Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Hiểu về vận mệnh của dân tộc Ukraine qua cuộc đời của một con người.
Sau khi Ukraine chính thức trở thành một quốc gia độc lập vào năm 1991, hàng loạt đường phố tại đây rũ bỏ những cái tên cũ của các tướng lĩnh hay lãnh đạo chính trị Soviet.
Không ít những thay đổi trong số đó gây ra những tranh cãi, nhưng tranh cãi nhất là việc một con đường được đổi tên thành Dmytro Dontsov - một nhân vật rất ít người Ukraine thời điểm đó biết đến.
Một số người Ukraine tự hào kể về ông như là một nhà dân tộc chủ nghĩa trung kiên, người đặt nền móng cho tư tưởng dân tộc chủ nghĩa Ukraine.
Một số khác lại thẳng thừng gọi ông là “thằng Phát-xít” (Fascist). Dù vậy, những người Ukraine sống qua triều đại Soviet không lạ gì với kiểu chụp mũ “Phát-xít” để loại bỏ mọi lý luận, di sản hay quan điểm của một người.
Vậy Dmytro Dontsov là ai?
Sử gia chuyên nghiên cứu về Ukraine - Tiến sĩ Trevor Erlacher - cùng quyển sách nghiên cứu sử đang trở thành tiêu điểm những ngày qua - “Ukrainian Nationalism in the Age of Extremes: An Intellectual Biography of Dmytro Dontsov” (Chủ nghĩa Dân tộc Ukraine trong Thời đại Cực đoan: Một tiểu sử của Dmytro Dontsov), có thể sẽ cho chúng ta một vài cái nhìn sâu sắc và rõ ràng hơn về chủ nghĩa dân tộc Ukraine.
***
“Chủ nghĩa Dân tộc Ukraine trong Thời đại Cực đoan” không phải là một tác phẩm sử truyền thống (thường được gọi là “traditional history”, nghiên cứu dưới góc độ vĩ mô). Ngược lại, cuốn sách này đi vào chính cuộc đời của nhà lý luận Dmytro Dontsov (1883 - 1973) để hiểu về sự phát triển “từ dưới lên” của lịch sử, vì sao Dontsov lại “chọn” làm người Ukraine, những yếu tố nào đã ảnh hưởng đến quyết định và tầm nhìn của ông, từ chuyện tình yêu cho đến các sự kiện chính trị.
Có thể nói, Erlacher hoàn thành xuất sắc việc truyền tải sự phức tạp của lịch sử thời đại cực đoan (chỉ giai đoạn cuối thế kỷ 19 cho đến giữa thế kỷ 20 với các phong trào dân tộc bùng nổ khắp thế giới) thông qua chính cuộc đời của Dmytro Dontsov.
***
Dmytro Dontsov, trước tiên, “chọn” là một người Ukraine trong thời đại cực thịnh của các Sa hoàng Nga.
Theo mô tả của Trevor Erlacher, đối với Dontsov, trở thành một người Ukraine trong thời điểm đó cũng giống như việc gia nhập vào một nhóm tôn giáo thiểu số bị bao vây bởi vô vàn những chiến dịch Nga hóa (Russification) chính thức và không chính thức, khi mà người Ukraine bị xem không khác gì hơn là những người Nga “hoang mang” (confused) hay “phản trắc” (traitorous).
Dựa trên các thông tin, bằng chứng lịch sử vĩ mô, cũng như những khó khăn mà bản thân Dontsov phải đối mặt với những người Nga “thượng đẳng”, Tiến sĩ Erlacher lý giải vì sao Dontsov dần đón nhận và tin tưởng vào giá trị dân tộc chủ nghĩa Ukraine.
Bản thân Dontsov cũng là một nhà Marxist.
Tuy nhiên, phiên bản Marxist của ông bị các nhà Marxist “chính thống” người Nga xem như “tà đạo”. Còn đối với Dontsov, tự thân những lời rao giảng của người Nga về chủ nghĩa Marx và sự đại đồng của các dân tộc đã có tính đế quốc (imperialist interpretation). Quá trình tham gia vào các hoạt động chính trị dân tộc chủ nghĩa của Dmytro Dontsov càng khiến ông tách biệt với các nhà Marxist người Nga và dân tộc Nga nói chung.
Đây được xem là mầm mống của tư tưởng cận phát-xít của Dontsov trong tương lai.
Tuy nhiên, thay vì hoàn toàn chỉ trích Dontsov, tác giả Erlacher cho chúng ta thấy một bức tranh chi tiết, thể hiện đúng sự phức tạp và khó khăn của những nhà dân tộc chủ nghĩa Ukraine. Đó là những người bị kẹt lại giữa Đức Quốc xã và Liên Xô, hai chế độ không hề thua kém nhau ở bất cứ mặt nào, đặc biệt là sự bạo tàn và chuyên chế.
Trevor Erlacher từ đó chứng minh sự phát triển đa diện của chủ nghĩa dân tộc Ukraine.
