‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Không làm nhà quá to, không phát rẫy quá rộng.
Ngày nay, người ta hầu như đi du lịch một cách vội vã, không có chiều sâu. Ngoài một số bức ảnh và hương vị một vài món ăn, người ta không còn biết gì nữa về vùng đất mình mới đến.
Bố mẹ không có ý thức tìm hiểu về điểm đến du lịch dẫn đến con cái cũng xem thường việc hiểu biết về những vùng đất xa lạ. Dần dà tạo ra một thế hệ thiếu hiểu biết về chính quê hương của mình. Điều này có gì nguy hiểm?
Người thiếu hiểu biết về đất nước của mình sẽ thấy lạc lõng, kém thích nghi với những vùng đất mới. Họ thiếu tự tin hoặc tự tin thái quá khi tiếp xúc với những cộng đồng dân cư xa lạ. Đó là ở mức độ cá nhân. Nếu đó là một quan chức nhà nước, sự thiếu hiểu biết sẽ gây nên những đổ vỡ, xung đột khốc liệt do thực thi những chính sách sai lầm.
Đứng trước một vùng đất mới, tôi thường hình dung nơi này của một trăm năm trước từng như thế nào. Người ta đã sinh sống ra sao, đã trải qua những biến cố gì? Những câu hỏi tưởng như đơn giản nhưng sẽ đem đến nhiều điều thú vị cho chuyến đi.
Nếu đến Kon Tum, “Người Ba-na ở Kon Tum” - với tựa gốc là “Mọi Kon Tum” - sẽ là một cuốn sách không thể thiếu trong hành lý của tôi. [1]
Cách đây 89 năm, một vị bác sĩ người Việt được chính quyền Pháp phái lên Kon Tum để trông nom một nhà thương. Sự tò mò đã khiến ông dùng thời gian nhàn rỗi của mình để nghiên cứu về một dân tộc bản địa mà người Việt khi ấy gần như biết rất ít ỏi.
Không lâu sau, vị bác sĩ gọi người em ruột của mình lên Kon Tum để cùng nghiên cứu. Người em đó hàng ngày đi vào các bản làng người Ba-na, cùng chơi, ăn, ở với người bản địa để thu thập tư liệu thực tế. Sau ba năm ròng rã như vậy, cuốn sách mang tựa đề nguyên bản “Mọi Kontum” của bác sĩ Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi được viết xong. Một năm sau, vào năm 1937, cuốn sách được phát hành tại Huế.
Công sứ tỉnh Kon Tum Paul Guilleminet đã đề tựa cho cuốn sách này. Vị công sứ đã khen ngợi hai anh em tác giả về sự dày công khám phá những điểm giống nhau giữa người Ba-na và người Việt với những chứng cứ xác thực.
Thời nay, người ta thậm chí còn dành nhiều định kiến cho các sắc tộc bản địa. Điều đó cũng xuất phát từ việc lười tìm hiểu, thích áp đặt định kiến. Nhưng nếu có ai đó muốn tìm hiểu về những sắc tộc bản địa ở Tây Nguyên để thoát khỏi định kiến của mình thì cuốn sách này thật phù hợp.
Đây là một cuốn sách mẫu mực về dân tộc học, nhưng bạn đừng vội lo rằng nó khô khan hay khó hiểu. Lật từng trang sách, bạn sẽ thấy cách truyền tải của tác giả rất lôi cuốn, như thể đưa bạn đi từng bước một vào những ngôi làng Ba-na sống động, đến với trái tim và tinh thần của tộc người bản địa này.
Nội dung chính của sách chỉ khoảng 160 trang, bạn có thể đọc xong cuốn sách chỉ trong một ngày. Sách được chia ra làm hai phần.
Phần thứ nhất giới thiệu chung về địa lý, dân cư, chính trị và kinh tế của tỉnh Kon Tum. Một trong những ấn tượng của tôi trong phần này là tác giả tường thuật lại việc người Việt đã bắt đầu sinh sống ở Kon Tum như thế nào.
“Ở trên Kon Tum, người Annam ta lên sinh cơ lập nghiệp đã 85 năm nay [khoảng năm 1848]. Đường rừng là nơi ma thiêng nước độc, có mấy ai dám mạo hiểm. Chỉ vì đời vua Tự Đức, Triều đình bắt đạo riết quá, có một nhóm người giáo dân theo các cha cố lên Kontum lánh nạn”.
