“Bắt vợ”, “kéo vợ” và khái niệm “hủ tục” trong thảo luận quốc tế

Không phải mọi thứ văn hóa có truyền thống lâu đời đều đáng được lưu giữ.

“Bắt vợ”, “kéo vợ” và khái niệm “hủ tục” trong thảo luận quốc tế
Các hình ảnh “bắt vợ”, “kéo vợ” của người H'mong ở Việt Nam. Nguồn: VOV, Sức khỏe & Đời sống, Dân Trí.

“Hủ tục” không phải là một thuật ngữ dễ dịch ra tiếng Anh một cách trọn vẹn.

Tuy nhiên, trong các nghiên cứu pháp lý quốc tế, ta có thể tìm được một thuật ngữ mang nội hàm khá tương tự: “harmful cultural practices” (những thực hành văn hóa có hại). Với thuật ngữ này, có lẽ không cần giải thích, chúng ta cũng biết sơ lược vấn đề đang được nói tới là gì.

***

Khái niệm “harmful cultural practices” (HCP) xuất hiện trong giới thực hành và nghiên cứu pháp luật quốc tế tại Liên Hiệp Quốc vào thập niên 1950.

Ở thời điểm này, nhiều nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc nhắc đến những “phong tục, luật lệ, tập quán cổ xưa” đã không còn phù hợp với những nguyên tắc được ghi nhận trong Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ quát 1948. [1]

Và khá dễ hiểu, rất nhiều vấn đề trong số đó liên quan đến nữ quyền, các thực hành văn hóa gây hại cho sức khỏe, quyền lựa chọn và sự tự chủ của người phụ nữ.

Đến năm 1995, “Fact Sheet” (báo cáo giản lược) số 23 của Liên Hiệp Quốc về “Hủ tục gây ảnh hưởng đến sức khỏe của phụ nữ và trẻ em gái” chính thức được công bố. [2]

Báo cáo này ghi nhận và lập luận rằng đúng là các thực hành văn hóa truyền thống phản ánh những giá trị và niềm tin được các thành viên của cộng đồng nắm giữ qua nhiều thế hệ; đúng là mỗi nhóm xã hội trên thế giới đều có những tập quán và tín ngưỡng văn hóa truyền thống cụ thể, thể hiện bản sắc riêng.

Tuy nhiên, dù một số thực hành có lợi cho tất cả các thành viên của cộng đồng, một số khác lại gây hại rất lớn cho một nhóm cụ thể, chẳng hạn như phụ nữ.

Những thực hành truyền thống có hại này bao gồm cắt bộ phận sinh dục nữ (FGM - female genital mutilation), cưỡng bức ép phụ nữ ăn (force-feeding, phổ biến ở những nơi xem các trẻ em gái có dáng người mập mạp là tiêu chuẩn xã hội), tảo hôn, những thực hành khác nhau ngăn cản phụ nữ kiểm soát khả năng sinh sản của mình, kiêng kỵ về dinh dưỡng và tập tục sinh đẻ truyền thống, trọng nam khinh nữ khi sinh đẻ và hệ quả của nó với địa vị xã hội của trẻ em nữ, v.v.

Trẻ em Ấn Độ tham gia chiến dịch tuyên truyền vào năm 2016 để nâng cao nhận thức về hủ tục tảo hôn. Ảnh: Hindustan Times.

Báo cáo khẳng định trong những vấn đề được cho là “nhạy cảm văn hóa”, chính phủ của các quốc gia đã né tránh một cách vô lý.

Pháp luật quốc tế từ lâu đã xác lập quan điểm rằng thực hành văn hóa, tín ngưỡng nhưng không có lợi cho toàn bộ các thành viên của cộng đồng, mà chỉ có lợi cho một nhóm và tạo ra những khó khăn, phân biệt đối xử và hành hạ một nhóm dân cư khác (đặc biệt là phụ nữ) thì phải được xem là HCP - thực hành văn hóa có hại.

