Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Kon Tum tuyên bố “xóa sổ” đạo Hà Mòn; Hà Nội ghi nhận 2.000 người theo các tôn giáo mới.
[Bàn tay chính quyền]
[Tôn giáo mới]
Sau khi gia hạn tạm giam ba bị can trong vụ việc Tịnh thất Bồng Lai, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Long An đã bắt tạm giam thêm hai thành viên của cơ sở này trong tháng 5/2022.
Người thứ nhất là bà Cao Thị Cúc, 62 tuổi, được cho là chủ sở hữu khu đất nơi xây dựng Tịnh thất Bồng Lai. [1] Người thứ hai là ông Lê Thanh Nhị Nguyên, 23 tuổi, một trong những thành viên của tịnh thất này. [2]
Cả hai đều bị bắt theo Điều 331 Bộ luật Hình sự về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Tổng cộng có sáu thành viên của Tịnh thất Bồng Lai đang bị khởi tố theo Điều 331. Bốn thành viên khác, trong đó có ba người bị bắt tạm giam từ đầu tháng 1/2022 bao gồm: Lê Thanh Nhất Nguyên, 31 tuổi; Lê Thanh Trùng Dương, 28 tuổi; Lê Thanh Hoàn Nguyên, 32 tuổi; và ông Lê Tùng Vân, 90 tuổi, hiện được cho tại ngoại. [3]
Tịnh thất Bồng Lai là cơ sở tôn giáo không đăng ký với chính quyền địa phương. Các thành viên nơi đây cho rằng họ tự tổ chức tu tập Phật giáo tại gia nên không cần đăng ký.
Đây là vụ án thu hút dư luận do nhiều năm qua cơ sở này nổi tiếng với các hoạt động giải trí trên truyền hình và mạng xã hội. Báo chí nhà nước đưa tin rằng cơ sở này bị nghi ngờ là “lợi dụng hình thức tu tại gia, nuôi dưỡng trẻ mồ côi, cơ nhỡ để kêu gọi quyên góp từ thiện trục lợi, và lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của tổ chức, cá nhân, loạn luân...”. [4]
Vào ngày 26/5/2022, Thứ trưởng Bộ Công an - Thượng tướng Lương Tam Quang đã tặng bằng khen cho các cán bộ công an tỉnh Kon Tum vì thành tích xóa bỏ “tà đạo” Hà Mòn. [5]
Đây là hoạt động tổng kết hoạt động trấn áp đạo Hà Mòn trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong 23 năm qua.
Công an tỉnh Kon Tum cho biết đã bắt giam tổng cộng 23 người chủ chốt, “xử lý hình sự” 9 người, đưa ra kiểm điểm trước dân 8 người do liên quan đến đạo Hà Mòn.
Kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang tuyên bố tổ chức đạo Hà Mòn đã bị xóa bỏ hoàn toàn ở tỉnh Kon Tum. [6]
Đạo Hà Mòn là một trong những tôn giáo bị chính quyền truy bức nặng nề nhất ở khu vực Tây Nguyên. Chính quyền các tỉnh trong khu vực này cho rằng hoạt động của đạo Hà Mòn có yếu tố chính trị, phản động nhưng không đưa ra dẫn chứng cụ thể nào.
Năm 2021, chính quyền huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai, nơi từng có 1.357 người theo đạo Hà Mòn vào năm 2011, cho biết đã xóa sổ hoàn toàn đạo Hà Mòn ở huyện này. [7] Tính đến tháng 9/2020, chính quyền huyện Mang Yang đã bắt giữ 71 người, “vận động trình diện” 55 người lẩn trốn trong rừng, xóa bỏ 15 nhóm theo đạo Hà Mòn tại huyện này. [8]
Vào tháng 3/2020, ba người dân tộc Ba-na theo đạo Hà Mòn đã bị Công an tỉnh Gia Lai bắt giữ sau chín năm lẩn trốn trong rừng. Ban đầu, công an cho biết ba người này là các lãnh đạo cốt cán, lẩn trốn để chỉ đạo người dân chống chính quyền. [9] Tuy nhiên, ba tháng sau khi bị bắt, cả ba được trả tự do do không liên quan đến bất kỳ hoạt động chống chính quyền nào. Họ lẩn trốn trong rừng chỉ vì sợ bị chính quyền truy lùng do theo đạo Hà Mòn. [10]
Đọc thêm về tôn giáo mới và đạo Hà Mòn: Ban Tôn giáo Chính phủ nói “sẵn sàng đón các đạo lạ”. Bạn nên hiểu chuyện này thế nào?
