Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Vào tháng 4/2022, một nhà sư tại tỉnh Vĩnh Long bị tuyên án tù chung thân vì chủ mưu lừa đảo gần 68 tỷ đồng khi còn là trụ trì một ngôi chùa của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN). [1]
Đến tháng 7/2022, một nhà sư khác - giữ giáo phẩm thượng tọa của GHPGVN - thừa nhận đã cầm 400.000 đô-la để chạy án cho giám đốc Bệnh viện thành phố Thủ Đức. [2]
Tuy nhiên, những bê bối của các nhà sư thuộc GHPGVN không dừng lại ở vấn đề về tham nhũng, lừa đảo.
Vào tối ngày 11/12/2021, người dân phát hiện một xác chết dạt vào bờ sông Thạch Hãn, tỉnh Quảng Trị. Công an xác định người xấu số đã bị sát hại trước khi bị ném xuống sông. Một ngày sau, hai nghi phạm bị bắt giữ, trong đó có một nhà sư của Giáo hội Phật giáo Việt Nam bị cho là đã trực tiếp giết người. [3]
Sau 41 năm thành lập, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có khoảng 54.000 tăng, ni với hơn 20.000 cơ sở. [4] Tuy nhiên, những con số hào nhoáng ấy lại khiến thanh thế của giáo hội ngày càng đi xuống khi xã hội liên tiếp chứng kiến những nhà sư hư hỏng.
Điều gì đã khiến truyền thống hàng nghìn năm của Phật giáo Việt Nam cho ra đời những nhà sư biến chất như thế?
Trong Phật giáo, người xuất gia hay cư sĩ phải tu tập để không bị vướng vào tam độc (tham, sân, si) nhằm được giải thoát, tìm thấy hạnh phúc của mình. Nghịch lý thay, các nhà sư của GHPGVN ngày càng bị dán nhãn là ham mê vật chất.
Đạo Phật cho rằng sự ham mê vật chất sẽ khiến con người mất đi sự tự chủ của mình. Vật chất trở thành tha lực dẫn con người đi từ lầm lạc này đến lầm lạc khác. Người càng ham mê vật chất sẽ sinh ra những tâm tính bất thiện nhằm đạt được cái ham muốn của mình.
Một nhà sư giữ giáo phẩm thượng tọa nếu không vì ham mê vật chất sẽ không khởi lên lòng tham để cầm lấy 400.000 đô-la để chạy án, dẫn đến con đường tu hành hơn 20 năm của mình phải chấm dứt.
Trong Lá thư Làng Mai số 30 năm 2007, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã nói về thực trạng của các nhà sư trong nước: “Bây giờ, tu học được coi như một sinh hoạt mê tín. Những người xuất gia, đại diện cho cái nền văn minh đạo đức ngày xưa đó, được coi như là những người đang làm ăn, như đang có một ‘cái nghề’, nên cái tối đa họ làm được chỉ là những ngôi chùa lớn, hay một chức vụ nào đó trong giáo hội”. [5]
Ngày nay, các nhà sư của giáo hội đã đi xa hơn những gì mà thiền sư Thích Nhất Hạnh nhận định. GHPGVN đang cung cấp dịch vụ hợp thức hóa tính linh thiêng của hàng loạt khu du lịch tâm linh dọc ngang đất nước.
Sau khi các khu du lịch tâm linh được xây dựng, chính quyền và doanh nghiệp đưa các nhà sư của giáo hội vào quản lý các ngôi chùa, tổ chức các lễ hội không đúng theo truyền thống tu tập của đạo Phật nhằm thu hút khách tham quan để kiếm tiền công đức.
Những ngôi chùa to lớn mang lại nguồn lợi khổng lồ như vậy không chỉ tự nhiên rơi vào tay các nhà sư. Bằng cách nào đó, một nhà sư sẽ được giao quản lý một ngôi chùa như vậy, và đương nhiên phải có những thỏa thuận có lợi cho hai bên. Bên có quyền lực hơn sẽ kiểm soát bên còn lại. Như vậy, các nhà sư không giữ được vị thế độc lập của mình, hoạt động của họ bị dễ lệch lạc do tác động từ chính quyền.
“Sư quốc doanh” đã trở thành câu cửa miệng của người dân khi nhắc đến những nhà sư bắt tay chặt chẽ với chính quyền để kiếm lợi.
