‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Không phân biệt được hành vi biểu đạt và hành vi ngôn luận là nỗi xấu hổ của nền tư pháp.
Phiên tòa xét xử vụ án Tịnh thất Bồng Lai đang thu hút nhiều sự quan tâm, và một trong các từ khóa ngốn nhiều phím gõ nhất của dư luận những ngày qua là ba chữ “ngu như bò”.
Việc các luật sư của bị cáo, bị hại lẫn kiểm sát viên tranh cãi với nhau liệu câu chửi thông dụng “ngu như bò”có phải là hành vi “lợi dụng các quyền tự do ngôn luận”, từ đó xâm phạm “quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, thật sự khiến những nhà nghiên cứu pháp luật hình sự nói chung và pháp luật so sánh nói riêng bất ngờ. Sau bất ngờ là nỗi xấu hổ, nhất là đặt trong bối cảnh Bộ luật Hình sự Việt Nam đã được ban hành nhiều thập niên qua.
Những cuộc tranh luận trong vụ án của Tịnh thất Bồng Lai ngớ ngẩn đến ngẩn ngơ. Chúng bàn về những nội dung như “ngu như bò” có được tính là một sự xúc phạm trong pháp luật hay không; rồi một vị luật sư phản biện theo kiểu bây giờ tôi nói Chúa “ngu như bò” thì có xúc phạm hay không.
Những kiểu tranh luận đó cho thấy một khoảng trống kinh hoàng trong tư duy triết học pháp luật Việt Nam.
Hệ thống tư pháp Việt Nam, đến thế kỷ 21, vẫn từ chối xây dựng các quy chuẩn rõ ràng và hợp lý để phân biệt giữa những câu chửi bới, xúc phạm đời thường với những biểu đạt nguy hiểm, có khả năng gây hại thật sự cho quyền và lợi ích của công dân.
Cho đến nay, dường như các nhà lập pháp Việt Nam, các cơ quan tư pháp Việt Nam, và hệ quả phụ là một phần giới luật sư trong nước vẫn không thể nào phân biệt được sự khác biệt giữa “hành vi biểu đạt” (expressive act) và “hành vi ngôn luận” (speech act).
Chửi bới, xúc phạm với tư cách là một hành vi biểu đạt không có tác dụng đưa ra thông tin, làm sai lệch thông tin, từ đó cũng không tạo ra những hệ quả mà một hệ thống pháp luật cần bảo vệ người dân tránh khỏi.
Những câu chửi như “địt mẹ mày”, “thằng ngu”, “đồ đầu đất”, hay trong trường hợp này là “ngu như bò”, đều là những hành vi biểu đạt không đưa rất kỳ cáo buộc trọn vẹn nào về nhân phẩm, sự thật liên quan đến một cá nhân hay tổ chức.
Vì vậy, nó không thể được xem là một hành vi ngôn luận, hay “hành vi giao tiếp” (communicative act) - những thứ là đối tượng điều chỉnh của pháp luật liên quan đến ngôn luận.
Nói theo ngôn ngữ của triết gia Joel Feinberg trong quyển “Offence to Others”, [1] những lời chửi nói trên (như “you are a son of a bitch” trong ví dụ ông đưa ra) chỉ là một tập hợp ngôn ngữ thể hiện sự tức giận và miệt thị tức thời dành cho một cá nhân, tổ chức.
Chúng không thể truyền tải bất kỳ thông điệp nào hoàn chỉnh, và vì vậy không thể gây hại cho quyền - lợi ích được pháp luật bảo vệ. Ông gọi chúng là “chửi bới thuần túy” (pure insults).
Tại Việt Nam, “ngu như bò” là kiểu miệt thị thuần túy, bình dân và phổ quát.
Ba mẹ chửi con cái. Thầy cô chửi học trò. Học trò chửi nhau. Người va chạm giao thông cự cãi. Đồng nghiệp trong công ty tranh chấp. Cùng vô số trường hợp khác.
Khẳng định những lời chửi bới thuần túy này có bất kỳ giá trị nào để được xem là một yếu tố cấu thành cho một tội danh của hệ thống pháp luật hình sự quốc gia là điều xấu hổ nhất về tư duy pháp lý mà tôi từng nghe.
***
Các tác giả Luật Khoa đã nhắc đi nhắc lại chủ đề này nhiều năm qua, từ các loạt bài nhiều kỳ cho đến những bài độc lập. [2] [3]
Những bài viết trên đã cố gắng giới thiệu, phân biệt và hệ thống hóa các khái niệm cơ bản trong pháp luật thế giới về ngôn luận như chửi thề, nói tục, xúc phạm, phỉ báng, bôi nhọ, phát ngôn thù hận, hay kích động lật đổ chính quyền. Tuy nhiên, những nỗ lực này chưa mang lại bao nhiêu tác dụng.
Sự mập mờ và thiếu quy chuẩn trong những quy định hình sự liên quan đến vấn đề ngôn luận tại Việt Nam, như rất nhiều nhà quan sát đã chỉ ra, quá có lợi cho các cơ quan thực thi pháp luật tại đây.
Và khi mà một xã hội còn bị ngăn cản, không thể đưa ra những giải pháp và quy chuẩn tư pháp nền tảng cho những vấn đề đơn giản như vậy, rất khó để chúng ta tạo ra những bước tiến căn bản nào về tư duy pháp lý, triết học pháp lý dân tộc và các kỹ thuật tư pháp khác.
Bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.
1. Feinberg. (1984). The moral limits of the criminal law: Offence to Others. Oxford University Press.
2. Võ Văn Quản. (2021, December 1). Luật pháp và ngôn luận – Kỳ 1: Trường hợp xúc phạm, phỉ báng, và bôi nhọ. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2020/08/luat-phap-va-ngon-luan-ky-1-truong-hop-xuc-pham-phi-bang-va-boi-nho
3. Lý Minh. (2020, August 15). Văng tục, chửi thề và tự do ngôn luận. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2020/08/vang-tuc-chui-the-va-tu-do-ngon-luan