Các quốc gia phải có trách nhiệm xem xét và xây dựng chương trình xóa bỏ những thực hành văn hóa đó.

Từ những năm 2000, các bản báo cáo của đặc phái viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc bắt đầu mở rộng khái niệm HCP. Thay vì chỉ nhắm vào những “truyền thống” hay “văn hóa” được cho là lâu đời, các khái niệm mới với tiêu chuẩn thấp hơn bắt đầu xuất hiện nhằm mục tiêu bảo vệ phụ nữ tốt hơn.

Ví dụ, trong báo cáo của Báo cáo viên Đặc biệt Liên Hiệp Quốc về các hoạt động bạo lực đối với phụ nữ, nguyên nhân và hệ quả của nó, nhiều khái niệm như “restrictive practice” (thực hành cản trở) hay “force-related practice” (thực hành dùng đến vũ lực) được bổ sung vào nhóm HCP. [3]

Thậm chí, những thực hành văn hóa phổ biến (typical cultural practice) như tiêu chuẩn về cái đẹp và văn hóa làm đẹp của phương Tây cũng bị xem là nằm trong nhóm HCP, nơi mà những tiêu chuẩn truyền thống về vẻ đẹp ốm, thon, sáng, săn chắc đã xâm hại và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm lý lẫn thể chất của phụ nữ. Nó cũng được xem là nền tảng dẫn đến sự bùng nổ thị trường phẫu thuật thẩm mỹ, rối loạn ăn uống và nhiều vấn đề hiện đại khác.

Như vậy, không chỉ là các câu chuyện văn hóa hay tục lệ, pháp luật và các nỗ lực quốc tế tìm kiếm bình đẳng giới cho phụ nữ đang tiếp tục khẳng định những tư duy, định kiến và văn hóa đại chúng đương đại hoàn toàn có thể là những “hủ tục” gây hại cho bình đẳng giới. [4]

***

Phân tích sơ lược những điều như trên, ta có thể thấy còn rất nhiều vấn đề cần được thảo luận về hủ tục “bắt vợ” hay “kéo vợ” ở Việt Nam.

Trong các bài viết gần đây, iSEE (Viện Nghiên cứu Kinh tế, Xã hội và Môi trường) đã thực hiện một số cuộc phỏng vấn với năm thanh niên người Mông, với mục đích giúp người ngoài hiểu được thêm về “thực hành văn hóa” này. [5]

Ở một khía cạnh nào đó, đây có thể được xem là một không gian thảo luận đa chiều để người ngoài hiểu về vấn đề và nguyện vọng của người trong cuộc.

Tuy vậy, điều đọng lại là không ít người trong cuộc, dù nhận thức được những mặt trái của “bắt vợ/ kéo vợ”, đều mang sẵn định kiến xem phụ nữ là món vật có thể bị (trai làng) “lấy đi” và sau đó được (gia đình người con gái) “đòi về”. Có những tư duy và diễn ngôn tự thân nó đã sủng hạnh sự bất công.

Như các văn bản quốc tế trên ghi nhận, cả hủ tục lẫn truyền thống văn hóa chính đáng đều thể hiện niềm tin.

Phỏng vấn một nhóm cộng đồng về hủ tục, kể cả đó là người bị hại, tự thân nó chỉ cho thấy niềm tin của họ về hủ tục ra sao mà thôi.

Họ thậm chí có thể chỉnh sửa từ ngữ nghe sao cho phù hợp với diễn ngôn chính trị đương đại, như việc cho rằng không có “bắt vợ” (tương ứng và phản ánh đúng ngữ nghĩa khái niệm của “wife kidnapping” - một phong tục cũng được thực hiện phổ biến ở một số quốc gia đang phát triển khác), mà chỉ có “kéo vợ” (?!).

Vấn đề cần xem xét là nền tảng của phong tục đó tạo ra lợi ích cho ai, gây tổn hại về sức khỏe, tinh thần, vị trí xã hội và nhân phẩm cho ai.

