‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Công cuộc “đốt lò” gây ra những tác hại cho thể chế và văn hóa chống tham nhũng.
Những bài viết được share hỉ hả vui mừng về việc hai ông bộ trưởng bị bắt.
Những tin đồn về một vị “tai to mặt lớn” hơn nữa đứng đằng sau, kèm theo lời lẽ úp mở, bí ẩn, thâm sâu, “biết hết nội tình”.
Người yêu chính quyền đương nhiệm thì oang oang bảo đây là minh chứng cho một nhà nước ngày càng quyết liệt chống tham nhũng, “không có vùng tối, không có vùng cấm.”
Người không ưa chính quyền thì tấm tắc tự khen “tôi đã nói rồi mà”, sau đó tiếp tục úp mở những tin đồn vu vơ mà họ nghe đâu đó - như là minh chứng cho một nhà nước mục ruỗng sắp lụi tàn đến nơi.
Mỗi nhóm chính trị Việt Nam đang sống trong những phiên bản sự thật riêng về các đại án tham nhũng như Việt Á hay các chuyến bay giải cứu COVID-19.
Song có một điểm chung: Họ tiếp tục nhìn nhà nước, chuyện quản lý nhà nước như chuyện cấm cung khó ai rành, khó ai biết, và tin đồn từ những người được tuồn tin trở thành thứ nguồn mà ai cũng trân quý.
Công cuộc chống tham nhũng gần đây của Đảng Cộng sản Việt Nam dường như đang để lại những tác hại không thể lường trước đối với cơ chế chống tham nhũng của một nhà nước Việt Nam trong tương lai.
Trước tiên, người viết cho rằng các thuyết âm mưu xem công cuộc chống tham nhũng là việc thanh trừng phe phái nội bộ đảng hay chỉ là một màn trình diễn đang dần mất đi tính xác thực và độ tin cậy.
Cả hai vị quan chức cấp cao mới bị bắt (Nguyễn Thanh Long và Chu Ngọc Anh) đều là những cá nhân vừa đắc cử “100%”, vừa mới được các ban bệ chính trị lựa chọn vào năm 2020 và được hợp thức hóa bằng cuộc bầu cử vào năm 2022. [1]
Các nhóm này được hình thành trong giai đoạn nhiệm kỳ tổng bí thư thứ ba của ông Nguyễn Phú Trọng. Gọi đây là thanh trừng chính trị rõ ràng là không còn hợp lý, xét đến thời điểm và mục tiêu của các chiến dịch chống tham nhũng gần đây.
Thêm vào đó, khó có thể gọi đây là màn trình diễn khi nó không có lợi ích gì cho hình ảnh của Đảng Cộng sản Việt Nam, xét đến việc một lượng lớn nhân sự vừa được lựa chọn trong nội bộ đảng, ngồi chưa nóng ghế, nay đã chuẩn bị ra vành móng ngựa. Một chiến dịch quy mô, công khai và ở cấp cao như thế này có thể sẽ khiến một bộ phận dân chúng đặt câu hỏi cho quy trình “tuyển chọn người tài” bên trong đảng.
Vậy lý giải hợp lý nhất cho các chiến dịch chống tham nhũng này là gì?
Chúng ta cần thừa nhận rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đang có những nỗ lực thực chất, với mong muốn trong sạch hóa bộ máy và xây dựng một đảng chính trị vững mạnh riêng của họ. Đây là điều khó có thể tranh cãi hiện nay lẫn sau này.
Thật ra, điều này không phải mới mẻ gì đối với các nhà nghiên cứu.
Chúng ta có thể kể đến một nghiên cứu khá nổi tiếng trong giới nghiên cứu chính sách - pháp luật Việt Nam của Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải, từng là giảng viên tại trường Queensland University of Technology, Úc, có tên gọi “Resilience of the Communist Party of Vietnam's Authoritarian Regime since Đổi Mới” (tạm dịch: Sức bền của chính thể chuyên chế Đảng Cộng sản Việt Nam kể từ Đổi mới). [2]
Được công bố vào năm 2016, ngay sau khi các tranh chấp phe phái lớn nhất thời điểm đó chính thức hạ màn, một trong bốn điểm mà Tiến sĩ Hải cho rằng đã xây dựng nên sự bền bỉ của Đảng Cộng sản Việt Nam chính là độ linh hoạt chính trị của nó (political flexibility).
