Amartya Sen và “Ý tưởng về công lý"

Công lý sẽ được thừa nhận thông qua quá trình luận lý.

Amartya Sen và “Ý tưởng về công lý"
Ảnh bìa sách: Amazon. Ảnh nền: Getty Images. Đồ họa: Luật Khoa.

“Hãy nghĩ đến việc bạn cho rằng công lý cần những yếu tố nào, và phán xét theo niềm tin của mình. Nhưng đừng bao giờ lý luận về nó.

Nhận định của bạn về công lý có thể đúng, nhưng lý luận của bạn về công lý bao giờ cũng sai.”

  • Lord Mansfield

***

Công lý (justice) là thuật ngữ mà loài người đi đâu cũng nghe thấy.

Và khi mà chúng ta nói rằng một thứ gì đó là bất công, là sai trái, chúng ta trước tiên phải có một ý niệm về công lý.

Nhưng công lý là gì?

Khi nói về công lý, chúng ta đang nói về công lý tự nhiên (natural justice), công lý thần thánh (divine justice), nơi mà khái niệm và quy chuẩn của công lý có tính phổ quát và được xây dựng dựa trên các giá trị và giáo điều tôn giáo?

Hay chúng ta đang nói về công lý xã hội (social justice), nơi mà công lý là một sản phẩm chung do một cộng đồng người tạo ra?

Hay chúng ta đang nói về công lý của John Rawls và hành trình tìm kiếm sự công bằng hoàn hảo tuyệt luân trong tác phẩm “Lý thuyết về công lý” (Theory of Justice), nơi mà ông cố tìm ra lời giải cho những câu hỏi như dàn xếp thể chế thế nào mới là công lý tuyệt đối, ai sở hữu thứ gì mới là công lý tuyệt đối?

Hay như câu nói của vị thẩm phán người Anh ở trên, chúng ta hãy ngừng bàn về công lý?

Đối với triết gia Ấn Độ Amartya Kumar Sen và tác phẩm lừng danh “Ý tưởng về công lý” (The Idea of Justice) của ông, tất cả những phương thức tiếp cận công lý trên đều không phải là cách tốt để hiểu về công lý. (Quyển này vẫn chưa được dịch và xuất bản tại Việt Nam.)

Theo Sen, công lý mà mọi người cần là công lý so sánh (comparative justice).

Chúng ta không cần biết điều gì là tốt nhất, xã hội nào là công bình nhất, hay mô hình sở hữu nào là hoàn hảo nhất. Thứ chúng ta cần biết hơn là, theo Sen, trong một hoàn cảnh phải lựa chọn, người ta có thể phân biệt điều gì tồi tệ hơn và điều gì tốt đẹp hơn. Với cách tiếp cận này, sự bất công tự thân có thể được giải quyết.

Nếu bạn là một fan của John Rawls, đây là điểm trước tiên và quan trọng nhất chúng ta có thể so sánh Rawls và Sen trong lý thuyết về công lý của họ.

Rawls đặt trọng tâm của công lý vào “primary goods” - những nhu yếu phẩm cơ bản (bao gồm vật chất lẫn phi vật chất). Đây là những thứ mà con người nào cũng mong muốn, và ngược lại, tất cả chúng đều mang lại lợi ích cho con người. Đối với Rawls, thành quả công bằng sẽ là nền tảng của công lý.

Ngược lại, công lý của Sen được xây dựng dựa trên lý trí và lý luận. Ông phân tích rằng một mô hình xã hội công bằng và hạnh phúc là nơi mà con người có lý do để trân trọng cuộc sống mà họ đang có. Phân chia bình đẳng những nhu yếu phẩm không chắc chắn tạo ra những lý do này. Sen nhấn mạnh là mỗi người có một quan niệm riêng về thế nào là đời sống tốt, và một chính quyền không nhất thiết phải tuyên truyền hay dạy bảo cho họ rằng cuộc sống phải có những thành tố nào mới gọi là tốt.

Chừng nào con người còn được quyền lựa chọn một cuộc sống mà bằng luận lý có thể chứng minh được là bình đẳng và tốt đẹp hơn thì đó chính là nền tảng của công lý.

