‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Vì sao Tập Cận Bình muốn khôi phục hệ thống loa phường ở Trung Quốc?
“Xây dựng các giá trị xã hội chủ nghĩa cốt lõi là trách nhiệm chung của tất cả mọi người!”
“Không có Đảng Cộng sản, sẽ không có nước Trung Quốc mới!”
“Hãy trở thành một công dân văn minh và lịch sự.”
Đều đặn mỗi ngày lúc 7 giờ sáng, những chiếc loa phường phát ra các thông điệp như vậy, đập vào tai tất cả những ai ở trong vòng phủ âm của nó. [1] [2]
Nếu bạn sống ở một trong những vùng nông thôn của Trung Quốc, đó là thứ bạn nghe thấy mỗi buổi sáng, trưa, và chiều tối.
Hệ thống loa phường từng một thời là công cụ lẫn sản phẩm của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nó gần như được mai táng cùng với sự ra đi của Mao Trạch Đông, linh hồn trong những bản phát loa hàng ngày thời đó.
Để rồi vài thập niên sau, khi Tập Cận Bình lên ngôi, những biểu tượng của một thời cuồn cuộn xây dựng xã hội chủ nghĩa đang được dựng lại trên khắp các vùng nông thôn Trung Quốc.
Sau khi nước Trung Quốc mới được thành lập vào năm 1949, Mao Trạch Đông lãnh đạo cả đất nước tiến vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Hàng loạt các kế hoạch vĩ đại được đưa ra, điển hình như chính sách “Đại nhảy vọt”, với mục tiêu chỉ trong vài năm ngắn ngủi vượt mặt các cường quốc tư bản. [3]
Để thực hiện các kế hoạch này, Trung Quốc tiến hành tổng động viên toàn bộ xã hội (mass mobilization), [4] tổ chức hàng chục ngàn các công xã nhân dân thi đua sản xuất. [5]
Hệ thống loa phường đóng vai trò quan trọng trong công cuộc tổng động viên. Ngoài việc tuyên truyền các chính sách, nó còn được dùng như công cụ giám sát và thúc ép sản xuất.
Một bài viết của tờ Nhân Dân Nhật Báo vào năm 1959 tường thuật, [6] rằng khi công nhân của một lò luyện thép cam kết với người đứng đầu đảng ủy sẽ phấn đấu đạt kỷ lục mới, hệ thống loa phường của nơi đó lập tức phát đi thông tin: “Lò luyện số 16 cam kết tối nay sẽ phá kỷ lục, vượt thành tích của hôm qua! Hy vọng tất cả các bộ phận khác sẽ phối hợp.”
Ngược lại, những ai có năng suất kém, bị xem là lười biếng chểnh mảng cũng sẽ được xuất hiện trên loa, được nhắc nhở rằng mình đã yếu kém thế nào, ích kỷ ra sao. [7]
Chức năng quan trọng hơn cả của hệ thống loa phường thời kỳ này là tuyên truyền.
Năm 1965, tờ Nhân Dân Nhật Báo đăng bài bàn về vị trí thích hợp để đặt loa, làm sao để có thể phủ đến nhiều người nhất. Bài viết kết luận những chiếc loa phải được đặt ở vị trí tối ưu để “các xã viên nghe được tiếng của Mao Chủ tịch, nghe được tiếng bước chân mỗi ngày đi được ngàn dặm của tổ quốc”. [8]
Đất nước dưới thời Mao Trạch Đông đích thực đi được ngàn dặm mỗi ngày, và đều là những bước chân xuống hố.
“Đại nhảy vọt” dẫn đến nạn đói khiến hàng chục triệu người chết. [9] “Cách mạng văn hóa” sau đó đẩy cả đất nước vào cảnh hỗn loạn với những màn khủng bố từ nông thôn đến thành thị, khiến hàng triệu người khác thiệt mạng. [10] Trong thời kỳ khủng bố này, những chiếc loa phường tiếp tục đóng vai trò quan trọng, vừa có tác dụng đấu tố “kẻ thù của nhân dân”, vừa ca ngợi vai trò lãnh tụ vĩ đại của Mao. [11]
Chỉ đến khi Mao Trạch Đông chết đi, xã hội Trung Quốc mới dần hồi phục. Những chiếc loa phường tuyên truyền từ đó cũng dần biến mất khỏi đời sống người dân.
Khi Tập Cận Bình trở thành tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 2012, không nhiều người nghĩ văn hóa sùng bái lãnh tụ, cùng với những chiếc loa phường, sẽ quay trở lại.
Đến năm 2018, ít người còn nghi ngờ điều đó khi hiến pháp nước này bị sửa đổi, cho phép Tập nắm quyền trọn đời. [12]
Một năm sau, 2019, “Dự án loa phường nông thôn mới” (New Rural Loudspeaker Project) được ra mắt thử nghiệm ở Thạch Gia Trang thuộc tỉnh Hà Bắc. [13] Theo một báo cáo của tờ Hà Bắc Nhật Báo, đến cuối năm 2020, khoảng 300.000 ngôi làng tại 14 tỉnh ở Trung Quốc đã được loa phường phủ sóng. Trước đó vài năm, chính quyền đã khôi phục loa phường tại một số địa phương, nhưng chúng chỉ được sử dụng một cách giới hạn.
