‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Một cuốn sách triết dành cho mọi cái đầu tìm kiếm sự khai phóng.
“Tôi là ai – và nếu vậy thì bao nhiêu?” là một cuốn sách triết khác biệt. Nó dành cho tất cả mọi người, bất kể chuyên hay không chuyên. Chỉ cần có tình yêu với tri thức và giàu trí tưởng tượng, thường xuyên suy ngẫm về những vấn đề cốt lõi của cuộc sống, họ sẽ không thất vọng khi đọc cuốn sách này.
Nếu đã quá quen thuộc (và chán nản) với những giáo trình/ sách chuyên khảo về triết học trong nhà trường, cuốn sách này là một gợi ý hoàn hảo cho những bộ não suy tư. Nội dung sách không bó hẹp trong một chủ nghĩa triết học nào, hoàn toàn thoát ly khỏi yếu tố kiểm duyệt và những toan tính chính trị.
“Tôi là ai - và nếu vậy thì bao nhiêu?” tập hợp nhận thức của một cái tôi giàu hiểu biết, hướng thiện và luôn khao khát tìm kiếm chân lý - lẽ phải. Richard David Precht (người Đức, sinh năm 1964) là một triết gia, giáo sư triết học, nhà báo, nhà văn. Không chỉ là tác giả của nhiều cuốn sách, ông còn cộng tác với nhiều tờ báo và đài truyền hình lớn tại Đức.
Kể từ khi ra đời vào năm 2007 với tựa gốc là “Wer bin ich – und wenn ja, wie viele?” (tiếng Anh: Who am I - and if so, how many?), cuốn sách của ông đã bán được hơn một triệu bản và được dịch sang hơn 20 thứ tiếng. Bản tiếng Việt được dịch từ nguyên bản tiếng Đức và phát hành năm 2011, cùng năm với bản tiếng Anh. Đến nay, cuốn sách này vẫn liên tục được tái bản và là nguồn cảm hứng bất tận cho những người đang trên con đường tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi triết lý của mình.
Sách được chia làm ba phần, lấy cảm hứng từ những câu hỏi lớn của triết gia Đức Immanuel Kant : Tôi có thể biết gì? Tôi nên làm gì? Tôi có thể hy vọng gì? Con người là gì?
Câu hỏi cuối “Con người là gì?” đã gián tiếp được ba câu trước giải thích một cách cặn kẽ.
Phần đầu tiên tập trung vào các mô tả khoa học về não bộ, bản tính cũng như phạm vi của tri thức nhân loại.
Tôi là ai? - câu hỏi nhận thức về chính mình là băn khoăn kinh điển của lý thuyết nhận thức, cũng là một đề tài quan trọng của ngành nghiên cứu não bộ. Triết học đóng vai trò như một người tư vấn, hỗ trợ nghiên cứu về não bộ.
Phần một điểm mặt “bốn chiến sĩ tiên phong của nền tư duy hiện đại” bao gồm: nhà vật lý học Ernst Mach (1838 - 1916), triết gia Friedrich Nietzsche (1844 - 1900), nhà nghiên cứu não bộ Santiago Cajal (1852 - 1934), và nhà phân tâm học Sigmund Freud (1856 - 1939). Đây là bốn người khổng lồ về nghiên cứu tư duy và não bộ, thuộc bốn ngành khác nhau. Mỗi người chiếu một thứ ánh sáng riêng biệt và đầy tinh anh vào bí ẩn vĩ đại nhất của vũ trụ: bộ não con người.
Phần hai giải quyết các vấn đề đạo đức và luân lý.
Vì sao con người có thể ứng xử một cách đạo đức? Tính Thiện và Tính Ác thích hợp với bản năng con người đến mức nào? Đây cũng là lúc các ngành khoa học trở nên lép vế khi những vấn đề đạo đức trông chờ câu trả lời từ triết học. Phá thai, trợ tử, kĩ thuật gen, y học tái tạo, ăn chay, v.v. là những chủ đề đầy tính thời đại được tác giả đưa lên bàn xoay tranh biện của triết học.
