‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Những chỉ trích về Thích Nhất Hạnh phản ánh mâu thuẫn dân tộc chưa bao giờ được hóa giải.
Trong một bài giảng của mình, thiền sư Thích Nhất Hạnh vẽ lên bảng hình một cây nến đang cháy sáng. Rồi ông hỏi những người đang ngồi nghe, khi cây nến cháy hết nó sẽ đi về đâu? Đó có phải sự kết thúc của cây nến?
Ông cho rằng đời sống của con người giống như cây nến đang cháy. Nó tỏa ánh sáng và nhiệt lượng, thắp sáng cho mọi người cũng như thắp sáng cho chính nó. Con người ta cũng vậy, những gì họ nghĩ, họ nói, họ làm sẽ để lại ảnh hưởng ở hiện tại và ngay cả khi họ đã qua đời. Nó sẽ tiếp tục ảnh hưởng lên con cháu, bạn bè, xã hội của họ.
Điều ông giảng đang xảy ra với ông. Những lựa chọn của ông trong Chiến tranh Việt Nam và khi ông được phép trở về nước đang bị một số người chỉ trích dữ dội.
Những người lên án Thích Nhất Hạnh cho rằng công chúng không nên quá ngợi ca ông. Theo họ, ông đã gián tiếp gây đau khổ cho nhân dân miền Nam khi thể hiện quan điểm thân cộng sản, chống chiến tranh. Sau năm 1975, trước tình hình nhân quyền bi đát dưới chế độ cộng sản, ông hầu như không lên tiếng phản đối.
Ở phía ngược lại, nhiều ý kiến cho rằng việc lên án ông thể hiện sự sân si, ganh ghét với một người đã làm rạng danh đất nước Việt Nam - vốn đã không có gì nổi bật với thế giới.
Bạn sẽ đứng về phía bên nào, hoặc bạn sẽ nhìn nhận hai bên như thế nào? Tranh cãi này đang nói lên điều gì?
***
Các cuộc tranh cãi tương tự đã xảy ra với một nhà sư khác, hòa thượng Thích Trí Quang, khi ông qua đời vào năm 2019. Cùng với các nhà sư trong khối Ấn Quang, Thượng tọa Trí Quang đã gây ra hàng loạt các xáo trộn chính trị tại miền Nam vào những năm 1960. Thích Nhất Hạnh cũng là một thành viên nổi bật trong nhóm Ấn Quang vào thời điểm đó.
Quan điểm chống chiến tranh của khối Ấn Quang, dù chiếm được cảm tình của giới Phật tử khi ấy, ngày nay bị không ít người chỉ trích.
Sau năm 1975, nếu đất nước thật sự có được “hòa bình” theo đúng nghĩa thì ngày nay mọi chuyện chắc hẳn đã khác. Trên thực tế, đối với nhiều người dân miền Nam, bất kể là dân đen, trí thức, quân nhân hay quan chức của chính quyền cũ, đó là khoảng thời gian kinh hoàng.
Hãy tưởng tượng, ngôi nhà mà bạn đang ở bỗng dưng bị tịch biên, gia đình bạn bị đưa đi vùng kinh tế mới để làm nông mặc dù không ai trong nhà bạn biết trồng trọt là gì.
Hãy tưởng tượng, cán bộ có thể ập vào nhà bạn bất cứ khi nào để lục soát, điều tra xem bạn có chuẩn bị đồ đi tị nạn, thẩm vấn con cái của bạn ở trường xem bạn có ý đồ gì về chính trị hay không.
Hãy tưởng tượng, cha bạn bị bắt đi trại cải tạo, trở về nhà với một thân xác đầy bệnh tật hoặc thậm chí, không bao giờ trở về.
Trong chiến tranh, người miền Bắc cũng mất mát rất nhiều. Tuy nhiên, nỗi đau của họ được bù đắp bằng vật chất lẫn tinh thần, được xoa dịu, được vinh danh, được lấy chiến thắng làm niềm tự hào. Còn người miền Nam (ở một bộ phận) thì ngược lại.
Việc lên án hay ca ngợi thiền sư Nhất Hạnh phản ánh mâu thuẫn phổ biến giữa hai miền về Chiến tranh Việt Nam. Người miền Bắc luôn cho đó là cuộc chiến giải phóng dân tộc. Người miền Nam coi đó là cuộc chiến xâm lược của miền Bắc.
Quan điểm của bạn phụ thuộc vào việc bạn đứng về phía bên nào của vĩ tuyến.
Nếu bạn đứng ở phía miền Nam và trải qua những đau khổ sau năm 1975, bạn rất có thể sẽ xem Thích Nhất Hạnh là người đã góp phần vào sự sụp đổ của miền Nam, đẩy gia đình của bạn vào nghịch cảnh. Còn nếu ở bờ kia của vĩ tuyến, bạn có thể sẽ cho là ông đã làm điều đúng đắn.
Những chỉ trích Thích Nhất Hạnh vượt ra ngoài phạm vi cá nhân về vị thiền sư này. Nó biểu lộ thái độ không công nhận sự kiểm soát của chính quyền cộng sản miền Bắc đối với miền Nam, cũng như sự bất bình về việc áp đặt chủ nghĩa xã hội cực đoan lên đất nước sau năm 1975.
***
Năm ngoái, trên một chuyến taxi ở TP. Hồ Chí Minh, tài xế kể cho tôi một mẩu chuyện trong gia đình. Đó là khi cháu của anh ấy xem chương trình truyền hình về đám tang của tướng Võ Nguyên Giáp. Người mẹ phát hiện ra và nạt con: “Mày có biết ông đó đã hại chết ông ngoại mày hay không mà xem?”. Đã hơn năm thập niên, nút thắt giữa hai miền vẫn còn đó.
Nếu bạn không may là một gia đình miền Nam chịu cảnh đọa đày sau năm 1975, cần bao nhiêu thời gian để bạn quên những mất mát đó? Có lẽ là không bao giờ.
Nói như thiền sư Thích Nhất Hạnh, những điều mà bạn đã trải qua sẽ còn ảnh hưởng đến con cái của bạn, và nó sẽ còn tiếp nối qua những thế hệ sau nữa.
Đây không chỉ là câu chuyện của riêng Việt Nam. Những mất mát của người dân khắp nơi qua các cuộc chiến tranh, trong thời kỳ Đức Quốc Xã hay thời kỳ cộng sản ở châu Âu cũng gây ra sự chia rẽ đáng kể. Chỉ khi nó được kể lại một cách công bằng và không ngừng nghỉ, những nỗi đau đó mới được hàn gắn phần nào.
Người miền Bắc có thể đến tham quan những nhà tù cách mạng, những chuồng cọp, những cảnh tra tấn ông cha của họ, những khu vực thảm sát do quân nhân Việt Nam Cộng hòa gây ra. Nhưng người miền Nam phải tìm đến đâu để hiểu về những trại cải tạo, những trận đấu tố diễn ra ngay trên đường phố, những cuộc vượt biên mạo hiểm đầy chết chóc mà ông bà, cha mẹ của họ đã trải qua?
Sau hơn năm thập niên, nỗi ám ảnh của người dân về Chiến tranh Việt Nam lẫn sự kinh hoàng của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa sau năm 1975 vẫn chưa kết thúc.
Những tranh cãi về Thích Nhất Hạnh rồi sẽ lắng xuống, nhưng bất cứ khi nào có cơ hội, sự bất đồng sẽ lại trỗi dậy, cho đến khi nó được chính thức thừa nhận và thực tâm hóa giải.
Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.