Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Những cách tiếp cận pháp lý đối với việc xử án tham nhũng và gợi ý cho bối cảnh Việt Nam.
Vào cuối tháng 05/2022, dư luận Việt Nam một phen dậy sóng khi Viện Kiểm sát bất ngờ đề nghị giảm mức án cho ông Trương Quốc Cường, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế, [1] người bị truy tố với tội danh thiếu trách nhiệm, để các loại thuốc giả nhãn mác chữa trị ung thư được nhập khẩu, tiêu thụ tại Việt Nam, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Không chỉ vậy, sáu bị cáo khác (chủ yếu là các cựu quan chức nhà nước) cũng đồng loạt được đề nghị giảm án từ nửa năm đến hai năm.
Hàng loạt câu hỏi được đặt ra.
Tại sao những quan chức vướng vào lao lý và những cáo buộc tham nhũng lại có thể được giảm án “liền tù tì” như thế? Hậu quả liên quan đến sức khỏe người dân đâu phải là nhỏ?
Tại sao một cá nhân tư doanh như ông Nguyễn Minh Hùng lại là người nhận hậu quả lớn nhất (tổng hình phạt 30 năm tù)? Nếu không có sự hậu thuẫn của các quan chức đầu ngành, có cho ăn gan hùm đi nữa thì liệu ông Hùng có thực hiện được hành vi phạm tội của mình?
Tại sao những quan chức tham nhũng và lạm quyền gây thiệt hại cho người dân cả nước, và nghiêm trọng hơn ở đây là người bệnh, lại nhận những bản án “có như không”?
So với những người dân trộm vịt và lãnh… bảy năm tù, [2] hay những thanh thiếu niên bị phạt gần một năm tù chỉ vì giật bánh mì và vài bịch me, [3] công chúng hoàn toàn có quyền chất vấn, thậm chí phản đối cái gọi là công bằng tư pháp thông qua các bản án quái gở trên.
Mặt khác, dưới góc nhìn khoa học pháp lý, giới nghiên cứu biết rằng các khách thể bị xâm phạm của các tội danh trên có phần khác nhau, và biện pháp trừng phạt thì chỉ có thể chuẩn hóa thông qua số năm tù. Điều này tạo ra khó khăn nhất định trong việc so sánh và hình dung về tiêu chuẩn công bằng, công lý được thể hiện qua những bản án khác nhau và những tội danh khác nhau.
Câu hỏi đặt ra cho chúng ta là: Làm thế nào để so sánh sự nghiêm trọng của hành vi trộm cắp/ giết người với sự nghiêm trọng của một đại án tham nhũng?
Người viết hy vọng nghiên cứu này có thể tạo ra một nền tảng và cách hiểu vững chắc hơn về công lý trong án tham nhũng (trong tương quan với các án khác). Điều này giúp chúng ta có thể cân nhắc, so sánh và chỉ trích án tham nhũng tại Việt Nam một cách khoa học, khi cần thiết.
Trước khi so sánh hay bình phẩm về công lý trong án tham nhũng tại Việt Nam, chúng ta cần hiểu hệ thống pháp luật quốc gia đang đánh giá thế nào về các hành vi thuộc nhóm tham nhũng.
Trong Bộ luật Hình sự Việt Nam, nhóm hành vi mà chúng ta thường gọi là tham nhũng nói chung nằm trong Chương 23 (XXIII) liên quan đến Các tội phạm về chức vụ.
Chương này được chia ra làm hai nhóm nhỏ là “Các tội phạm tham nhũng” (mục 1) và “Các tội phạm khác về chức vụ” (mục 2).
Khái niệm tham nhũng trong các cuộc thảo luận thường nhật, ngoài những nội dung của mục 1, còn có thể bao hàm cả những hành vi được quy định trong mục 2 - “Các tội phạm khác về chức vụ”, như “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, “cố ý làm lộ bí mật công tác” hay “môi giới hối lộ”, v.v. Kể từ đây, có thể gọi chung cả hai nhóm là “hành vi tham nhũng”, “tội tham nhũng”.
