Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Chính quyền muốn tạo dựng lại ký ức Gạc Ma, nhưng bài học thì vẫn để ngỏ.
Vào dịp kỷ niệm sự kiện Gạc Ma năm nay, 14/3/2022, hàng loạt thông điệp xúc động xuất hiện trên khắp các tờ báo nhà nước.
Các bài viết đều ca ngợi những chiến sĩ Gạc Ma hy sinh năm xưa, gọi họ là các anh hùng, là những tấm gương sáng, là biểu tượng của lòng yêu nước. [1] [2]
Nhiều báo đưa tin chi tiết về các hoạt động tưởng niệm, từ chuyến thăm của người đứng đầu chính phủ đến việc người dân dâng hương tưởng nhớ tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. [3] [4]
Nếu là một người nước ngoài mới chuyển đến sống tại Việt Nam và lần đầu đọc báo chí trong nước, hẳn bạn sẽ nghĩ đây là một dịp tưởng niệm bình thường như nhiều sự kiện lịch sử khác.
Nhưng với người Việt Nam, các bản hùng văn trịnh trọng trên báo chí để lại nhiều dấu chấm hỏi và không ít dấu chấm than.
Không một tờ báo nào giải thích vì sao những tấm gương sáng ngời đó suốt hơn 30 năm qua hầu như vô danh, hoàn toàn xa lạ đối với phần lớn người dân trong nước. [5]
Không bài viết nào giải thích vì sao những biểu tượng đó trong suốt một thời gian dài bị vùi dập, khi các bài viết và quyển sách về họ gian nan trầy trật để được tồn tại. [6]
Cũng không ai giải thích vì sao trong suốt nhiều năm, mỗi khi có người tổ chức tưởng niệm các anh hùng Gạc Ma thì luôn xuất hiện những thành phần “thanh niên yêu nước” công khai phá rối, cản trở. [7]
Phải mất hơn ba thập niên, chế độ cầm quyền tại Việt Nam mới rón rén thả rèm để người dân được nhìn he hé vào những sự thật lịch sử.
Nói là “rón rén” vì ngay đến trong bài viết ca tụng mới nhất, tác giả - một đại tá quân đội - cũng không dám gọi thẳng tên mà phải dùng từ “nước ngoài”. Chỉ sau khi bị dư luận phản ứng mạnh, hai chữ “Trung Quốc” mới được thả ra. [8]
Ba mươi năm không phải là một cái chớp mắt. Đối với nhiều người, đó là bằng cả cuộc đời. Đối với 64 chiến sĩ Gạc Ma hy sinh năm xưa, đó là hơn cả đời người. Năm mươi chín người ngã xuống khi tuổi đời chưa quá 30. [9]
Có thể nói, họ sinh ra và chết đi đến hai lần mà vẫn là những kẻ vô danh.
***
Nhiều người tìm thấy điểm tương đồng trong câu chuyện hy sinh của những người lính tại Gạc Ma với việc những người lính Ukraine chống lại quân xâm lược Nga.
Khi bị quân Nga bao vây, đe dọa thả bom và yêu cầu buông vũ khí đầu hàng, những người lính Ukraine canh giữ đảo Snake Island đã đáp trả ngắn gọn: cút mẹ mày đi (go fuck yourself). [10]
Khí phách của những người lính Ukraine khiến cả thế giới khâm phục, và dễ hiểu vì sao nó khiến người Việt Nam nghĩ đến những người lính Gạc Ma năm xưa, bắt tay nhau tạo thành một vòng tròn quyết tử để bảo vệ hòn đảo trước họng súng của kẻ thù.
Nhưng bất chấp những tương đồng, đây là một sự so sánh khiên cưỡng, nếu không muốn nói là khập khiễng.
Thứ nhất, dù thông tin ban đầu cho biết 13 người lính Ukraine trên đảo đã tử trận, nhưng rất có thể họ vẫn còn sống và đang bị bắt làm tù binh. [11]
Thứ hai, không có lãnh đạo nào của Ukraine ra lệnh cho các chiến sĩ của mình không được chống trả, trong khi những người lính Gạc Ma phải nộp mạng cho đối phương khi làm theo lệnh của cấp trên là “không được nổ súng”. [12]
Và cuối cùng, trong khi người Ukraine ngay lập tức biến câu chuyện anh hùng của những người lính đảo thành cảm hứng cho cuộc chiến chống quân xâm lược - họ vừa phát hành bộ tem ghi lại khoảnh khắc bất tử đó - thì với rất nhiều người Việt Nam, Gạc Ma vẫn là một chỉ dấu của chứng mất trí nhớ tập thể. [13] [14]
***
Sau hơn ba thập niên vùi dập những ký ức về trận chiến Gạc Ma, ngày nay, chính quyền đang nỗ lực tạo dựng lại một ký ức mới - rằng những chiến sĩ hy sinh chưa bao giờ bị lãng quên, rằng họ là biểu tượng bất tử của lòng yêu nước, và rằng họ là tấm gương sáng cho thế hệ mai sau.