Theo ông, độ linh hoạt chính trị này được thể hiện rõ trong cam kết và những nỗ lực chống tham nhũng. Tham nhũng luôn được các lãnh đạo xem là gây ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ. Sáu năm sau, dường như những quan sát trong nghiên cứu vẫn còn chính xác. Đảng Cộng sản Việt Nam đang tiếp tục tự thanh tẩy, làm mới và hoàn thiện mình.
Tuy nhiên, sau khi dành những lời khen có cánh cho các chiến dịch chống tham nhũng gần đây, chúng ta cũng cần nhìn vào thực tế: Trong khi vai trò và năng lực chống tham nhũng trong nội bộ Đảng Cộng sản tăng cao, người trả giá là các thể chế chính trị khác trong xã hội Việt Nam.
Từ “cái giá” nghe có vẻ nặng nề.
Một chiến dịch chống tham nhũng được xem là thành công thì tại sao lại có “cái giá phải trả” gì ở đây?
Cái giá về thể chế, về pháp luật và về văn hóa pháp lý là thứ không thể thấy ngay, thấy rõ, và ai ai cũng thấy. Người viết xin đưa ra ba cái giá như sau.
1. Sự yếu kém của cơ quan điều tra tham nhũng nói riêng và hệ thống tư pháp nói chung
Bộ Công an là bộ to nhất Việt Nam. To nhất cả về số lượng thành viên lẫn kinh phí hoạt động từ ngân sách nhà nước.
Nói như Đảng Cộng sản Việt Nam thì Bộ Công an là thanh gươm bảo vệ đảng, và cân nhắc thực tế này thì Bộ Công an là một thanh gươm rất to.
Đã là một thanh gươm to thì dùng để “giết gà”, để trừng trị bọn “dân chủ”, để kiểm soát các nhóm tội phạm truyền thống, v.v. cơ quan này chắc chắn phải rất hiệu quả (thực tế đến đâu thì không nằm trong phạm vi bài viết này).
Tuy nhiên, thanh gươm to chưa chắc đã sắc.
Nếu Bộ Công an tiếp tục hoạt động trong mô hình hiện tại, họ sẽ chỉ hiệu quả khi phải đối mặt với các lực lượng yếu thế hơn về chính trị, về nguồn lực, về năng lực kết nối. Nhưng khi phải đối mặt với các quan chức trong hệ thống chính trị có kết nối rộng hơn, có nguồn lực lớn hơn, và thậm chí là quyền hạn chính trị hơn, cơ quan điều tra “giỏi nhất thế giới” này gần như bế tắc.
Năm 2016, cư dân mạng Việt Nam được một phen dậy sóng khi cựu tướng Công an Thành phố Hồ Chí Minh, ông Phan Anh Minh, giãi bày trước báo chí khi được hỏi vì sao thành phố Hồ Chí Minh ít phát hiện án tham nhũng qua khâu tự trinh sát. Ông nói:
“Tôi xin nói thẳng không phải ít mà là không có vì chúng tôi phải chấp hành Chỉ thị 15. Hầu hết đối tượng gây ra hành vi tham nhũng từ đảng viên, mà công an không được tổ chức trinh sát đảng viên. Do đó, các án tham nhũng do Công an thành phố phát hiện phải thông qua các vụ án kinh tế khác.” [3]
Nghe như thế, người ta thường nghĩ ngay rằng là do Đảng Cộng sản Việt Nam tạo cơ chế để kìm hãm các cơ quan điều tra. Tháo cái vòng kim cô Chỉ thị 15 mà vị tướng này nhắc đến là ổn ngay.
Nhưng người viết cho rằng, Đảng Cộng sản có tháo Chỉ thị 15 tại thời điểm đó đi chăng nữa, hệ thống công an Việt Nam cũng bất lực và mất phương hướng trong việc điều tra cũng như xử lý các xung đột lợi ích giữa các nhân vật chính trị và cấu trúc quyền lực nhà nước.
Để xây dựng một cơ quan điều tra tham nhũng có bản lĩnh, có năng lực và có khả năng điều tra sâu các vụ án động chạm nhiều nhân vật quyền lực, chúng ta trước tiên cần tìm ra một mô hình hợp lý cho Việt Nam, cần sự quyết tâm và thẩm quyền nâng cao của hệ thống tư pháp (như tòa án). Và quan trọng nhất, chúng ta cần thời gian để thử sai và xây dựng văn hóa pháp lý liên quan.