Năm 2019 cũng là thời điểm một ứng dụng mang tên “Học Tập Cường Quốc” (Xuexi Qiangguo) được cho ra đời. [14] Tên gọi của ứng dụng là một sự chơi chữ khéo léo, khi “học tập” có thể được hiểu là hành động học hỏi thông thường, hay trong trường hợp này là học theo Tập Chủ tịch. Đúng như tên gọi, các nội dung của ứng dụng phần lớn là tổng hợp từ các phát ngôn và bài viết của Tập Cận Bình. Đảng viên và công chức khắp nước bị yêu cầu không những cài đặt mà còn phải mở ứng dụng thường xuyên để “học tập”.
Việc bắt buộc cài đặt ứng dụng không vẫn chưa đủ. Các quan chức có kế hoạch sản xuất hàng trăm chương trình phát thanh, [15] với nội dung được xây dựng từ ứng dụng “học tập”, và từ đó phát trên hệ thống loa phường trải khắp nước, đảm bảo người dân nào cũng được ánh sáng tư tưởng của Tập Cận Bình chiếu rọi.
Các tờ báo nhà nước ngập tràn những phản hồi tích cực từ người dân về việc phục dựng loa phường.
Hoàn Cầu Thời Báo kể về một cán bộ lão thành nằm vật vờ trên giường bệnh, nhưng “ngay khi nghe thấy tiếng loa phường phát ra, ông ngồi bật dậy, quệt nước mắt và nói trong tiếng khóc, ‘nghe tiếng loa như nghe tiếng gọi của đảng!’’’. [16]
Hồ Nam Nhật Báo mô tả tiếng loa phường như “âm thanh của đảng vang vọng mãi, khiến dân làng nô nức với niềm hân hoan trong tim”, và “càng nghe tiếng loa phường, càng có nhiều năng lượng”. [17]
Chìm nghỉm trong những lời ca ngợi sự trở lại của loa phường là những tiếng than vãn của người dân về sự quấy nhiễu, phiền hà đến từ thứ âm thanh nhức óc mà họ không có cách nào tắt đi. [18]
“Nó cực kỳ bực bội, nhưng đây là chính sách của nhà nước, chúng tôi chẳng có chỗ nào để trốn”, một người dân nói.
1. MacLeod, C. U. T. (2014, June 21). USA TODAY. USAToday. https://www.usatoday.com/story/news/world/2014/06/20/china-loudspeakers-broadcast/10788549/
2. Qi, G. (2019, February 25). “Modern” Religious Tyranny: Return of Village Loudspeakers. Bitter Winter. https://bitterwinter.org/religious-tyranny-return-of-village-loudspeakers/
3. Y Chan. (2021, September 29). Hiệu ứng hổ mang – Kỳ 2: Thiếu tự do thông tin, rắn chuột mặc sức tàn phá. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2021/09/hieu-ung-ho-mang-ky-2-thieu-tu-do-thong-tin-ran-chuot-mac-suc-tan-pha/
4. Tsai, W. (1999). Mass Mobilization Campaigns in Mao’s China. American Journal of Chinese Studies, 6(1), 21–48. http://www.jstor.org/stable/44288599
5. Evans, D. (2005, June 18). Class conscious. South China Morning Post. https://www.scmp.com/article/505061/class-conscious
6. Speaking Loud for Xi Jinping – China Media Project. (2022, May 18). China Media Project. https://chinamediaproject.org/2022/05/18/speaking-loud-for-xi-jinping%EF%BF%BC/
7. Smith, G. (2019, March 6). Hail for the chief: loudspeakers return to China’s villages. The Interpreter. https://www.lowyinstitute.org/the-interpreter/hail-chief-loudspeakers-return-china-s-villages
8. Xem [6]
9. O’Neill, M. (2016, June 23). 45 million died in Mao’s Great Leap Forward, Hong Kong historian says in new book. South China Morning Post. https://www.scmp.com/article/723956/revisiting-calamitous-time
10. Phillips, T. (2017, November 29). The Cultural Revolution: all you need to know about China’s political convulsion. The Guardian. https://www.theguardian.com/world/2016/may/11/the-cultural-revolution-50-years-on-all-you-need-to-know-about-chinas-political-convulsion
11. Xem [6]
12. Ward, A., & Aleem, Z. (2018, February 26). China’s Xi Jinping is set to rule his country for life after constitution change. Vox. https://www.vox.com/world/2018/2/26/17053220/china-xi-jinping-constitution-thought-term
13. Xem [6]
14. The Dawn of the Little Red Phone – China Media Project. (2019, February 13). China Media Project. https://chinamediaproject.org/2019/02/13/the-dawn-of-the-little-red-phone/
15. Xem [6]
16. Xem [7]
17. Xem [1]
18. Xem [1]