Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Mặt trái của một phẩm chất nghe rất thành công.
Thời mới ra trường, tôi nhớ mình hay mô tả trong các bản CV xin việc rằng mình là người “cầu toàn”. Tôi nói ra hai chữ đó với một niềm tự hào – tất nhiên, người ta chỉ viết vào CV những điều mà họ nghĩ là hay. Sống lâu thêm một chút thì tôi nhận ra, thói quen suy nghĩ rằng việc-gì-cũng-phải hoàn-hảo-thì-mới-được không hề tốt chút nào. Nó còn có thể có hại, cho cả chất lượng công việc lẫn chất lượng cuộc sống.
Từng là một trong những phẩm chất được gắn liền với sự thành công, tính cầu toàn – hay mức độ cao hơn của từ này là chủ nghĩa hoàn hảo (perfectionism) – đang phải trải qua một cuộc xét lại gay gắt. Brené Brown là một trong những người dẫn đầu trào lưu này. Trong cuốn sách nổi tiếng “Daring Greatly: How the Courage to be Vulnerable Transforms the Way We Live, Love, Parent and Lead”, Tiến sĩ Brown gọi chủ nghĩa hoàn hảo là một hệ thống niềm tin có tính chất hủy hoại bản thân (self-destruction) và gây nghiện. Đó quả là một lời kết tội nặng nề đối với những người tự hào về tính cầu toàn của mình (như tôi).
Hãy nói một chút về thuật ngữ. Brené Brown làm rõ rằng theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo thì khác với những nỗ lực để đạt đến sự xuất sắc, cũng không liên quan đến việc cải thiện bản thân. Chủ nghĩa hoàn hảo ở đây về căn bản là sự cố gắng để được công nhận và tin rằng chỉ khi nào mình làm mọi thứ một cách hoàn hảo thì bản thân mới có giá trị.
Bạn có thể đang chất vấn cách tôi liên hệ giữa sự cầu toàn (tích cực) và chủ nghĩa hoàn hảo (theo hướng tiêu cực – tạm gọi là “bệnh hoàn hảo”), vì như Brown giải thích thì cầu toàn nghe chẳng có vẻ gì là sai. Người nào làm ăn nghiêm túc mà lại không muốn những thứ mình làm đạt được kết quả tốt nhất có thể? Đồng ý là thế, nhưng đây là câu chuyện về mức độ – mọi thứ trở thành vấn đề khi nó trở nên quá mức. Trong khi đó, nếu chỉ dùng một từ ngữ để mô tả thì khả năng cao chúng ta sẽ không phản ánh đúng mức độ của vấn đề. Vậy, nếu bạn đang băn khoăn không biết mình đang cầu toàn tích cực hay cầu toàn tiêu cực, thì có thể những thứ tôi viết bên dưới vẫn sẽ có ích.
Hai khái niệm trên có thể rất gần nhau. Hãy thử xem các triệu chứng của người mắc “bệnh hoàn hảo” mà Brown nêu ra:
Tính cầu toàn quá mức có tương quan với các bệnh tâm lý như trầm cảm hay rối loạn lo âu. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh chuyện này, và đó là một trong những luận điểm mạnh nhất để chống lại sự hoàn hảo. [1] Nếu gõ từ khóa “perfectionism”, thứ bạn tìm thấy khả năng cao sẽ là về mặt trái của chuyện này và cách để đừng hoàn hảo quá. [2][3]
Luận điểm thứ hai chống lại chủ nghĩa hoàn hảo là nó ngăn trở người ta sống chân thành. Brené Brown gọi cách sống thật đó là “vulnerability”. Với bà, sống như vậy là toàn tâm, và đó là cách sống trọn vẹn nhất.
Tôi gặp khó khăn khi tìm từ tương đương của “vulnerability” trong tiếng Việt. Bài thuyết trình của Brené Brown về khái niệm này đã nổi tiếng từ những năm 2010, trở thành một trong những bài nói chuyện được nghe nhiều nhất trong lịch sử TED Talk. [4] Nó mang tên “The Power of Vulnerability”, và được dịch thành “Sức mạnh của sự tổn thương”. Trong bản dịch những cuốn sách của bà, người ta cũng dịch “vulnerability” thành “tổn thương”, nhưng chỉ thế thôi thì chưa diễn tả được tinh thần của khái niệm này. “Dám bị tổn thương” là một diễn giải gần hơn, vì để sống thật với bản thân, chấp nhận những khiếm khuyết của bản thân và ngưng che đậy nó bằng một vỏ bọc hoàn hảo, người ta cần bản lĩnh.
