‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Khi đi dạo là một cách để thực hành quyền tự do.
Tôi vẫn nhớ mình đã tuyệt vọng đến thế nào khi bị nhốt trong căn phòng trọ nhỏ gần bốn tháng trời hồi năm rồi, khi dịch COVID-19 đạt đỉnh ở TP. Hồ Chí Minh. Tôi hiển nhiên không phải là người duy nhất và ở trong tình cảnh tệ hại nhất, nhưng đó là những ngày tôi bức bí tự hỏi mình có đôi chân để làm gì. Chưa bao giờ việc bước đi trong một khoảng không gian thoáng đãng lại trở nên xa xỉ đến vậy.
Trong những ngày đầu tiên được giải phóng khỏi những hàng rào kẽm gai và dây giăng mắc, tôi xem việc đi dạo như là cách mình thực hành quyền tự do. Tôi đọc cuốn “Dạo bước” (Walking) của Henry David Thoreau vào những ngày đó, và thấy có một mối dây đồng điệu rung lên trong tâm hồn mình.
“Dạo bước” là cuốn sách nhỏ và mỏng, trông thì nghĩ rằng có thể đọc hết trong vòng khoảng một tiếng đồng hồ, nhưng lại có khả năng cuốn người đọc vào sự đằm sâu của suy nghĩ. Thoreau là một triết gia theo thuyết tiên nghiệm (transcendentalism), người tụng ca sự cô tịch và lối sống hòa mình vào Thiên nhiên (Nature với chữ N viết hoa). Với ông, Thiên nhiên mới là nơi mà con người cần kết nối để đạt được tự do và hoang dã tuyệt đối – hai điều ông cho rằng là cội nguồn của mọi điều tốt đẹp.
Tự do và hoang dã, chứ không phải là văn minh (civilization). Con người tự do, với Thoreau là con người tự do trong tự nhiên, chứ không chỉ là tự do khi là thành viên của xã hội. Ông coi việc đi dạo – hay dạo bước, theo cách chuyển ngữ tài tình của dịch giả Trần Hoàng Thư, là thực hành thứ tự do ấy, và ông không thể nào khỏe mạnh nổi về thể chất và tinh thần nếu không làm vậy mỗi ngày.
Thoreau nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đi dạo mỗi chiều theo một cách khó mà có thể cực đoan hơn.
“Thỉnh thoảng khi nghĩ về những người thợ máy và những người chủ cửa hàng ở trong tiệm của họ không chỉ buổi sáng, mà còn cả buổi chiều, rất nhiều người trong số họ, ngồi bắt chéo chân – như thể đôi chân được tạo ra để ngồi lên, chứ không phải để đứng hay để bước đi – tôi nghĩ rằng họ xứng đáng được khen ngợi vì đã không tự sát từ lâu rồi.”
(When sometimes I am reminded that the mechanics and shopkeepers stay in their shops not only all the forenoon, but all the afternoon too, sitting with crossed legs, so many of them – as if the legs were made to sit upon, and not to stand or walk upon – I think that they deserve some credit for not having all committed suicide long ago.)
Tôi đọc đến đoạn này vừa tự ái lại vừa thích thú bật cười. Thoreau tất nhiên chẳng sống trong thời đại dịch để hiểu tình cảnh của chúng ta trong hai năm vừa rồi, nhưng cái lời khích tướng của ông lại là thứ tôi hay nghĩ về mỗi khi cần động lực để nhấc mông lên và ra ngoài.
Đi bộ có lợi cho tâm trí. [1] Thứ lợi ích này khác với chạy bộ hay đạp xe, những thứ là xu hướng dạo này. Khi dạo bước (sauntering) với tốc độ mà ta muốn, cơ thể và tâm trí có thể hòa nhịp theo một cách mà chạy bộ trong phòng gym không tạo ra được. Đi dạo không cần phải quá tập trung, đầu óc ta được phép thả trôi theo từng bước đi. Nhiều người, trong đó có tôi, có những ý tưởng tuyệt vời nhất của mình trong khi “thơ thẩn”. À đấy, đi dạo trong cái thời đại vội vã này quả là bị đánh giá thấp.
Việc tôi vẫn có thể dạo bước khi nào mình muốn so ra lại còn là một đặc quyền lớn lao, nếu tôi nghĩ về những người đang bị giam giữ vì hành xử theo lương tâm mình, như Phạm Đoan Trang hay Nguyễn Thúy Hạnh. Trong một thế giới khác, họ sẽ không bao giờ bị tước mất thứ tự do này.
Tôi nghĩ về họ chiều nay, khi đứng dậy bước đi trong ánh chiều của ngày đầu năm mới.
Bạn có thể đọc “Walking/ Dạo bước” thông qua bản tiếng Việt do Domino Books và Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành, hoặc đọc bản tiếng Anh tại đây.
Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.
Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.
Chú thích:
1. Jabr, F. (2014, September 3). Why Walking Helps Us Think. The New Yorker. Retrieved 2022, from https://www.newyorker.com/tech/annals-of-technology/walking-helps-us-think