Những nhận định này cũng có thể áp dụng gần như hoàn toàn tương tự đối với các cơ quan tư pháp khác.
Chúng ta đã chứng kiến lực lượng công an - an ninh khét tiếng thế giới của Đông Âu và Liên Xô đổ vỡ như thế nào ngay khi các đảng cộng sản tương ứng chết bất đắc kỳ tử. [4] Hàng chục năm kinh nghiệm chống tham nhũng, phê bình và tự phê bình, chống suy thoái, chống tự diễn biến trong nội bộ Đảng gần như không giúp ích gì được cho năng lực của các cơ quan tư pháp của nhà nước - từ quy trình đến cấu trúc hay mô hình, và đặc biệt là văn hóa pháp lý lẫn văn hóa đại chúng.
Dân chủ hóa - tư hữu hóa mà không có một cơ chế chống tham nhũng hiệu quả sẵn sàng bọc hậu thì chẳng khác nào tự sát chính trị.
Những điều mà Đảng Cộng sản Việt Nam đang làm, dù đáng ghi nhận, không thay đổi sự thật rằng chỉ có năng lực và tính chính danh của đảng đang được cải thiện.
Nếu trong tương lai, vì một lý do khách quan hay chủ quan nào đó mà Đảng Cộng sản Việt Nam không còn tồn tại, dân tộc Việt Nam lại tiếp tục phải đối mặt với câu hỏi chống tham nhũng từ đầu.
2. Báo chí điều tra và các tiếng nói độc lập bị bóp nghẹt
Vâng, lại phải nhắc đến những người hay bị cáo buộc “rận chủ” trong diễn ngôn chính trị tại Việt Nam. Tuy nhiên, bộ phận bị khinh rẻ này có vai trò quan trọng không kém một cơ quan điều tra có năng lực và có kinh nghiệm trong điều tra tham nhũng.
Ai cũng có thể thấy được là ngay cả trong những quốc gia có thể chế tốt, tham nhũng và các sai phạm liên quan hoàn toàn có thể vượt mặt hàng rào tư pháp chính quy. Vậy nên dân chủ, tự do báo chí, hệ thống xã hội dân sự, và thậm chí đến những điều cơ bản nhất của một xã hội hiện đại như một nền văn hóa tranh luận, quy trình đưa tin tức lành mạnh và chuyên nghiệp, v.v. đều có vai trò của riêng mình trong phòng chống tham nhũng.
Người viết thừa nhận rằng những nhóm đối lập nói chung không hoàn hảo.
Cực đoan thái quá, thiếu năng lực nhưng thừa tiếng nói, không biết cách thỏa hiệp và không thể tập trung tìm giải pháp, cùng hàng loạt vấn đề khác.
Chúng ta không thể tự huyễn hoặc mình viễn cảnh cứ tồn tại lực lượng đối lập mạnh thì tự nhiên tình hình kinh tế, chính trị của quốc gia sẽ được cải thiện.
Tuy nhiên, trách nhiệm tạo điều kiện và thậm chí là xây dựng một xã hội dân sự lành mạnh để sẵn sàng “gác cửa”, can thiệp vào hệ thống chống tham nhũng chính quy khi hệ thống này bị các lợi ích chính trị ức chế, là một “điều kiện đủ” rất quan trọng cho môi trường chống tham nhũng hiệu quả.
Vai trò của những chủ thể này trong cuộc chiến chống tham nhũng không phải là sự đoán mò bừa bãi của người viết. Các báo cáo và nghiên cứu của USAID hay OECD cách đây 20 năm đã khuyến nghị tăng cường sức mạnh cho các chủ thể dân sự nhằm xây dựng một mô hình chống tham nhũng bền vững. [5]
Đặc biệt, nhiều nghiên cứu định lượng từ lâu cũng đã nhắc nhở rằng xã hội dân sự cần phải kết hợp với một nền báo chí điều tra độc lập thì mới có thể có tác động tích cực lên việc kiểm soát tham nhũng.
