Đọc ‘Chốn vắng’ của Dương Thu Hương
Dương Thu Hương là một trong những nhà văn nổi tiếng viết về chủ đề chiến tranh, đặc biệt là
Tôn giáo cản trở hay thúc đẩy dân chủ? Tùy tôn giáo và giá trị dân chủ nào.
Nhắc đến dân chủ, người ta thường nghĩ đến các đặc điểm như xã hội đa nguyên, chấp nhận sự khác biệt, tôn trọng nhân quyền, đối xử bình đẳng cùng cơ chế cân bằng, kiểm soát, và sẵn sàng thay thế quyền lực của lãnh đạo.
Những đặc điểm trên có vẻ không tương thích, thậm chí là trái ngược với ấn tượng thông thường về tôn giáo - tôn thờ một hệ giá trị độc nhất, sùng kính tuyệt đối các lãnh tụ, phân chia giai tầng trong nội bộ, phân biệt giữa người trong và ngoài đạo, đồng thời không mấy bận tâm các giá trị nhân quyền phổ quát.
Nếu là một người không theo bất kỳ tôn giáo nào, bạn gần như chắc chắn sẽ gật đầu đồng ý với luận điểm trên. Đó cũng là quan điểm phổ biến của nhiều học giả trên thế giới.
Tuy nhiên, thực tế đặt ra nhiều dấu hỏi cho lập luận này.
Nhiều quốc gia trên thế giới vừa có một nền dân chủ vững mạnh, vừa có các hoạt động tôn giáo đa dạng, phong phú và thu hút phần lớn người dân tham gia. Các học giả nổi tiếng như Alexis de Tocqueville và Max Weber từng lý giải vai trò quan trọng của Tin lành Kháng cách (Protestantism) trong việc hình thành và củng cố nền dân chủ ở Mỹ. Sự phát triển của nền dân chủ, ngược lại, đẩy mạnh quá trình dân chủ hóa của Thiên Chúa giáo (Christianity) tại nước này.
Đài Loan là một ví dụ khác cho mối duyên nợ giữa tôn giáo và nền dân chủ. Kể từ khi tiến hành dân chủ hóa từ thập niên 1990 đến nay, các tôn giáo tại nước này bùng nổ cả về chất lẫn lượng. Hoạt động tôn giáo không những không cản trở quá trình dân chủ hóa, mà tự bản thân nó là minh họa sinh động cho nền dân chủ.
Trong quyển “Religion and Democracy in Taiwan”, tác giả Cheng-Tian Kuo đã kỳ công ghi lại lịch sử phát triển của các tôn giáo tại quốc gia này, đồng thời trình bày các nghiên cứu định tính và định lượng để trả lời những câu hỏi quan trọng về mối quan hệ giữa tôn giáo, chính quyền và dân chủ.
Nhìn vào bức tranh xã hội hiện tại của Đài Loan, khó tưởng tượng được chỉ mới cách đây vài thập niên, các tổ chức tôn giáo ở nước này vẫn còn bị chính quyền đàn áp và kiểm soát theo những phương thức y khuôn như cách Việt Nam đang làm.
Cuốn sách mô tả quá trình chuyển đổi này. Nội dung sách được chia thành từng tôn giáo/ tổ chức tôn giáo, và với mỗi (tổ chức) tôn giáo, một lịch sử sinh động của nó lại được tái hiện.
Vào thời thiết quân luật, các hội nhóm tôn giáo lớn đều phải thành lập chi bộ đảng, nơi Quốc Dân Đảng cầm quyền vừa kiểm soát các hoạt động chính trị, vừa đảm bảo đưa người của mình vào đứng đầu các hội nhóm tôn giáo.
Ở các hội nhóm tôn giáo nhỏ hơn, lực lượng an ninh địa phương đóng vai trò giám sát, thường xuyên ập vào bất ngờ kiểm tra.
Những lãnh đạo tôn giáo có phát ngôn trái với đường lối của chính quyền bị kiểm soát đi lại, nhiều người còn bị bỏ tù.
Một số tôn giáo lớn, như Phật giáo, Đạo giáo và Khổng giáo, thành lập hiệp hội quản lý độc quyền trong cả nước. Không tổ chức tôn giáo nào được tự ý thành lập hiệp hội khác cạnh tranh với chúng.