Cư sĩ Minh Mẫn vào năm 2008 đã nêu lên thực trạng các nhà sư của giáo hội quá khắng khít với chính quyền: “Đa số các vị trong Ban Tôn giáo [Chính phủ] các cấp liên kết với các thành phần dễ bảo và tha hóa trong Giáo Hội [Phật giáo Việt Nam]. Những thành phần đó lại dựa vào Ban Tôn giáo để lũng đoạn Ban Trị sự Giáo Hội, mưu lợi dưới mọi hình thức để bảo vệ vị thế nên họ lót tay cho các quan chức và các cơ quan liên hệ trực tiếp với Ban Tôn giáo, trở thành một gắn bó nguy hại cho chính sách của nhà nước, làm suy giảm tiềm lực của Phật giáo”. [6]
Hiện nay, không có lằn ranh nào giữa tôn giáo và chính trị. Chính quyền lợi dụng các nhà sư để kiểm soát xã hội, trở thành cái loa tuyên truyền cho chính quyền. Các nhà sư dựa vào chính quyền để kiếm lợi.
Sự can thiệp của chính quyền không chỉ bắt đầu từ những năm gần đây hay sau năm 1975, nó đã bắt đầu lâu hơn thế.
Cho đến nay, Phật giáo Việt Nam đã trải qua một số lần thống nhất nhưng vẫn chưa có một giáo hội độc lập khỏi chính trị, thật sự đoàn kết, và đủ thời gian trưởng thành để phát triển Phật giáo.
Năm 1951, các nhà sư ba miền đã họp tại Huế để lần đầu tiên trong lịch sử thống nhất Phật giáo cả nước. Tổng hội Phật giáo được thành lập. Trước đó, Phật giáo Việt Nam hoạt động theo hình thức sơn môn, tổ đình rồi đến hình thức các hội đoàn Phật giáo. [7]
Tuy nhiên, không lâu sau, chiến sự nổ ra, hai miền Nam-Bắc bị chia cắt. Một số nhà sư có uy tín lớn và số đông Phật tử chọn ở lại miền Bắc. Quyết định đó đã gây tổn thất lớn cho đạo Phật. Chính quyền mới ở miền Bắc đã bức hại Phật giáo, cấm cản các hoạt động, tịch thu hàng loạt đất đai, cơ sở, [8] không cho người trẻ xuất gia, [9] v.v. Mãi cho đến 30 năm sau, vào năm 1984, miền Bắc mới có một trường đại học Phật giáo. [10]
Ở miền Nam, Phật giáo có cơ hội phát triển. Đầu năm 1964, sau cuộc nổi dậy chống chính sách phân biệt đối xử đối với đạo Phật, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) được thành lập tại miền Nam. Tuy nhiên, rất nhanh sau đó, các nhà sư lại bị chia rẽ thành hai khối đối lập nhau. Mặt khác, chiến tranh cũng đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động Phật giáo.
Sau năm 1975, Phật giáo miền Nam cũng rơi vào tăm tối. Hoạt động tôn giáo bị đình trệ. Hoạt động phúc lợi xã hội của Phật giáo bị xóa sổ hoàn toàn. Một phần các nhà sư, cư sĩ đã ra nước ngoài tị nạn. Các nhà sư ở lại tiếp tục chịu sự bức hại của chính quyền, nhiều tăng, ni đã tự thiêu để phản đối chính sách đàn áp tôn giáo. [11]
Năm 1981, nhà nước cho thành lập GHPGVN như một cuộc thanh lọc chính thức các nhà sư miền Nam. Những nhà sư chấp nhận sự sai khiến của chính quyền đã gia nhập giáo hội này. Nhiều ngôi chùa, cơ sở của GHPGVNTN rơi vào tay của giáo hội mới.
GHPGVN ra đời năm 1981 đã hạn chế sự phát triển đáng kể của Phật giáo.
Cốt lõi của việc thống nhất Phật giáo Việt Nam từ buổi đầu xuất phát từ nhu cầu phải phát triển Phật giáo một cách có tổ chức, tức là hoạt động theo mô hình của đạo Thiên Chúa.
Ví dụ, trong Hiến chương năm 1964 của GHPGVNTN, đơn vị cơ sở của giáo hội được thiết lập là xã hoặc phường tương ứng với đơn vị giáo xứ của đạo Thiên Chúa. [12]
Tuy nhiên, từ khi GHPGVN thành lập năm 1981 cho đến tận ngày hôm nay, nhà nước đã trói chân các nhà sư vào chùa, tổ đình, tịnh xá, thiền viện, tu viện, tịnh viện, tịnh thất và niệm Phật đường. [13] Phạm vi hoạt động của đạo Phật đã bị giới hạn một cách đáng kể.
