Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Quấy rối tình dục trong môi trường giáo dục gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng và kéo dài.
Xâm hại tình dục là vấn nạn xảy ra ở mọi nơi. Nó xuất hiện nhiều ở phương Tây, ở phương Đông cũng không ít. Ở phương Tây, các định kiến xã hội và sự hạn chế về quyền lực, công cụ khiến phụ nữ gặp khó khăn trong việc bảo vệ bản thân và tố cáo kẻ hãm hại mình; ở phương Đông, câu chuyện cũng xảy ra tương tự.
Đây là một lĩnh vực xã hội hiếm hoi mà thật ra phương Tây không khác gì so với phương Đông. Nếu chúng ta có bất kỳ bước tiến nào đột biến về mặt nhân quyền, thì nữ quyền là một trong những nhóm quyền mà Việt Nam có cơ hội vượt mặt phương Tây.
Tuy vậy, rất nhiều người Việt Nam vẫn còn những định kiến về vấn đề quấy rối tình dục. Điều đó thể hiện qua phản hồi của một bộ phận không nhỏ người Việt trong sự việc thu hút nhiều dư luận gần đây. Khi biết nhiều bé gái 15 tuổi liên tục bị gạ gẫm tình dục bằng tin nhắn trong một thời gian dài, họ lập tức đưa ra những bình luận như: “chắc phải thích mới nhắn tiếp”, “sao không block, nhắn tin thì có gì mà quấy rối”, “sao giờ thấy người ta nổi tiếng mới bóc phốt”, v.v.
Mặt khác, nhiều phụ nữ, đặc biệt là các trẻ em gái, vẫn còn hiểu biết thấp về khả năng chống trả và hạn chế trong lựa chọn chống trả đối với các tình huống quấy rối tình dục.
Bài viết này dành cho những độc giả muốn tìm hiểu lại từ đầu hai chủ đề quấy rối tình dục và tiếng Anh pháp lý về quấy rối tình dục, và tập trung vào vấn nạn trong môi trường giáo dục.
Quấy rối tình dục (sexual harassment) được các nhà nghiên cứu gọi chung là “bạo lực giới”, hay “gender-based violence”. Việc dùng từ “violence” không đồng nghĩa với việc phải có vũ lực trong các hành vi thì mới cấu thành quấy rối tình dục. Khái niệm bạo lực ở đây là chỉ sự bất bình đẳng về vị thế quyền lực giữa nam và nữ trong cấu trúc xã hội của con người (từ gia đình, cơ quan nhà nước, trường học đến công sở).