Một trong những nghiên cứu định lượng đầu tiên về mối quan hệ giữa xã hội dân sự, báo chí độc lập và kiểm soát tham nhũng của Themudo có tên gọi “Reassessing the impact of civil society: Nonprofit sector, press freedom, and corruption”. Trong đó, tác giả chứng minh được rất nhiều giả định mà chúng ta nhắc đến ở trên. [6]
Ví dụ, với biểu đồ được dẫn, chúng ta có thể thấy xã hội dân sự chỉ có thể kiểm soát tốt tham nhũng ở nhiều lĩnh vực khi mà hệ thống báo chí tại đó tương đối độc lập (bảng bên tay phải).
Còn ở những quốc gia nơi mà hệ thống xã hội dân sự đông đảo (như Argentina hay Brazil) nhưng báo chí điều tra, báo chí độc lập không thể phát triển thì xã hội dân sự gần như không thể làm giảm các chỉ số tham nhũng.
Bất chấp tất cả những thông tin nói trên, chính quyền Việt Nam hiện nay lại đang ngày càng thu hẹp cả không gian dân sự lẫn môi trường báo chí điều tra chống tham nhũng, dù những nhóm này có do nhà nước kiểm soát hay có hoạt động hợp pháp hay không.
Dường như quá tự tin với hệ thống chống tham nhũng mới của mình, Đảng Cộng sản Việt Nam đang tự cho phép họ thanh trừng thẳng tay các lực lượng xã hội dân sự lẫn báo chí điều tra.
Những cái tên bị bắt bớ như nhà báo Nguyễn Hoài Nam, [7] một cây bút chống tham nhũng từng nhận bằng khen của nhà nước, hay bà Ngụy Thị Khanh, [8] một nhân vật hoạt động trong lĩnh vực môi trường hợp pháp và rất ôn hòa, cho thấy đảng cầm quyền đang xem rất nhẹ vai trò và đóng góp thực tế của các nhóm độc lập và đối lập trong việc phát hiện, xử lý tham nhũng, cũng như cải thiện hệ thống chính quyền.
Đó là một mất mát nữa về vấn đề thể chế tại Việt Nam.
3. Hệ thống pháp luật và độ minh bạch quản lý đã yếu ngày càng yếu hơn
Cuối cùng, có lẽ cũng cần nhắc đến tác động của cuộc chiến chống tham nhũng này đối với hệ thống pháp luật Việt Nam.
Ba văn bản pháp luật quan trọng nhất có thể được sử dụng cho cuộc chiến chống tham nhũng của nhà nước Việt Nam, ví dụ trong trường hợp của Việt Á, bao gồm: (1) Bộ luật Hình sự 2015, (2) Luật Phòng chống Tham nhũng 2018, và (3) Luật đấu thầu 2013.
Tuy vậy, thứ dân chúng biết đến trước tiên về những cáo buộc vi phạm lại không phải là qua những điều luật này. Thậm chí cho đến nay, ít có ai chắc chắn rằng những người bị cáo buộc sai phạm đã làm gì, và làm như thế nào, thông qua các văn kiện và quyết định của nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ông Chu Ngọc Anh, Bí thư Thành ủy Hà Nội, cũng như ông Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế, bị ghi nhận là “thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra”. [9]
Hiển nhiên, chúng thể hiện năng lực và đặt ra nghi vấn về việc có nên tiếp tục để hai nhân vật này tại nhiệm hay không. Nhưng những cáo buộc dạng này vốn không thể bị xem là vi phạm pháp luật hình sự, và chúng cũng không được ghi nhận trong Luật Phòng chống tham nhũng hay Luật Đấu thầu.
Kể từ đó, người dân lẫn báo chí tha hồ được đoán già đoán non về sai phạm của hai người. Thậm chí nhiều người bắt đầu chửi bới hay đưa ra những cáo buộc thậm tệ liên quan đến các quyết định phòng chống dịch bệnh trước đó - vốn cũng chẳng phải sản phẩm của riêng hai người vừa “ngã ngựa”.
Quá trình chống tham nhũng nhưng không làm tăng tính minh bạch và sự trao đổi thông tin mà chỉ làm mọi thứ trở nên mù mờ, khó đoán hơn đối với người dân cũng đã xảy ra và được cảnh báo tương tự tại Trung Quốc. [10]
Lý giải hiện tượng này, tác giả Daniel C.K. Chow - giảng viên và chuyên gia về pháp luật Trung Quốc của trường Đại học Ohio States - nhấn mạnh rằng mọi thảo luận, cáo buộc và thậm chí là các dàn xếp chính trị liên quan đến án tham nhũng gần như hoàn toàn được Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Chính trị hoặc Ban Bí thư thỏa hiệp trước khi phía chính quyền nhà nước và công luận biết bất kỳ điều gì để có thể tham gia vào.
