Luật Khoa 360: Thích Minh Tuệ và 3 bức tâm thư gây chú ý
Sau mấy tháng liền không xuất hiện, Thích Minh Tuệ bỗng dưng trở lại với ba tờ giấy viết tay.
Nếu theo dõi Luật Khoa từ ít nhất là hai năm trở lên, hẳn bạn sẽ nhớ thời điểm từ năm 2020 trở về trước, số lượng các bài viết về mảng quốc tế trên Luật Khoa chiếm một tỷ lệ không nhỏ.
Thậm chí, có những tuần, Luật Khoa chỉ bàn về những sự kiện quốc tế mà gần như ngó lơ các vấn đề trong nước.
Đối với một tờ báo dành cho người Việt Nam, đó rõ ràng là một lỗ hổng lớn.
Sau đó, tòa soạn quyết định chuyển hướng, tập trung gần như toàn bộ nguồn lực vào những đề tài trong nước, có ảnh hưởng thiết thực đến người dân. Mảng quốc tế từ đó ít bài hơn hẳn.
Cho đến thứ Sáu tuần trước, khi Nga chính thức nổ súng xâm lược Ukraine.
Ban biên tập đã họp và quyết định tạm gác những nội dung khác, tập trung toàn bộ vào cuộc chiến này trong ít nhất một tuần.
Tuy diễn ra ở cách xa Việt Nam, nhưng cuộc chiến đã, đang và sẽ biến đổi hoàn toàn thế giới chúng ta đang biết. Việt Nam, cho dù lựa chọn thế nào, cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng.
Việc theo đuổi sự kiện thời sự là điều rất bình thường đối với một tờ báo. Với một tòa soạn nhỏ như Luật Khoa, năng lực sản xuất chỉ đang ở mức 1 – 2 bài mỗi ngày, tập trung hoàn toàn vào một đề tài thời sự là thử thách lớn.
Từ khi cuộc chiến diễn ra, Luật Khoa đã đăng tải 12 bài viết, trong đó có 5 bài cập nhật diễn biến hàng ngày. Bạn có thể đọc tất cả các bài viết này theo tag “Nga xâm lược Ukraine” tại đây.
Khi bắt đầu làm những bài cập nhật diễn biến hàng ngày, chúng tôi dự tính sẽ thực hiện đến thứ Sáu tuần này. Tuy vậy, trong lòng những người thực hiện thì ngổn ngang suy nghĩ, không biết liệu người Ukraine có trụ được tới lúc đó không, khi họ phải đối diện với một trong những đạo quân hùng mạnh nhất thế giới.
Kết quả là cho đến bây giờ, người Ukraine không những khiến kẻ thù mà cả thế giới phải ngạc nhiên.
Cuộc chiến này vì vậy sẽ còn kéo dài, và thay cho những bản tin cập nhật hàng ngày, chúng tôi sẽ tiếp tục sản xuất các bài viết phân tích, bình luận về những khía cạnh khác nhau của nó.
Việc gọi tên cuộc chiến như thế nào cũng là một lý do khiến chúng tôi không thể đứng ngoài.
Truyền thông nhà nước Nga không dùng đến từ “xâm lược”, thậm chí còn không gọi đây là “chiến tranh”, mà chỉ là “chiến dịch quân sự đặc biệt”. Truyền thông Trung Quốc, vốn nằm hoàn toàn dưới sự kiểm soát của chính quyền, tập trung đưa tin theo hướng có lợi cho Nga. Và truyền thông trong nước ở Việt Nam thì hoàn toàn không nhắc đến chữ “xâm lược” khi tường thuật về cuộc chiến.
Ở đây, sẽ có người bảo làm báo thì phải trung lập, nhất là khi đứng ở vị thế bên ngoài.
Quả thực, “trung lập” là một thói quen ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người làm báo, đặc biệt là làm báo độc lập.
Khi tiến hành làm bản tin cập nhật, chúng tôi có hai phiên bản ảnh bìa như hình bên dưới.
Bên trái là một lựa chọn “trung lập” theo thói quen cố hữu: màu sắc trung dung và tên gọi cũng trung dung. Bên phải là một thái độ rõ ràng: ủng hộ người Ukraine trong cuộc chiến chống lại quân xâm lược.
Có những tranh cãi trong nội bộ tòa soạn về việc nên giữ thái độ nào.
Sau cùng, tất cả đều đồng ý, rằng khi đối diện với cái ác, điều tối thiểu một người có lương tri cần làm là gọi đúng tên cái ác đó.
Đây là cuộc chiến xâm lược vô nghĩa của một kẻ độc tài, người vì ám ảnh quyền lực và ảo ảnh vĩ đại của bản thân mà sẵn sàng đẩy hàng triệu người khác vào thảm cảnh địa ngục.
Trung lập với cái ác, trong trường hợp này, là phỉ nhổ vào lương tri.
Là một tờ báo nhỏ, chúng tôi không ảo tưởng rằng việc lên tiếng của mình sẽ thay đổi cục diện gì. Việc “chọn phe” cũng không phải là chọn Ukraine hay Nga, mà là chọn sự thật và lương tri. Chúng tôi có nghĩa vụ phải nói lên sự thật, nhất là khi chính quyền và bộ máy truyền thông khổng lồ vẫn đang ra sức biện minh cho hành vi xâm lược trắng trợn của Nga.
Và dù là một tiếng nói nhỏ, chúng tôi biết mình không cô đơn. Bất chấp việc dư luận trong nước bị các công cụ tuyên truyền thao túng và dẫn dắt, vẫn có một bộ phận không nhỏ người Việt Nam lựa chọn đứng về phía những người Ukraine.
Từ việc viết thư ngỏ bày tỏ sự ủng hộ cho đến quyên góp tiền bạc để gửi đến những người đang căng mình mỗi giờ chống lại quân xâm lược, chính những người Việt Nam này, bằng từng suy nghĩ và hành động nhỏ của mình, mới thật sự là đại diện xứng đáng cho lương tri của dân tộc.
Và Luật Khoa sẽ luôn lựa chọn đứng về phe họ.
Dĩ nhiên, điều này không có nghĩa là chúng tôi làm ngơ trước những tội ác mà Ukraine hay phương Tây có thể gây ra trong cuộc chiến này. Nếu phe Ukraine thảm sát tù binh chiến tranh Nga hay giết hại thường dân Nga đang kẹt ở Ukraine, Luật Khoa sẽ không ngần ngại lên tiếng.
Phe Luật Khoa chọn không phải là Ukraine, mà là sự thật và lương tri.