Về mặt lý thuyết, có thể thấy quy định pháp luật của Việt Nam về xử lý và trừng phạt tham nhũng là nghiêm túc, nếu không muốn nói là nặng nề so với nhiều quốc gia khác. Điều này được thể hiện ở hai điểm:
Tuy nhiên, cũng có nhiều chỉ dấu cho thấy nhà nước Việt Nam đang hướng đến việc hạn chế hình phạt tử hình trong án tham nhũng.
Năm 2019, trong một đại án tham nhũng liên quan đến nguyên Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, ông Son được thoát đề nghị án tử hình vào phút cuối. [4]
Đến năm 2020, Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao Việt Nam chính thức ban hành Nghị quyết 03/2020, pháp điển hóa các quy định cần thiết để việc “né” án tử cho các quan chức rõ ràng hơn, ví dụ như giải thích rõ hoàn cảnh và ý nghĩa của câu chữ trong “nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ”, “hợp tác tích cực”, hay “lập công lớn”. [5]
Từ đó đến nay, chưa bị cáo án tham nhũng nào phải nhận đề nghị hình phạt tử hình, dù giá trị sai phạm thường rơi vào nhóm tội đặc biệt nghiêm trọng.
Về mặt quản lý nhà nước và xu hướng nhân quyền quốc tế, người viết cho rằng việc loại bỏ án tử hình ra khỏi nhóm các biện pháp trừng phạt trong án về chức vụ, án tham nhũng sẽ không phải là một vấn đề lớn cho mục tiêu cải cách và đưa các giá trị tư pháp Việt Nam tiệm cận với thế giới. Vì vậy, đây không phải là một điểm cần chỉ trích.
Mức độ nghiêm trọng của hành vi tham nhũng cũng đã được xác lập khá phù hợp (từ ít nghiêm trọng cho đến đặc biệt nghiêm trọng). Như vậy, chúng ta có thể tập trung tìm một phương pháp hợp lý và khoa học để so sánh hình phạt của nhóm tội danh về tham nhũng, chức vụ với các nhóm tội danh khác.
Một trong những cách mà các nhà nghiên cứu cụ thể hóa tính “tương ứng” của các tội danh tham nhũng là trực tiếp liên hệ các tội danh này với những hành vi phạm pháp khác. Cách này giúp cho việc liên tưởng và đánh giá ảnh hưởng của hành vi tham nhũng trở nên dễ dàng hơn.
Quyển “Global corruption: Law, Theory & Practice”, được xem như “sách giáo khoa” về pháp luật quản lý tham nhũng hiện nay, cũng sử dụng cách tiếp cận này. [6]
Ví dụ, quyển sách so sánh tội tham ô tài sản (embezzlement) với tội trộm cắp (thef).
Phân tích được đưa ra là đối với tham ô, các công chức có trách nhiệm quản lý công quỹ/ ngân sách cố tình và bí mật trích xuất hay tước đoạt phi pháp nguồn tài sản vốn không thuộc quyền sở hữu của họ. Điều này có thể được xem là tương đồng với tội trộm cắp.
Sự khác nhau ở hai tội danh là ở vị trí của người thực hiện hành vi (quan chức so với thường dân) và đối tượng của tội phạm (tài sản công do quan chức quản lý so với tài sản của cá nhân - tổ chức không do người đó sở hữu).
Nếu từ đây phân tích bối cảnh pháp luật Việt Nam, chúng ta có thể lý giải phần nào vì sao một quan chức tham ô một lượng tài sản lớn (như chiếm đoạt 500 triệu đồng công quỹ) sẽ nhận khung hình phạt gần tương đương với một người trộm cắp (xâm nhập và chiếm đoạt 500 triệu đồng từ một hộ gia đình). Cụ thể hơn, theo pháp luật Việt Nam, cả hai hành vi đều có thể chịu hình phạt cao nhất đến 20 năm tù giam.
