Tuần tin: Vương Đình Huệ, Võ Văn Thưởng ‘hạ cánh’ chưa an toàn
Các sự kiện nổi bật: * Kỷ luật ông Vương Đình Huệ; tạm hoãn xử lý ông Võ Văn Thưởng * Việt
Ngày nay, được chăm sóc sức khỏe tinh thần là một phần của quyền con người.
Nguồn thông tin khổng lồ trong thời đại số cùng khả năng (bị) kết nối không giới hạn đã biến những khái niệm như “xã hội”, “định kiến”, “sự nghiệp”, vốn tưởng chừng như vô hình ngày xưa, nay trở nên thấy được, nghe được, và tạo áp lực thực tế lên hàng triệu người trẻ trên toàn thế giới.
Điều này đã và đang gây ảnh hưởng đến “sức khỏe tinh thần” (mental health) của họ.
Về mặt pháp luật, mỗi quốc gia có một cách tiếp cận khác nhau về sức khỏe tinh thần, và không phải quốc gia nào cũng xem sức khỏe tinh thần là một vấn đề đáng quan tâm.
Trong bài viết này, chúng ta cùng xem xét một lát cắt mỏng của pháp luật liên quan đến sức khỏe tinh thần tại phương Tây; vừa là để hiểu sự phát triển của nó, vừa là học ngôn ngữ.
Pháp luật về sức khỏe tinh thần (mental health laws) đã có một quá trình phát triển và cải tiến liên tục (continuous and systemic legal reform) trong hệ thống pháp luật phương Tây, mà đối tượng cụ thể của bài viết này là tại Vương quốc Anh.
Người có vấn đề về tinh thần là một khái niệm khá rộng, bao quát từ người bị mắc các chứng thần kinh, không kiểm soát được hành vi cho đến các chứng bệnh tinh thần mới được y học ngày nay phát hiện. Về nguyên tắc, chính phủ cần chăm lo cho sức khỏe của những người này. Điều này bắt nguồn từ nguyên tắc pháp lý thời trung cổ, tiếng Latin là “parens patriae”, tạm dịch ra tiếng Anh là “parent of the people”. [1]
Hiểu đơn giản, parens patriae khá tương đồng với khái niệm “yêu thương dân như con” ở Đông Á, ám chỉ vai trò “cha mẹ” của bậc đế vương đối với dân chúng. Tuy nhiên, nguyên tắc này tiếp tục được cải biến thành ngôn ngữ pháp lý hiện đại để chỉ vai trò của chính quyền trong việc bảo bọc và che chở những thành viên yếu thế nhất của cộng đồng.
Tại Vương quốc Anh, có thể nói án lệ Wellesley v Duke of Beaufort đánh dấu thời điểm mà tư tưởng parens patriae bắt đầu được dùng để lý giải cho vai trò và thẩm quyền của nhà nước trong việc chăm sóc những người yếu thế. Phán quyết của án lệ này khẳng định: “[...] Đức Vua, với tư cách parens patriae, sẽ chăm sóc cho những người không thể tự chăm sóc mình […]”. [2]
Nói là như vậy, và dù những sự suy giảm và tổn hại liên quan đến tinh thần (mental impairment) luôn đồng hành với xã hội loài người, phải đến cuối thế kỷ thứ 19 con người mới nghĩ đến việc cần có một hệ thống quy phạm pháp luật riêng về sức khỏe tinh thần.
Cách tiếp cận pháp lý đầu tiên được ghi nhận về sức khỏe tinh thần là trường phái “legalism”. Trường phái này khó dịch là phái “Pháp gia” vì từ này có nghĩa hoàn toàn khác trong bối cảnh Việt Nam. Trong bối cảnh thực tế của nó, người viết tạm gọi đây là “trường phái cứng nhắc”.