Đích thực, những người lính Gạc Ma chưa bao giờ bị lãng quên - vẫn luôn có những người kể lại câu chuyện của họ bất kể việc bị chính quyền tìm mọi cách ngăn cản bấy lâu.
Đích thực, họ xứng đáng là biểu tượng của lòng yêu nước - thứ tình cảm chất phác luôn tồn tại trong những người dân bình thường nhất, nhưng lại rất thiếu thốn ở những người nắm giữ quyền lực.
Và đích thực, họ là tấm gương sáng cho thế hệ mai sau, nhưng không phải để những kẻ nắm quyền lợi dụng đứng sau hô hào người khác phải xả thân hy sinh.
Họ là tấm gương cần được lau chùi sạch sẽ, quét đi những lớp bụi đóng dày và rửa sạch những lớp sơn nham nhở, để các thế hệ tương lai luôn học được những bài học chân thật của lịch sử.
Và không ai cần được soi những tấm gương đó hơn là những người nắm giữ quyền lực của đất nước.
Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.
Chú thích
1. Hoàng Sơn. (2022, March 13). 34 năm sự kiện Gạc Ma: 64 anh hùng liệt sĩ là gương sáng cho mai sau. Báo Thanh Niên. https://web.archive.org/web/20220314065342/https://thanhnien.vn/34-nam-su-kien-gac-ma-64-anh-hung-liet-si-la-guong-sang-cho-mai-sau-post1438265.html
2. Phùng Kim Lân. (2022, March 12). Gạc Ma - biểu tượng sáng ngời lòng yêu nước, ý chí quyết tâm bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc. Tin tức mới nhất 24h - Đọc Báo Lao Động online - Laodong.vn. https://web.archive.org/web/20220312140412/https://laodong.vn/thoi-su/gac-ma-bieu-tuong-sang-ngoi-long-yeu-nuoc-y-chi-quyet-tam-bao-ve-bien-dao-cua-to-quoc-1022544.ldo
3. Viết Tuân. (2022, March 13). Thủ tướng dâng hương tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. vnexpress.net. https://web.archive.org/web/20220314065937/https://vnexpress.net/thu-tuong-dang-huong-tuong-niem-chien-si-gac-ma-4438003.html
4. Tâm C. (2022, March 13). Đông đảo người dân xúc động dâng hương tưởng nhớ các chiến sĩ Gạc Ma. danviet.vn. https://tv.danviet.vn/dong-dao-nguoi-dan-xuc-dong-dang-huong-tuong-nho-cac-chien-si-gac-ma-20220313125600574.htm
5. VnExpress. (2016). Gạc Ma - Trận hải chiến bị lãng quên - VnExpress. video.vnexpress.net. https://video.vnexpress.net/thoi-su/gac-ma-tran-hai-chien-bi-lang-quen-3368527.html
6. Hòa Ái. (2020, October 11). “Gạc Ma-Vòng tròn bất tử”: Số phận cuốn sách về đâu? Radio Free Asia. https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/gama-immortal-circle-faces-difficulty-publishing-in-vietnam-07232018171616.html
7. BBC News Tiếng Việt. (2015, March 14). “Dư luận viên phá lễ tưởng niệm Gạc Ma.” https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2015/03/150314_gac_ma_commemoration
8. Xem [2]
9. Báo Thanh Niên (2019, March 14). Danh sách 64 Liệt Sĩ Gạc Ma. Báo Thanh Niên. https://thanhnien.vn/danh-sach-64-liet-si-gac-ma-post833383.html
10. Visontay, E. (2022, February 28). Ukraine soldiers told Russian officer ‘go fuck yourself’ before they died on island. The Guardian. https://www.theguardian.com/world/2022/feb/25/ukraine-soldiers-told-russians-to-go-fuck-yourself-before-black-sea-island-death
11. Gijs, C. (2022, February 28). The ‘go fuck yourself’ Ukrainian soldiers on Snake Island are alive, navy says. POLITICO. https://www.politico.eu/article/ukrainian-soldiers-on-snake-island-are-alive-navy-says/
12. Xem [6]
13. Michael, C. (2022, March 12). Ukraine reveals ‘Russian warship, go fuck yourself!’ postage stamp. The Guardian. https://www.theguardian.com/world/2022/mar/12/ukraine-reveals-russian-warship-go-fuck-yourself-postage-stamp
14. Y Chan. (2021, March 14). Gạc Ma: Lời nhắc nhở về chứng mất trí (nhớ) tập thể. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2021/03/gac-ma-loi-nhac-nho-ve-chung-mat-tri-nho-tap-the/