Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Làng Mai sẽ được hoạt động độc lập hay trở thành cánh tay nối dài khác của chính quyền?
Trong tang lễ của thiền sư Thích Nhất Hạnh vào cuối tháng 1/2022, một sự việc hiếm thấy đã xảy ra. Một số Phật tử đã làm lễ xuất gia gia nhập Làng Mai ngay tại chùa Từ Hiếu, dù pháp môn do Thích Nhất Hạnh sáng lập này chưa được cấp phép hoạt động tại Việt Nam. [1]
Trong ngày cúng thất của thiền sư Thích Nhất Hạnh, sư cô Chân Không, vị đệ tử đầu tiên của Làng Mai, đã quả quyết: “Ngày hôm nay, con xin phát nguyện là con sẽ không quên gốc rễ của Thầy. Gốc rễ của Thầy cũng là gốc rễ của con. Giống như Thầy, con cũng sẽ quay về với gốc rễ của mình”. [2]
Trong 17 năm qua, kể từ khi thiền sư Thích Nhất Hạnh đặt bước chân đầu tiên trở về Việt Nam cho đến lúc ông qua đời, Làng Mai vẫn chưa thể hoạt động tại Việt Nam.
Chùa Từ Hiếu là địa chỉ liên lạc duy nhất của Làng Mai tại Việt Nam. Nhưng giám tự của ngôi chùa này là Thượng tọa Thích Đạo Từ, một nhà sư của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tổ chức được xem là cánh tay nối dài của chính quyền. [3]
Vào tháng 2/2022, những người đại diện của Làng Mai đã gặp trực tiếp Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng và Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Hoài Bắc nhằm trao đổi về việc được hoạt động tại Việt Nam. [4]
“Quay về với gốc rễ của mình” có lẽ là mong muốn lớn nhất của thiền sư Thích Nhất Hạnh và Làng Mai. Tuy nhiên, các đệ tử của ông có thể gặp phải ba rắc rối sau đây với chính quyền và các nhà sư của hai giáo hội.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) được thành lập vào năm 1981. Kể từ đó, đây là tổ chức Phật giáo duy nhất được chính quyền Việt Nam công nhận. Tuy nhiên, một tổ chức Phật giáo khác là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN), được thành lập từ năm 1964, nơi thiền sư Thích Nhất Hạnh bắt đầu con đường hoạt động của mình, vẫn tồn tại cho đến ngày nay.
Sau hơn 40 năm hoạt động, GHPGVN đã bị chính trị hóa trầm trọng. Còn GHPGVNTN thì bị chính quyền đàn áp nặng nề vì muốn hoạt động độc lập, không dính líu đến chính trị.
Trong bối cảnh hiện nay, việc hoạt động tại Việt Nam sẽ đặt các đệ tử của thiền sư Thích Nhất Hạnh vào giữa hai lựa chọn khó khăn.
Nếu gia nhập GHPGVN, Làng Mai có thể ngay lập tức được hoạt động. Tuy nhiên, đây là giáo hội chẳng những không có uy tín với cộng đồng quốc tế mà uy tín trong nước cũng đang xuống cấp trầm trọng. Đến nỗi gần đây, Ban Tôn giáo Chính phủ đã lên kế hoạch định hướng lại hoạt động của giáo hội. [5] Việc gia nhập GHPGVN cũng đồng nghĩa với việc để chính quyền nắm lấy một cánh tay của Làng Mai, còn cánh tay kia thuộc về các nhà sư của giáo hội.
Trong khi đó, GHPGVNTN vẫn là mối ưu tư của thiền sư Thích Nhất Hạnh trong suốt nhiều năm ở hải ngoại. Giáo hội này chính là một phần gốc rễ của ông và Làng Mai. Trong lần về nước đầu tiên của mình, ông đã đặt vấn đề với Thủ tướng Phan Văn Khải về việc cho phép giáo hội được phục hoạt. [6] Tuy nhiên, đến nay, nhà nước vẫn xem GHPGVNTN là tổ chức bất hợp pháp. Nếu Làng Mai chọn đứng về giáo hội này, nó sẽ đồng nghĩa với việc chống lại nhà nước.
Lựa chọn khác của Làng Mai là vận động nhà nước cho phép hoạt động tại Việt Nam mà không cần phải gia nhập GHPGVN. Điều này sẽ đầy khó khăn và vất vả vì phải thuyết phục chính quyền thay đổi mô hình quản lý Phật giáo hiện nay.
Nếu đề nghị được hoạt động độc lập của Làng Mai được chính quyền chấp thuận, nó sẽ mở ra một chương mới trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Khi đó, thế độc quyền Phật giáo của GHPGVN sẽ bị loại bỏ, các hội đoàn Phật giáo Việt Nam sẽ được phát triển đúng với bản chất của đạo Phật là độc lập, đa dạng và tự do - giống như thời Việt Nam Cộng hòa và như đang diễn ra tại nhiều quốc gia khác.
Việc hoạt động tại Việt Nam sẽ thách thức các nhà sư Làng Mai trong việc thực hành đúng chánh pháp Phật giáo, và nhất là tinh thần sống sâu sắc mà thiền sư Nhất Hạnh đã truyền đạt trên khắp thế giới.