Về khía cạnh đào tạo tăng, ni, các cơ sở đào tạo Phật giáo ở miền Nam bị xóa sổ hoàn toàn sau năm 1975. Cho đến năm 1984, sau khi thành lập GHPGVN, cơ sở đào tạo đầu tiên ở miền Nam mới được mở tại TP. Hồ Chí Minh. [14]
Năm 1994, một cuộc xung đột lớn giữa các nhà sư đã xảy ra tại Trường Trung cấp Phật học Thừa Thiên - Huế. Một số nhà sư đã phản đối chính sách tuyển sinh phân biệt đối xử và tuyên truyền chính trị của chính quyền. [15]
Do đó, phần lớn các nhà sư của GHPGVN hiện nay thuộc thế hệ mới, được đào tạo trong khuôn khổ kiểm soát của nhà nước và đã quen dần với sự kiểm soát của nhà nước trong nhiều thập kỷ.
Gần đây, Ban Tôn giáo Chính phủ đã bắt buộc các cơ sở đào tạo tôn giáo phải dạy hai môn lịch sử Việt Nam và pháp luật Việt Nam theo giáo trình của chính quyền. [16]
Kiểm soát các giáo hội luôn là mục tiêu của chính quyền. Chính quyền coi các tôn giáo là con dao hai lưỡi, có thể giúp chính quyền ổn định xã hội nhưng cũng có thể hô hào người dân chống lại chính quyền.
Một bộ phận chức sắc trong các tôn giáo đều duy trì mức độ hợp tác nhất định với chính quyền. Tuy nhiên, các nhà sư của GHPGVN tỏ ra sẵn lòng nhất. Họ không ngần ngại công khai sự hợp tác của mình với chính quyền.
Vào tháng 12/2021, Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết sẽ giúp GHPGVN định hướng lại đường lối hoạt động. [17] Đến tháng 7/2022, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, phát biểu rằng giáo hội muốn Bộ Nội vụ và Ban Tôn giáo Chính phủ tiếp tục giúp đỡ chỉnh sửa hiến chương của giáo hội. [18]
Nếu không đủ tiềm lực, sự can đảm, tôn giáo dưới các thể chế chuyên chế rất khó có được sự độc lập. Ở đó, các chức sắc tôn giáo có hai lựa chọn, một là chịu sự kiểm soát của chính quyền và nhận về đặc quyền cho bản thân, hai là chịu sự đàn áp nặng nề.
Trung Quốc là trường hợp rất giống với Việt Nam, các nhà sư chọn cách hợp tác với chính quyền và dẫn đến kết cục tạo ra các nhà sư hư hỏng như Việt Nam.
Nhiều thập kỷ qua, Phật giáo Trung Quốc đã liên tục dính líu đến các vụ bê bối, nhà sư trở thành cánh tay của nhà nước, đạo Phật bị thương mại hóa, đánh mất vị thế của mìn trong cộng đồng Phật giáo - khi không có lấy một nhà sư uy tín với thế giới như Đài Loan, Nhật Bản hay các nhà sư lưu vong của Tây Tạng.
Trung Quốc là một ví dụ nữa cho thấy đạo Phật không thể phát triển dưới chủ nghĩa cộng sản.
Chính quyền cộng sản sẽ không bao giờ để người dân được tiếp xúc, thực hành đúng chánh pháp của đạo Phật. Giáo lý của đạo Phật không tương thích với chủ nghĩa cộng sản, gây cản trở cho thể chế độc tài.
Năm 1956, trong bài viết “Phật giáo với tinh thần dân chủ” trên Nguyệt san Phật giáo Việt Nam (số 3), cơ quan của Tổng hội Phật giáo Việt Nam, Dã Thảo đã cho rằng đạo Phật là “nền tín ngưỡng căn bản cho sự xây dựng một xã hội dân chủ”. [19]
Theo Dã Thảo, cốt lõi của đạo Phật là thuyết duyên sinh hay nhân duyên, hiểu ngắn gọn là mọi sự việc trong xã hội có tốt đẹp hay xấu xa đều do con người, “thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp cùng kiến tạo nên xã hội", lý thuyết này đưa người ta đến việc “không phải nép phục dưới thần linh mà trái lại thấy rằng mình có trách nhiệm hoàn toàn về hạnh phúc của chính mình”.
