Quyền riêng tư và “tôi chả có gì để giấu"

Nếu chẳng có gì để giấu thì ta sẽ hành xử thế nào nếu luôn luôn có ai đó theo dõi?

Quyền riêng tư và “tôi chả có gì để giấu"
Ảnh bìa sách: Amazon. Ảnh nền: Canva. Đồ họa: Luật Khoa.

“Tôi chả có gì để giấu.”

“Chắc có gì mờ ám nên mới giấu giấu diếm diếm như thế chứ.”

Ta thường nghe những lời như vậy cả ngoài đời lẫn trên mạng từ những người dường như xem nhẹ cả cái “gì" của mình lẫn cái “gì" của người khác, nhất là khi chính quyền đang tìm cách đi vào không gian riêng tư thiêng liêng của mỗi cá nhân. Kỳ thực thì từ người nói cho tới người nghe chẳng ai tin vào những lời lẽ như vậy.

Cái lối nói có phần nông nổi đó dựa trên một giả định rằng phàm phải là cái gì đó xấu xa, phạm pháp thì người ta mới phải giấu; và rằng một khi đã phải giấu thì có nghĩa là nó xấu xa, phạm pháp.

Nhưng cuộc sống hoàn toàn không phải như vậy.

Cuốn sách “Privacy: A very short introduction” của nhà xuất bản Đại học Oxford có thể giúp ta hình dung một cách có hệ thống và căn bản về cái quyền được giấu, hay cái quyền không bị đụng đến của mỗi cá nhân.

Tựa đề cuốn sách này có thể được dịch thành “Nhập môn về riêng tư". Nó nằm trong bộ sách nhập môn nổi tiếng của Oxford mà một số nhà xuất bản ở ta đã dịch và xuất bản. Tiếc rằng bản dịch tiếng Việt cuốn về riêng tư này chưa xuất hiện trên thị trường.

Cuốn sách này sẽ cho ta thấy rằng mỗi cá nhân đều có những thứ muốn giấu chẳng phải vì điều gì xấu xa hay sai trái, mà vì đơn giản rằng đó không phải là việc để phơi ra, và nếu phơi bày những thứ đó ra thì người ta không thể trở thành một con người trọn vẹn nữa, không sống một cuộc sống đúng nghĩa nữa.

Mà thực ra có cần phải đọc cuốn sách này mới biết rằng trong không gian riêng tư ta thực sự được là chính mình hay không?

Không, hoàn toàn không cần. Ai mà chẳng biết chuyện đó.

Tác giả cuốn sách - giáo sư luật Raymond Wacks của Đại học Hong Kong - điểm lại những luồng tư tưởng nổi bật trong lĩnh vực quyền riêng tư từ xưa tới nay để giúp chúng ta có một góc nhìn có tính hệ thống hơn, có tính khái quát hơn về những điều dường như chúng ta đều thấy hàng ngày.

Với những ai không coi trọng quyền riêng tư, ông dẫn lời học giả Alan Westin - người được cho là cha đẻ của luật học hiện đại về quyền riêng tư - cho rằng quyền riêng tư có bốn chức năng trong cuộc sống một con người.

Thứ nhất, nó giúp mỗi người có sự tự trị cá nhân riêng của mình, làm những gì mình muốn - hay thậm chí là không làm gì cả - mà không phải cho ai biết, không phải giải thích hay giải trình với ai là tại sao ta lại hành xử như vậy. Chẳng hạn, bạn muốn đi ngủ lúc 5:00 sáng và thức dậy lúc 12:00 trưa, hay bạn muốn độc thân thay vì lập gia đình, hay bạn muốn thờ Chúa thay vì thờ Phật. Sự riêng tư tạo điều kiện cho chúng ta được thoải mái theo đuổi sở thích và nhu cầu cá nhân mà không ai được quyền chất vấn hay can thiệp, và ta có thể chia sẻ hay không chia sẻ những thông tin này theo cách mà ta muốn.

Thứ hai, quyền riêng tư giúp chúng ta giải tỏa cảm xúc. Có những loại cảm xúc ta không thể thể hiện với người khác được, nhưng trong một điều kiện đủ riêng tư, ta có thể khóc vì người yêu cũ đi lấy vợ/ lấy chồng, vui vì kẻ thù của ta đại bại, hay giận dữ với đầu việc sếp mới giao vào nửa đêm. Trong không gian riêng tư đó, ta được là chính mình về mặt cảm xúc mà không cần đeo chiếc mặt nạ ta thường đeo trong các mối quan hệ xã hội nữa.

Thứ ba, quyền riêng tư giúp mỗi cá nhân được thể nghiệm những hoạt động, rút kinh nghiệm và ra quyết định cho bản thân. Thường ta không thể suy ngẫm đến nơi đến chốn nếu không được riêng tư và liên tục bị người khác soi mói, phán xét, áp đặt. Đó có thể là việc được ở một mình để ngẫm nghĩ về một thất bại mới qua, hay việc lên kế hoạch cho tương lai.

Thứ tư, quyền riêng tư giúp chúng ta chia sẻ những điều thầm kín với những người mà ta tin tưởng, thông qua nói chuyện riêng tư hay thư từ. Nếu chúng ta thực sự không có gì để giấu thì tại sao thư tay phải dán phong bì, còn hộp thư điện tử lại phải có mật khẩu?

Sách sẽ có một trích đoạn dẫn người đọc tới một câu hỏi thú vị: nếu chẳng có gì để giấu thì ta sẽ hành xử thế nào nếu luôn luôn có ai đó theo dõi?

Cũng trong cuốn sách này, tác giả đưa ta về với những thảo luận pháp lý đầu tiên về quyền riêng tư, xuất phát từ tạp chí luật học lừng danh Harvard Law Review của Đại học Harvard vào cuối thế kỷ 19, khi hãng Kodak mới ra đời và các sản phẩm máy ảnh của họ bắt đầu đe dọa sự riêng tư của các cá nhân; và rồi tác giả cũng sẽ bàn đến những thách thức thời đại mới với công nghệ thông tin và mối đe dọa của nó đối với dữ liệu cá nhân.

Nói đến dữ liệu cá nhân, nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về vấn đề này và những vấn đề pháp lý, chính trị xoay quanh nó, bạn cũng có thể đọc số báo tháng Chín của Luật Khoa tạp chí, với những sản phẩm nội dung công phu về đề tài còn khá mới mẻ này ở Việt Nam.

***

Bạn có thể mua quyển “Privacy: A Very Short Introduction” bản tiếng Anh tại đây. Luật Khoa được hưởng chiết khấu nếu bạn mua sách từ link của Amazon theo chương trình Amazon Associates.

Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.

Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.