Một mặt, các tác phẩm phổ biến và kêu gọi cho dân tộc chủ nghĩa Ukraine của Dontsov đã thuyết phục được rất nhiều thanh niên trai tráng tham gia vào Tổ chức của những người theo dân tộc chủ nghĩa Ukraine (Organization of Ukrainian Nationalists), từ đó tập hợp chống lại sự thống trị của chính quyền phong kiến Ba Lan trước 1917 và sau đó là Liên Xô.
Nhưng cũng mặt khác, sau khi Hitler và Mussolini lên đỉnh vinh quang, Dontsov lại nhìn thấy một hình mẫu để người Ukraine đi theo.
Một mặt, từ những năm 1906 - 1911, Dontsov từng viết để bảo vệ người Do Thái khỏi những nhóm dân tộc chủ nghĩa Ukraine, về việc chính quyền Nga đã đầu độc và xuyên tạc mối quan hệ giữa người Ukraine và người Do thái ra sao.
Nhưng cũng mặt khác, Dontsov dần dần trở nên bài Do Thái hơn với từng bước tiến của chủ nghĩa cực hữu tại Đức và Ý.
Giáo sư Erlacher còn tìm thấy những điểm thú vị hơn trong cuộc đời của Dontsov, mà từ đó càng làm rõ thế tiến thoái lưỡng nan của người Ukraine trong con đường xây dựng danh tính dân tộc và đấu tranh cho nó.
Một trong số đó có thể kể đến mối quan hệ tri thức - tình cảm giữa Dontsov và nhà thơ Ukraine nổi tiếng Olena Teliha.
Được Dontsov truyền cảm hứng, Teliha tin tưởng và kỳ vọng vào một nhà nước Ukraine độc lập khỏi cả Ba Lan, Liên Xô hay các chính quyền khác trong khu vực với sự trợ giúp của Đức Quốc xã. Tuy nhiên, sau khi trở về Kyiv vào năm 1941 và lãnh đạo tờ Ukrainian Writers' Guild khi nơi này đang do Đức Quốc xã kiểm soát, Olena Teliha lại bắt đầu một cuộc chiến thông tin của của mình với Đức Quốc xã. Bà cuối cùng bị Gestapo (lực lượng cảnh sát mật của Đức Quốc xã) bắt và sát hại tại Babi Yar, Kyiv.
***
Đồng hành cùng Dmytro Dontsov, Tiến sĩ Erlacher cho chúng ta thấy một mặt trận tư tưởng và một cuộc chiến vì Ukraine đa màu, đa sắc. Dù Dmytro Dontsov được xem là một trong những nhà tư tưởng dân tộc chủ nghĩa quan trọng nhất của Ukraine, luôn có một bộ phận đáng kể trí thức Ukraine phản đối những lý tưởng mà ông đề ra.
Erlacher cũng không ngần ngại chỉ ra một sự thật về Dontsov: khi mà các tác phẩm của ông tiếp tục truyền cảm hứng cho những Olena Teliha và hàng trăm ngàn thanh niên Ukraine khác đấu tranh quên mình cho một nhà nước Ukraine độc lập, bản thân ông lúc đó lại đang làm việc cho Reinhard Heydrich Institute - một viện nghiên cứu Đông Âu do chính quyền Nazi hậu thuẫn tài chính ở Prague.
Quyển sách sẽ không phải là một lời biện hộ cho Dmytro Dontsov hay tư tưởng dân tộc cực đoan Ukraine trong quá khứ. Tuy nhiên, nó cho chúng ta thấy cái gốc chủ nghĩa dân tộc Ukraine được xây dựng từ rất nhiều nền tảng khác nhau: từ mong mỏi đấu tranh chống lại chủ nghĩa thực dân (anti-colonial) cho đến kỳ vọng về một nhà nước phúc lợi.
Sau nửa thế kỷ sống trong các chiến dịch tuyên truyền của chính quyền Soviet, lịch sử của dân tộc Ukraine đã trở nên quá ngắn ngủi và mờ nhạt, và quá trình “phi Soviet hóa” (De-Sovietisation) thật ra lại vô cùng cần thiết để người Ukraine có thể cân nhắc xem họ nên làm gì và nên xây dựng danh tính của mình ra sao trong thời đại mới.
Và ngay ở thời điểm này, khi mà chủ nghĩa đế quốc của Nga một lần nữa đe dọa sự tồn vong của Ukraine, những nhà tư tưởng dân tộc như Dmytro Dontsov sẽ trở lại với đời sống chính trị của người dân nước này. Quyển sách của Tiến sĩ Erlacher là một bổ sung vô cùng cần thiết và khách quan để những người ngoài như chúng ta thấu hiểu và cảm thông cho vận mệnh của dân tộc Ukraine.
Độc giả quan tâm có thể tìm mua cuốn sách “Ukrainian Nationalism in the Age of Extremes: An Intellectual Biography of Dmytro Dontsov” qua trang web của Viện Nghiên cứu Ukraine, Đại học Harvard hoặc trên Amazon.
Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.
Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.