Tương tự, chúng ta cũng có thể dùng tư duy nói trên để liên hệ giữa tội danh “lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” với tội danh “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Trong quyển “Global Corruption” đã dẫn, cả hai tội danh này đều có tính chất “fraud” - tức lợi dụng vị trí, uy tín và vai trò được tin tưởng khác nhau của mình để lừa đảo, đưa ra thông tin sai lệch, kiểm soát và thao túng các công cụ quản lý kế toán, v.v. rồi từ đó tước đoạt tài sản của chủ sở hữu hợp pháp. Áp dụng cách tiếp cận này với pháp luật Việt Nam, chúng ta có thể thấy cả hai tội danh này cũng có hình phạt được xây dựng gần tương đương nhau.
Như vậy, việc so sánh bản chất hành vi là công cụ tốt giúp chúng ta thiết lập được khung hiểu biết và đối chiếu hình phạt.
Ví dụ, sẽ không phù hợp nếu so sánh hành vi cướp tài sản với các nhóm hành vi tham nhũng.
Hành vi “cướp tài sản” có sử dụng bạo lực và nhắm đến khách thể không chỉ là tài sản mà còn là tính mạng và nhân thân của người bị cướp. Trong khi đó, hành vi “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” lại vốn là một hành vi không sử dụng vũ lực, và đối tượng bị xâm phạm thậm chí còn không phải là tài sản (mà là trật tự và tính toàn vẹn của quản lý nhà nước).
Vậy, theo cách tiếp cận bản chất hành vi, không thể so sánh hai tội danh này với nhau. Vì thế, việc trừng phạt hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng nhẹ hơn hành vi cướp là không đáng chỉ trích.
Cách tiếp cận này cũng được nhìn nhận và phân tích trong nhiều nghiên cứu khác.
Theo đó, các nhà nghiên cứu sử dụng tiêu chuẩn tính nguy hiểm được nhìn nhận (perceived seriousness) để chia các hành vi phạm tội hình sự ra thành hai nhóm chủ yếu. Chúng có thể được gọi là nhóm xâm phạm thân thể và xâm phạm tài sản (bodily harm/ property damage); hoặc cũng có thể gọi là nhóm tội phạm cổ cồn xanh và tội phạm cổ cồn trắng (blue-collar crimes/ white-collar crimes). [7]
Theo đó, nhóm xâm phạm thân thể nguy hiểm hơn nhóm xâm phạm tài sản. Nhóm tội phạm cổ cồn xanh nguy hiểm hơn nhóm tội phạm cổ cồn trắng.
Tuy nhiên, cách tiếp cận này lộ rõ những khiếm khuyết khi cân nhắc nó trong một số bản án của Việt Nam.
Đúng là việc trộm cắp vài con vịt là có lỗi cố ý, nhắm tới tài sản không thuộc quyền sở hữu của mình, và là một hành vi có bản chất nguy hiểm tương đối.
Đúng là hành vi thiếu trách nhiệm trong quản lý thường sẽ có lỗi vô ý và không nhắm tới tư lợi, và về bản chất là một hành vi ít nguy hiểm hơn.
Tuy nhiên, việc trộm cắp vài chục con vịt (và thậm chí là có tái phạm hay có tiền án tiền sự đi chăng nữa) cũng không thể so sánh về độ nguy hiểm cho toàn xã hội với hành vi thiếu trách nhiệm trong quản lý thuốc chữa bệnh cho quốc dân.
Vậy tại sao người trộm vịt lại phải chịu án bảy năm tù, trong khi các sai phạm về quản lý thuốc lại là bốn năm tù?
Câu hỏi này khiến chúng ta phải tìm một cách tiếp cận khác để có thể đưa ra những hình phạt phù hợp hơn.
Một trong những cách để bảo đảm công bằng trong trừng phạt các tội danh không cùng bản chất là phải chuẩn hóa được tính nghiêm trọng của từng hành vi cho toàn xã hội.
