‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Một trong những thảm kịch tị nạn dai dẳng nhất trong lịch sử nhân loại.
Bài viết này nằm trong số báo tháng Tư năm 2022 của Luật Khoa tạp chí, được phát hành lần đầu trên ấn bản PDF ngày 26/4/2022.
Vào tháng 5/1975, một chiếc thuyền khởi hành từ Việt Nam chở theo 47 người đã dạt vào một bờ biển của Malaysia. Họ là những người đầu tiên mà thế giới sau đó gọi là thuyền nhân. [1] Một trong những thảm kịch tị nạn dai dẳng nhất lịch sử bắt đầu.
Cuối năm 1978, có khoảng 62.000 thuyền nhân Việt Nam đang tạm trú trong các trại tị nạn ở khắp khu vực Đông Nam Á. [2] Những người sống sót khi đó cho biết ước chừng 50% số người ra đi đã chết trên biển, theo hãng tin AP. [3]
Tháng 12/1978, một chiếc thuyền khởi hành từ Việt Nam chở theo 120 người nhưng chỉ có 34 người cập bến tại Đài Loan. Trong một hành trình khác, một thuyền nhân cho biết những người vượt biển đã sống sót trong 42 ngày trên đảo hoang nhờ ăn xác những người thân của mình. [4] Có thuyền nhân đã bị hải tặc hãm hiếp đến chết. [5]
Đất nước sau năm 1975 hòa bình nhưng không yên bình. Hơn 800 nghìn người, gồm cả người miền Bắc, đã trở thành những thuyền nhân.
Năm 1978, loại thuốc đắt nhất ở miền Nam vào lúc này là thuốc chống say sóng và thuốc ngủ. Trẻ em được cho uống thuốc ngủ trong các chuyến vượt biên bí mật, khởi hành từ đường thủy nội địa, nơi tiếng khóc của con nít phát ra từ hầm chứa cá là dấu hiệu cho thấy có người đang vượt biên. [6]
Người vượt biên lúc này chủ yếu là những cựu quân nhân, viên chức chế độ cũ, trí thức ở lại miền Nam.
Các trí thức miền Nam vào lúc này không được chế độ mới tin tưởng. Họ hiếm khi được làm việc liên quan đến chuyên môn của mình. Chính quyền cho rằng họ còn nguy hiểm hơn các cựu quân nhân.
Nhiều cựu quân nhân, viên chức bị cầm tù trong các trại cải tạo. Đến năm 1979, có khoảng 40.000 người bị giam giữ không thông qua xét xử, không biết mình phạm tội gì. [7]