Trong một bài pháp thoại năm 2006, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã nói về cảm nhận của ông đối với chính quyền và các nhà sư của GHPGVN trong chuyến về nước năm 2005: “Điều thứ hai mà tôi nhận xét trong chuyến về nữa là những người làm việc trong chính quyền và cả những người làm việc trong giáo hội, người nào hình như cũng có hai khuôn mặt. [...] Nếu không có hai cái mặt đó thì không sống được. [...] Tại sao mình không có khả năng, không có cơ hội cho người kia thấy được con người thật của mình? Tại sao mình phải sống với một con người giả nếu mình muốn thành công, dù là thành công trong Phật sự?” [7]
Bài pháp thoại sau đó được in trong Lá thư Làng Mai số 30. Chính quyền Việt Nam đã cấm Làng Mai phổ biến lá thư này đến công chúng. [8]
Nhận xét trên rất liên quan đến việc thực hành Bát Chánh Đạo, một thực hành mà thiền sư Thích Nhất Hạnh cho là cốt lõi của Phật giáo. Việc thực hành lý thuyết này sẽ đưa con người đến trí tuệ, tình yêu thương và tự do. Tuy nhiên, việc thực hành Bát Chánh Đạo là một điều xa vời ở Việt Nam.
Một bài viết trên Tạp chí Phật giáo Tricycle vào năm 2008 đã chỉ trích rằng nếu bạn thực hành Bát Chánh Đạo tại Việt Nam, trong đó có chánh ngữ (nói lời đúng đắn, công bình, ngay thẳng), chánh mệnh (sống chân chính bằng khả năng của mình, không luồn cúi, không ăn bám kẻ khác), và chánh nghiệp (hành động theo lẽ phải), thì bạn có thể sẽ ngồi tù vì “tội tuyên truyền chống nhà nước”. [9]
Bài viết của Tạp chí Tricycle nhận định về tình trạng của Phật giáo tại Việt Nam: “Ngày nay, chính quyền Việt Nam không cho phép Phật giáo được sinh hoạt độc lập; chỉ có Phật giáo theo ý chính quyền mới được cho phép. Người dân chỉ được vào chùa lễ Phật, thực hiện các nghi lễ và thắp hương, còn việc thực hành trí tuệ và tình thương của Phật giáo đã bị chính quyền Việt Nam cắt bỏ.”
Nhận xét vừa nêu cũng trùng hợp với nhận định của thiền sư Nhất Hạnh sau vụ việc Bát Nhã vào 2009, khi các tu sinh Làng Mai bị đuổi ra khỏi một ngôi chùa của GHPGVN tại tỉnh Lâm Đồng: “Trong thời Thực dân, trong thời ông Diệm và ông Thiệu, tuy hành đạo có khó khăn thật đấy, nhưng người tu cũng không bị kiểm soát gắt gao quá đáng như trong hiện tại. Người ta chỉ muốn có một đạo Phật của tín mộ, của thờ cúng, người ta không muốn có một đạo Phật có khả năng lãnh đạo tinh thần và văn hóa đạo đức cho quốc dân.” [10]
Vụ việc Bát Nhã xảy ra sau khi báo chí nhà nước chỉ trích các quan điểm của thiền sư Thích Nhất Hạnh về cách quản lý tôn giáo khắc nghiệt của nhà nước Việt Nam. Sự việc này cho thấy cách chính quyền đáp trả một tăng đoàn chỉ vì không muốn nghe những lời nói ngay thẳng của một nhà sư.
Việc hoạt động của Làng Mai tại Việt Nam chắc chắn không thoát khỏi sự kiểm soát của nhà nước, tuy nhiên, điều đáng nói hơn là bàn tay của chính quyền không chỉ dừng lại ở các cơ sở trong nước mà có thể vươn đến các cơ sở của Làng Mai ở nước ngoài.
Trong nhiều thập niên qua, nhà nước Việt Nam đã xem các tôn giáo như những công cụ để kiểm soát xã hội. Phật giáo, Phật giáo Hòa Hảo, Cao Đài là những tôn giáo bị chính quyền lạm dụng đáng kể nhất. Không chỉ ở trong nước, các cơ sở của các tôn giáo này ở nước ngoài đều phải tuân thủ sự chỉ đạo của chính quyền Việt Nam.