Nói cách khác, thay vì đi vào chi tiết về động cơ, lỗi, chủ thể, khách thể của hành vi tội phạm, tức cấp độ vi mô của hành vi tội phạm, việc chuẩn hóa tính nghiêm trọng của từng hành vi phạm pháp cho toàn xã hội yêu cầu chúng ta phải tìm cách so sánh được chúng dưới lăng kính vĩ mô.
Như đã nêu ở trên, tồn tại quan điểm cho rằng các tội xâm phạm thân thể/ cổ cồn xanh thì đương nhiên có tính nghiêm trọng cao hơn các tội liên quan đến tài sản/ cổ cồn trắng như tham nhũng. Một nghiên cứu đăng tải trên Tạp chí Hình sự học Vương quốc Anh nhắc chúng ta cẩn thận với cách tư duy này. [8]
Theo phân tích của nhóm nghiên cứu, tội phạm liên quan đến tham nhũng cần quyền lực - dù là quyền lực chính trị hay quyền lực kinh tế - để có thể bắt đầu có cơ hội thực hiện hành vi của mình. Điều này có nghĩa là không phải ai cũng có thể thực hiện hành vi tham nhũng, bất kể là dùng vũ lực hay lén lút.
Nói thẳng ra, những tội phạm liên quan đến hành vi vũ lực hay xâm phạm thân thể/ tài sản một cách trực tiếp thường tập trung xảy ra ở những nhóm yếu thế nhất, nghèo nhất và có ít quyền lực nhất trong một xã hội.
Từ đây, có thể biện luận rằng mục tiêu công bằng và xây dựng công lý xã hội sẽ không được bảo đảm nếu chúng ta khăng khăng cho rằng những hành vi gây thiệt hại về thân thể, tài sản trực tiếp giữa các cá thể tư luôn có tính nghiêm trọng cao hơn và vì vậy cần xử lý nặng hơn là các tội danh tham nhũng.
Một nghiên cứu ngắn được đăng tải trên Harvard Business Review cũng nhắc nhở điều tương tự. [9]
Nghiên cứu này ghi nhận rằng xã hội Mỹ (người viết cho rằng điều này đúng ở mọi xã hội hiện đại) đang trở nên quá mê muội và ám ảnh với tội phạm vũ lực và các chủ đề đẫm máu khác. Người dân quên đi rằng chính những nhân vật cổ cồn trắng phạm tội mới có khả năng làm chết dần chết mòn hàng nghìn con người vì mất việc, vì lạm phát, vì mất nhà cửa, vì quản lý y tế yếu kém, v.v.
Thú vị hơn, nghiên cứu này chỉ ra một điểm chí mạng của các tội danh cổ cồn trắng: Những người thực hiện hành vi này hiếm khi dừng lại và phản tỉnh để nhận ra rằng hành vi của họ đang làm hại những ai.
Khác với tội giết người, khác với tội gây thương tích, khác với cướp giật hay trộm cắp, nơi mà hình ảnh “người bị hại” vô cùng rõ ràng, cụ thể và mắt thấy tai nghe, “người bị hại” trong các tội danh cổ cồn trắng như tham nhũng là một hình ảnh trừu tượng, khó xuất hiện trong đầu của những quan tham khi họ thực hiện hành vi của mình.
Trước mặt họ chỉ là vài trang tư liệu, vài chữ ký, vài con số, v.v. và rất nhiều tiền. Cái giá mà xã hội phải trả, đáng tiếc thay, hiếm khi được họ xem xét đến khi thực hiện hành vi.
Vì những lý do này, nếu ngay cả hệ thống tư pháp cũng chỉ nhìn vào “những con số” như mấy tỷ hay mấy trăm tỷ để định tội, công lý quốc gia gần như hoàn toàn mù lòa trước tác hại vĩ mô của các tội phạm cổ cồn trắng nói chung, và của tội phạm tham nhũng nói riêng.
Mang câu chuyện trở lại Việt Nam, trộm vài con vịt, hay cướp giật tài sản từ các chủ sở hữu cá nhân rõ ràng là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội. Những hành vi này thách thức nền tảng tư hữu tài sản, gây xáo trộn niềm tin và kỳ vọng sở hữu của người dân, mà cụ thể và rõ ràng là những người dân bị trộm, bị đe dọa.