VOA tiếng Việt cho biết TAND huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang trong tháng 5/2022 đã tuyên án tù đối với 15 người H'mong theo đạo Dương Văn Mình qua hai phiên tòa riêng biệt. Cả hai phiên tòa này đều không được báo chí nhà nước đưa tin. [11]
Phiên tòa thứ nhất diễn ra từ ngày 18 đến ngày 20/5/2022, ông Lý Văn Dũng bị tuyên án 4 năm tù giam, và 11 người khác bị tuyên án từ 2 đến 4 năm tù giam cùng về tội chống người thi hành công vụ (Điều 330, Bộ Luật Hình sự).
Phiên tòa thứ nhì diễn ra vào ngày 24/5/2022. Ông Dương Văn Tu bị tuyên án 4 năm tù giam, ông Dương Văn Lành 3 năm 9 tháng tù giam, và ông Lý Xuân Anh 3 năm 6 tháng tù giam cùng về tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người (Điều 295, Bộ luật Hình sự). Ngoài ra, mỗi người còn bị phạt thêm 95 triệu đồng. Theo gia đình các bị cáo, ba người này bị cáo buộc là không khai báo y tế và xét nghiệm COVID-19 khi đưa thi thể ông Dương Văn Mình từ bệnh viện về nhà.
Cả 15 người trên đều liên quan đến vụ xung đột với chính quyền về việc an táng thi thể của ông Dương Văn Mình, người sáng lập ra đạo Dương Văn Mình. Ông Mình qua đời tại một bệnh viện ở Hà Nội vào ngày 11/12/2021. Thi thể của ông được đưa về nhà tại thôn Ngòi Sen, xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang.
Diễn biến chính của vụ xung đột xảy ra trong ngày 12 và 13/12. Chính quyền đã cho hàng trăm người, bao gồm công an, nhân viên y tế, lấy lý do dịch COVID-19, can thiệp vào tang lễ, tịch thu thi thể ông Mình, không cho phép tổ chức đám tang. Ngày 13/12, các tín đồ tổ chức biểu tình phản đối hành động của chính quyền. Ước tính có khoảng 48 người đã bị bắt trong cuộc xung đột này. [12]
Một trong những thân nhân của các bị cáo cho biết nhiều gia đình không nhận được thông báo về phiên xét xử. Tòa án không cho phép thân nhân được tham dự trực tiếp mà chỉ được theo dõi phiên tòa qua loa nhưng âm thanh rất kém.
Về việc bào chữa của luật sư, vị thân nhân này cho biết một số gia đình đã thuê luật sư để tham gia bào chữa cho người thân của mình, nhưng chính quyền không chấp nhận với lý do các bị cáo từ chối luật sư mà gia đình thuê. Thay vào đó, tòa đã chỉ định luật sư cho các bị cáo.
Đây là vụ việc mà chính quyền dùng bạo lực để trấn áp một nhóm tín đồ tôn giáo, đồng thời bỏ tù những tín đồ dám chống trả, tương tự với nhiều vụ việc đã xảy ra đối với các nhóm tôn giáo không đăng ký khác. Đàn áp bạo lực đối với tín đồ tôn giáo là một thực tế không thể chối cãi tại Việt Nam.
Bạn cần biết gì về đạo Dương Văn Mình: Ai đang nói dối bạn về đạo Dương Văn Mình: Bộ đội hay công an?
Trong loạt bài về tự do tôn giáo ở Việt Nam, báo Dân tộc - Tôn giáo đã nêu thực trạng về việc chính quyền cản trở quyền tự do tôn giáo của người dân. [13]
Theo đó, định kiến của chính quyền địa phương về hoạt động tôn giáo và sự thiếu hoàn thiện của pháp luật về tôn giáo đã dẫn đến việc “từ chối cấp phép hoạt động hoặc công nhận cho các hoạt động tôn giáo, tổ chức tôn giáo”.
Bài báo cho biết chính quyền ở một số địa phương vẫn “còn định kiến với tôn giáo, có thái độ coi việc thực hành tín ngưỡng, tôn giáo là hoạt động có thể gây mất trật tự xã hội, ảnh hưởng đến công tác quản lý của chính quyền”.
Chính quyền địa phương cũng thường dẫn lý do rằng “không có pháp luật quy định cụ thể hoặc pháp luật không rõ ràng” để từ chối thực hiện các thủ tục hành chính cho các tổ chức tôn giáo.