Vào năm 2019, tại Campuchia, dù chỉ là đại diện của một cơ quan quản lý về tôn giáo tại Việt Nam, Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Chiến Thắng đã tuyên bố rằng sẽ xem xét thành lập Ban Điều phối Phật giáo Việt Nam và xây dựng Thánh thất Cao Đài tại nước này. [11]
Năm 2020, ông Vũ Chiến Thắng, nay là Thứ trưởng Bộ Nội vụ, đã cho rằng một số tổ chức người Việt ở hải ngoại lợi dụng vấn đề tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, lên án tự do tôn giáo tại Việt Nam với cộng đồng quốc tế. Ông khẳng định đấu tranh với những nhóm này được xem là một trong những nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc quan trọng. [12]
Hiện nay, Ban Tôn giáo Chính phủ vẫn đang thực hiện một kế hoạch 5 năm với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài liên quan đến hoạt động tôn giáo của 5,3 triệu người Việt Nam ở ngoại quốc. Sự hợp tác này dựa trên Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. [13]
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Giám đốc điều hành, Chủ tịch của tổ chức nhân quyền BPSOS tại Mỹ, một tổ chức có thâm niên về vận động quyền tự do tôn giáo, cho rằng trọng tâm của Nghị quyết 36 là xâm nhập các cộng đồng tôn giáo của người Việt hải ngoại. Ông nhận định chính quyền Việt Nam nhiều năm qua đã cố gắng cài cắm, thâm nhập vào các cộng động tôn giáo của người Việt tại Mỹ. [14]
Làng Mai là mục tiêu rất hoàn hảo cho kiểu thâm nhập như vậy. Tổ chức này có đông đảo tín đồ là người Việt ở hải ngoại. Hơn nữa, Làng Mai có sức tác động nhất định đối với cộng đồng quốc tế. Khi được phép hoạt động tại Việt Nam, những cơ sở của Làng Mai ở nước ngoài dù sớm hay muộn cũng không thoát khỏi tầm ngắm của Ban Tôn giáo Chính phủ.
***
Sau hơn 30 năm thành lập, Làng Mai có thể được xem như là hội đoàn Phật giáo thành công nhất của Việt Nam, và điều này chỉ có thể thực hiện được ở nước ngoài, nơi tôn giáo không bị chính trị chi phối. Điều tương tự cũng cần xảy ra tại Việt Nam, nếu Làng Mai muốn hoạt động xuôi chèo mát mái. Và cũng chính Làng Mai là hội đoàn Phật giáo có vị thế phù hợp nhất để vận động cho điều này.
Chú thích
1. Làng Mai. (2022, January 28). Khóa tu tâm tang: Lễ xuất gia cây mimosa. https://www.facebook.com/langmai.org/posts/2109429832549038
2. Làng Mai. (2022b, March 21). Lá thơ Làng Mai số 45. Trang 30. http://langmai.org/wp-content/uploads/2022/03/lathulangmai45-2022-cap-nhat-ngay-21.03.2022.pdf
3. Làng Mai. (2022b, February 19). Tổ đình Từ Hiếu, Thư cảm tạ. Làng Mai. https://www.facebook.com/langmai.org/photos/a.174037022755005/2125445397614148/
4. Luật Khoa. (2022, March 12). Tôn giáo tháng 2/2022: Làng Mai gặp Ban Tôn giáo Chính phủ, bàn về việc hoạt động tại Việt Nam. https://www.luatkhoa.org/2022/03/ton-giao-thang-2-2022-lang-mai-gap-ban-ton-giao-chinh-phu-ban-ve-viec-hoat-dong-tai-viet-nam/
5. Luật Khoa. (2022a, January 21). Tôn giáo tháng 12/2021: Ban Tôn giáo Chính phủ muốn định hướng cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam. https://www.luatkhoa.org/2022/01/ton-giao-thang-12-2021-ban-ton-giao-chinh-phu-muon-dinh-huong-cho-giao-hoi-phat-giao-viet-nam/
6. Làng Mai. (2005, March 25). Bảy điểm đề nghị của Thiền sư Nhất Hạnh về chính sách của nhà nước Việt Nam đối với Phật giáo. https://langmai.org/cong-tam-quan/thong-bach/bay-diem-de-nghi-cua-thien-su-nhat-hanh/
7. Làng Mai. (2007, January 24). Lá thư Làng Mai số 30. Trang 9. http://langmai.org/wp-content/uploads/2017/09/LaThuLangMai30-2007.pdf
8. Làng Mai. (2008, February 4). Lá thư Làng Mai số 31. Trang 14. http://langmai.org/wp-content/uploads/2017/09/LaThuLangMai31-2008.pdf
9. Tricycle. (2008, August 27). Buddhism, Under Vietnam’s Thumb. https://tricycle.org/trikedaily/buddhism-under-vietnams-thumb
10. Văn Tâm. (2022, January 23). Cuộc đời của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2022/01/cuoc-doi-cua-thien-su-thich-nhat-hanh/
11. Báo Nghệ An. (2019, April 6). Đoàn đại biểu cấp cao Ban Tôn giáo Chính phủ thăm và làm việc tại Campuchia. Web Archive. https://web.archive.org/web/20220325024628/https://baonghean.vn/doan-dai-bieu-cap-cao-ban-ton-giao-chinh-phu-tham-va-lam-viec-tai-campuchia-239212.html
12. Luật Khoa. (2021, March 31). Cánh tay của Ban Tôn giáo Chính phủ vừa được nối dài vươn ra hải ngoại. https://www.luatkhoa.org/2021/03/canh-tay-cua-ban-ton-giao-chinh-phu-vua-duoc-noi-dai-vuon-ra-hai-ngoai/
13. Xem [12].
14. Xem [12].