Tuy nhiên, cũng có thể lý giải rằng việc nhận hối lộ để cấp giấy phép kinh doanh hay tạo mô hình thân hữu chỉ thuận lợi cho một vài doanh nghiệp cũng sẽ tước đoạt quyền sở hữu, quyền kinh doanh tự do và một môi trường kết nối lành mạnh giữa các thành viên trong cộng đồng.
Ở góc nhìn vĩ mô này, việc xâm hại thân thể và quyền nhân thân một cách trực tiếp chưa chắc đã nghiêm trọng như những quyết định được đưa ra trên bàn giấy.
***
Sẽ còn rất nhiều điều phải bàn để trả lời rốt ráo câu hỏi: Thế nào là công lý trong xét xử tham nhũng?
Người viết không ủng hộ lối diễn ngôn “xử bắn hết tham nhũng” với kỳ vọng cho sự xuất hiện của một “tổng thống Hàn” hay “lãnh đạo Nhật”. Đó sẽ là một chủ đề đáng bàn trong tương lai.
Tuy nhiên, với những thông tin đã trình bày, rõ ràng chúng ta cần xem lại cách tiếp cận về việc trừng phạt án tham nhũng tại Việt Nam, với sự cân nhắc nghiêm túc về mối tương quan của nó với các biện pháp trừng phạt dành cho các tội danh khác.
Bài viết nằm trong chuyên đề Nghiên cứu Tham nhũng, được Luật Khoa khởi đăng từ tháng 5/2022. Bạn có thể theo dõi chuyên đề này tại đây.
Chú thích
1. Tuổi Trẻ Online. (2022, May 19). VKS bất ngờ đề nghị giảm mức án, cựu thứ trưởng Trương Quốc Cường lãnh 4 năm tù. TUOI TRE ONLINE. https://tuoitre.vn/vks-bat-ngo-de-nghi-giam-muc-an-cuu-thu-truong-truong-quoc-cuong-lanh-4-nam-tu-20220519120948049.htm
2. Cướp 13 con vịt, lãnh 7 năm tù. (2017). Báo Khánh Hòa. https://baokhanhhoa.vn/phap-luat/201707/cuop-13-con-vit-lanh-7-nam-tu-8047963/
3. VnExpress. (2016, July 20). Cướp bánh mì khi đói, 2 thiếu niên lĩnh án. vnexpress.net. https://vnexpress.net/cuop-banh-mi-khi-doi-2-thieu-nien-linh-an-3439329.html
4. Vũ A. V. H. (2019, December 28). Vì sao ông Nguyễn Bắc Son thoát án tử vào phút cuối? Báo Thanh Niên. https://thanhnien.vn/vi-sao-ong-nguyen-bac-son-thoat-an-tu-vao-phut-cuoi-post913023.html
5. Thư viện pháp luật. (2020, December). Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Trach-nhiem-hinh-su/Nghi-quyet-03-2020-NQ-HDTP-ap-dung-quy-dinh-cua-Bo-luat-Hinh-su-ve-toi-pham-tham-nhung-449286.aspx
6. Ferguson, G. A. (2018). Global corruption: Law, theory & practice : Legal regulation of global corruption under international conventions, US, UK and canadian law (Third ed.)
7. Stelios Stylianou, Measuring crime seriousness perceptions: What have we learned and what else do we want to know, Journal of Criminal Justice Volume 31, Issue 1, January–February 2003, Pages 37-56 https://doi.org/10.1016/S0047-2352(02)00198-8
8. Zimring, Franklin E., and David T. Johnson. 'On the Comparative Study of Corruption', British Journal of Criminology, vol. 45/no. 6, (2005), pp. 793-809.
9. The Annoying Truth About White-Collar Crime. (2021, February 13). Harvard Business Review. https://hbr.org/2016/11/understanding-white-collar-crime