‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Chính quyền và giới nghiên cứu Trung Quốc hiểu khá rõ về vấn nạn tham nhũng bất động sản.
Một trong những tài phiệt bất động sản lớn nhất Việt Nam, ông Trịnh Văn Quyết, vừa bị bắt vì hành vi “thao túng thị trường chứng khoán”. [1] So với nền tảng kinh tế/ tư bản mà ông Quyết gầy dựng được qua hàng chục năm thông qua bất động sản, đây là hành vi có vẻ không đáng lắm. Nhân dịp này, chúng ta có thể nghĩ lại một chút về sự an toàn được bảo đảm cho các ông hoàng bất động sản ở Việt Nam.
Sự thống trị của giới tài phiệt bất động sản trong bảng danh sách “nhà giàu” tại Việt Nam không phải là mới. Nhưng có thể nói, chưa có nghiên cứu nào ở Việt Nam (dám) giúp người dân hiểu được những vấn đề đằng sau hệ thống và mô hình tham nhũng liên quan đến đất đai tại Việt Nam.
Trong khi đó, tại nước láng giềng Trung Quốc, các lý thuyết, thông tin và số liệu để nghiên cứu tham nhũng trong đất đai có thể nói là được hình thành từ rất sớm và rất bài bản.
Trong bài viết này, người viết xin giới thiệu đến bạn đọc nghiên cứu có tên gọi “The shadow of the skyscrapers: Real estate corruption in China”, được đăng tải trên tạp chí The Journal of Contemporary China. [2] Tác giả của nghiên cứu này là Tiến sĩ Jiangnan Zhu thuộc khoa Chính trị và Quản lý công của Đại học Hongkong.
Dù đã được xuất bản cách đây 10 năm (năm 2012), tài liệu này vẫn có giá trị tham khảo hữu ích, giúp người đọc thấy rằng chính quyền Bắc Kinh và các nhà khoa học Trung Quốc dường như vẫn nắm đằng chuôi, có khả năng thấu hiểu và kiểm soát, dự đoán xu hướng tham nhũng trong cấu trúc bộ máy nhà nước quốc gia - một điều rất khác biệt so với Việt Nam.
***
Nghiên cứu bắt đầu với các thảo luận về lý thuyết tham nhũng tại Trung Quốc - và cũng là một trong những điểm khiến người viết thích thú với nghiên cứu này. Tác giả Jiangnan Zhu phân tích rằng các nghiên cứu ở Trung Quốc từ lâu đã hình thành hai khái niệm “tham nhũng tập trung” (centralised corruption) và “tham nhũng phi tập trung” (decentralised corruption).
Theo đó, tham nhũng càng tập trung thì được cho là… càng tốt, càng khả quan. Lý do giới nghiên cứu đưa ra là vì tham nhũng tập trung là môi trường tham nhũng mà “quyền tham nhũng” chỉ bị một số nhóm nhỏ các quan chức, vị trí và thẩm quyền tập trung ở trung ương độc chiếm.
Bản thân điều này không phải là tốt lành gì. Tuy nhiên, nếu so sánh các môi trường tham nhũng với nhau, tham nhũng tập trung giúp cho chính quyền và các cơ quan chấp pháp chính thống luôn có thể “nắm đầu” và “trích xuất” nguồn lợi từ những đầu mối tham nhũng và từ đó “sung công quỹ”.
Ngược lại, “tham nhũng phi tập trung” là tình trạng tham nhũng mà khả năng thao túng và tham nhũng lan ra khỏi những vị trí, cơ quan trung ương. Nói cách khác, đây là môi trường mà trong các vị trí nhà nước, ai cũng có thể tham nhũng bởi quyền lực nhà nước được phân tán ra các khu vực, địa phương. Nó diễn ra trong bối cảnh các công cụ kiểm soát quyền lực chính quyền chưa được xây dựng thành công, trong khi tư duy và văn hóa dân chủ - dân quyền cũng chưa hình thành trong quần chúng.
Vì lý do khác biệt nói trên, các học giả Trung Quốc cho rằng “tham nhũng tập trung” là thứ tham nhũng dễ chịu nhất, và thậm chí là có lợi nhất đối với một chính quyền nếu họ vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm vấn đề tham nhũng.
Tuy nhiên, tác giả Jiangnan Zhu cũng nhìn nhận là quá trình phi tập trung hóa kinh tế và quản lý nhà nước tại Trung Quốc (nhưng có thể là không đi kèm các biện pháp tăng cường dân chủ cơ sở và các công cụ giám sát tham nhũng tập thể - theo ý kiến của người viết) đã khiến cho tham nhũng phi tập trung tăng lên và từ đó gây trở ngại cho việc kiểm soát tham nhũng đất đai ở đại lục, ít nhất là tính đến năm 2012.
Dù còn nhiều điều để bàn, cách tiếp cận của các học giả Trung Quốc về vấn đề tham nhũng có thể nói là ấn tượng. Cho đến nay người viết không tìm được phương pháp hệ thống và cách tư duy tương tự tại Việt Nam.
***
Sau khi phân tích các lý thuyết và xu hướng áp dụng lý thuyết về tham nhũng vào bối cảnh Trung Quốc, tác giả bắt đầu phân tích thực trạng tham nhũng đất đai, tìm cách giải thích nó dựa trên lịch sử thay đổi định chế pháp lý và phương pháp quản lý.
Đầu tiên, bà cho rằng việc mở rộng thẩm quyền cho nhiều chủ thể nhà nước liên quan đến các dự án bất động sản, đất đai và các vấn đề liên quan làm tăng số lượng cán bộ, công chức có khả năng tham gia vào hoạt động tham nhũng này.
