Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Vấn đề không chỉ là nói, mà còn là nói như thế nào.
Đến nay, Việt Nam đã xuất hiện nhiều vụ việc cáo buộc xâm hại và quấy rối tình dục bị “vạch trần” trước công chúng; kèm theo đó là vô số thảo luận liên quan.
Chúng ta bàn về “victim blaming” (đổ lỗi cho nạn nhân); chúng ta đề cập lý do vì sao phụ nữ thường phải giấu việc họ bị xâm hại; chúng ta cũng phân tích cấu trúc quyền lực chính trị phụ hệ trong hệ quả tư duy của vấn đề xâm hại tình dục, v.v.
Nhưng có vẻ từ trước tới nay, vì chưa ai trong những người bị cáo buộc thật sự đứng ra xin lỗi một cách đường hoàng, chân thành và ngay thẳng, nên ta vẫn chưa biết lời xin lỗi liên quan vụ việc xâm hại tình dục có “hình thù” như thế nào.
Trong các nghiên cứu xã hội về xung đột liên cá thể (interpersonal conflict), lời xin lỗi luôn được xem là điểm hóa giải trước tiên cho các mối quan hệ.
Trong nghiên cứu “Liệu sự cứu chuộc đạo đức là khả dĩ?” (Is moral redemption possible? The effectiveness of public apologies for sexual misconduct), hai nhà nghiên cứu Karina Schumann và Anna Dragotta của Đại học Pittsburg (Hoa Kỳ) cho rằng lời xin lỗi được ví như một “tiêu chuẩn vàng”, là “Chén Thánh” (Holy Grail) của quá trình hòa giải xung đột liên cá thể. [1]
Lời xin lỗi thừa nhận những giá trị bị tước đoạt của nạn nhân, tăng khả năng cảm thông hai chiều giữa nạn nhân và thủ phạm. Một mặt, lời xin lỗi là điểm khởi đầu cho quá trình sám hối về cách tư duy phi nhân tính của thủ phạm; mặt khác, lời xin lỗi cải thiện cách đánh giá và cái nhìn của nạn nhân đối với thủ phạm.
Chia sẻ trên The Atlantic, nhà tâm lý trị liệu Lori Gottlieb cho rằng một lời xin lỗi chân thành là cách tốt nhất để công nhận nhân phẩm của nạn nhân như một con người có cảm xúc, có suy nghĩ và có niềm đau. [2] Trong các câu chuyện xâm hại tình dục, điều đau đớn nhất mà các nạn nhân thường phải dằn vặt, đau khổ là vì họ bị “vật hóa” (objectification): trở thành một công cụ thỏa mãn ham muốn tình dục của người khác. “Tôi như một kẻ vô hình” (I felt utterly invisible) là cách biểu đạt thường thấy của nạn nhân bị xâm hại tình dục.
Song, không phải lời xin lỗi nào cũng như lời xin lỗi nào. Về mặt hình thức, nhiều nghiên cứu chỉ ra lời xin lỗi công khai (public apology) thường mất đi nhiều ý nghĩa hơn là xin lỗi trực tiếp (interpersonal apology - direct apology).
Trước hết vì lời xin lỗi công khai thường đi theo quy ước và công cụ khác hẳn với lời xin lỗi trực tiếp giữa các cá nhân. Nó làm tăng hoài nghi của công chúng về độ chân thật và tính tự nguyện của người thực hiện hành vi.
Các quan sát, minh chứng ghi nhận liên quan cho thấy dù lời xin lỗi công khai có bài bản, đúng mực và có hiệu quả truyền thông thế nào thì nó cũng bị đặt vấn đề về mức độ, hiệu quả tha thứ giữa người trong cuộc. [3]
Ngoài ra, lời xin lỗi công khai thường được ghi hình trước ống kính với nội dung được soạn thảo kỹ lưỡng, có cố vấn. Chính điều này khiến khán giả có cảm giác nó được “diễn”, thấy lời xin lỗi thiếu vắng sự chân thật và chân thành mà họ nghĩ nó cần phải có. [4]
Cuối cùng, vì các lời xin lỗi công khai thường chỉ xuất hiện khi áp lực chính trị lẫn áp lực đạo đức từ dư luận đã dâng quá cao (thậm chí đôi khi đã ở đỉnh của đối đầu và thù địch), thế nên, công chúng khi tiếp nhận lời xin lỗi cũng đồng thời thấy tính đối phó, có động cơ, chiến lược hay khả năng thao túng từ phía người xin lỗi. [5]
Dẫu vậy, đáng tiếc rằng dù lời xin lỗi có được đưa ra như thế nào đi chăng nữa, một bộ phận công chúng đáng kể vẫn nghi ngại. Họ cho rằng khả năng “cứu chuộc đạo đức” của những người thực hiện hành vi xâm hại tình dục rất khó mặc cho các hành vi của họ có xảy ra ở một thời điểm nào đó xa xôi trong quá khứ đi chăng nữa.