Nhưng nói như thế không có nghĩa là khoa học trở nên vô dụng. Phần này vẫn trình bày những thí nghiệm khoa học nổi tiếng của những nhà thần kinh học, vật lý, y sinh, tâm lý học. Điển hình như thí nghiệm của Benjamin Libet nhằm trả lời câu hỏi “Tôi có được muốn cái tôi muốn?”. Libet, cùng với Arthur Schopenhauer, bằng hai cách thức khác nhau, làm rõ một vấn đề mà rất nhiều tên tuổi lừng lẫy như Kant, Hegel đã bỏ qua. Gạt bỏ quan điểm cho rằng lý tính hay lý trí nói cho con người biết phải làm gì, Schopenhauer vỗ ngực tự hào: bộ tư lệnh trong não không phải lý tính, mà là ý chí. Vô thức chính là cái ấn định cuộc sống và tư chất của chúng ta. Ý chí là tướng và lý trí là quân.
Không chỉ đưa ra những thí nghiệm và suy luận khoa học, phần hai còn đưa ra những tình huống giả lập. Một trong số đó là tình huống giả lập rất nổi tiếng về đoàn tàu đứt phanh và người đàn ông trên cầu do nhà tâm lý học Marc Hauser đặt ra.
Bạn sẽ làm gì nếu phải chọn giữa việc giết năm người và giết một người? Câu hỏi khó khăn này thực ra lại có câu trả lời tương đồng từ rất nhiều người thuộc nhiều vùng văn hóa, nghề nghiệp, độ tuổi khác nhau. Vậy thì, liệu có thứ gọi là “đạo đức bẩm sinh” - con người vừa sinh ra đã có hay không?
Phần ba xoay quanh những câu hỏi quan trọng nhất của cuộc đời: Hạnh phúc là gì và tại sao chúng ta yêu? Có Chúa không và chúng ta có thể chứng minh sự tồn tại của Chúa như thế nào? Tự do là gì? Mục đích của cuộc sống là gì?
Tôi vẫn cho rằng, phần ba là chặng cuối trong hành trình đến với hạnh phúc của cuốn sách đầy hấp dẫn này. Khi đã vỡ ra được phần nào những khái niệm về nhận thức và hành động, đã đến lúc ta tổng kết lại bằng việc trả lời những câu hỏi sơ khởi nhất và cũng là quan trọng nhất của cuộc đời.
Chính vì quan trọng nhất nên phần ba cũng đặt ra những câu hỏi khó nhằn nhất, tranh cãi nhất.
Ta sẽ thấy những quan điểm và lập luận đầy nghiêm túc trải dài từ quá khứ đến hiện tại của những triết gia lừng lẫy. Ví dụ như câu hỏi “Chúa có tồn tại không?”. Những triết gia như Thomas von Aquin nhắm đến mục tiêu kết nối giữa đức tin và lý trí một cách thuyết phục nhất có thể. Nghệ thuật của sự chứng minh Chúa nằm trong cách lý giải: thực ra con người từ đâu và như thế nào mà biết Chúa là ai hoặc cái gì. Không một triết gia nào thời Trung cổ hoài nghi sự tồn tại của Chúa. Người ta chỉ phải chỉ ra cách lý trí tiếp nhận Chúa như thế nào mà thôi. Trong khi đó, Kant thì cho rằng, Chúa có tồn tại, nhưng là tồn tại trong trí tưởng tượng. Khi tôi hình thành tưởng tượng về một thực thể tuyệt đối hoàn hảo, thì đó là sự tưởng tượng trong đầu tôi.
Phần ba còn phản biện một trong những biểu tượng phổ biến nhất về hạnh phúc - chốn thiên đường. Thiên đường, nơi mọi thứ ta muốn trở thành hiện thực, có thể không khiến ta hạnh phúc như ta tưởng.
***
Rất khó để nhặt nhạnh những đoạn hay nhất trong sách để giới thiệu đến bạn đọc, vì quả thực tôi ngấu nghiến từng câu chữ trong cuốn sách này bởi sự minh triết, sâu sắc mà hấp dẫn, hóm hỉnh của nó. Chưa cuốn sách nào khiến tôi ghi chú và đọc đi đọc lại nhiều như thế.
Cuốn sách đặt ra rất nhiều câu hỏi, nhưng có lẽ không phải để kiếm tìm một câu trả lời cuối cùng, mà là để khơi gợi trong tâm trí người đọc những suy tư. Sau cùng, không phải vì trả lời được mọi câu hỏi triết học thì ta có được hạnh phúc, mà chính quá trình tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi ấy khiến ta cảm thấy sự thỏa mãn trong tâm hồn, sự sung túc của trí tuệ.
Bạn có thể mua bản tiếng Việt của cuốn sách qua hệ thống phân phối của Nhã Nam hoặc bản tiếng Anh qua Amazon. Luật Khoa được hưởng chiết khấu nếu bạn mua sách từ link của Amazon theo chương trình Amazon Associates.
Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.
Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.