Khi mà thẩm quyền của cơ quan điều tra, quyết định của tòa án, quá trình áp dụng pháp luật hiện hành cũng như là sự tham gia của báo chí trong các vụ việc tham nhũng chỉ xuất hiện khi được (đảng) bật đèn xanh, bất kể đảng có quyết tâm và có hiệu quả đến đâu, thì tư duy minh bạch và tác động tích cực lâu dài cho chống tham nhũng đã không còn ở đó nữa.
***
Với những thảo luận nói trên, dù công nhận những tác động tích cực về quản lý nhà nước và năng lực lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chúng ta cần nhớ rằng bài toán thể chế, bài toán văn hóa chống tham nhũng lâu dài vẫn còn để ngỏ chưa ai giải quyết.
Đảng Cộng sản Việt Nam có thể đang vững mạnh hơn, có thẩm quyền lãnh đạo cao hơn. Nhưng như lịch sử của mọi tập đoàn chính trị khác, Đảng Cộng sản Việt Nam không thể là một thực thể tồn tại mãi mãi.
Di sản mà quốc gia Việt Nam cần là thói quen, là thể chế, là văn hóa. Công cuộc đốt lò chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay, đáng tiếc, lại không thể tạo ra những điều đó.
1. Cafeland (2021). 100% đại biểu có mặt bầu ông Chu Ngọc Anh làm Chủ tịch UBND TP.Hà Nội - CafeLand.Vn. Tin nhanh bất động sản CafeLand. https://cafeland.vn/doanh-nhan/doanh-nhan/100-dai-bieu-co-mat-bau-ong-chu-ngoc-anh-lam-chu-tich-ubnd-tpha-noi-26088.html
2. Nguyen HH. Resilience of the Communist Party of Vietnam’s Authoritarian Regime since Đổi Mới. Journal of Current Southeast Asian Affairs. 2016;35(2):31-55. doi:10.1177/186810341603500202
3. Dân trí. (2016, March 10). Sự thật qua phát ngôn của một vị tướng công an. Báo điện tử Dân Trí. https://dantri.com.vn/blog/su-that-qua-phat-ngon-cua-mot-vi-tuong-cong-an-20160311051237514.htm
4. Lung, N.V. (2022, May 20). Tìm lời giải cho hiện tượng Trung Quốc: Vì sao tham nhũng nặng nhưng phát triển thần kỳ? Luật Khoa - Newsletter. https://www.luatkhoa.com/2022/05/tim-loi-giai-cho-hien-tuong-trung-quoc-vi-sao-tham-nhung-nang-nhung-phat-trien-than-ky/
5. Xem thêm tại: United States Agency for International Development (USAID). 2005. Anti-Corruption Strategy. Washington, DC: US Agency for International Development và Organisation for Economic Co-operation and Development (OECD). 2003. “Fighting Corruption: What Role for Civil Society? The Experience of the OECD.” OECD Report. Paris: OECD.
6. THEMUDO, N. S. (2013). Reassessing the impact of civil society: Nonprofit sector, press freedom, and corruption. Governance (Oxford), 26(1), 63-89. https://doi.org/10.1111/j.1468-0491.2012.01602.x
7. Tham khảo thêm tại: Profile of Nguyen Hoai Nam. (2022). The 88 Project. https://the88project.org/profile/526/nguyen-hoai-nam/
8. Tham khảo thêm tại: Profile of Nguy Thi Khanh. (2022). The 88 Project. https://the88project.org/profile/566/nguy-thi-khanh-/
9. Thu H. (2022, June 6). Ông Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh bị khai trừ khỏi Đảng. ZingNews.vn. https://zingnews.vn/ong-nguyen-thanh-long-chu-ngoc-anh-bi-khai-tru-khoi-dang-post1323944.html
10. Chow, D. C. K. (2015). How china's crackdown on corruption has led to less transparency in the enforcement of china's anti-bribery laws. U.C. Davis Law Review, 49(2), 685. https://lawreview.law.ucdavis.edu/issues/49/2/Symposium/49-2_Chow.pdf