Đơn cử, trong nghiên cứu “Liệu sự cứu chuộc đạo đức là khả dĩ?”, các nhóm đối tượng được nghiên cứu công nhận rằng lời xin lỗi vẫn có tính đạo đức và đáng được ghi nhận hơn kiểu phủ nhận chày cối (đặc biệt trong các vụ xâm hại tình dục có quá nhiều nạn nhân lên tiếng và gần như chắc chắn về tính trung thực của nó). Tuy vậy, vẫn có hơn 60% cho rằng sự cứu chuộc đạo đức dành cho thủ phạm là bất khả.
Gần 40% còn lại cho biết lời xin lỗi chỉ là điểm khởi đầu. Thủ phạm cần phải chứng minh sự hối lỗi của mình thông qua các hành vi thực tế như (1) nhận lỗi và sửa chữa lỗi lầm một cách trực tiếp với người bị hại, (2) tự rời khỏi các vị trí quyền lực mình đang nắm giữ, (3) chủ động hỗ trợ các phong trào nữ quyền hay nâng cao nhận thức về xâm hại tình dục, v.v.
Nghiên cứu cũng thống kê và chỉ ra những thành tố giúp lời xin lỗi của những người tấn công tình dục dễ nghe và dễ được đại chúng đón nhận hơn.
Trong biểu đồ về các thành tố của lời xin lỗi như trong ảnh, có thể thấy công chúng ghét nhất kiểu giải thích dài dòng (explanation) hay đổ thừa cho việc mình không thể tự chủ (forbearance).
Ngược lại, yếu tố góp phần cho sự hiệu quả của lời xin lỗi bao gồm việc cam kết sửa đổi và tiến bộ hơn trong hành vi (commitment to change); thừa nhận việc làm của mình là sai trái (admission of wrongdoing); đưa ra các đề xuất sửa chữa lỗi lầm (offer of repairs), v.v.
***
Song, cái khó là ngay cả khi ứng xử phù hợp với các nghiên cứu khoa học, người xin lỗi cũng phải hối lỗi và chân thành - điều này có vẻ như không thủ phạm xâm hại hay quấy rối tình dục ở Việt Nam (và có lẽ là trên thế giới) thật sự có. Dẫn chứng là chuyện N.H.A lý giải dài dòng, hù dọa sẽ mang luật sư và gia đình ra; hay chuyện L.N.A “không ý kiến gì” rồi “quay xe” gửi đơn ra công an.
Việc xin lỗi, chế tài xử lý cần được nêu cao, nhưng nghiễm nhiên, cách ứng xử đúng đắn nhất cần hướng tới vẫn là không làm tổn thương bất kỳ ai dưới bất kỳ hình thức xâm hại nào.
Chú thích
1. Schumann, K., & Dragotta, A. (2020). Is moral redemption possible? the effectiveness of public apologies for sexual misconduct. Journal of Experimental Social Psychology, 90, 104002. https://doi.org/10.1016/j.jesp.2020.104002
2. Gottlieb, L. (2022, April 6). Is It Possible to Apologize for a Sexual Assault? The Atlantic. https://www.theatlantic.com/family/archive/2018/11/sexual-assault-apologize/573502/
3. Hornsey, M. J., Wohl, M. J. A., Harris, E. A., Okimoto, T. G., Thai, M., & Wenzel, M. (2020). Embodied remorse: Physical displays of remorse increase positive responses to public apologies, but have negligible effects on forgiveness. Journal of Personality and Social Psychology, 119(2), 367–389. https://doi.org/10.1037/pspi0000208
4. Alice MacLachlan, “Trust Me, I’m Sorry”: The Paradox of Public Apology, The Monist, Volume 98, Issue 4, October 2015, Pages 441–456, https://doi.org/10.1093/monist/onv023
5. Okimoto, T. G., Wenzel, M., & Hornsey, M. J. (2015). Apologies demanded yet devalued: Normative dilution in the age of apology. Journal of Experimental Social Psychology, 60, 133-136. https://doi.org/10.1016/j.jesp.2015.05.008