Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Việc cấm đoán có thể trở thành con dao hai lưỡi.
Tranh cãi về MV (music video) mới nhất của ca sĩ Sơn Tùng M-TP tiếp tục cho chúng ta thấy một xã hội Việt Nam còn rất nhạy cảm, nhưng bao giờ cũng phải viện dẫn đến kiểm duyệt, tự ngăn cản cơ hội để mình lớn lên.
Bài viết này sẽ không tham gia tranh cãi trực diện về câu chuyện có nên cấm đoán MV của anh chàng ca sĩ này hay không, và thật ra thì phía cơ quan phát ngôn của Chính phủ Việt Nam cũng đã yêu cầu dỡ bỏ sản phẩm này.
Thay vào đó, chúng ta cùng tìm hiểu xem việc sử dụng và mô tả hình ảnh tự sát trong các tác phẩm nghệ thuật đại chúng như âm nhạc, phim ảnh, hội họa hay thơ ca có thật sự là nguồn gốc của hiện tượng “tự tử lây nhiễm” (suicide contagion)?
***
Điểm trước tiên mà người viết ghi nhận là việc sử dụng hay mô tả hình ảnh tự sát không đúng cách trong các sản phẩm nghệ thuật (cũng như báo chí) có những tác động nhất định đến một bộ phận những người tiêu thụ thông tin giải trí.
Trong giới học thuật, hiện tượng này được biết đến nhiều nhất với tên gọi “Werther effect”. [1]
“Werther effect” là tên gọi mà báo chí Đức đặt ra vì họ cho rằng ra tỉ lệ tự tử tại quốc gia này gia tăng sau khi tác phẩm “The Sorrows of Young Werther” (Nỗi đau của chàng Werther) của đại thi hào Johann Wolfgang von Goethe được xuất bản vào năm 1774.
Nếu tóm tắt, cốt truyện không thật sự quá nổi bật so với sự phức tạp của văn học hiện đại.
“The Sorrows of Young Werther” kể về một chàng thanh niên trẻ vướng vào một mối tình tay ba. Qua diễn biến của câu chuyện, Werther đã không thể nghiêng về tư duy lý tính và quyết định dựa theo lẽ thường của bản thân. Anh tự sát vì không thể quên đi người phụ nữ mà anh yêu.
Tác phẩm này bị nhiều chính phủ lo ngại và bị cấm xuất bản tại một số quốc gia. Tuy nhiên, cho đến nay, “The Sorrows of Young Werther” vẫn còn được xem là tác phẩm kinh điển của văn học Đức, và hiện đang được nghiên cứu, giảng dạy ở các cấp học tại quốc gia này.
Một số nghiên cứu ủng hộ việc phòng tránh “Werther effect” (hiện nay bắt đầu được gọi là “suicide contagion”), được đăng tải trên các tạp chí tâm thần học, [2] và thậm chí là báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới. [3] Các nghiên cứu này thể hiện niềm tin về mối liên hệ giữa các tác phẩm nghệ thuật và khả năng tự sát trong trong các nhóm khán giả dễ tổn thương. Tuy nhiên, con số chính xác và sự liên kết giữa hai hiện tượng chưa bao giờ được định lượng hóa chắc chắn.
Thông thường, những báo cáo này chỉ đề xuất rằng quy trình sản xuất, mô tả và sử dụng hình ảnh tự sát trong các sản phẩm văn hóa cần sự tham vấn chuyên nghiệp từ các đội ngũ chuyên gia y tế. Song những quy định pháp lý hạn chế cứng thì ít khi được đề xuất.
Mặt khác, cũng có nhiều nghiên cứu đặt dấu hỏi cho mối quan hệ nhân quả giữa các sản phẩm văn hóa có hàm chứa hình ảnh tự sát, so với hành vi tự sát thực tế trong xã hội.
Một trong những nghiên cứu chỉ ra điểm yếu trong giả định “tự sát bắt chước” xuất hiện đầu tiên với tác giả Emile Durkheim. [4]
Trong quyển sách “On suicide” (Bàn về tự sát) xuất bản vào năm 1897, Durkheim nhìn nhận rằng các sản phẩm văn hóa nói về tự sát thật ra không làm thay đổi quá nhiều các vụ tự sát hay tỷ lệ tự sát thường niên. Ông đưa ra quan sát: Những người được cho là tự sát vì bắt chước, thật ra đã sẵn mong muốn giã từ cuộc sống rồi.
