Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Thư tháng Hai của Luật Khoa do một biên tập viên chấp bút, nhằm trao đổi thêm với quý độc giả về khâu bếp núc trong việc xử lý các bài viết về Thích Nhất Hạnh trong thời gian qua, cũng như quan điểm của Luật Khoa trong việc đăng tải các bài viết trái chiều.
Sự kiện nổi bật nhất trong tháng vừa qua có lẽ là sự qua đời của thiền sư Thích Nhất Hạnh, một nhân vật đương đại hiếm hoi của Việt Nam có sức ảnh hưởng lớn trên thế giới.
Theo dòng sự kiện, trong tháng 1/2022, Luật Khoa đã đăng tải bốn bài viết về nhân vật này: một bài về cuộc đời của ông, một bài phân tích về sự nghiệp chính trị, một bài giới thiệu sách trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang vào thứ Ba hàng tuần, và một bài quan điểm.
Cả bốn bài viết, ít hay nhiều, đều tạo ra phản ứng trái ngược – người đồng tình thì khen, người trái ý thì chê.
Tạo ra phản ứng khen chê đối nghịch vốn là chuyện thường thấy ở những bài viết trên Luật Khoa xưa nay.
Tuy nhiên, một điểm nhiều người lâu nay vẫn hiểu lầm, rằng các bài viết được đăng đều thể hiện quan điểm của tòa soạn, hoặc ít nhất, nó được chọn đăng vì Ban biên tập của Luật Khoa cũng nghĩ giống như các tác giả.
Với tư cách là một người tham gia biên tập những bài viết của Luật Khoa, tôi có thể khẳng định số lần các biên tập viên bất đồng với các tác giả có khi nhiều hơn những lúc tán đồng họ.
Những bài viết về Thích Nhất Hạnh vừa qua, lấy ví dụ, đều có những điểm cá nhân tôi không đồng tình.
Bài cho rằng quan điểm của người Việt Nam về Thích Nhất Hạnh “phụ thuộc vào việc bạn đứng về phía bên nào của vĩ tuyến” rõ ràng không hề đúng với tôi, một người sinh ra ở miền Nam và gia đình cũng chịu áp bức của cộng sản. Nhưng không vì thế mà tôi gạt bỏ toàn bộ quan điểm của người viết. Đơn giản vì trên thực tế, tôi chứng kiến có những người nằm trong trường hợp mà bài viết mô tả. Điều quan trọng hơn, căn nguyên của vấn đề mà tác giả chỉ ra – “mâu thuẫn dân tộc chưa bao giờ được hóa giải” – là một luận điểm có căn cứ.
Bài viết đặt vấn đề “chánh niệm hay chánh trị” là một góc nhìn khác mà tôi không mấy tán đồng. Hai khái niệm này, theo thiển ý của tôi, không mâu thuẫn nhau. Thứ chính trị mà Thích Nhất Hạnh thực hành trong suốt cuộc đời hoàn toàn có thể tương thích với thứ chánh niệm mà ông theo đuổi – còn nó có phải là loại chính trị hay chánh niệm đáp ứng đòi hỏi của người khác hay không là một vấn đề khác.
Tuy nhiên, tôi cũng không có lý do gì để gạt bỏ toàn bộ quan điểm của người viết. Ngược lại, việc nêu ra cặp khái niệm trên là một cơ hội tốt để nhiều người thảo luận và hiểu hơn về nó.
Bài phản biện của tác giả Joaquin Nguyễn Hòa là một kết quả như vậy.
Tuy bài viết còn để ngỏ rất nhiều điểm cần được làm rõ, đây là một ví dụ đáng trân trọng về cách thức phản biện đúng mực và đầy lý tính.
Tác giả rõ ràng đã dành thời gian suy nghĩ thấu đáo và trình bày một cách chỉn chu để chia sẻ một góc nhìn khác.
Bạn có thể tán đồng hoặc bất đồng với bài viết, nhưng không thể phủ nhận sự nghiêm túc, thái độ tôn trọng và tinh thần chia sẻ trên cơ sở học hỏi của tác giả.
Và đó là điều mà Luật Khoa luôn tìm kiếm, không chỉ từ phía những người tạo ra con chữ mà còn từ phía những người tiếp nhận nó.
Chữ viết, xét đến cùng, chỉ là các vật liệu thô.
Dùng nó để ráp thành các con thuyền đi đến những chân trời tri thức mới, hay biến nó thành hàng rào dựng lên các bức tường kiên cố để trốn bên trong, hoàn toàn là lựa chọn của mỗi người.