Tuy nhiên, đạo Phật ở Việt Nam lại gieo rắc vào đầu công chúng là cần phải cúng dường để hóa giải nghiệp của mình. Thay vì trở thành một người gây dựng ý thức hành động cho công chúng, thì các nhà sư của GHPGVN lại tạo điều kiện cho các hoạt động mê tín, thụ động.
Chuyện này có lợi cho việc cai trị của chính quyền. Một đạo Phật tạo dựng được những Phật tử biết đòi hỏi, sẵn sàng tranh đấu cho quyền lợi của mình như trước năm 1975, sẽ là một điều bất lợi lớn cho chính quyền chuyên chế của Việt Nam hiện nay.
Ở một ngóc ngách nào đó, chúng ta vẫn có thể còn những nhà sư chân chính, biết gìn giữ chánh pháp, không tha hóa trước quyền lợi vật chất.
Tuy nhiên, những nhà sư như thế không thể tạo ra thay đổi tích cực đối với đạo Phật nói chung vì lãnh đạo của GHPGVN lại là những người bị ảnh hưởng từ chính quyền, được chính quyền lựa chọn.
Vào tháng 4/2021, Hòa thượng Thích Gia Quang - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN - khẳng định trên Tạp chí Tuyên Giáo: “GHPGVN cùng tăng, ni, phật tử luôn luôn gắn bó với dân tộc trong mọi hoạt động xã hội, thực hiện tốt phương châm Dân tộc - Đạo pháp - CNXH [Chủ nghĩa Xã hội]”. [20]
Trong năm 2022, các bạn trị sự của GHPGVN ở các tỉnh, thành sẽ tổ chức bầu lại nhân sự tiến đến Đại hội Phật giáo Toàn quốc vào cuối tháng 11. Tuy nhiên, việc bầu cử khó mà diễn ra độc lập.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vào tháng 8/2022 đã công khai nhắc nhở: “Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tăng cường công tác quản lý nhà nước về tôn giáo; chủ động có kế hoạch lựa chọn nhân sự các tổ chức tôn giáo trước mỗi kỳ đại hội”. [21]
Ngày nào chính quyền còn cố tình lựa chọn nhân sự cho giáo hội, ngày đó Phật giáo sẽ không thể tự định đoạt tương lai của mình.Trong bài viết năm 2017, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, Tăng thống hiện nay của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, cho rằng cách vực dậy Phật giáo Việt Nam là phá sập đi để xây dựng lại cái mới. [22]
1. Tuổi Trẻ. (2022, April 14). Cựu trụ trì chùa lừa đảo 68 tỉ đồng “xin nhận tử hình”, tòa tuyên chung thân. https://tuoitre.vn/cuu-tru-tri-chua-lua-dao-68-ti-dong-xin-nhan-tu-hinh-toa-tuyen-chung-than-20220414174350102.htm
2. Zing News. (2022, July 8). Cựu trụ trì Chùa Nôm tham gia vụ cầm 2,2 triệu USD để chạy án. https://zingnews.vn/cuu-tru-tri-chua-nom-tham-gia-vu-cam-2-2-trieu-usd-de-chay-an-post1333864.html
3. Giáo dục và Thời đại. (2021, December 19). Bắt tạm giam nhà sư trong vụ giết người phi tang xác xuống sông Thạch Hãn. https://giaoducthoidai.vn/bat-tam-giam-nha-su-trong-vu-giet-nguoi-phi-tang-xac-xuong-song-thach-han-post573946.html
4. Ban Tôn giáo Chính phủ. (2021, November). Tài liệu bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ thông tin, tuyên truyền chính sách pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và công tác tín ngưỡng, tôn giáo. Trang 41. http://cms.btgcp.gov.vn/upload/documents/03_11_2021/tai-lieu-boi-duong-de-an-2021-11-03-16-41-27.pdf
5. Làng Mai. (2007, January 24). Lá thư Làng Mai số 30. Trang 10. http://langmai.org/wp-content/uploads/2017/09/LaThuLangMai30-2007.pdf
6. Làng Mai. (2008, February 4). Lá thư Làng Mai số 31. Trang 15. http://langmai.org/wp-content/uploads/2017/09/LaThuLangMai31-2008.pdf
7. Lê Tâm Đắc. (2012, February 22). Hoà Thượng Thích Tố Liên Với Sự Thành Lập Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam Năm 1951. Thư Viện Hoa Sen. https://thuvienhoasen.org/a14652/hoa-thuong-thich-to-lien-voi-su-thanh-lap-tong-hoi-phat-giao-viet-nam-nam-1951
8. Nguyễn Lang (Thích Nhất Hạnh). (2004). Việt Nam Phật giáo Sử luận. Trang 744. https://thuvienhoasen.org/images/file/3k6Xwp1G0QgQABk-/viet-nam-phat-giao-su-luan.pdf