Bài viết cũng cho biết một lý do khác khiến chính quyền từ chối thực hiện các thủ tục hành chính về quản lý tôn giáo là cán bộ không đủ năng lực để phân biệt đâu là tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng, đâu là hoạt động mê tín, dị đoan.
Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương cũng thiếu thống nhất trong quá trình thực hiện hoạt động cấp đăng ký, công nhận tổ chức tôn giáo.
Đây là loạt bài viết của Tiến sĩ Ngô Quốc Đông thuộc Viện Nghiên cứu Tôn giáo, một cơ quan của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Những nhận định trên đây càng khẳng định rằng quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam đang bị áp đặt tùy tiện, phụ thuộc vào quan điểm chủ quan của chính quyền. Chính quyền tự cho mình quyền phán xét đâu là tôn giáo, đâu không phải, và nhóm tôn giáo nào nên hoặc không nên được phép hoạt động.
Trưởng Ban Tôn giáo TP. Hà Nội Phạm Tiến Dũng trả lời báo Hoa Đất Việt ngày 31/5 rằng có gần 2.000 người ở thành phố này đang sinh hoạt trong các nhóm tôn giáo mới. [14]
Theo đó, các nhóm tôn giáo mới này, bao gồm: Long Hoa Di Lặc, Ngọc Phật Hồ Chí Minh, Hoàng Thiên Long, Giáo hội Lạc Hồng, Pháp môn Diệu Âm, Thanh Hải Vô Thượng Sư, Nhất Quán Đạo và Đức Chúa Trời Mẹ.
Ông Dũng cho rằng: “Theo quy định của Luật tín ngưỡng, Tôn giáo, những hiện tượng này không đủ điều kiện để cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung”.
Vị trưởng ban tôn giáo của TP. Hà Nội cáo buộc một số tôn giáo gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của các tín đồ, cảnh báo người dân không được tham gia. Ông cho biết một số tôn giáo mới đã tiếp cận với các học sinh để truyền đạo.
Theo ông, người tham gia các nhóm tôn giáo mới có cả người ít học và có trình độ học thức cao. Các nhóm tôn giáo thường thuê, mượn địa điểm tại “các khu văn phòng, biệt thự, tòa nhà” tại các thành phố lớn để dễ dàng thu hút người dân.
Đặc biệt, bài viết cũng dẫn các cáo buộc của ông Phạm Tiến Dũng đối với các nhóm tôn giáo mà ông cho là “tà đạo”: “quan hệ tình dục bừa bãi, đốt các loại đồ đạc, thực phẩm, bỏ bàn thờ gia tiên, đoạn tuyệt với các sinh hoạt văn hóa và lễ hội truyền thống hoặc thậm chí tự làm tổn thương, tự tử.”
Việc lên án các nhóm tôn giáo mới là hoạt động tuyên truyền thường xuyên của chính quyền Việt Nam. Cáo buộc ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người dân thường được lặp đi lặp lại để thuyết phục người dân không tham gia các nhóm tôn giáo mới. Mặt khác, việc chính quyền ngăn chặn các nhóm tôn giáo mới đã khiến các nhóm này phải hoạt động ngày càng kín đáo hơn, người dân ngày càng có ít thông tin về họ hơn.
Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016 là công cụ được chính quyền dùng để cản trở sinh hoạt của các nhóm tôn giáo mới. Theo bộ luật này, chỉ những tôn giáo có truyền thống lâu đời mới được phép đăng ký sinh hoạt tôn giáo. Tuy nhiên, dù chính quyền có ngăn cấm quyết liệt cách mấy, người dân vẫn có nhu cầu theo các tôn giáo mới.
Đọc thêm về tôn giáo mới: Các giáo phái có thực sự đáng sợ?