Hiểu được điều này thì chúng ta mới có thể bắt đầu thảo luận về phương án can thiệp và xây dựng một nền tảng văn hóa mới, tôn trọng cội nguồn nhưng cũng tôn trọng quyền, nhân phẩm, địa vị xã hội của các giới tính với nhau.

Một vụ "bắt vợ" ở Hà Giang vừa gây xôn xao dư luận vào tháng 2/2022. Ảnh chụp từ clip. Nguồn: Dân Trí.

Qua các cuộc phỏng vấn ở trên, ta có thể nhận ra sự nghịch lý về quyền của người phụ nữ. Một mặt, tục “kéo vợ” được cho là “giúp nâng cao vị thế của người phụ nữ”, và họ có toàn quyền lựa chọn. Mặt khác, những người phỏng vấn lại nhấn mạnh “vị thế của người con gái trong văn hóa Mông vẫn thấp”. Một mặt, người phụ nữ được cho là có quyền tố cáo nhà trai nếu bị đối xử không tốt. Mặt khác, những người phỏng vấn lại khẳng định “tố cáo xong thì mọi người dị nghị cô gái, cuộc sống về sau khó khăn. Nên đa phần bị kéo về sẽ thành cưới”, và “có những vụ làm tổn thương cô gái nhưng 10 năm nay chưa nghe thấy vụ tố cáo nào”.

Những người phụ nữ rõ ràng nắm phần thiệt, nếu không muốn nói là nạn nhân của hủ tục này.

Ngay cả việc viện dẫn sự vụ “kéo vợ” là do có “thỏa thuận” thuận tình từ trước của đôi nam nữ cũng là tư duy xâm phạm phụ nữ cực kỳ phổ biến trong cánh mày râu, khi mà “nó mặc đồ thế thì nó mời gọi bị xâm hại”, hoặc “đi ra đường buổi tối làm gì cho bị cưỡng bức”.

Nếu nam nữ thật sự thuận tình, sao không phải là người nữ kéo người nam?

Nếu nam nữ thật sự thuận tình, tại sao gần mười mấy nhân khẩu của hai hộ gia đình không còn cách thỏa thuận bàn luận nào khác hơn là để người nam (cùng bạn bè) dùng bạo lực kéo người yêu về nhà mình?

Trên thực tế, thực hành “bắt vợ” nhiều năm qua đã bị các tổ chức Liên Hiệp Quốc xác định là hủ tục. [6]

Nói rộng hơn, bất kỳ thực hành, truyền thống hôn nhân nào mà có dính dáng đến bạo lực, cưỡng ép đều không được xem là phù hợp với các tiêu chuẩn nhân quyền mà thế giới đã đặt ra.

Câu chuyện tại Việt Nam vẫn chưa đến mức phổ biến và nghiêm trọng nên nó chưa đủ thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế và các cơ quan ban ngành liên quan.

Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc những thực hành nói trên là bình thường, là văn hóa.


Chú thích

1.  UN General Assembly, Status of women in private law: customs, ancient laws and practices affecting the human dignity of women, 17 December 1954, A/RES/843, available at: https://www.refworld.org/docid/3b00f07d20.html

2.  UN Fact Sheet No.23, Harmful Traditional Practices Affecting the Health of Women and Children. https://www.un.org/ruleoflaw/blog/document/harmful-traditional-practices-affecting-the-health-of-women-and-children-fact-sheet-no-23/

3.  Reem Alsalem, Special Rapporteur on violence against women, its causes and consequences,

4.  Longman, C., & Bradley, T. (2016). Interrogating harmful cultural practices: Gender, culture and coercion. London: Routledge. (Chương I)

5.   Trang Facebook Viện iSEE. (2022). PHẦN 2: KÉO VỢ - MỘT BƯỚC VÀO TRONG ĐỂ HIỂU. https://www.facebook.com/iseevn/posts/2262775593878652

6.  UN statement on bride kidnapping and child marriage. (2018). UNICEF. https://www.unicef.org/kyrgyzstan/press-releases/un-statement-bride-kidnapping-and-child-marriage

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.