Với các tôn giáo có nguồn lực mạnh và được sự ủng hộ từ bên ngoài như các nhóm Thiên Chúa giáo, chính quyền Quốc Dân Đảng lại tương đối nhân nhượng. Mỗi một nhánh Thiên Chúa giáo được thành lập hiệp hội riêng của mình. Luật về Quản lý Đền Chùa (Law Regulating Temples and Shrines) được dùng để kiểm soát và trừng phạt các lãnh đạo tôn giáo, nhưng luật này không áp dụng đối với Thiên Chúa giáo và các tôn giáo bản địa (folk religions). Một trong những lý giải là do các nhóm Thiên Chúa giáo có gốc gác và sự ủng hộ mạnh từ phương Tây, đặc biệt là Mỹ, và chính quyền Đài Loan không muốn làm phật ý các đồng minh thân cận của mình. Còn các nhóm tôn giáo bản địa thì quá nhỏ, không đáng để chính quyền bận tâm.
Nhìn chung, giống như mọi đoàn thể xã hội khác trong thời kỳ độc tài, các tôn giáo cũng phải chịu cảnh bị chính quyền nắm thóp từ trên xuống dưới.
Mọi thứ chỉ thay đổi khi thiết quân luật bị bãi bỏ vào năm 1987. Gần như ngay lập tức, các tôn giáo được gỡ khỏi xiềng xích và đua nhau phát triển. Các lãnh đạo chính quyền, giờ đây không chỉ là người của riêng một đảng, thi nhau kết nối với các tổ chức tôn giáo để tranh thủ sự ủng hộ của cử tri.
Mối quan hệ giữa các tổ chức tôn giáo và chính quyền Đài Loan đa dạng và phức tạp không kém những mối quan hệ giữa các thành phần khác trong xã hội.
Trong thời kỳ thiết quân luật, nhiều nhóm tôn giáo lựa chọn thái độ “isolationist” - tách rời khỏi chính trị. Họ tham gia tích cực vào mọi mặt của đời sống, ngoại trừ chuyện công khai thảo luận hay tham gia vào chính trị. Một số tổ chức Phật giáo, Khổng giáo và Đạo giáo còn hăng hái ủng hộ nhà cầm quyền, phản đối các phong trào đối lập.
Những nhóm tôn giáo truyền thống của Đài Loan, vốn phần lớn được du nhập từ Trung Quốc, có xu hướng ủng hộ một xã hội ổn định, hài hòa, và do đó dễ dàng chấp nhận sự cai trị của đảng cầm quyền, cho dù đó là thể chế độc tài. Nhiều lãnh tụ của các nhóm tôn giáo này thường xuyên diễn dịch lại các học thuyết của đạo mình để thuyết phục các tín đồ về tính chính danh của nhà cầm quyền.
Các lãnh tụ của Nhất Quán Đạo nhiều lần thuyết giảng rằng các lãnh đạo (được họ ủng hộ) có thể nắm quyền là do “ý trời”.
Nhiều nhà sư nổi danh, như Tinh Vân đại sư, cũng đứng về phía chính quyền, chỉ trích các nhóm đối lập.
Năm 1987, trước khi thiết quân luật bị bãi bỏ, Tinh Vân đã viết: “Chúng ta đang sống trong thời đại dân chủ. Chúng ta quan tâm đến nền chính trị dân chủ, nhưng chúng ta không cần các đảng phái đối lập. [...] Làm sao mà vài chính trị gia đối lập có thể phục vụ chúng ta tốt bằng hàng trăm ngàn đảng viên Quốc Dân Đảng được?”.
Sự ủng hộ của các nhóm tôn giáo dành cho chính quyền độc tài Đài Loan có thể được lý giải qua các điểm chung trong ý thức hệ, nhưng đồng thời đó cũng là chiến lược sinh tồn.
Nhà sư Tinh Vân đã từng hai lần bị chính quyền Quốc Dân Đảng bắt giam với cáo buộc gián điệp. Để tránh cảnh tù tội, ông đã gia nhập Quốc Dân Đảng và sau đó trở thành một nhân vật ủng hộ đắc lực cho chính quyền.
Các nhóm Thiên Chúa giáo có gốc gác và ảnh hưởng từ phương Tây, tuy được chính quyền độc tài Đài Loan nhân nhượng hơn, phần lớn cũng giữ thái độ cẩn trọng, không đả động đến chính trị.
Cá biệt có những nhóm như Tin lành Trưởng nhiệm (Presbyterian) lại công khai phản đối chế độ độc tài và ủng hộ nhiệt tình cho các nhóm đấu tranh đối lập. Số tổ chức tôn giáo cứng đầu như vậy không nhiều, nhưng cũng góp sức không nhỏ cho phong trào dân chủ hóa của Đài Loan.
Sau khi thiết quân luật được dỡ bỏ, các nhóm tôn giáo thể hiện các khuynh hướng chính trị đa dạng hơn hẳn.