9. Xem [6]. Trang 12.
10. Giáo hội Phật giáo Việt Nam. (2018, February). Những giải pháp đào tạo ở Học viện Phật giáo Nam tông Khmer. https://phatgiao.org.vn/nhung-giai-phap-dao-tao-o-hoc-vien-phat-giao-nam-tong-khmer-d29071.html#
11. Luật Khoa. (2020, March 8). Phật giáo miền Nam sau 30/4/1975: Khi các nhà sư vỡ mộng. https://www.luatkhoa.org/2020/03/mien-nam-sau-30-4-1975-khi-cac-nha-su-vo-mong
12. Luật Khoa. (2021, August 29). https://www.luatkhoa.org/2021/08/40-nam-thanh-lap-giao-hoi-phat-giao-viet-nam-4-van-de-giao-hoi-khong-muon-nhac-den/. https://www.luatkhoa.org/2021/08/40-nam-thanh-lap-giao-hoi-phat-giao-viet-nam-4-van-de-giao-hoi-khong-muon-nhac-den
13. Giáo hội Phật giáo Việt Nam. (2018a). Toàn văn Hiến chương mới nhất Giáo hội Phật giáo Việt Nam. https://phatgiao.org.vn/toan-van-hien-chuong-moi-nhat-giao-hoi-phat-giao-viet-nam-d32675.html
14. Xem [10].
15. Luật Khoa. (2021a, May 26). Phật giáo miền Nam 1992 – 1994: Cuộc phản kháng cuối cùng. https://www.luatkhoa.org/2021/05/phat-giao-mien-nam-1992-1994-cuoc-phan-khang-cuoi-cung
16. Luật Khoa. (2021b, June). Ban Tôn giáo Chính phủ lấn sân trong việc đào tạo chức sắc tôn giáo. https://www.luatkhoa.org/2021/06/ban-ton-giao-chinh-phu-lan-san-trong-viec-dao-tao-chuc-sac-ton-giao
17. Ban Tôn giáo Chính phủ. (2021, December 28). Thực trạng hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay – Những vấn đề cần quan tâm. https://web.archive.org/web/20220113035130/http%3A%2F%2Fbtgcp.gov.vn%2Ftin-hoat-dong-cua-ban-ton-giao-chinh-phu%2Fhoi-thao-ve-thuc-trang-hoat-dong-cua-giao-hoi-phat-giao-viet-nam-hien-nay-postL4QX8km0.html
18. Ban Tôn giáo Chính phủ. (2022, July). Hội thảo “Giáo hội Phật giáo Việt Nam 40 năm đồng hành cùng dân tộc.” https://web.archive.org/web/20220814043523/http://btgcp.gov.vn/tin-hoat-dong-cua-ban-ton-giao-chinh-phu/hoi-thao-giao-hoi-phat-giao-viet-nam-40-nam-dong-hanh-cung-dan-toc-postrpY6Q2qz.html
19. Tổng hội Phật giáo Việt Nam. (1956). Nguyệt san Phật giáo Việt Nam số 3 năm 1956. https://thuvienhoasen.org/a21829/tap-chi-phat-giao-viet-nam-nam-1956
20. Tuyên Giáo. (2022, May 27). Giáo hội Phật giáo Việt Nam vững vàng đường hướng dân tộc - đạo pháp - chủ nghĩa xã hội. https://web.archive.org/web/20220819033410/https://tuyengiao.vn/nghien-cuu/ly-luan/giao-hoi-phat-giao-viet-nam-vung-vang-duong-huong-dan-toc-dao-phap-chu-nghia-xa-hoi-132805
21. Báo Tin Tức. (2022, June). Tăng cường công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Web Archive. https://web.archive.org/web/20220804032138/https://baotintuc.vn/tho
22. Thư viện Hoa Sen. (2017, March). Định hướng tương lai với thế hệ tăng sĩ trẻ ngày nay. https://thuvienhoasen.org/a27487/dinh-huong-tuong-lai-voi-the-he-tang-si-tre-ngay-nay