Như vậy, tác giả nhìn nhận việc tăng tham nhũng ngắn hạn không hẳn là chỉ dấu để đánh giá sự suy giảm của năng lực quản lý hệ thống (erosion of state capacity) mà là hệ quả không mong muốn (và không kiểm soát được) của quá trình phân bổ quyền lực nhà nước về địa phương.
Theo thống kê của tác giả, trong tổng số các trường hợp công chức tham nhũng, số có hành vi tham nhũng trong ngành bất động sản ngày càng tăng và chiếm tỷ lệ ngày càng cao. Con số này tăng mạnh trong các giai đoạn mà chính quyền trung ương thử nghiệm hoặc cải cách tản quyền. Quá trình tư hữu hóa nhà ở cũng khuyến khích tăng đầu tư xã hội vào ngành bất động sản, và từ đó làm trầm trọng thêm tình trạng tham nhũng.
Bà cũng cho biết trong giai đoạn này, các nhà phát triển bất động sản phải chi tiền cho tất cả các mắt xích của tiến trình cấp phép, khiến cho tổng chi phí “bôi trơn” trong nhiều trường hợp tăng lên đến 15% tổng giá trị dự án.
Trên cơ sở đó, tác giả bắt đầu tìm hiểu các “mắt xích” này, xem họ là những ai trong mô hình xét duyệt các dự án bất động sản.
Bà lập biểu đồ, thống kê, và đơn giản hóa cấu trúc phức tạp của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tham gia vào quá trình hình thành và hoàn thiện một dự án bất động sản. Từ cấp trung ương với ba cơ quan lớn là Bộ Xây dựng, Bộ Đất đai và Tài nguyên, cùng chính quyền cấp tỉnh/ trực thuộc trung ương, cho đến các cơ quan cấp địa phương và hàng loạt các phòng ban, người đọc dần tưởng tượng ra được dây mơ rễ má và độ phức tạp của những yêu sách tham nhũng mà các nhà phát triển địa ốc đối mặt khi muốn đầu tư vào ngành kinh doanh này.
***
Với hệ thống thông tin nền tảng có vẻ rất đầy đủ, tác giả bắt đầu phân tích các phương pháp kiểm soát và giải quyết tham nhũng đất đai tại Trung Quốc.
Dường như tác giả cho rằng các biện pháp “cải cách” mà chính quyền Trung Quốc đặt ra nhắm quá nhiều đến nhà đầu tư, trong khi đó không giải quyết ngọn ngành được câu chuyện quyền lực của các cơ quan, cán bộ.
Ví dụ, bà liệt kê một số biện pháp giải quyết lãng phí đất tại Trung Quốc, bao gồm quy định điều kiện tiên quyết để được giao đất thực hiện dự án là phải đóng đầy đủ tiền thuê đất và nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thuộc sở hữu nhà nước. Sau đó, họ chỉ có thể chuyển giao, bán lại hạ tầng nếu đã đầu tư ít nhất 25% tổng giá trị dự án. Ngoài ra, nếu trong vòng hai năm mà chủ đầu tư không hoàn thiện dự án, quỹ đất được giao sẽ bị thu hồi.
Những phương án này giúp hạn chế đầu cơ đất (land speculation) tại Trung Quốc vào thập niên 1990 và 2000, nhưng chúng không thể giải quyết vấn đề căn cơ của tham nhũng đất đai. Tác giả chỉ ra rằng nhà nước tiếp tục vừa đá bóng, vừa thổi còi trên hàng loạt các công đoạn của dự án bất động sản: vừa là người phân phối đất, vừa quản lý cơ chế cấp phép xây dựng, vừa là người giám sát, vừa là người nghiệm thu, v.v.
Vấn nạn tham nhũng trong các dự án bất động sản, theo đó, không chỉ dừng lại ở vấn đề giao đất, lập quỹ đất, đấu thầu hay quản lý đầu tư. Tác giả cho rằng mầm mống tham nhũng đã lan sang các cơ chế quản lý tinh vi hơn như thiết kế và quy hoạch đô thị, hay xây dựng chiến lược đô thị với tầm nhìn dài hạn.
***
Có thể sẽ có bạn đọc không hoàn toàn hài lòng với lượng thông tin mà nghiên cứu này đưa ra. Song ở một mức độ nào đó, chúng ta nhận thấy được sự thấu hiểu và tinh tường của giới nghiên cứu Trung Quốc về các hoạt động tham nhũng tại quốc gia này, từ việc hình thành lý thuyết để hiểu chúng cho đến tìm được những con số thực tiễn để mô tả chúng.
Tại Việt Nam, những nghiên cứu tương tự, dù ở trong hay ngoài nước, hiện vẫn bị xem là bất khả thi. Cách hiểu của người Việt Nam về tham nhũng cũng chỉ giới hạn trong những thông tin mà báo chí được phép đăng, theo từng vụ việc.
Mười năm đã trôi qua kể từ khi nghiên cứu này ra đời. Các nghiên cứu mới và hiểu biết của Trung Quốc về vấn nạn tham nhũng trong ngành bất động sản chỉ tăng thêm kể từ đó.
Trong khi tại Việt Nam, đến nay, chúng ta vẫn chưa thể xem tham nhũng trong ngành bất động sản là một đối tượng của nghiên cứu khoa học.
Đó mới là điều thật sự đáng lo.
Đọc thêm:
Chú thích
1. Dự P. (2022, March 30). Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị bắt. vnexpress.net. https://vnexpress.net/chu-tich-flc-trinh-van-quyet-bi-bat-4444881.html
2. Zhu, J. (2012). The shadow of the skyscrapers: Real estate corruption in China. The Journal of Contemporary China, 21(74), 243-260. https://doi.org/10.1080/10670564.2012.635929