Tác giả thuật lại về cách ăn mặc của những người Việt ở Kon Tum: “Người Huế vẫn ăn bận theo lối Huế, đàn bà thường bận áo mùi [áo màu], quần trắng, tóc vấn, đội nón Kinh. Người Bình Định thì bận áo quần lĩnh hay vải thâm, tóc búi, bịt khăn xéo, cột múi ra trước trán hay sau gáy, đội nón Gò Găng”.
Trong phần thứ hai, tác giả đưa người đọc vào thế giới sống động của người Ba-na vốn được tổ chức thành từng làng, “mỗi làng Bahnar là một tiểu quốc gia hoàn toàn độc lập, không phục tùng dưới quyền thống trị nào khác”.
Trong phần thứ hai này, bạn sẽ được chứng kiến những triết lý tín ngưỡng đặc sắc của người Ba-na như về các vị thần, nhờ thần chỉ chỗ để phát rẫy, giao tế với thần linh hay quan niệm của họ về sở hữu vật chất.
“Người Bahnar cũng tin số mạng như người Annam ta; họ gọi là ai hay là Pun ai… Bởi vậy cho nên người Bahnar không bao giờ làm một cái nhà quá to, phát một đám rẫy quá rộng; ông bà làm sao con cháu cứ làm vậy.”
Bạn cũng có thể ngạc nhiên khi biết rằng người Ba-na không có nhà tù, “hình phạt chỉ có hai phép này: pơsơru (bồi thường) và pơkra (tạ lỗi)”. Đó là luật tục của các sắc tộc Tây Nguyên mà người Pháp từng cho phép thành lập các tòa án phong tục dành riêng cho người Thượng.
Nội dung của phần thứ hai còn có các vấn đề khác được trình bày chi tiết như cách tổ chức đời sống của người Ba-na, nhiều chi tiết rất thú vị như cách họ đối xử với đầy tớ.
“Annam ta nuôi đầy tớ thì trăm công, nghìn việc đều giao cho nó cả. Người Bahnar thì không thế. Theo tục họ, công việc đàn ông, đàn bà khác nhau, đứa đầy tớ cũng được hưởng quyền phân chia ấy. Cho nên khi bà chủ đương vất vả nấu cơm nước trong bếp thì anh đầy tớ trai cứ việc chơi bời lêu lổng ngoài đường và chờ cơm chín về đánh chén.”
Bạn đọc cũng sẽ được tìm hiểu về hệ thống kinh tế tuy đơn sơ trông có vẻ nghèo khổ ấy nhưng lại rất bền vững, nương tựa vào thiên nhiên. Phần cuối cùng của cuốn sách là về các loại hình giải trí, nghệ thuật, các câu đố, các tiếng của người Ba-na được phiên dịch sang tiếng Việt.
Trước khi đọc sách, bạn đọc nên lưu ý rằng đây là một quyển sách mà khi xuất bản 89 năm trước, tác giả đã viết rằng: “Một điều phải nói ra đây ngay là phong tục kê cứu ở trong sách ‘Mọi Kontum’ này là tục lệ xưa của người Bahnar. Chớ ngày nay, chịu ảnh hưởng của người ngoại quốc nên ở xứ họ, về hình thức cũng như về tinh thần, họ đã cải cách nhiều ít.”.
Nhưng đó cũng chính là một điều thật giá trị. Từ lịch sử của Ba-na, chúng ta có thể lần mò về thời hiện tại, họ đã thay đổi như thế nào, trải qua những biến cố nào. Nhà xuất bản Trẻ đã tái bản cuốn sách này vào năm 2018, bạn đọc có thể tìm mua tại các nhà sách.
Nhân đây cũng xin giới thiệu một số bài viết trên Luật Khoa về đề tài Tây Nguyên đã thay đổi như thế nào trong gần một thế kỷ qua sau hàng loạt các biến cố chính trị:
1. Người Ba - Na Ở Kon Tum. Nxbtre.com.vn. https://www.nxbtre.com.vn/sach/nguoi-ba-na-o-kon-tum-44552.html