Cách tiếp cận “legalism” xem bệnh lý về thần kinh (mental illness), khuyết tật thần kinh (mental handicap) và các hội chứng suy giảm thần kinh khác là như nhau và có thể được cùng một khung quy định pháp lý điều chỉnh.
Cách hiểu về các bệnh lý thần kinh tại thời điểm này mang nhiều định kiến, thể hiện rõ trong ngôn từ và phương thức điều trị của một số đạo luật. Trong đó, có thể kể đến Đạo luật Điên loạn (Lunacy Act 1890) hay Đạo luật về Khiếm khuyết Thần kinh (Mental Deficiency Act 1913) của Vương quốc Anh.
Dựa theo các văn bản này, bệnh lý, vấn đề và áp lực thần kinh bị xem là một loại bệnh cần phải bị cách ly khỏi cộng đồng và phải được chữa trị bằng các định chế tách biệt (institutional treatment), tức những… “nhà thương điên” (được gọi là “mental asylums” hay “psychiatric hospitals”).
Nhìn chung, đây là thời kỳ mà các triệu chứng về tâm thần, bệnh tâm thần đều bị xem là nguy hiểm.
Tuy nhiên, dưới áp lực của các cuộc cách mạng công nghiệp mới cũng như cách mạng thông tin, vấn đề sức khỏe tinh thần ngày càng được chú ý và tranh luận. Các quốc gia phương Tây cần tìm một cách tiếp cận khác đối với vấn đề này.
Từ giữa thế kỷ 20, các chính phủ phương Tây dần áp dụng các phương án đa diện, có tham vấn và tôn trọng nhân quyền - dân chủ hơn đối với những người mắc bệnh về tinh thần.
Từ đó, việc điều trị, chăm sóc, và cải thiện sức khỏe tinh thần được kết hợp giữa các định chế tách biệt với các phương pháp chữa trị có tính hòa hợp cộng đồng (community treatment); giữa các dự án từ trên xuống (“top-down solution” - bằng pháp luật và quyền năng nhà nước) với các sáng kiến từ dưới lên (“bottom-up” - tạo điều kiện cho gia đình và người bệnh tự đưa ra quyết định). [3]
Sức khỏe tinh thần ngày nay đã trở thành một chủ đề quan trọng, với hệ thống pháp luật được xây dựng và hoàn thiện cho nhiều tình huống, nhiều bối cảnh xã hội khác nhau.
Ví dụ, tại Nhật, đối phó với áp lực và khối lượng công việc văn phòng được xem là kinh khủng nhất thế giới, hệ thống pháp lý về sức khỏe tinh thần nơi làm việc (workplace mental health law) đã được nghiên cứu và xây dựng từ thập niên 1970. [4]
Tại các quốc gia phương Tây, các chương trình chăm sóc sức khỏe tinh thần dành cho người trẻ đều được xây dựng trong mối liên kết với các dịch vụ tư vấn (counselling service), dựa trên nền tảng nhân quyền có liên quan đến sức khỏe tinh thần (mental-related human rights).
Nhìn chung, sự quan tâm đúng mức đối với sức khỏe tinh thần của cộng đồng là một trong những chương trình chính sách công cần thiết để bảo vệ nền tảng dân cư, sự phát triển lành mạnh của lực lượng lao động trong tương lai, cũng như nền tảng văn hóa của quốc gia.
Việc xem thường, coi nhẹ sức khỏe tâm lý, hay gọi những người có vấn đề về tinh thần là yếu đuối đều không mang lại lợi ích gì cho xã hội đương đại.
Chú thích
1. parens patriae. (2022). LII / Legal Information Institute. https://www.law.cornell.edu/wex/parens_patriae
2. Wilson, K. (2021). Mental health law: Abolish or reform?. Oxford University Press.
3. Unsworth, C. (1987). The politics of mental health legislation. Clarendon Press.
4. Mishiba, T. (2020). Workplace Mental Health Law: Comparative Perspectives (1st ed.). Routledge.