***

Hiểu được cách tiếp cận tổng quát của Amartya Kumar Sen về công lý và vai trò của công lý, chúng ta có thể đi sâu vào phân tích nội dung của “Ý tưởng về công lý”.

Cuốn sách này là một công trình lớn với nội hàm bao phủ gần như toàn bộ các khái niệm lõi của triết học - chính trị hiện đại.

Trong đó, Sen nói về nhiều thứ từ luận lý (reasoning) cho đến sự khách quan (objectivity); từ định chế (institution) đến cá thể (individual); từ tự do (freedom) đến hạnh phúc; hay là năng lực luận lý (capabilities) - một trong những khái niệm chủ chốt của Sen về công lý. Nếu bạn đang có rất nhiều thắc mắc về rất nhiều vấn đề tổng quan của các khái niệm trong triết học và mối liên hệ của chúng với khái niệm công lý nói chung, bạn có thể cảm thấy thỏa mãn khi đọc “Ý tưởng về công lý”.

Nhưng với tất cả những khái niệm được cân nhắc đó, cái gốc của công lý theo Sen là gì? Theo người viết, Sen nhấn mạnh nhất về khả năng luận lý của con người. Ông nhấn mạnh khái niệm này như là cái gốc để hiểu công lý:

  • “Luận lý đóng vai trò trung tâm trong việc hiểu về công lý…”;
  • “Quá trình luận lý công cộng [public reasoning] không bị kiểm soát hay giới hạn có vai trò trung tâm không chỉ trong nền chính trị dân chủ, mà còn đóng vai trò chủ đạo trong việc theo đuổi công bình xã hội”;
  • “Khi mà chúng ta đang cân nhắc rằng làm thế nào để công lý có thể được thực thi trong xã hội, thứ cơ bản nhất chúng ta cần là luận lý tập thể, luận lý công cộng.”

Theo đuổi nền tảng này, có thể thấy dù Sen còn rất nhiều khác biệt với Rawls, ông vẫn xây dựng lý thuyết về công lý của mình dựa trên các học thuyết triết học - chính trị tự do (liberal theories), với nền tảng là tự do ngôn luận, tự do cá nhân, và sự đối thoại.

Như vậy, đối với Sen, công lý không nhất thiết là việc chia sẻ đồng đều các nhu yếu phẩm kinh tế - xã hội cơ bản nhất; công lý cũng không nhất thiết là xây dựng một mô hình tư sản - công sản hoàn hảo; công lý tự thân nó được xây dựng trong quá trình thảo luận.

Song nói đi cũng phải nói lại, thảo luận tự do bao giờ cũng sẽ tạo không gian cho những lý luận có phần phản động, phản phát triển, và độc hại. Vậy chúng ta giải quyết câu chuyện đó như thế nào?

Theo Sen, luận lý xấu sẽ luôn xuất hiện, bất kể bạn có theo đuổi mô hình công lý tuyệt luân đơn nhất như Rawls hay Marx hay không. Vấn đề ở chỗ là, trong quá trình luận lý công khai - bình đẳng, các ý tưởng xấu đều dần bị loại trừ.

Cánh đàn ông có thể phản đối quyền bỏ phiếu của phụ nữ, viện dẫn những lý do riêng của họ để ngăn cản phụ nữ tham gia các không gian văn hóa - kinh tế - chính trị; nhưng Sen cũng chỉ ra rằng nếu thảo luận những vấn đề này một cách tự do, những luận lý phân biệt đối xử dành cho phụ nữ chắc chắn sẽ nhanh chóng mất hoàn toàn tính chính danh của nó. Không ai có thể ủng hộ chúng một cách công khai mà thật sự nghĩ rằng mình đúng cả.

Công lý, theo Sen, tự thân sẽ được thừa nhận thông qua quá trình luận lý.

Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc Amartya Sen có cách tiếp cận rất tương đối về công lý (relative approach). Một phán quyết về công lý cần cân nhắc và tổng hòa mọi diễn ngôn, luận lý, cũng như các quan ngại xã hội khác. Ông từ đó phân tích là, khi đã cân nhắc mọi góc độ, loài người có thể không thể xây dựng một thứ công lý phổ quát tuyệt đối, nhưng chắc chắn chúng ta có thể xây dựng nên một thế giới bớt bất công hơn.

