thứ bậc, mọi vị trí đều cần được người nắm giữ vị trí cao hơn chấp thuận. Do vậy, một người không thể tự mình thăng tiến trong hệ thống này. Người muốn leo lên vị trí cao thì phải gia nhập các phe phái để có được sự bảo trợ.
Theo tác giả, Việt Nam cũng theo mô hình nomenklatura, nhưng mức độ tập trung của cải và quyền lực thì không bằng so với Liên Xô hoặc Đông Âu, một phần là do chiến tranh. Sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, giới tinh hoa chính trị Việt Nam đã nhanh chóng tích lũy của cải.
Tác giả dẫn các nghiên cứu chỉ ra rằng, ngay cả trong thời kỳ chiến tranh, các đặc quyền dành cho cán bộ cấp cao đã tồn tại.
Hệ thống phân chia khẩu phần thời bao cấp (rationing system) là một ví dụ điển hình. Khẩu phần gạo mà nhà nước phát cho dân chúng thường không đủ đáp ứng nhu cầu cơ bản của họ. Việc phân phát có thể bị chậm trễ, người dân phải xếp hàng từ sáng sớm ở những cửa hàng của nhà nước để nhận gạo. Đây là nguyên nhân khiến người dân thường xuyên sống trong tình trạng lo âu và căng thẳng.
Ngược lại, các cán bộ cấp cao đã được phát quá nhiều gạo với chất lượng tốt nhất mà không bị chậm trễ hay phải xếp hàng. Họ còn được phép mua sắm trong các cửa hàng đặc biệt để mua thêm thực phẩm, quần áo và hàng ngoại.
Các ủy viên trung ương đảng có xe hơi và tài xế riêng, nên họ và gia đình có thể đi chơi thư giãn trong những ngày cuối tuần và nghỉ hè. Mỗi ủy viên Bộ Chính trị hoặc Ban Bí thư còn có thể thuê máy bay đi dự hội nghị hoặc đi nghỉ mát ở các khu nghỉ dưỡng. Thậm chí, các cán bộ cấp cao đã tận dụng các chuyến công du để buôn lậu hàng hóa số lượng lớn và nhận các món quà quý giá của những người đồng cấp nước ngoài. Tại thời điểm đó, công nhân cùng cán bộ cấp thấp và trung bình chỉ có thể sử dụng xe đạp cũ để đi làm. [3] [4]
Địa vị của giới tinh hoa chính trị Việt Nam lúc bấy giờ hầu như là do cha truyền con nối. Con cái của các tầng lớp ưu tú của đảng được tạo điều kiện học tập ở các trường danh giá cả trong và ngoài nước. Do đó, họ đủ điều kiện để vào bộ máy hành chính và đảm nhận các vị trí ưu tú. Con cái của các cán bộ đảng hiếm khi trở thành công nhân hoặc nghệ nhân. [5]
Sau Đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đã chuyển từ kinh tế quốc doanh và tập thể chi phối sang một nền kinh tế nhiều thành phần. Trợ cấp dành cho các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nhìn chung là bị cắt giảm. Các tư liệu sản xuất phần lớn thuộc sở hữu tư nhân, được hiến pháp bảo đảm. Những thay đổi này đem đến một bước tiến lớn cho kinh tế Việt Nam. Một số doanh nhân đã được tạp chí Forbes công nhận là tỷ phú đô-la toàn cầu.
Tuy nhiên, tác giả cũng chỉ ra rằng, cho đến tận ngày nay, các DNNN vẫn chiếm nhiều ưu thế hơn khu vực tư nhân về khả năng tiếp cận các nguồn lực thiết yếu như tín dụng và đất đai. Bà dẫn chứng, tính đến năm 2017, khu vực nhà nước vẫn chiếm gần 30% GDP của cả nước, và trong số 10 doanh nghiệp có doanh thu lớn nhất tại Việt Nam, có đến chín DNNN. Doanh nghiệp còn lại có vốn đầu tư nước ngoài (Cập nhật: Đến năm 2020, đã có hai doanh nghiệp tư nhân lọt vào danh sách này là tập đoàn Vingroup và công ty cổ phần Thế giới Di động). [6]
Đối với khu vực kinh tế tư nhân, hầu hết các doanh nghiệp tư nhân lớn trở thành sân sau của các quan chức, hoặc hoạt động kinh doanh của họ có liên kết và móc nối với lợi ích của các quan chức đảng và nhà nước. Mặc dù Luật Cán bộ, Công chức nghiêm cấm công chức tham gia thành lập hoặc quản lý doanh nghiệp tư nhân, nhưng trên thực tế, không ít công chức vẫn tham gia bằng cách này hay cách khác. [7]
Futaba Ishizuka cho rằng giới tinh hoa chính trị Việt Nam là một tầng lớp đặc quyền (privileged class). Nhận định này dựa trên hai khía cạnh: mức độ tích lũy của cải và khả năng độc quyền nắm giữ các vị trí trong bộ máy nhà nước.