1. Dân Trí. (2022, May 12). Khởi tố, bắt tạm giam bà chủ “Tịnh thất Bồng Lai.” https://dantri.com.vn/phap-luat/khoi-to-bat-tam-giam-ba-chu-tinh-that-bong-lai-20220512172623494.htm
2. Tuổi Trẻ. (2022, May 27). Khởi tố, bắt tạm giam Lê Thanh Nhị Nguyên liên quan vụ “tịnh thất Bồng Lai.” https://tuoitre.vn/khoi-to-bat-tam-giam-le-thanh-nhi-nguyen-lien-quan-vu-tinh-that-bong-lai-20220527114546194.htm
3. Luật Khoa. (2022c, May 21). Tôn giáo tháng 4/2022: Giáo hội Phật giáo Việt Nam không muốn minh bạch tiền công đức. https://www.luatkhoa.org/2022/05/ton-giao-thang-4-2022-giao-hoi-phat-giao-viet-nam-khong-muon-minh-bach-tien-cong-duc/#gia-han-tam-giam-doi-voi-ba-bi-can-trong-vu-viec-tinh-that-bong-lai-501bc805-fc12-472e-9891-d2c474381b8d
4. Tuổi Trẻ. (2022, May). Khởi tố, bắt tạm giam Lê Thanh Nhị Nguyên liên quan vụ “tịnh thất Bồng Lai.” https://web.archive.org/web/20220607040004/https://tuoitre.vn/khoi-to-bat-tam-giam-le-thanh-nhi-nguyen-lien-quan-vu-tinh-that-bong-lai-20220527114546194.htm
5. Báo Công an Thành phố Đà Nẵng. (2022, May 27). Quyết liệt đấu tranh xóa bỏ tà đạo Hà Mòn. https://cadn.com.vn/quyet-liet-dau-tranh-xoa-bo-ta-dao-ha-mon-post261582.html
6. VOV. (2022, May 26). Tà đạo Hà Mòn ở Kon Tum đã cơ bản bị xóa bỏ. https://vov.vn/xa-hoi/ta-dao-ha-mon-o-kon-tum-da-co-ban-bi-xoa-bo-post946425.vov
7. Luật Khoa. (2021, August 7). Tôn giáo tháng 7/2021: Chính quyền bàn về nguồn lực của tôn giáo trong lĩnh vực an sinh xã hội. https://www.luatkhoa.org/2021/08/ton-giao-thang-7-2021-chinh-quyen-ban-ve-nguon-luc-cua-ton-giao-trong-linh-vuc-an-sinh-xa-hoi/
8. Luật Khoa. (2020, October 10). Tôn giáo tháng 9/2020: Số phận của những Thánh thất Cao Đài độc lập. https://www.luatkhoa.org/2020/10/ton-giao-thang-chin-so-phan-cua-nhung-thanh-that-cao-dai-doc-lap/
9. Luật Khoa. (2020, July 3). Bản tin Tôn giáo tháng 3/2020: Triệt hại FULRO và tự do tôn giáo. https://www.luatkhoa.org/2020/07/ban-tin-ton-giao-thang-3-2020-triet-hai-fulro-va-tu-do-ton-giao/
10. Luật Khoa. (2020, July 15). Tôn giáo tháng 6: Tín đồ về từ rừng, tranh chấp đất đai, VN phản đối báo cáo của Mỹ. . .. https://www.luatkhoa.org/2020/07/ton-giao-thang-6-tin-do-ve-tu-rung-tranh-chap-dat-dai-vn-phan-doi-bao-cao-cua-my/
11. VOA Tiếng Việt. (2022, May 27). 15 tín đồ H’mong theo đạo Dương Văn Mình bị phạt hơn 38 năm tù. https://www.voatiengviet.com/a/muoi-nam-tin-do-hmong-theo-dao-duong-van-minh-bi-phat-hon-38-nam-tu/6592069.html
12. Luật Khoa. (2022, January). Tôn giáo tháng 12/2021: Ban Tôn giáo Chính phủ muốn định hướng cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam. https://www.luatkhoa.org/2022/01/ton-giao-thang-12-2021-ban-ton-giao-chinh-phu-muon-dinh-huong-cho-giao-hoi-phat-giao-viet-nam/
13. Báo Dân tộc - Tôn giáo. (2022, May). Kỳ cuối: Thực hiện chính sách, pháp luật về tự do tín ngưỡng, tôn giáo hiện nay và một số vấn đề đặt ra. https://web.archive.org/web/20220607034643/https://thanhtra.com.vn/dan-toc-ton-giao/ton-giao/ky-cuoi-thuc-hien-chinh-sach-phap-luat-ve-tu-do-tin-nguong-ton-giao-hien-nay-va-mot-so-van-de-dat-ra-196528.html
14. Hoa Đất Việt. (2022, May 31). Bố theo “tà đạo”, con trai chết oan vì không được cho đi viện. https://web.archive.org/save/https://hoadatviet.phunuvietnam.vn/bo-theo-ta-dao-con-trai-chet-oan-vi-khong-duoc-cho-di-vien-20220531153624224.htm