***

Mặc dù chúng ta có thể không hài lòng khi các lý thuyết gia phương Tây chiếm diễn đàn, vẫn có điều gì đó không được thỏa mãn lắm với kết luận về công lý của Sen.

Cuối cùng công lý là gì?

May mắn là trong quyển sách, chúng ta sẽ tìm được một vài ví dụ về cách mà Sen lý giải năng lực luận lý (capabilities) và quá trình tham gia vào thảo luận công lý của các chủ thể.

Ví dụ, Sen nhắc về chính sách trợ giá của chính phủ Ấn Độ dành cho các nhà sản xuất lương thực, thực phẩm. Chính sách này được xây dựng nhằm cho phép chính phủ Ấn Độ mua một lượng lớn sản phẩm thừa từ các nhà sản xuất đơn lẻ và duy trì giá trị nông sản, lương thực trên thị trường. Song điều này dẫn đến việc một lượng lớn nông sản bị mục rữa vì không có người tiêu thụ. Chính sách như vậy thì thật là phí phạm và không đúng với công lý của một mô hình tư hữu kinh điển.

Tuy nhiên, Sen cũng nhắc lại rằng, chính sách trên trước tiên là nhằm tạo ra không gian và vị trí chính trị cân bằng cho các nhà sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, hộ gia đình để họ có thể tiếp tục tham gia vào quá trình luận lý công cộng của sản xuất lương thực thực phẩm.

Trong giai đoạn trước đó, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em là vô cùng cao, còn các bà mẹ thì đều gặp chứng thiếu máu nặng. Một phần của hiện tượng này là bởi vì không gian sản xuất lương thực bị kiểm soát và thống trị bởi các nhà sản xuất lớn, với tư liệu sản xuất bài bản hơn và những liên hiệp chính trị ổn định hơn các cơ sở còn lại.

Không có lực lượng nông dân nhỏ lẻ (nhưng tương đối đông đảo) tham gia vào thị trường lương thực, thị trường này có khả năng bị khống chế và kiểm soát giá bởi các nhà sản xuất lớn, và từ đó là hệ luỵ dành cho toàn bộ xã hội.

Tuy nhiên, khác với các lý thuyết công lý khác - như của các nhà Marxists, cho rằng giới tư bản sản xuất lương thực, thực phẩm bóc lột, chiếm dụng sức lao động cũng như thâu tóm thị trường, và từ đó kêu gọi việc quốc hữu đất, quốc hữu tư liệu sản xuất để tạo nên một xã hội công bằng tuyệt luân - Sen nhấn mạnh đến một giải pháp lâu dài hơn.

Theo ông, đó là nhà nước thay vì can thiệp vào cơ cấu tài sản và sở hữu bằng vũ lực thì tạo điều kiện cho giới làm nông nhỏ lẻ tham gia vào quá trình luận lý công cộng, tức hỗ trợ để họ tiếp tục ở lại thị trường.

Nhờ vậy, sản phẩm trên thị trường tiếp tục dồi dào, cộng đồng có thể hiểu hơn về những khó khăn của các nhà sản xuất nhỏ lẻ, bản thân người làm nông có thể có cơ hội và nguồn vốn để tiếp tục cải tiến, duy trì sản xuất, tìm ra thị trường ngách, từ đó dùng tiếng nói của mình thay đổi cấu trúc thị trường trong tương lai.

Công lý so sánh của Sen thú vị ở những ví dụ như vậy.

Đọc thêm:

3 điều cần làm rõ về “chủ nghĩa xã hội” trước khi dán nhãn người khác
Đóng thuế nhiều? Chủ nghĩa xã hội! Đất nước có an sinh, phúc lợi tốt? Chủ nghĩa xã hội! Các quốc gia Bắc Âu? Chủ nghĩa xã hội! Ngày nay, ta dễ dàng bắt gặp những quy chụp giản tiện trên trong các cuộc thảo luận chính trị. Không biết vô tình hay hữu ý, […]

Bạn có thể mua quyển “The Idea of Justice” bản tiếng Anh tại đây. Luật Khoa được hưởng chiết khấu nếu bạn mua sách từ link của Amazon theo chương trình Amazon Associates.

Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.

Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.