Cho đến thời kỳ hiện đại, và đặc biệt là sau khi sản phẩm phim truyền hình gây tiếng vang của Netflix có tên gọi “13 reasons why” (13 lý do) được trình chiếu, hàng loạt các nghiên cứu định lượng đã chỉ ra rằng mối liên hệ giữa sản phẩm truyền hình này về tỷ lệ tự sát của đối tượng thật ra không mạnh mẽ và chắc chắn như người ta tưởng tượng. [5]
Một số nghiên cứu công phu, như của Trung tâm về Truyền thông và Phát triển Con người của trường Đại học Northwestern thực hiện (với lượng mẫu là hơn năm nghìn người ở năm quốc gia thuộc ba châu lục) thậm chí cho thấy mặt tích cực của bộ phim “13 reasons why”. [6]
Một trong số đó, theo các nhà nghiên cứu, là việc bộ phim tạo ra nhiều thảo luận về bạo lực học đường, tự sát, và sức khỏe tinh thần giữa các bậc phụ huynh và trẻ em từ 13 đến 22 tuổi. Cả hai nhóm mẫu nghiên cứu cũng ghi nhận là họ mong muốn tìm hiểu về những vấn đề này sâu sắc và rõ ràng hơn.
Đặc biệt hơn nữa, nghiên cứu này cũng chỉ ra thanh thiếu niên dần có xu hướng cảm thông và hành xử nhẹ nhàng hơn với các bạn đồng trang lứa của mình.
***
Những biện chứng trên không hẳn là để ủng hộ việc lãng mạn hóa hành vi tự sát. Như đã chỉ ra, lời khuyên về tính nhạy cảm và sự cần thiết trong việc tham khảo ý kiến của các chuyên gia sức khỏe tâm lý trước khi mang hoạt động và hình ảnh tự sát vào các tác phẩm nghệ thuật là hợp lý và là điều phải làm.
Tuy nhiên, không phải vì vậy mà có thể cho rằng văn hóa kiểm duyệt vô lối tại Việt Nam là phù hợp, là tiêu chuẩn cần phải được thực hiện bằng mọi giá. Đặc biệt là khi các nghiên cứu về mối liên hệ giữa các sản phẩm văn hóa đại chúng có lồng ghép ngôn ngữ/ hình ảnh tự tử với khả năng tự tử thật của khán thính giả đều cho các kết quả hỗn hợp.
Vì lý do này, việc cấm đoán hoàn toàn các sản phẩm văn hóa xây dựng nội dung và thông điệp dựa trên tự tử đôi khi cũng là con dao hai lưỡi làm hại chính những nhóm bị tổn thương đang cần được đại diện, cần được cất tiếng, cần được thấu hiểu thông qua các sản phẩm đại chúng.
Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.
Chú thích
1. Wilde, N. (2018, November 29). The Werther effect – About the handling of suicide in the media. Open Access Government. https://www.openaccessgovernment.org/the-werther-effect/42915/
2. Sinyor M, Stack S, Niederkrotenthaler T. What the highest rated movie of all time may teach us about portraying suicide in film. Aust N Z J Psychiatry. 2020 Mar;54(3):223-224. doi: 10.1177/0004867419891247. Epub 2019 Dec 3. PMID: 31793796.
3. WHO. (2019) Preventing Suicide - A Resource for Filmmakers and Others Working on Stage and Screen. https://theactionalliance.org/resource/who-preventing-suicide-resource-filmmakers-and-others-working-stage-and-screen
4. Durkheim, E (1897) On Suicide. London: Penguin.
5. Ferguson, CJ (2018) 13 Reasons Why Not: a methodological and meta-analytic review of evidence regarding suicide contagion by fictional media. Suicide and Life-Threatening Behavior 49(4): 1178–1186.
6. Lauricella, AR, Cingel, DP, Wartella, E (2018) Exploring How Teens and Parents Responded to ‘13 Reasons Why’: Global Report. Evanston, IL: Center on Media and Human Development, Northwestern University.