Về mức độ tích lũy của cải, học giả người Nhật Bản đã trích dẫn các nghiên cứu chứng minh rằng các hộ gia đình ở nông thôn có anh em họ hàng là quan chức chính phủ thì có khả năng tiếp cận tín dụng tốt hơn. Những người này đã đầu tư nhiều hơn vào đất đai so với những hộ gia đình không có họ hàng làm cán bộ, quan chức. [8] [9]
Bà cũng trích dẫn nghiên cứu của Kerkvliet (2014), trong đó tác giả đưa ra số liệu về tài sản mà các cựu lãnh đạo cấp cao nhất của đất nước chiếm đoạt được, với con số lên tới hàng tỷ USD mỗi người. [10] Khối tài sản có giá trị vượt xa mức thu nhập của cán bộ này thỉnh thoảng vô tình được tiết lộ trong các bản tin riêng lẻ trên báo. Các bản tin có thể gây phẫn nộ tức thời, nhưng chuyện quan chức cấp cao giàu có thì không phải là điều xa lạ gì với người dân Việt Nam. [11]
Về khả năng độc quyền nắm giữ các vị trí trong bộ máy nhà nước, Futaba Ishizuka cho rằng do chính sách giới hạn tuổi và nhiệm kỳ đối với các chức vụ, nên ngày nay không còn nhiều lãnh đạo tham quyền cố vị như thời kỳ trước Đổi mới (xem biểu đồ bên dưới). Tuy nhiên, bà cũng dẫn một nghiên cứu năm 2014 cho thấy tác động đáng kể từ tấm thẻ đảng của người cha đối với việc con mình được bổ nhiệm vào các vị trí trong chính quyền. [12]
Bên cạnh đó, các nghiên cứu của Coxhead và Phan (2013, 2020) cho thấy khoảng cách ngày càng lớn trong đầu tư giáo dục và thành tích giữa con em của các hộ gia đình có người làm cán bộ và những hộ gia đình không có. Điều này dẫn đến tình trạng “con ông cháu cha” dễ tiếp cận với giáo dục đại học hơn, cũng như có thể kiếm được những công việc béo bở trong bộ máy nhà nước. [13]
Sau khi chỉ ra nạn tham nhũng tồn tại trong hệ thống, tác giả cũng phân tích các chiến dịch chống tham nhũng của các nhà lãnh đạo đảng, đặc biệt trong nhiệm kỳ 12. Tác giả kết luận rằng chiến dịch này chỉ thành công trong việc trừng phạt một số cá nhân, nhưng không thay đổi được về mặt tổng thể. Mục tiêu cuối cùng vẫn là để bảo vệ hệ thống đảng – nhà nước, chứ không phải phá vỡ nó.
Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.
Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.
Chú thích
1. Pathways to Prosperity in Vietnam: Structural and Transitional Inequality in the Distribution of Opportunity: The Developing Economies: Vol 58, No 4. (2020). Wiley Online Library. Retrieved 2022, from https://onlinelibrary.wiley.com/toc/17461049/2020/58/4
2. Voslensky, Michael. 1984. Nomenklatura: The Soviet Ruling Class. Garden City, NY: Doubleday.
3. Bùi, Tín. 1993. “Mặt thật” [Real face]. Saigon Press. https://www.vinadia.org/mat-thatbui-tin/
4. Porter, Gareth. 1993. p. 63. Vietnam: The Politics of Bureaucratic Socialism. Ithaca, NY: Cornell University Press.
5. Xem 3.
6. Công bố Bảng xếp hạng VNR500 – Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2017. (2017, December 5). Vietnam Report. https://vnr500.com.vn/Cong-bo-Bang-xep-hang-VNR500-%E2%80%93-Top-500-Doanh-nghiep-lon-nhat-Viet-Nam-nam-2017-7504-1006.html
7. VnExpress. (2011, June 29). Công chức làm giàu bằng cách nào? vnexpress.net. Retrieved 2022, from https://vnexpress.net/cong-chuc-lam-giau-bang-cach-nao-2198813.html
8. Markussen, Thomas, and Finn Tarp. 2014. “Political Connections and Land-Related Investment in Rural Vietnam.” Journal of Development Economics 110: 291–302.
9. Đỗ, Thiên Kính. 2012. Hệ thống phân tầng xã hội ở Việt Nam hiện nay [The current social stratification system in Vietnam]. Hanoi: Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội.
10. Kerkvliet. 2014. “Government Repression and Toleration of Dissidents in Contemporary Vietnam.” In Politics in Contemporary Vietnam: Party, State, and Authority Relations, edited by Jonathan D. London. Basingstoke: Palgrave Macmillan.
11. Một ví dụ: Hạnh Nguyên. (2014, July 24). Trộm vào nhà, quan chức lộ ra vàng khối, tiền tỷ. VietNamNet. https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/trom-vao-nha-quan-chuc-lo-ra-vang-khoi-tien-ty-187614.html (Chú thích của người tóm tắt)
12. Kim, Jee Young. (2004) “Political Capital, Human Capital, and Inter-generational Occupational Mobility in Northern Vietnam.” In Social Inequality in Vietnam and the Challenges to Reform, edited by Philip Taylor. Singapore: Institute of Southeast Asian Studies.
13. Coxhead, Ian, and Diep Phan. (2013). “Princelings and Paupers? State Employment and the Distribution of Human Capital Investments among Households in Viet Nam.” Asian Development Review 30, no. 2: 26–48;_____(2020). “Persisting Privilege? Institutional Education Gaps during Vietnam’s Economic Boom.” Developing Economies 58, no. 4.