Có nhóm trước kia ủng hộ Quốc Dân Đảng cầm quyền, nay quay sang ủng hộ các chính trị gia đối lập. Có nhóm thì các lãnh đạo tôn giáo bỏ phiếu cho một phe, các tín đồ lại bỏ phiếu cho phe khác. Có nhóm thì ủng hộ tất cả các đảng phái, tìm cách khuếch trương số lượng thành viên càng nhiều càng tốt. Lại có những nhóm giữ nguyên chủ trương đứng ngoài các cuộc đua chính trị.
Tác giả Cheng-Tian Kuo đưa ra hai yếu tố để đánh giá mối quan hệ giữa tôn giáo và dân chủ: “democratic theology” (thần học dân chủ) và “democratic ecclesiology” (thể chế giáo hội dân chủ).
Theo đó, một học thuyết tôn giáo chia sẻ các giá trị dân chủ như nhân quyền, bình đẳng và một thái độ độc lập trong mối quan hệ với nhà nước được gọi là “thần học dân chủ”. Ngoài ra, nếu một tôn giáo có cơ chế cân bằng, kiểm soát quyền lực của lãnh tụ, chia sẻ quyền lực giữa các chức sắc và tín đồ, đồng thời đảm bảo quyền tự chủ của các nhóm tôn giáo địa phương, tôn giáo đó được xem là có “thể chế giáo hội dân chủ”.
Hai lăng kính này giải thích được nhiều điều về mối quan hệ giữa tôn giáo với chính quyền và thể chế dân chủ.
Một tôn giáo có học thuyết đề cao sự thần phục, nhấn mạnh vào quyền lực và chân lý tuyệt đối sẽ có xu hướng dẫn dắt các tín đồ phục tùng nhà cầm quyền. Hoặc nếu một tôn giáo được tổ chức theo cách thức suy tôn lãnh tụ tối cao, xem trọng các chức sắc hơn tín đồ, và tước đi quyền tự chủ của các nhóm tôn giáo địa phương, dễ thấy cấu trúc tổ chức đó không có tính dân chủ, và dễ suy ra họ thường ủng hộ các thể chế độc tài.
Cho dù chỉ dùng hai yếu tố trên để xem xét, các tôn giáo ở Đài Loan cũng đã muôn sắc muôn màu.
Có nhóm như Tin lành Trưởng nhiệm, vừa có học thuyết lẫn thể chế tương đối dân chủ (so với các tôn giáo khác), nên không ngần ngại đối đầu với chính quyền độc tài. Lại có tổ chức Phật giáo như Trung Đài Thiền Tự (Chung Tai Chan Monastery), theo quan sát của tác giả, truyền bá học thuyết mang nhiều giá trị dân chủ, nhưng cách vận hành giáo hội thì đi ngược lại với những gì rao giảng. Và có những tổ chức tôn giáo như Nhất Quán Đạo (một tôn giáo tổng hợp của Khổng giáo, Phật giáo, Đạo giáo và cả Thiên Chúa giáo lẫn Hồi giáo), nơi mà học thuyết được diễn giải theo nhiều cách khác nhau, tùy vào mỗi đời lãnh tụ, từ đó sinh ra việc lúc thì ủng hộ lãnh đạo/ đảng phái này, khi thì khẳng định lãnh đạo/ đảng phái khác mới đúng là “mệnh trời”.
Cuốn sách của Cheng-Tian Kuo là một bản ghi chép vô cùng tỉ mỉ về các tổ chức tôn giáo lớn nhỏ của Đài Loan. Đọc sách, ta không chỉ hiểu thêm về xã hội và con người nước này - nơi có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam - mà còn chứng kiến được cách một xã hội chuyển mình, từ độc tài sang dân chủ.
Các tôn giáo trong thể chế dân chủ là một bức tranh phức tạp, nhiều lúc hỗn loạn. Mối quan hệ của nó với nền dân chủ cũng không phải một đường thẳng với một mũi tên nhân quả giản đơn. Nó đa chiều và thú vị như chính cách thế giới thực vận hành.
Ghi chú: Bài viết được cập nhật vào lúc 11.30pm GMT+7, sửa tiêu đề trong ảnh, từ “Đại diện của Quốc Dân Đảng tập hợp trước chùa Long Sơn, Đài Bắc vào tháng 12/2012 […]” thành “Đại diện của Dân Tiến Đảng”.
Bạn có thể mua quyển “Religion and Democracy in Taiwan” bản tiếng Anh tại đây. Luật Khoa được hưởng chiết khấu nếu bạn mua sách từ link của Amazon theo chương trình Amazon Associates.
Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần.
Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây. Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.