Cả tên cuốn sách này cũng là một ca dịch khó: “Daring Greatly” được dịch thành “Sự liều lĩnh vĩ đại”. Tôi thấy thế nghe rất xa đề. Đây đâu phải ôm bom cảm tử đâu. Đây chỉ là dám sống thật lòng, không giấu diếm. Mà cũng có thể sau khi nghe Brown bóc tách những lớp lang của việc dám bị tổn thương trong một xã hội luôn đòi hỏi quá nhiều, bạn lại thấy chỉ việc trải lòng mình ra thôi cũng đã là nguy hiểm. Bị phán xét, bị từ chối, bị chỉ trích, chịu đựng sự hổ thẹn, hoặc cảm thấy rằng mình không đủ tốt cũng có tính hủy hoại không khác gì những tổn thương bên ngoài cơ thể.
Brené Brown cho rằng sự hoàn hảo mang tính hủy hoại là vì đó là một mục tiêu không thể đạt được, và gây nghiện là vì chúng ta càng bị xấu hổ thì lại càng cho rằng đó là do mình không đủ tốt và cố gắng để lần sau hoàn hảo hơn.
Trong cuốn sách “Daring Greatly”, bà kêu gọi chúng ta đừng cố sống hoàn hảo nữa. Để làm vậy, bà nghĩ rằng cần hiểu về sự hổ thẹn (shame) và chuyển hóa nó thành những cảm xúc tích cực hơn. Đây là một trong những kết quả của bảy năm nghiên cứu về lòng can đảm, sự tổn thương, sự xấu hổ – những phạm trù rất vi tế của tâm lý con người. Brown nghiên cứu về chúng bằng việc phỏng vấn hàng trăm người và lắng nghe từ họ những câu chuyện thầm kín nhất. Hành trình đó cũng đã thay đổi cách sống của chính bà.
Brown gọi mình là “a recovering perfectionist” (người mắc bệnh hoàn hảo đang hồi phục) và bây giờ là “an aspiring good-enough-ist” (một người hăm hở học cách biết đủ). Bà nêu ra một vài câu “thần chú” đã giúp bà thực hành việc ngưng cầu-toàn. Tôi xin dùng chúng để kết thúc bài viết này. (Ngoài ra, tôi nghĩ rằng “Daring Greatly” có thể dịch thành “Mạnh dạn sống”.)
Đi bộ hai mươi phút thôi thì vẫn tốt hơn lên kế hoạch chạy bộ 10 cây số rồi không bao giờ làm.
Cuốn sách dù không hoàn hảo nhưng được xuất bản thì vẫn tốt hơn cuốn sách hoàn hảo mà viết mãi không xong.
Sự hoàn hảo là kẻ thù của sự hoàn tất.
Đủ tốt là đã quá tốt rồi.
Ở đâu cũng có một khe nứt – đó là nơi ánh sáng chiếu vào.
(Câu cuối cùng là lời trong một bài hát của Leonard Cohen. Nguyên văn: There’s a crack in everything. That’s how light gets in.)
Bạn có thể mua quyển “Daring Greatly“ bản tiếng Anh tại đây. Luật Khoa được hưởng chiết khấu nếu bạn mua sách từ link của Amazon theo chương trình Amazon Associates.
Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần.
Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây. Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.
1. Sandoiu, A. (2018, October 12). How perfectionism affects your (mental) health. Medical News Today. https://www.medicalnewstoday.com/articles/323323#How-perfectionism-affects-our-overall-health
2. Ruggeri, A. (2018). The dangerous downsides of perfectionism. BBC Future. https://www.bbc.com/future/article/20180219-toxic-perfectionism-is-on-the-rise
3. How to Manage Your Perfectionism. (2019, November 26). Harvard Business Review. https://hbr.org/2019/04/how-to-manage-your-perfectionism
4. Brown, B. (2010, December 23). The power of vulnerability. TED Talks. https://www.ted.com/talks/brene_brown_the_power_of_vulnerability?language=en