Thư cuối tuần - 24/11/2024
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Giới thiệu một bộ sách triết xuất sắc dành cho trẻ em.
Khi nói đến sách mang tính giáo dục cho trẻ em, người ta hay nghĩ rằng cần kể chuyện, những câu chuyện lồng thông điệp. Ai cũng nghĩ vậy, nhưng thực tế thì lại không có nhiều cuốn sách thực sự kể chuyện hay. Quá dễ để kể những câu chuyện lồng ghép thông điệp rồi sau đó lại hỏi “qua câu chuyện này chúng ta rút ra được bài học gì”. Quá khó để kể những câu chuyện thực sự thu hút trẻ con và khiến chúng suy nghĩ. Với chủ đề triết học, chuyện này lại càng khó.
Theo nghĩa đó, tôi muốn giới thiệu trong bài này một bộ sách hiếm có. Đó là bộ sách Nhập môn Triết học, gồm hai cuốn “Tư duy như một nhà thông thái” và “Tư duy như một triết gia”. Sách được dịch từ nguyên bản tiếng Pháp của Sophie Boizard và Laurent Audouin. NXB Kim Đồng ra mắt bản tiếng Việt năm 2016, in màu trên giấy láng, biên tập chỉn chu, với hình vẽ minh hoạ đặc sắc.
Các mẩu chuyện trong hai cuốn sách này thực sự rất xuất sắc, đặc biệt là cuốn “Tư duy như một triết gia”. Mỗi mẩu chuyện được dùng để giới thiệu một ý tưởng triết học, thể hiện qua một phát biểu của một triết gia nổi tiếng. Hãy thử đọc mẩu chuyện giải thích câu nói nổi tiếng “Tôi tư duy nên tôi tồn tại” của Descartes.
“Joséphine giật mình choàng tỉnh. Cô bé vừa mơ thấy một ác mộng kinh hoàng: nhà cô bị cháy. ‘Cứu, cứu cháu với, mau lên, gọi cứu hoả mau lên!’. Cô kêu cứu qua cửa sổ. May sao, đó chỉ là ác mộng. Nhưng nó lại làm Joséphine băn khoăn. Các hình ảnh trong mơ cứ rõ mồn một. ‘Thế nhỡ cuộc sống của mình chỉ là một ảo ảnh hay một giấc mơ thì sao?’ Cô thắc mắc. ‘Làm sao biết được là mình đang ngủ hay đang thức đây?’.
Vùi đầu vào gối, Joséphine đâm ra nghi ngờ tất cả: cô thực sự đang nằm trên giường hay đang đứng ngoài cửa sổ gọi cứu hoả? Cô tồn tại thật hay chỉ là một nhân vật trong mơ? Câu hỏi thứ hai làm đầu óc cô bé quay cuồng. ‘Thử nghĩ xem nào, chắc chắn phải có thứ mình không thể nghi ngờ chứ, cô tự nhủ. A, đây rồi! Có, mình chắc như đinh đóng cột một điều, đó là mình suy nghĩ, bởi kể cả mình có tự bắt mình nghĩ rằng mình đang không nghĩ, thì mình vẫn cứ đang nghĩ. Mà nếu mình đang nghĩ, thì rõ ràng là mình tồn tại rồi’.”
Những người từng xoắn não với mệnh đề triết học của Descartes chắc chắn sẽ khâm phục sự khúc chiết của mẩu chuyện phía trên. Và thế là bạn thẩm thấu được một trong những phát biểu quan trọng nhất trong lịch sử triết học một cách ngon lành – như nhai kẹo lạc.
Cuốn “Tư duy như một triết gia” có 37 viên kẹo lạc như vậy, xuất phát từ 37 câu nói kinh điển được phát triển thành những cuộc trò chuyện của hai bạn nhỏ-triết gia là Joséphine và Léo. Sách có sáu phần:
– Tư duy nữa, tư duy mãi
– Con người, động vật kỳ lạ
– Sống cùng nhau như thế nào
– Thời gian trôi
– Mưu cầu hạnh phúc
– Hộp ý tưởng
Cuối sách còn có phần tiểu sử vắn tắt của các triết gia được đề cập, cùng với số trang mà họ xuất hiện – một kiểu chỉ mục (index). Tôi cũng đặc biệt ấn tượng với phần này. Nó cho thấy một lối làm sách có tâm, nghiêm cẩn và khoa học.
Điều đáng tiếc là tôi không còn thấy ở đâu bán bản tiếng Việt của bộ sách này nữa. Năm 2016, chúng được xuất bản trong khuôn khổ Những ngày văn học châu Âu ở Việt Nam. Tôi gặp chúng tại một quầy sách giảm giá ở một hội sách nào đó tôi không còn nhớ rõ, và chúng luôn nằm trong bộ sưu tập những quyển sách quý giá nhất của tôi (đây không phải lần đầu tiên tôi tìm được sách triết quý ở những quầy sách giảm giá kịch sàn).
Bạn đọc nếu quan tâm vẫn có thể tìm thấy các bản trôi nổi trên các diễn đàn, hoặc nếu đọc được tiếng Pháp, bạn có thể mua sách trên Amazon. Tựa sách tiếng Pháp tôi thấy nghe đáng yêu hơn: “Les grands philosophes parlent aux petits philosophes”, tạm dịch là “Những triết gia lớn nói chuyện với những triết gia nhí”.
Triết gia, theo định nghĩa trong cuốn sách mà Joséphine và Léo nhặt được của thầy giáo đánh rơi trên đường, là người không ngừng ngạc nhiên về mọi thứ. Nếu thực là vậy, đứa trẻ nào cũng đã từng là triết gia – cho đến khi bố mẹ chúng mắng là thôi đi đừng có hỏi linh tinh nữa.
Với gánh nặng cơm áo và kỳ vọng xã hội trên vai, người lớn chúng ta càng lớn tuổi lại càng thu hẹp không gian tư duy của mình. Từ đó, ta bèn sinh ra cái suy nghĩ rằng trẻ con không biết gì, không thể hiểu nổi những thứ trừu tượng (mà chúng ta cũng không hiểu). Nào phải vậy, chỉ cần dành thời gian nói chuyện với một đứa trẻ ba tuổi bất kỳ là nhận ra ngay.
Những mẩu chuyện gợi mở dịu dàng và đầy chất xám trong hai cuốn sách này có lẽ có thể đánh thức cả đứa trẻ-triết gia bị đè nén bên trong các phụ huynh. Bằng cách ấy, họ có thể cùng đi với trẻ trên hành trình khám phá bản thân và thế giới.
Bạn có thể mua quyển “Les grands philosophes parlent aux petits philosophes” bản tiếng Pháp tại đây. Luật Khoa được hưởng chiết khấu nếu bạn mua sách từ link của Amazon theo chương trình Amazon Associates.
Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.
Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.